Không có tự do, dân chủ thực sự sẽ không có được nhân tài

Link Video: https://youtu.be/HtX6SBT8bRIv

Thủ tướng Việt Nam mới đây cho rằng muốn có cán bộ giỏi phải tổ chức thi tuyển. Ông Phạm Minh Chính phát biểu như vừa nêu khi tham dự Hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội hôm 12/1/2022.

Ông Chính cho rằng người tài quan trọng nhất là phải có tư duy, phương pháp luận tốt, họ có thể học ngành này làm ngành kia, nhưng vẫn tiếp cận rất nhanh.

Theo ông, những người tài chỉ làm việc một vài năm, nhưng hiệu quả công việc đã bằng người khác làm 10 năm. Ông Chính cho biết thêm: ‘thi tuyển đã được cha ông đặt ra từ rất lâu và thế giới cũng đang thực hiện’.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 14/1 cho rằng, nếu cán bộ lãnh đạo do Đảng lựa chọn thì rất khó có được cán bộ giỏi dù cho là bằng bầu cử hay thi tuyển, vì rằng tiêu chuẩn số một là lòng trung thành với Đảng, với Mác Lê.

Những người giỏi chân chính thường không có lòng trung thành ấy lại hay có ý kiến phản biện, họ đã bị loại ngay từ vòng đầu. Ông nói tiếp:

Thủ tướng đề cao việc thi tuyển. Nó là cần, nhưng là công việc cuối cùng. Phải có nhiều người giỏi đã mới có nguồn để tuyển chọn. Người giỏi trước hết là do Trời sinh ra, rồi có môi trường thuận lợi để phát triển. Môi trường tốt là tự do dân chủ.

Vậy để có nhiều người giỏi cho Đảng lựa chọn thì trước hết phải tạo ra môi trường tự do, quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do phản biện và phải bỏ tiêu chuẩn trung thành với lý tưởng của Đảng trong lựa chọn.

Bóp nghẹt tự do tư tưởng, tạo ra dân chủ giả hiệu thì chỉ vùi dập nhân tài, tiêu chuẩn trung thành chỉ nhằm loại bỏ nhân tài.

Đường lối cán bộ của ĐCSVN phạm một số sai lầm về phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học.

Theo đường lối đó dù có tổ chức thi tuyển kiểu nào cũng chủ yếu chọn được bọn người cơ hội.”

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy… nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trong một bộ máy cồng kềnh, gồm ba lực lượng Đảng, Chính quyền, Mặt trận… chồng chéo , dẫm đạp lên nhau thì tinh gọn được chỗ này lại phình ra chỗ khác mà thôi.

Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị của ngành Nội vụ sáng 12/1

Vì vậy Giáo sư Cống cho rằng, trước hết cần tinh gọn cơ cấu, như vậy sẽ có hiệu quả hơn nhiều.

Luật Cán bộ, công chức Việt Nam năm 2008 quy định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Nhà nước hay của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lâu nay Việt Nam vẫn tổ chức các kỳ thi tuyển công chức thường kỳ… Nhưng vì sao vẫn không tuyển được người tài như lời ông Nguyễn Minh Chính?

Trả lời RFA hôm 14/1 từ Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận định:

Thi công chức cũng là một việc tuyển cán bộ cho Nhà nước, việc thi đặt ra thì tôi cho là đúng hướng.

Nhưng thực thi của nó thì tôi cũng nghe ý kiến từ nhiều nơi, thậm chí người ta có thể tiết lộ đầu bài, hay chăn dắt trước theo kênh này kênh khác chẳng hạn, để tuyển dụng được người nhà vào… Nhiều ý kiến phản ảnh đến tai, là chuyện ấy vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi.

Thành ra mặc dù đã chính thức có cuộc thi tuyển công chức, thậm chí cấp Vụ Trưởng, Vụ Phó cũng có thi tuyển…. những cũng có nhiều nơi thi không nghiêm túc, chấm trước rồi mới đặt ra câu hỏi, rồi mới đưa vào hội đồng… Nói chung là độ minh bạch còn thiếu.”

Thế nhưng theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, điều quan trọng hơn ngoài chuyện thi tuyển thì lương công chức phải tử tế hơn. Chứ lương công chức như hiện nay thì theo ông Võ là không thể làm giỏi được.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ – Văn Tất Thu khi trả lời báo chí trong nước cũng cho rằng, chừng nào đội ngũ cán bộ công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, khi đó chính phủ Hà Nội mới kỳ vọng có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, văn hóa công vụ, đạo đức công chức…

Ảnh: báo Dân trí vẽ mô hình cả họ làm quan ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải dương. Chuyện cả họ làm quan kiểu này ở VN không hiếm, ví dụ như cả họ nhà ông bí thư Triệu Tài Vinh, tỉnh Hà giang đều chia nhau các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhận định trên báo nhà nước rằng, tiền lương không phải nguồn thu nhập chính của cán bộ công chức, bổng nhiều hơn lương.

Ông Thạo cũng cho rằng nhiều người thích vào công chức nhà nước vì có phần ngoài lương; còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào.

Nếu chỉ với đồng lương thực nhận, thì liệu giới lãnh đạo Việt Nam có thể có cơ ngơi như mọi người trông thấy, hay con cái họ liệu có thể có tiền để đi du học tại nước ngoài hay sống cuộc đời ‘vương giả’?

Trong khi việc tổ chức thi tuyển công chức được cho là còn nhiều kẽ hở thì việc đào tạo nâng cao trình độ công chức cũng còn nhiều bất cập.

