Văn hóa Việt Nam đi về đâu?

Link Video: https://youtu.be/3McLTdOrjGw

Hôm 24-11, phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tập trung, quyết liệt thực hiện các biện pháp chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là Hội nghị văn hóa lần thứ 2, sau 75 năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 tới nay mới có một hội nghị có tầm vóc tương tự.

Dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng bí thư cho rằng, lâu nay, vị trí của văn hóa chưa được nhận thức đầy đủ. “Văn hóa nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn”, ông nhấn mạnh.

Trên mạng xã hội, các nhà phản biện xã hội, nhà văn, nhà báo nêu quan điểm về văn hóa Việt nam hiện nay với góc nhìn khác biệt.

Trên một bài viết đăng trên BBC Tiếng Việt, nhà văn Đoàn Bảo Châu cho rằng, bao hội nghị được tổ chức cũng sẽ rơi vào quên lãng nhạt nhoà nếu không làm được một bước đơn giản đầu tiên là có được văn hoá nói thẳng, nói thật.

Ông viết: Nhân đang có hội nghị và các vị lãnh đạo cấp cao nhất nói nhiều về văn hoá nên tôi cũng muốn góp mấy câu.

Văn hoá là một khái niệm bao trùm kiến thức, truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, cách ứng xử, thói quen của một người, một nhóm người hay của một đất nước.

Tôi thấy cách các vị bàn về văn hoá cũng giống như việc xác định vào năm 2045 Việt Nam sẽ hoàn thiện lý luận về CNXH vậy.

Tức là nó không có giá trị thực tiễn với đất nước và người dân.

Muốn tạo ra được giá trị thực tiễn thì cần có một cái nhìn thẳng thắn trước mọi góc độ của chủ đề nêu ra.

Tránh hô khẩu hiệu và không cần nhắc lại những định nghĩa và phương hướng quá xa của văn hoá.

Ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng hôm 24-11

Ta đang ở đâu?

Cái nhìn thẳng thắn là cần thiết để biết ta đang ở đâu và muốn biết ta ở đâu thì cần so sánh với mặt bằng nhân loại.

Tại sao một đất nước được gọi là văn hiến, với mấy nghìn năm lịch sử mà những đóng góp về khoa học, công nghệ, văn học nghệ thuật với văn hoá chung của nhân loại lại mờ nhạt đến vậy?

Có vị nhạc sỹ thì rên rỉ về việc thế hệ trẻ yêu nhạc Hàn, phim Hàn, phim Trung Quốc, truyện tranh Nhật và chẳng để ý tới phim, truyện, âm nhạc hay văn hoá truyền thống của Việt Nam.

Sự rên rỉ ấy chẳng đóng góp gì cho đất nước cả.

Mấy nét văn hoá phổ biến

Tôi thấy mấy nét văn hoá đang thịnh hành ở Việt Nam để các vị tham khảo:

Văn hoá “mộng mơ” phi lý. Việt Nam chưa bao giờ mạnh về triết học, về lý luận chủ nghĩa này nọ.

Vậy tại sao các vị khẳng định dám khẳng định sẽ hoàn thiện lý luận về CNXH vào năm 2045 khi mà đa phần cả thế giới đều cho rằng CNXH hay CNCS chỉ là một giấc mơ thiếu cơ sở khoa học, đẹp về lý thuyết nhưng thực hành rất dở.

Điều gì tạo ra sự khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức, Bắc và Nam Triều Tiên?

Điều gì tạo ra một Cu Ba khốn khổ trong hiện tại?

Tôi đề nghị hãy xây dựng một văn hoá nói thẳng, nói thật, văn hoá “tỉnh giấc” trước những mây mù lý luận.

Văn hoá phong bì: Cái thói quen này cũng là một nét văn hoá. Một văn hoá tha hoá người đưa và người nhận phong bì.

Nó làm cả kẻ đưa và kẻ nhận đều thấy mình sai, hèn kém trong thang bậc làm người.

