Đằng sau vụ Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý Thị trường, bị bắt giam…

Link Video: https://youtu.be/IzxlRCTzVc8

Ngày 17-8-2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt giam ông Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý trị trường (QLTT), thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự.

Vụ việc rúng động dư luận bởi lẽ Trần Hùng là nhân vật được xem là “người hùng” trên diễn đàn, truyền thông của đảng và cả trên mạng xã hội về việc chống buôn lậu, sản xuất, tàng trữ và buôn bán hàng giả, không rõ xuất xứ. Ngoài ông Trần Hùng, còn có ba cán bộ thuộc Cục QLTT Hà Nội, cũng bị bắt.

Chân dung Trần Hùng.

Ếch ngồi đáy giếng…

Trần Hùng sinh năm 1962, tại Hà Nội, tốt nghiệp Học viện An ninh cùng khoá với thiếu tướng Phan Anh Minh, cựu PGĐ công an TP HCM và đại tá Trần Trọng Dũng, cựu TBT báo CATP, (con trai ông Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tư tưởng văn hoá Trung ương khoá 6).

Trần Hùng đã từng tham gia lực lượng công an một thời gian ngắn, sau đó chuyển ngành, sang Bộ Công thương. Hùng là mẫu cán bộ giàu có, thành đạt và rất giống Chung “con”, tức Nguyễn Đức Chung, ở chỗ giỏi hùng biện, thích đánh bóng tên tuổi và đi đâu cũng có cả “bộ sậu” truyền thông “tiền hô hậu ủng”.

Vợ Trần Hùng tên là Hoàng Thị Thu Hiền, sinh năm 1968, bà chủ của chuỗi siêu thị bách hoá có tên Daily Mart ở Hà Nội. Ngoài hai căn nhà lầu mặt tiền ở số 12-16 Tây Sơn, quận Ba Đình, vợ chồng Trần Hùng còn sở hữu nhiều căn nhà khác đang được cho thuê rải rác ở thủ đô. Khối tài sản khủng của ấy có nguồn gốc từ đâu ra, chắc sắp tới sẽ có câu trả lời.

Vợ chồng Trần Hùng – Hoàng Thị Thu Hiền và cuộc sống vương giả của họ.

Trần Hùng được đánh giá là cán bộ xông xáo nhưng to mồm, bạo phổi, bảo thủ và độc đoán. Hơn nữa, cộng với những mối quan hệ thân tình với nhiều lãnh đạo cao cấp cũng làm cho ông ta kiêu ngạo và xem thường các đồng liêu và các cơ quan thực thi pháp luật.

Xuất thân là công an, được đào tạo bài bản nên Trần Hùng cực kỳ ma mãnh, lão luyện, rất giỏi trong việc cùng các KOLs, các phóng viên “ruột” để PR, tạo cho mình “vỏ bọc” liêm chính, trong sáng, hết mình vì công việc, vì cộng đồng.

Năm 2012, Trần Hùng được bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm chức Cục phó Cục QLTT Bộ Công thương, đến năm 2014 thì được đưa vào ghế Phó Chánh Văn phòng ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được thành lập theo QĐ 389 của TTCP, gọi tắt là BCĐ 389).

Mặc dù chỉ là kẻ giúp việc cho BCĐ 389, chức danh “bèo bọt”, không hiện diện trong danh sách một “rừng” những Uỷ viên BCĐ 389 là cán bộ cao cấp, nhưng Trần Hùng vẫn ảo tưởng quyền lực về chiếc áo mình được khoác.

 

Danh sách BCĐ 389, Trần Hùng chưa hề được ghi danh trong BCĐ 389 đầy quyền lực này.

Tháng 4/2015, Trần Hùng mang danh BCĐ 389, dẫn một tổ vào tận Đồng Nai để kiểm tra Công ty phân bón Thuận Phong (Thuận Phong thuê đất của K888, Cục quân khí, Bộ quốc phòng) đóng tại Long Bình, Biên Hoà và quả quyết Thuận Phong sản xuất phân bón giả.

Tuy nhiên, căn cứ Thông báo Kết luận điều tra ngày 24/3/2016 của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, ngày 20/4/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) kết luận những sai phạm của Công ty Thuận Phong chỉ ở mức độ hành chính, nên không có căn cứ khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Ngày 16/5/2016, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính số 1419/QĐ-XPVPHC về 7 hành vi vi phạm, Công ty Thuận Phong chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Nhiều người biết Thuận Phong được Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai và một số cơ quan Trung ương bao che, dung túng. Nhiều người am hiểu nội bộ, cho biết, Trần Hùng tức khí vì “ăn không được”, nên dựa vào thế lực của mình, vẫn muốn làm “anh hùng rơm” đâm đầu vào đá.