Liên quan vụ bê bối trường Đại học Đông Đô cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều cán bộ công chức nhà nước cũng đã tham gia mua bằng giả.

Đáng chú ý, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.

Nhiều người cho rằng, Bộ Nội vụ nên thay đổi cách tuyển dụng công chức và cần xem lại thay vì đào tạo tiến sĩ cho công chức thì công chức nên học chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công…

Ảnh: nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường biểu tình vì bị nợ lương suốt 8 tháng

Hầu hết các quán quân Olympia đều du học rồi ở lại nước ngoài chứ không trở về nước làm việc vì sao?

Mỗi khi kết thúc trận chung kết đường lên đỉnh Olympia lại dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội về việc khi đi du học rồi các nhà vô địch Olympia có trở về nước để làm việc, đóng góp cho đất nước hay không?

Điều này xuất phát từ thực tế hầu hết quán quân sau khi nhận học bổng, sang Australia học tập đều chọn ở lại đất nước này sinh sống, làm việc. Hiện chỉ có 3 quán quân Olympia trở về nước sau khi đi du học. Đó là Lương Phương Thảo (năm 3), Lê Viết Hà (năm 7) và Nguyễn Trọng Nhân (năm 14).

Chia sẻ về lý do chọn nước Úc, một số quán quân Đường lên đỉnh Olympia cho rằng, cơ hội việc làm cũng như ứng dụng những điều đã học tập tại Úc vào thực tiễn ở Việt Nam rất khác biệt. Thậm chí một số ngành nghề ở Việt Nam cũng ít có…

So sánh giữa hai nền giáo dục, Phan Đăng Nhật Minh (quán quân năm 2017) cho biết, hệ thống giáo dục giữa Việt Nam và Úc khá khác biệt. Nếu như có về Việt Nam thì khó có thể sử dụng được các phương pháp giảng dạy đã học được ở Úc để giảng dạy tại Việt Nam. Nhật Minh cũng bày tỏ quan điểm, không nhất thiết phải trở về Việt Nam mới có thể đóng góp cho đất nước.

Phan Đăng Nhật Minh (quán quân năm 2017) cho biết, hệ thống giáo dục giữa Việt Nam và Úc khá khác biệt.

Trên thực tế, với mỗi nhà quán quân Đường lên đỉnh Olympia, lựa chọn nước Úc để làm việc chắc hẳn đều có lý do riêng và cũng không ít người thẳng thắn nói về triển vọng nghề nghiệp, cơ hội trong công việc cũng như ứng dụng những điều đã học…

Ngoài việc lương thưởng thấp, nhiều người không về nước vì khó phù hợp với điều kiện làm việc, phát triển tài năng.

Ảnh: cuộc thị đường lên đỉnh Olympia tổ chức nhiều năm ở Việt nam

Thậm chí, đã có nhiều cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài về nước mong muốn làm việc cũng thi trượt công chức. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ đã quá lạc hậu, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Lý giải về tình trạng này, nhà báo Nguyễn Như Mai cho biết:

Đối với những người có tri thức, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thì họ  muốn ở lại không chỉ vì đời sống vật chất. Họ còn có một thực tế phải đối măt khi về nước, đó là phải chạy chọt xin việc, phải va đập vào những thủ tục phức tạp, phải lo lót “đầu tiên”- tiền đâu. Mà nhiều khi vẫn thất nghiệp.

Xin được việc làm rồi, họ lại không thể phát huy được sở học. Bởi làm giảng dạy, làm khoa học thì thiếu thiết bị, thiếu môi trường khoa học, lại bị chèn ép, kèn cựa, “cá mè một lứa”…

Làm trong cơ quan thì bị các thủ trưởng thiếu tri thức sử dụng vào những việc chẳng cần đến những điều đã học. Rồi sống mòn với nếp sống sáng cắp cặp đi, tối cắp về… Họ e ngại tất cả những mơ ước, hoài bão đều dần bị thui chột.

Đấy là chưa kể về nước, lương lậu có thể không tương xứng với cống hiến, thậm chí không nuôi được mình và gia đình….

Thêm một điều nữa, chỉ những người đã học ở nước ngoài mới dám nói: Ở nước ngoài họ được sống thực với mình, dám nói điều mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của mình, hoặc phải lựa chiều nói dối, không thực lòng. Đâm ra họ sợ.

Vậy thử hỏi, nếu bạn là người như họ, là người trong cuộc, thì bạn quyết định như thế nào? Xin đừng nên trách họ là được hưởng ưu ái nọ kia mà không yêu nước, là chỉ muốn hưởng thụ…

Xin nói là, họ biết rất rõ, muốn sống ở nước ngoài cũng không dễ đâu, phải lao động thực sự, phải có tài, chứ không thể dựa vào chạy chọt, dựa dẫm được đâu. Chỉ trừ ra những con nhà đại gia, con quan tham có tiền để ra nước ngoài sống cuộc sống hưởng thụ do tiền của dư thừa mà thôi.”

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Hai scandal liên tiếp: Cổ phiếu FLC của Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh ‘bỏ cọc’

>>> Để cứu nhân viên ‘bị bỏ đói’, bệnh viện Tuệ Tĩnh xin Bộ Y tế tạm ứng 10 tỉ đồng

>>> Chuyện gì đang xảy ra với “giới siêu giàu”?

Biên giới Việt-Trung: Hết chặn cửa khẩu đến ‘ném đá’, Trung Quốc đang làm gì với Việt Nam?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023