Chính phủ nói không thiếu tiền sao phải huy động tiền dân mua vaccine?

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vào chiều ngày 2/6/2021 và những tin nhắn cơ quan chức năng kêu gọi dân góp tiền mua vaccine.

Chính phủ không thiếu tiền cho việc bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và đời sống của nhân dân.” Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vào chiều ngày 2/6/2021.

Trong khi ông Thành nói không thiếu tiền bảo vệ dân, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, gần 60.000 doanh nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể chỉ trong năm tháng đầu năm 2021 vì ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trong mấy ngày qua, các phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam liên tục kêu gọi dân đóng góp tiền cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam. Quỹ được lập nhằm giúp Chính phủ Việt Nam mua, nhập khẩu và nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Trao đổi với RFA tối 4/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, nhận định:

Chuyện Chính phủ không thiếu tiền tôi tin, theo tính toán của một anh bạn tôi, số tiền cần để tiêm vaccine là 450 triệu đô la. Số tiền đó đối với quốc gia không phải quá lớn, vì có dự trữ 100 tỷ đô. Đó là chưa kể hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí cá nhân, một là góp tiền cho nhà nước chống dịch, hai là họ tự mua vaccine đễ tiêm cho người của họ. Do đó câu chuyện tiền bạc ông Thành nói là có cơ sở để tin tưởng.

Với nền tư pháp Việt Nam, thì còn lâu lắm mới giải quyết được chuyện tham nhũng. Trong xã hội như vậy, thì từ cái tiền của nhà nước đế người dân đáng lẽ được thụ hưởng nó có hao hụt đi, thì tôi nghĩ không có một người dân nào ở Việt Nam mà không nghĩ tới.

-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, việc giúp cho người dân sao cho vượt qua dịch này, đặc biệt là tầng lớp bị ảnh hưởng ‘nặng nhất’ theo nghĩa tương đối… là thử thách đối với Nhà nước. Bởi một người giàu có thể bị ảnh hưởng nặng, mất nhiều tiền… nhưng trong mối tương quan… chưa chắc thê thảm bằng người dân nghèo. Vì người dân nghèo sống trông vào thu nhập hàng ngày, dịch bệnh như vầy sẽ có người đói thật sự. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nói tiếp:

Cái thử thách đấy càng lớn bởi vì ta biết rằng xã hội, thể chế Việt Nam nó không thể khiến người tham nhũng họ đủ sợ hãi để họ không làm. Hay nói cách khác, với nền tư pháp Việt Nam, thì còn lâu lắm mới giải quyết được chuyện tham nhũng. Trong xã hội như vậy, thì từ cái tiền của nhà nước đế người dân đáng lẽ được thụ hưởng nó có hao hụt đi, thì tôi nghĩ không có một người dân nào ở Việt Nam mà không nghĩ tới. Đây là một thử thách rất lớn đối với nhà nước, đối với toàn bộ thể chế.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nếu như mà việc cứu trợ không làm đến nơi đến chốn, nếu đồng tiền từ ngân sách Nhà nước đến người dân bị hao hụt quá lớn, thì đây là một đòn nặng đối với uy tín của nhà nước. Còn ngược lại, nếu Nhà nước làm sao để chuyện hao hụt ở ngưỡng thấp, thì uy tín của Chính phủ mới sẽ được tăng lên.

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh hay người lao động ở thành thị gặp khó khăn cần cứu trợ. Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam phải chịu nhiều tác động tiêu cực đa chiều từ diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Các loại nông sản của Việt Nam đa phần có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch… nhưng năm nay, người trồng trọt còn phải đối mặt với dịch COVID-19 khi nhiều vùng trồng trọt không có thương lái đến mua vì bị cô lập chống dịch. Chưa kể nhiều vùng không bị cách ly thì khách mua cũng ít do tình hình kinh tế khó khăn.

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng công bố nhiều gói cứu trợ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng để giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên theo lời ông Hai Lúa ở Cần Thơ nói với RFA, từ năm 2020 đến nay, ông không hề nhận được một đồng cứu trợ nào.