Qua ba đời thủ tướng, vụ Thuận Phong vẫn giẫm chân tại chỗ, Trần Hùng vẫn tuyên bố đại loại như “sẵn sàng cởi áo ra về”, “quyết đưa những kẻ bảo kê ra ánh sáng”… cùng với việc cung cấp thông tin, tư liệu cho truyền thông báo chí và các đại biểu quốc hội, gây sức ép khởi tố vụ án, gây “nóng” nghị trường nhiều năm về vụ Thuận Phong đã làm khó chịu giới lãnh đạo cấp cao, những người luôn kêu gọi “bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng”.

Trần Hùng và các mối quan hệ với “bố già” khét tiếng Nguyễn Văn Hưởng, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình và cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Rất nhiều bạn bè khuyên nhủ, nhưng Trần Hùng bỏ ngoài tai. Đến cấp trên của ông ta là Cục trưởng QLTT Trịnh Thế Ngọc và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Trần Hùng cũng nhiều lần phát biểu xúc phạm, coi thường. Một số nguồn tin còn cho biết, Trần Hùng cùng phe nhóm cung cấp thông tin, tài liệu, nhằm hạ bệ Vũ Hùng Sơn và bôi nhọ uy tín của lãnh đạo Bộ Công thương.

Vũ Hùng Sơn sinh năm 1984, được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục QLTT tháng 1/2018, sau về giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia. Sơn là con trai của Vũ Mạnh Hải, ông chủ Vàng bạc Bảo Tín Mạnh Hải, thuộc Tập đoàn Bảo Tín, cũng là cháu gọi ông Vũ Minh Châu – ông chủ của Tập đoàn Bảo Tín Minh Châu bằng bác ruột.

Cho dù Bộ Công an đã có kết luận, bác bỏ mọi tố cáo đối với Vũ Hùng Sơn, nhưng phe nhóm Trần Hùng vẫn chưa hết cay cú, đơn thư vẫn cứ đều đều bay đến Văn phòng Tổng Bí thư. Nhiều người ví Trần Hùng như “Ếch ngồi đáy giếng mà miệng ếch cứ kêu oang oang”, quả không sai chút nào. Tại đại hội XIII, khi Trần Tuấn Anh được bầu vào Bộ Chính trị, các cán bộ công tác ở Bộ Công thương xì xầm, rằng số phận Trần Hùng sắp an bài.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao QĐ bổ nhiệm Vũ Hùng Sơn.

Văn bản bác bỏ tố cáo Vũ Hùng Sơn của CA Hà Nội và BCA.

Rời Văn phòng 389, Trần Hùng về lại Cục QLTT. Đầu năm 2018, Bộ Công thương thành lập Tổ 344 (lực lượng chống hàng gian, giả, thuộc Cục QLTT) và giao Trần Hùng làm Tổ trưởng. Chỉ mấy tháng sau ông ta đã gây chấn động cả nước vụ Con Cưng.

Tháng 7/2018, Trần Hùng dẫn quân vào TP HCM để kiểm tra Công ty Con Cưng, một doanh nghiệp có hơn 400 cửa hàng kinh doanh mặc hàng “mẹ và bé”. Báo chí, truyền thông “theo chân” Trần Hùng đã đánh cho Con Cưng “lên bờ xuống ruộng” vì tội hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ. Thật ra trong vụ này, hai ông chủ trẻ đã không biết “lót tay” cho Trần Hùng, thông qua các “anh em ngoài xã hội” của ông ta.

Sau này, Bộ Công thương kết luận, Con Cưng không sai phạm “hàng giả, buôn lậu” như kết luận của Tổ 344. Trần Hùng bị kiểm điểm, phê bình, mất chức Cục phó QLTT hồi tháng 10/2018, khi Cục này nâng lên Tổng Cục QLTT. Tuy nhiên, thiệt hại mà hai ông chủ trẻ Nguyễn Quốc Minh (sinh năm 1980, tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Georgia – Hoa Kỳ) và Lưu Anh Tiến (sinh năm 1982, kỹ sư điện – điện tử Đại học Bách khoa TP.HCM, từng là đội trưởng Robocon Việt Nam đạt giải nhất tại Asia Pacific Robotics Contest năm 2005) phải trả là quá đắt. Con Cưng bị người tiêu dùng tẩy chay và quay lưng, kinh doanh ngưng trệ, doanh thu giảm 70% và thiệt hại gần 100 tỷ đồng.

