Vì sao bây giờ Việt Nam mới xử vụ “đi nhờ” chuyên cơ Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=GOyd0_z5YsY

Sau thời gian dài không thông tin gì, mới đây báo chí nhà nước Việt Nam cho biết vào đầu tháng 5/2021, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử nhóm bị cho là chủ mưu đưa chín người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và trốn lại Hàn Quốc.

Vì sao đến lúc này mới đưa ra xét xử?

Vào trung tuần tháng chín năm 2019, tức gần 10 tháng sau khi phái đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc do nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc loan tin cho biết chín trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018.

Tin cho biết, phái đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sang Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang.

Ngoài nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao là các Bộ trưởng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc chín thành viên trong đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam bỏ trốn cho tới khi một người trong số đã bỏ trốn xuất hiện ở sân bay và xin trở về Việt Nam thì vụ việc mới vỡ lỡ.

Cho đến ngày 25/9/2019, người phát ngôn của Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc mới đưa ra lời giải thích rằng những người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc “không thuộc thành phần đoàn ngoại giao” và chỉ “đi nhờ máy bay”.

Còn truyền thông nhà nước Việt Nam khi đó không cho biết thêm chi tiết về danh tính và nghề nghiệp của những người “đi nhờ máy bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân” và tại sao những người này có được “đặc quyền” đó.

Vào ngày 30/3/2021 Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân với tỷ lệ 89,38%. Cho đến ngày 31/3/2021, Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Vì sao lúc này Việt Nam mới xử vụ “đi nhờ” chuyên cơ của bà Ngân rồi bỏ trốn ở Hàn Quốc? Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 28/4, nhận định:

Tại sao không phanh phui tất cả, rất đơn giản mà, lên máy bay làm sao thoát không khai báo, thế mà từ đó đến nay cũng không công bố ra.

Là vì họ muốn bao che uy tín của họ, nếu mà soi cô Ngân ra, soi Văn phòng Quốc hội ra thì Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ có khác gì, cho nên họ ỉm đi lúc nào hay lúc ấy.

Nhưng không ỉm được vì phía Hàn Quốc họ xì ra, bây giờ cái gì không bịt được mà xì ra thì buộc phải làm.

Nhưng bây giờ có làm đến nơi đến chốn không? Bây giờ phải quy trách nhiệm cho cô Ngân, Văn phòng Quốc hội, công an, hàng không…

Chính hàng không lờ đi, không dám cung cấp danh sách, tức là anh cũng đồng lõa với hành động xấu xa trong quản trị đất nước.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đây là một ví dụ nhỏ cho thấy những người lãnh đạo quản trị quốc gia như thế nào? Những người này không cần đạo lý cũng không cần luật pháp… Ông nói tiếp:

Thế thì sắp tới định đưa ra xử thì có thật sự xử nghiêm không? Hay là xử qua loa là mấy nhân viên ở cấp dưới.

Đúng ra vấn đề này thì những người đứng đầu phải liên đới chịu trách nhiệm.

Ở nước ngoài, các quan chức dù có bê bối nhỏ thì họ cũng từ chức vì thấy không xứng đáng.

Vì vậy bà Ngân dù đã về vườn thì cũng nên đứng ra xin lỗi, chịu trách nhiệm thì mới đúng là người có văn hóa.”

Chưa công bố thông tin đầy đủ?

Theo cáo trạng được báo chí trong nước đăng tải hôm 24/4, tám người bị truy tố về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.

Các bị cáo bao gồm: bà Lê Thị Liễu (giám đốc Công ty GVA), hai ông Trịnh Bang Dũng và Ngô Xuấn Hiếu (cùng trú tại Nghệ An), bà Trần Thị Tuyết (cựu cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo – Bộ KH&ĐT), bà Lê Thị Xuân (cựu đại diện Công ty Tư vấn du học quốc tế IEC) và bà Nguyễn Thị Lương (trú tại Nghệ An).

Cáo trạng nêu rõ, vào tháng 8 năn 2018, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4 đến 7 tháng 12 năm 2018.

Nhưng sau khi kết thúc lịch trình công tác, chín người trong đoàn đã trốn ở lại Hàn Quốc.

Trong số này, cơ quan tố tụng xác định 6 người được Lê Thị Liễu và đồng phạm tổ chức trốn đi.

Những người trốn đi theo chuyên cơ của đoàn được hướng dẫn ăn mặc lịch sự và học thuộc thông tin về công ty mà họ đứng tên giám đốc.

Ảnh: hàng ngàn người chen chúc, vật vã trong cảnh chờ đợi phía sân sau tòa nhà Charmvit (phố Trần Duy Hưng, Hà Nội), để xin cấp visa đi Hàn Quốc hồi tháng 4-2019.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khi trả lời phóng viên BBC tiếng Hàn hôm 24/9/2019 cho biết, bộ này đã xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong chuyến thăm của phái đoàn ĐBQH Việt Nam, có chín người nhập cư bất hợp pháp, hai trong số họ đã trở về nước, bảy người vẫn còn đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cáo trạng mà báo chí nhà nước đăng tải hôm 24/4/2021 chỉ nêu tên bốn trong số sáu người mà nhóm của Lê Thị Liễu đã tổ chức trốn đi Hàn Quốc là Trần Văn Dũng, Ngô Huy Hào, Nguyễn Đình Cơ và Dương Hùng Quang.