Anh Quang, một người dân miền Trung, khi trao đổi với RFA hôm 4/6, cho biết ý kiến của mình về phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vào chiều ngày 2/6/2021 đã khẳng định là ‘Chính phủ không thiếu tiền để bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và đời sống nhân dân!’:

Theo tôi, phát biểu này chẳng qua đó là cách trấn an người dân tỉnh Bắc Ninh, nhưng nói Bắc Ninh không chỉ là Bắc Ninh mà cũng là trấn an nhân dân cả nước thông qua báo chí, chứ thực ra thì chính phủ đã hết tiền. Vấn đề này tôi dựa vào các căn cứ sau:

-Vào khoảng quý IV năm ngoái, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thì Kim Ngân từng phát biểu ‘ngân sách Nhà nước như dòng sông đã cạn’! Một trong ‘tứ trụ’ của nhà nước mà phát biểu như vậy thì không thể sai hay nói chơi được;

-Chính phủ không có tiền nên mới thành lập ‘Quỹ vaccine phòng COVID’ và kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, mọi người dân đóng góp vào Quỹ này để có kinh phí mua vaccine, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước;

Theo Anh Quang, có thể khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu ‘Chính phủ không thiếu tiền…’ cũng đã dựa vào khả năng Quỹ này sẽ được huy động đầy đủ đáp ứng theo dự trù là 25 ngàn tỷ VND. Anh Quang nói tiếp:

Đặc biệt là có nhiều tập đoàn kinh tế của tư nhân vừa qua đã đóng góp với kinh phí khá lớn, thậm chí có một doanh nghiệp đã đóng góp vào quỹ này với số tiền trên 1.400 tỷ VND. Nhưng qua việc nhiều doanh nghiệp đóng góp với số tiền như vừa nói trên, thì cũng có thể hiểu là không có gì doanh nghiệp cho không, mà họ đều có thỏa thuận ngầm ‘Ông bỏ chân giò thì bà thò chai rượu’, ‘Bánh ít trao đi thì bánh quy trao lại’, có nghĩa là Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này trong kinh doanh, đặc biệt là liên quan đến đất đai!”

Theo tôi, phát biểu này chẳng qua đó là cách trấn an người dân tỉnh Bắc Ninh, nhưng nói Bắc Ninh không chỉ là Bắc Ninh mà cũng là trấn an nhân dân cả nước thông qua báo chí, chứ thực ra thì chính phủ đã hết tiền.

-Anh Quang

Tính đến chiều ngày 3/6, theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam đã huy động được gần 104 tỷ đồng (chưa kể tiền đô la và euro) từ người dân trong và ngoài nước. Việt Nam đặt ra mục tiêu mua được 150 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 75 triệu dân trong năm 2021.

Bộ Tài chính Việt Nam ước tính, Quỹ cần hơn 25 ngàn tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí khoảng 16 ngàn tỷ đồng. Số còn lại là hơn chín ngàn tỷ đồng sẽ được chi bởi ngân sách địa phương và huy động từ dân.

Trở lại với khẳng định ‘Chính phủ không thiếu tiền…’ của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành hôm 2/6, ông Trần Bang – Một người bất đồng chính kiến, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 4/6, cho biết ý kiến của nình:

Các ổng từ trước đến nay vẫn nói thế, Đảng Cộng sản là bách chiến bách thắng mà, cái gì cũng làm được hết. Các ổng nói như vậy nhưng thực sự ra thì tiền ở túi dân, dân lo cho ổng thì đúng hơn. Dù các ổng có lấy ngân sách ra mua vaccine cho dân thì cũng là tài sản của dân, tài sản của đất nước tích lũy ngàn năm nay mới giữ được đất nước. Dù có là vàng hay dầu khí thì gọi là của Nhà nước chứ thật sự là của nhân dân. Nhưng tiền đó được chi xài có đúng mục đích không la chuyện khác, còn lúc nào họ cũng nói lo cho dân. Nhưng dân nghèo, dân oan rồng rắn cả 20 năm nay ngoài Hà Nội thì có bao giờ các ổng gặp gỡ và giải quyết chưa? Hay những người già 70 – 80, mỗi tháng được 380 ngàn, nghe nói sẽ tăng lên 500 ngàn, thì có đủ sống không? Thế thì lo chỗ nào? Các ổng chỉ nói mồm…”

Theo ông Trần Bang, đây là cách tuyên truyền của Đảng Cộng sản từ trước đến nay… nói thì cứ nói… nhưng dân phải tự lo lấy thôi. Còn lãnh đạo nhà nước nếu chi ngân sách đúng thì giữ được ghế, nếu không họ sẽ giữ ghế bằng cách khác… giữ bằng bạo lực và tuyên truyền bằng dối trá.

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-government-has-money-why-still-have-to-call-for-donations-to-buy-vaccines-06042021133835.html

Kasse animation 7.8.2023