Tháng 2/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh vừa ký quyết định số 304/QĐ-TCQLTT, thành lập Tổ công tác 304 do Trần Hùng làm Tổ trưởng. Ngay sau đó, ngày 4/3/2020, Tổ công tác 304 do Trần Hùng dẫn đầu đã về tỉnh Bắc Ninh để kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiết bị Quốc Bảo. Ác nổi, “rừng nào cọp đó”, Quốc Bảo đã “chung chi” QLTT Bắc Ninh, thì Trần Hùng làm sao xơ múi?

Tại đây, Trần Hùng chạm với Vũ Mạnh Hải, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh. Trước vẻ kiêu căng, xấc láo của Trần Hùng, khi xúc phạm, chỉ trích lực lượng QLTT sở tại và cho rằng công ty Quốc Bảo được “bảo kê”, Vũ Mạnh Hải đã lớn tiếng, chỉ mặt Trần Hùng “Ông là cái thá gì mà chỉ đạo tôi?”. Sự việc rùm beng cả nước, cái kết hai ông đều bị khiển trách, rút kinh nghiệm.

Ngày 11/5/2021, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh lại ký Quyết định số 1444/QĐ-TCQLTT thành lập Tổ công tác QLTT, giao Trần Hùng làm tổ trưởng. Xuất hiện thông tin rò rỉ cho hay, Trần Hùng đánh tiếng sẽ lên kế hoạch kiểm tra công ty nọ, cửa hàng kia… để “đánh quả” trước khi nghỉ hưu vào năm sau, nhưng vô tình nhằm trúng vào “sân sau” của một số “đồng chí”. Và đối phương đã ra tay trước khi “chú ếch” kịp leo lên khỏi giếng.

Ếch chết vì tiếng kêu

Quyền lực ở Trung ương luôn đan xen chằng chịt, phân tầng trong một nhà nước độc tài toàn trị. Từ “nhà đỏ” đến “nhà xanh”, từ quân đội đến an ninh, mật vụ đều canh chừng, dòm ngó lẫn nhau, đặc quyền đặc lợi được phân bổ rành mạch. Các phe nhóm chính trị được hình thành và họ sẵn sàng ra tay khi quyền lợi của họ bị xâm phạm hoặc xí phần.

Dù là cán bộ trong guồng máy, lại có quan hệ với những “tai to mặt bự”, nhưng Trần Hùng đã cố tình không hiểu “luật chơi”, hoặc có thể do tự tin đến ngông cuồng nên dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Đảng luôn giữ một bộ mặt đẹp đẽ, nhưng xem những video phát biểu mạnh bạo của Trần Hùng, vô tình làm người ta dễ dàng nhận thấy một hình ảnh méo mó, “một nồi canh 100% sâu”, trong thiết chế công quyền từ Trung ương đến địa phương.

Từ vụ Thuận Phong đến Con Cưng và Quốc Bảo, nhiều người tin rằng, chỉ vì không được “chung chi” thoả đáng, mà Trần Hùng đã bất chấp tất cả, đóng vai “người hùng” trên mặt trận chống hàng lậu, hàng giả. Dân không biết, nhưng Cơ quan điều tra biết, đồng liêu và những nạn nhân của Trần Hùng biết rất rõ chân tướng thật sự của ông ta.

Ở Việt Nam, tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ nào muốn tồn tại cũng phải có thế lực “chống lưng”. Tuỳ theo mô hình và mức độ kinh doanh, tầm trung thì có lãnh đạo tỉnh thành che chắn, tầm cao thì có Uỷ viên Trung ương, Thành viên Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Bộ Chính trị “bảo kê”.

Một anh cấp phó một Cục, Tổ trưởng một Tổ, mới được kết nạp Đảng năm 2012 mà cứ muốn “hô mưa gọi gió”, thành lập cả đội quân “môi giới hối lộ” như Trần Hùng đã làm, nếu không “thân bại danh liệt”, không bị “nhập kho” hay đi “chăn kiến”… mới là lạ.

Thu Hà

Ngun: https://baotiengdan.com/2021/08/21/dang-sau-vu-tran-hung-cuu-cuc-pho-cuc-quan-ly-thi-truong-bi-bat-giam/

Kasse animation 7.8.2023