Thư Sài Gòn: Sức sống người dân thật mãnh liệt khi hết bị phong tỏa

Link Video: https://youtu.be/aF5K7-Yah5A

Cảm xúc của người dân TpHCM, 2 tuần sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng, được thể hiện qua một lá thư từ Sài gòn của tác giả Song Mây với nội dung như sau:

Trong nửa tháng qua, điều vui nhất là tôi đã gặp gỡ được thân nhân và bạn hữu sau 84 ngày chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình hoặc lắng nghe nhau qua điện thoại.

Còn bạn tôi, vui nhất là được con gái chở xe gắn máy vi vu qua các đường phố và “không bị bọn bán rau đè đầu cưỡi cổ“!

Giờ người bán phải “cầu cạnh” người mua

Chợ truyền thống gần nhà tôi đã mở cửa, còn chợ tự phát chưa được phép, nhưng giờ tôi có thể mua thực phẩm bất cứ đâu mà không cần đến chợ hay siêu thị, đỡ phải trình giấy đã chích đủ 2 mũi hoặc chìa “thẻ xanh Covid” trong điện thoại.

Chung quanh khu phố tôi ở sau ngày 1/10 bỗng “mọc” lên rất nhiều cửa hàng bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô các loại. Nhiều người thuê nhà làm ăn trước dịch nay trả mặt bằng và các ông bà chủ tự mở ra hoặc tạm thời cho thuê giá rẻ để bán thực phẩm.

Trong hai tuần nay, người bán “cầu cạnh” người mua với giá cạnh tranh vì thời gian phong tỏa gần ba tháng đã phát sinh chợ online ở mỗi quận/huyện, chưa kể sự gia nhập của đội ngũ “nghiệp dư” chưa bao giờ bán thực phẩm.

Để tồn tại, số người buôn bán uy tín tôi biết ở chợ sau ngày 1/10 sẵn sàng nhận đơn hàng qua điện thoại và giao hàng tận nhà miễn ship.

Trò chơi” đã quay đầu, khi mỗi ngày tôi đều nhận được tin nhắn mời chào mua đủ thứ mặt hàng, ngay cả những công ty chuyên phân phối thịt sạch như Meat Deli, G-Kitchen… trước phải canh nửa đêm lên mạng mới mua được hàng hoặc phải ngậm ngùi nhìn đơn hàng bị từ chối vì “địa chỉ trong vùng đỏ” hoặc “địa chỉ ngoài vùng phục vụ“, nay cũng “hạ mình” với nhiều combo giá ưu đãi.

Hôm 17/10, khi đi Củ Chi bằng xe gắn máy, tôi lại thấy cảnh các xe đẩy chở rau củ, trái cây, đồ biển, thịt heo, thịt bò… đậu dài dài hai bên quốc lộ 22 và Xuyên Á. Đến mỗi ngã tư, tiếng rao hàng tự động phát ra từ loa ồn ào hệt như trước dịch.

Ảnh: Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ quận 10, đông đúc tối 19-10

Giá cả thực phẩm và trái cây bán trên các loại xe di động này y như trước khi dịch bùng phát, thậm chí rẻ hơn, khi một ký khoai lang chỉ 20 ngàn, một ký cam xoàn chỉ 25 ngàn.

Sức sống của dân Sài Gòn thật mãnh liệt. Chỉ cần chính quyền để yên cho họ làm, họ sẽ tự kiếm việc để có tiền sinh sống, không trông chờ tiền trợ cấp!

Quyền đi lại

Chiều 30/9 tôi đi một vòng quanh quận mình ở và thấy toàn bộ các rào chắn đã được tháo bỏ. Sự tự do đi lại giữa các con hẻm, con phố… trong quận là điều hiển nhiên trước kia bỗng trở nên quý giá quá đỗi.

Việc dỡ bỏ rào chắn được thực hiện nhanh ở các quận trung tâm, nhưng vùng ngoại ô chỗ anh tôi thì sang tuần thứ 2 của tháng 10 các con đường mới hoàn toàn thông thoáng. Khi đến thăm anh vào ngày 3/10, có những con đường dẫn vào nhà anh vẫn bị rào chắn và tôi buộc phải đi vòng.

Cũng trong tuần đầu tiên của tháng 10, thông tin “Từ 1/10, người dân ra đường không có lý do chính đáng vẫn bị xử lý” đã gây ra sự lo ngại. Ai cũng sợ bị lực lượng chức năng hành tội, giống như kiểu “hàng hóa thiết yếu” trong thời gian phong tỏa.

Cho đến nay ra đường cũng nhiều lần, tôi chưa bao giờ bị chặn lại, cũng không thấy ai phàn nàn về việc phải trình bày lý do. Khi đi ngang những ngã tư, ngã sáu đông người, tôi vẫn thấy cảnh công an tuýt còi dừng xe.

Vì thế, để đề phòng tôi phải lận trong người tờ giấy chứng nhận đã chủng ngừa 2 mũi, vì cập nhật thông tin trên app sức khỏe của Bộ Y tế hay Sở Y tế thì kết quả lần nào cũng cho rằng tôi chỉ mới chích 1 mũi!

Để “giấy thông hành” đó không bị “mòn“, tôi phải đem đi ép nhựa.

Chung quanh tôi ai trên 18 tuổi cũng đã đi chủng ngừa. Việc chủng ngừa được vét đến từng tổ dân phố.

Quận của tôi may mắn không nghe ai than bị chích thuốcTrung Quốc, nhưng ở vùng ngoại ô Sài Gòn và ở Đà Lạt nơi thân nhân tôi cư ngụ, có người buộc lòng phải chích “thuốc Tàu” để có “giấy thông hành” đi làm và di chuyển liên tỉnh.