Đấy là một sự dối trá lẩn sau lưng pháp luật.

Ảnh: mới đây dư luận ngạc nhiên thấy hoa hậu Đỗ Thị Hà biểu diễn đàn T’rưng bài cô gái vót chông, có nội dung xiên xác quân Mỹ ngay trên đất Mỹ. Trong những năm gần đây chỉ có Hoa kỳ là mạnh mẽ bênh vực Việt nam trước những diễn biến ngang ngược của TQ trên Biển Đông, Hoa kỳ ủng hộ hơn hai chục triệu liều vaccine chống Covid-19 và đặc biệt Hoa kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong nhiều năm nay của Việt nam, hơn cả Châu Âu và Trung quốc.

Văn hoá chửi, văn hoá đấu tố. Các vị còn xây dựng cả một đội quân chửi trên mạng gọi là đội quân Dư luận viên với kĩ năng duy nhất, “lý luận” duy nhất là mấy câu chửi bậy, gọi cả những người bằng tuổi cha mẹ ông bà của chúng là thằng là con, gọi người ta là ba que, đu càng, phản động…

Văn hoá ngậm miệng trước bất công, trước kẻ có quyền lực: Ngay trong ngành giáo dục, một ngành đáng nhẽ phải động viên học sinh tư duy phản biện, một xu hướng mà các nền giáo dục tiên tiến hướng theo.

Chỉ với tư duy phản biện thì người học mới động não, phát huy sáng tạo và mới phát triển được mạnh mẽ.

Ấy vậy mà đa phần các thày cô giáo chỉ biết làm theo một cách ngoan ngoãn, máy móc những chỉ thị của cấp trên.

Cấp trên bảo vào báo cáo mấy trang Facebook được cho là “phản động” là báo cáo, không cần tìm hiểu những người ấy là ai, họ viết gì.

Khi giáo viên như vậy thì học sinh đương nhiên sẽ trở thành những công dân “ngoan ngoãn”, lãnh đạo nói gì biết nấy, sẽ biết cúi lưng vâng dạ làm bất cứ mệnh lệnh gì, kể cả sai trái.

Điều ấy tưởng là ai khi nó tạo ra một sự “ổn định” xã hội nhưng về lâu dài nó làm yếu đi nhiều sức mạnh của dân tộc.

Rồi đây khi ngoại bang xâm lăng, đứng trước toà quốc tế để tranh biện về một tranh chấp nào đấy thì lấy đâu ra nhân tài để bảo vệ quyền lợi đất nước được thành công?

Ảnh: dễ nhận ra DLV trên mạng xã hội bởi những câu bình luận vô giáo dục và bẩn thỉu. Họ là lực lượng ăn lương ngân sách nhà nước và dùng số đông để dẫn dắt dư luận, chống lại những nhà phản biện chính trị xã hội

Tư duy phản biện

Muốn một nền giáo dục văn minh, một văn hoá mạnh mẽ thì tư duy phản biện là then chốt, là điều cốt tử không thể thiếu. Điều ấy đa phần những người trong hệ thống ì trệ, rập khuôn máy móc không nhìn ra được.

Đừng nhìn vào mấy con đường cao tốc, mấy toà nhà cao tầng rồi ngửa mặt lên tự hào. Hãy so sánh với Trung Quốc để thấy đất nước ta tụt hậu đến đâu.

Chúng ta bị xâm lăng văn hoá từ Hàn, từ Nhật, Trung Quốc, từ Mỹ chính là bởi văn hoá chúng ta đang quá yếu ớt mà yếu ớt là bởi quan niệm cổ hủ, bảo thủ lấy mệnh lệnh chính trị để tạo khuôn mẫu cho văn hoá.

Thứ văn hoá chịu mệnh lệnh chính trị là thứ văn hoá cớm nắng, thiếu chất và giả tạo.

Nó bị xâm lăng, bị bắt nạt là điều đương nhiên.

