Xăng vẫn thiếu dù Chính phủ đã nhiều lần họp, chỉ đạo và ban hành nghị quyết

Link Video: https://youtu.be/vpI4qCrRFbA

Tối 11/11, sau cuộc họp khẩn về tình trạng thiếu xăng dầu trầm trọng hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký công điện yêu cầu Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về tình trạng xăng dầu. Bộ phải chỉ đạo các thương nhân đầu mối cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường và triển khai quyết liệt các biện pháp khác để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu ngay từ ngày 12/11.

Trước đó, ngày 8/11 Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của các hoanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Cung cấp đủ vốn và kịp thời cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

Không rõ Bộ Công thương và các ngân hàng thương mại đã chấp hành lệnh của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như thế nào, nhưng ngày 12/11, khắp nơi vẫn thiếu xăng dầu. Thậm chí tình trạng còn có vẻ tồi tệ hơn, khi mà ngay một số cây xăng của Petrolimex cũng treo biển “hết xăng, còn dầu”. Cho dù trước đó người dân đã được nghe một số cam kết đại loại như “Petrolimex sẽ phục vụ 24/24h và sẽ cung ứng đủ xăng dầu cho người dân”.

Có thể thấy các chỉ đạo của Phó Thủ tướng và của Ngân hàng nhà nước là quá duy ý chí và áp đặt. Và cái lệnh “phải cấp đủ xăng cho thị trường” lại làm nhiều người liên tưởng đến cái lệnh “hết tiền thì in ra, in ra” của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi xưa.

Lệnh cho các ngân hàng thương mại phải cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vay tiền, mà ở đây sẽ có một lượng lớn tiền là ngoại tệ, như vậy chắc chắn sẽ phải giảm nhẹ điều kiện cho vay. Vậy đến khi các doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, không trả được nợ thì ai là người sẽ gánh chịu hậu quả đó? Chúng ta đã từng biết đến trường hợp của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, tuy được đầu tư rất nhiều và nhận được rất nhiều ưu đãi siêu khủng, nhưng trong vòng ba năm, họ đã lỗ đến 61.200 tỷ đồng. Chưa kể đến liệu các ngân hàng thương mại có còn ngoại tệ để cho vay nữa hay không.

Hình: Nhiều cây xăng vẫn thường xuyên trong tình trạng hết hàng ngưng phục vụ

Bình luận về vấn đề này, Facebooker Nguyễn Đăng Hải viết: “Giờ là ép bán chỉ định ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu. Khổ mấy anh giám đốc ngân hàng. Anh em biết phải làm gì rồi đấy.”

Facebooker Nguyễn Thùy Dương thì cảm thán: “Muốn không khổ sở đi đổ xăng rồi lại hết xăng cạn dầu ở cây xăng thì phải giải quyết các nút thắt khiến cây xăng tư nhân không thể tiếp cận nguồn hàng. Việc ngồi và ra lệnh không thể biến gạo thành cơm, không thể biến nước dơ thành nước sạch, không thể khiến thuốc đầy kho và xăng đầy bình của dân được.”

Facebooker Nguyễn Tâm lại hài hước: “Từ ngày xăng khan hiếm tình hình trộm xe máy giảm hẳn. Ủng hộ anh Diên.”

Ở một số cây xăng, khách hàng không được phép lựa chọn loại xăng. Vì cả một cây xăng lớn có đến 6-7 trụ xăng, nhưng bên bán chỉ cho khách đổ tại một hai trụ. Mỗi trụ chỉ có một nhân viên bán xăng. Trong khi đó luôn luôn có hàng chục người xếp hàng chờ đợi cả một hàng dài, người đến lượt đổ xăng chỉ kịp mở nắp bình xăng và nói số lượng xăng muốn đổ, nào còn có thời gian để kén chọn loại xăng, mà có nói cũng chẳng ai nghe. Ai cũng chỉ muốn thoát khỏi cái không gian chật hẹp, chen chúc và nồng nặc mùi xăng, mùi của đám đông. Và ai cũng hiểu, phía sau mình còn cả một hàng dài chờ đợi… Ngay cả những người khó tính nhất cũng đột nhiên trở nên dễ dãi. Vậy là, trong cây xăng, nhân viên bán xăng chính là ông trời, cho gì được nấy, không ai đòi hỏi, không ai phản ứng, không ai than vãn…

So với những ngày đầu mới thiếu xăng, các cây xăng cục gạch vẫn tồn tại nhưng khá kín đáo, không còn tình trạng công khai bày chai, bình xăng ra vỉa hè, mà chỉ sử dụng những “tín hiệu” như để một cái chai (loại thường dùng để đựng xăng dầu) trên vỉa hè. Khách tinh ý nhìn thấy tấp vào thì sẽ có xăng bán. Tuy giá xăng vỉa hè khá đắt và không phải loại ưa dùng, nhưng vì lo ngại không đến được cây xăng có bán nên nhiều người vẫn chấp nhận đổ xăng vỉa hè với tâm lý chung “có là may rồi”, hoặc do xe họ đã hết xăng nên buộc phải đổ.

Chưa rõ những ngày tiếp theo Bộ Công thương sẽ có những biện pháp gì để giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu hiện nay, nhưng khủng hoảng thiếu này chắc chắn sẽ không thể giải quyết sớm trong một vài ngày. Nhiều người đã nghĩ đến việc sắm cho mình một chiếc xe đạp.

Quốc Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> “Vọc” thuốc nổ, Phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái vào tù. Yên Bái, quan chức thích dùng “hàng nóng”?

>>> Niềm tin tan vỡ – dân trữ vàng, kinh tế tê liệt, những hệ lụy nào sẽ xảy ra tiếp theo?

>>> Tung cú tát trời giáng vào du học sinh, ông Nguyễn Kim Sơn tính làm gì?

Những nạn nhân của SCB – viễn cảnh nào cho họ – “thương quá dân mình”


Kasse animation 7.8.2023