Tiền trợ cấp

Trong khi ở Quận 1 và Quận Phú Nhuận, trẻ em và những người dân không có lương hưu, lao động tự do được nhận tiền trợ cấp 1 triệu đồng từ phường hồi đầu tháng 10 thì ở Quận Tân Bình, cô giúp việc theo giờ trong xóm mà tôi biết chỉ nhận được 1 triệu đồng trong gần 3 tháng, trong khi cô đang nuôi hai đứa cháu đang tuổi đi học và không thể kiếm tiền trong thời gian đó.

Vùng ngoại ô nơi người cha già và anh tôi ở vẫn chỉ nghe hứa hẹn sẽ có trợ cấp chứ chưa ai được lãnh đồng nào.

Cha tôi và anh tôi không có lương hưu, sống bằng tiền cho thuê sân bán hàng, mà suốt hơn ba tháng, chợ hoàn toàn đóng cửa.

Cô bán cá quen ngoài chợ tạm trú ở huyện Hóc Môn gần 10 năm nay nhưng dịch từ năm 2020 đến nay không có trợ cấp. Hỏi thì ông tổ trưởng nói: Lên mạng mà lãnh! Cô gọi tổng đài 1022 xin hỗ trợ thì tổng đài nói về phường, xã, tổ dân phố mà hỏi.

Ảnh: rất nhiều người thiếu đói trong dịch Covid không thể tiếp cận với trợ cấp của Chính phủ

Rõ ràng việc trợ cấp cho dân nghèo có thông báo chung trên báo đài, nhưng từng địa phương làm như thế nào là quyền của họ và lập danh sách để phường/xã chọn lựa là quyền của… tổ trưởng.

Áp lực tiêm vaccine

Cha tôi bị đau răng. Ông mới chích mũi 1 và không đủ điều kiện đến BV Răng hàm mặt.

Một nha sĩ tôi quen nói rằng các bệnh viện răng hàm mặt và phòng khám răng chỉ được hoạt động 50% công suất và chỉ nhận các bệnh nhân đã chủng ngừa đủ 2 mũi.

Tuy vậy, ngay cả bệnh nhân đã chủng ngừa đủ 2 mũi cũng phải test Covid giá hơn 200.000 đồng một người, nếu kết quả âm tính mới được khám chữa răng.

Có vẻ như điều kiện chủng ngừa đủ 2 mũi vaccine ở các bệnh viện, phòng khám, công ty và ngành du lịch nội địa đang trở thành sức ép với số người không muốn chủng ngừa.

Đến ngày 17/10, Sở Y tế TP.HCM thông báo có trên 98% người dân trên 18 tuổi chủng ngừa mũi 1 và trên 76% người dân trên 18 tuổi chủng ngừa đủ 2 mũi.

Như vậy, số người dân không muốn chủng ngừa vì nhiều lý do chỉ là thiểu số, và thiểu số này có thể bị cư xử phân biệt ở một số nơi, trong đó có việc khám chữa bệnh, đi làm ở văn phòng và di chuyển bằng máy bay.

Đáng lo ngại nhất là thông tin chủng ngừa vaccine cho thiếu niên từ 12-17 tuổi tại TP.HCM từ ngày 22/10.

Ngành y tế dự định trong vòng 5 ngày sẽ chích xong mũi 1 cho khoảng 780.000 thiếu niên ở TP.HCM nhưng lại không thông báo rõ ràng tên loại vaccine.

Ảnh: người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ở Quận 10 TpHCM

Bộ Y tế còn đưa ra mục tiêu đến quý IV/2021 sẽ chích đủ 2 mũi vaccine cho hơn 8 triệu thiếu niên từ 12-17 tuổi và sau đó tiến tới việc chủng ngừa vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 3-11 tuổi.

Vaccine phòng Covid-19 cho thiếu niên hiện nay phổ biến nhất là Pfizer (Mỹ-Đức) hay Moderna (Mỹ) cũng chỉ là loại phê duyệt khẩn cấp, chưa có loại nào được phê chuẩn hoàn toàn như Pfizer dành cho người trưởng thành.

Cha mẹ hay người giám hộ của thiếu niên sẽ là người ký đồng ý cho trẻ được chủng ngừa, liệu họ có chịu nổi áp lực nếu trong tương lai, loại vaccine được phê duyệt khẩn cấp hiện nay sẽ gây hậu họa cho con cái của họ

Điều bất hợp lý nhất là hiện nay, hàng không nội địa từ chối vận chuyển thiếu niên và trẻ em với lý do là bọn trẻ chưa được chủng ngừa.

Ngành hàng không chỉ vận chuyển thiếu niên hay trẻ em đã là F0 được chứng nhận khỏi bệnh, rõ ràng là kiểu đối xử phân biệt chứ không phải bảo vệ trẻ.

Và kiểu đối xử phân biệt này liệu có đủ gây sức ép để người lớn buộc lòng ký đồng ý chủng ngừa vaccine cho thiếu niên và trẻ em của họ mà chưa rõ tác dụng phụ nào sẽ đến trong tương lai?

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam không phải là của hồi môn của Đảng đem biếu tặng cho Trung quốc!

>>> Vụ án Phạm Đoan Trang: Cáo trạng cho biết những gì?

>>> ‘Chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc’: Lãnh đạo khẳng định không hề nói, báo đưa băng ghi âm

Covid-19: Khác biệt trung ương – địa phương và thách thức với Chính phủ Việt Nam


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023