Đã chịu lép vế về văn hoá thì sẽ phải chịu những kém cạnh khác, bởi văn hoá là sức sống nội tại của mỗi đất nước, nó có tác dụng thúc đẩy những mặt khác phát triển.

Hãy nhìn xem, chưa bao giờ trong lịch sử mà tương quan sức mạnh giữa ta với Trung Quốc lại chênh lệch đến vậy.

Nhìn lại lịch sử để thấy ông cha ta mạnh mẽ ra sao. Chẳng cần nói thêm về điều này.

Bao hội nghị được tổ chức cũng sẽ rơi vào quên lãng nhạt nhoà nếu không làm được một bước đơn giản đầu tiên là có được văn hoá nói thẳng, nói thật.

Tôi chỉ là một người dân ít học nhưng coi trọng việc suy nghĩ thật mà có được vài nhận thức khiêm tốn, các vị lãnh đạo học cao, quyền cao chức trọng sao không nhìn thấy những điều cơ bản ấy?” Nhà văn Đoàn Bảo Châu nêu nhận định.

Trên FB cá nhân, nhà báo Nguyễn Thông đưa ra bình luận:

Hôm nay 24.11, nhà cai trị xứ này tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc. Sau 75 năm kể từ hội nghị lần thứ 2 (năm 1946) giờ mới chú ý tới văn hóa, quá lâu rồi, hèn gì văn hóa xuống cấp thảm hại.

Văn hóa là khái niệm rất rộng, chứ không phải chỉ là hát hò, thơ phú, phim ảnh, kịch cọt, nhảy nhót…

Nhưng nó rất hẹp bởi chỉ gắn với con người. Chưa ai nói văn hóa của lợn, của cừu bao giờ cả. Người chỉ khác con lợn ở chỗ có văn hóa. Còn người mà không có văn hóa thì chưa bằng con lợn.

Bàn về văn hóa, có ngồi với nhau cả tháng cũng chả nói được một góc, nên để khi khác, tranh cãi sau.

Tôi chỉ nhắc, muốn dân tộc, đất nước, nhân dân, cộng đồng có văn hóa thì mấy ông bà lãnh đạo cầm quyền phải gương mẫu thực hiện trước nhất. Đâu có cái thói miệng nói một đằng, thân làm một nẻo. Đó chỉ là phản văn hóa, thì còn làm gương văn hóa được cho ai.

Khuyên con người đừng tham quyền cố vị nhưng mình bám giữ chức tước bổng lộc quyền hành cho bằng được. Khuyên mọi người tiết kiệm giản dị nhưng mình thì chơi nhà cao cửa rộng xe sang ăn ngon mặc đẹp.

Đứa đệ tử chơi ngông ăn thịt bò dát vàng làm xấu thể diện quốc gia trước thiên hạ mà cũng không dám mắng nó một lời. Khuyên thiên hạ tôn trọng luật pháp nhưng bản thân mình xé luật pháp hơn xé giấy vụn.

Khuyên mọi người đừng phá rừng nhưng mình trồng biểu diễn toàn cây cổ thụ, mọi người góp ý mãi vẫn không sửa, cứ bỏ ngoài tai.

Khuyên cán bộ đảng viên chú trọng thực chất nhưng mình thì quấn đầy người lời xưng tụng, băng rôn, khẩu hiệu, cờ quạt…

Nói túm lại, đừng nghe các ông bà ấy nói, cứ hé mắt coi các ông bà ấy làm, có văn hóa hay không là biết ngay.” Nhà báo Nguyễn Thông nêu quan điểm.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> “Lưu manh chính trị” ngồi ghế Chánh án tỉnh Phú Yên là ai?

>>> VinFast và câu hỏi người Mỹ có tiêu dùng hàng Mỹ

>>> Những kẻ ‘núp váy’ hoa hậu, đánh lén, ‘rắc’ hận thù trong cuộc thi sắc đẹp

Xe Vinfast đột nhiên bốc cháy trơ khung khi đỗ trên vỉa hè


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023