Cáo trạng cho biết bốn người đã về Việt Nam, còn hai người đang trốn ở lại không được nêu danh tính.

Ngoài ra dư luận còn thắc mắc, ngoài sáu người do nhóm của Liễu tổ chức đi theo máy bay bà Ngân, thì ba người còn lại trong nhóm chín người bỏ trốn là ai? Vì sao lên được chuyên cơ của bà Ngân và vì sao không công khai danh tính?

Những người liên quan chịu trách nhiệm thế nào?

Cũng theo cáo trạng, hành vi của các bị can đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước.

Cáo trạng xác định những người bỏ trốn thực chất là những người muốn tìm việc ở Hàn Quốc và họ phải trả 11.500 đô la Mỹ một người cho chuyến đi.

Để tìm hiểu về mặt pháp luật liên quan vấn đề này, RFA hôm 28/4 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông cho biết:

Tội đưa người trốn đi nước ngoài thì trong Bộ Luật hình sự cũng có quy định rất là nhiều, Việt Nam cũng đã xử những tội này rất nhiều.

Ví dụ như trước đây theo quy định có điều 275 của Bộ Luật hình sự thì đối với tội này có thể phạt thấp nhất từ sáu tháng đến hai năm. Tùy tính chất và mức độ có thể bị phạt hơn nữa.”

Riêng với việc tổ chức cho nhiều người trốn ra nước ngoài theo chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia, thì Luật sư Hậu cho rằng có thể bị xem xét vấn đề làm mất uy tín và thể diện quốc gia:

Có thể xem xét… trong vụ này thì Hội đồng xét xử sẽ đưa ra xét xử những người tổ chức, hay những người thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vụ việc, thì Tòa sẽ có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những người có liên quan.

Đây là vụ án sẽ đưa ra xét xử nên thẩm quyền của Tòa án Nhân dân, căn cứ vào hồ sơ vụ án về việc tổ chức, cưỡng ép người khác ra nước ngoài, thì theo luật mới thì sẽ xử từ hai năm đến bảy năm nếu phạm tội nhiều lần, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ năm đến 12 năm, còn đặt biệt nghiêm trọng có thể bị phạt từ 12 đến 20 năm tù.

Riêng những người có liên quan có thể bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, nếu nặng hơn thì xử lý về mặt hình sự.”

Một quan chức của Quốc hội Hàn Quốc khi trả lời phóng viên Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc về câu hỏi, liệu những người bỏ trốn đã đến Hàn Quốc với mục đích từ đầu như vậy hay không, nói rằng ‘có vẻ là như vậy’, và cho biết ông không biết liệu những người này có quan hệ thế nào với các quan chức trong đoàn làm việc của Quốc hội Việt Nam.

Việt Nam rút được bài học gì?

Đây không phải là lần đầu xảy ra việc công dân Việt Nam, hay quan chức đi công tác và tham quan nước ngoài rồi bỏ trốn ở lại. Trước đây đã từng xảy ra chuyện các quan chức người Việt đi công tác ở châu Âu đã không quay trở lại Việt Nam; hay vụ ông Trần Ngọc Phi Long, Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế của Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ được cử đi công tác tại Mỹ đã trốn ở lại quốc gia này. Tuy nhiên, vụ đi theo đoàn ngoại giao do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thì đây là trường hợp đầu tiên.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, khi trả lời RFA trước đây cho biết thực tế về việc tổ chức công du của Quốc hội:

Có quy định gì đâu, các đoàn Quốc hội muốn đi thì phải có kế hoạch, đi đâu thì phải được nơi đấy mời hoặc mình đặt vấn đề nơi ấy có mời không?

Tham quan việc gì, nội dung gì, phải phụ thuộc vào đoàn đấy và nơi tiếp đón thỏa thuận với nhau.

Đoàn đi thì chủ yếu từng công việc thì có từng cái nhóm, tại vì Quốc hội có nhiều vấn đề, học tập kinh nghiệm cũng có, trao đổi kinh nghiệm nhiều việc cũng có, hoặc quan hệ quốc tế giữa các Quốc hội hoặc Nghị viện với nhau. Có nhiều loại khác nhau, nhiều cấp khác nhau và nhiều nội dung khác nhau.”

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng, phải tùy thuộc công việc, nếu nội dung có liên quan công nghiệp thực phẩm, thì Đoàn Quốc hội cũng phải có một vài chuyên gia đi kèm am hiểu công nghiệp thực phẩm, hay một vài doanh nghiệp nào đó đi kèm, để trao đổi với nhau.

Hay đi về phòng chống thiên tai thì phải có chuyên gia phòng chống thiên tai. Còn Đại biểu Quốc hội thì vị nào chuyên về việc đó thì đi.

Ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA hôm 28/4, cho biết:

Tôi nghĩ vấn đề đi kèm chuyên cơ nguyên thủ quốc gia như thế cũng có quy định nhưng trong phạm vi hẹp thôi, chứ cũng không phổ biến rộng rãi.

Quy định là làm sao để đảm bảo cho chuyến bay đạt mục đích đề ra.

Nhưng cũng có thể là từ trước đến nay chưa hề xảy ra vi phạm tương tự như thế cho nên là các cơ quan chức năng chủ quan, lỏng lẻo trong kiểm soát người đi trên chuyên cơ, nên các đối tượng mới cài cắm người không đủ tiêu chuẩn vào.

Đây là sự việc mà các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm để các chuyến bay tiếp theo không xảy ra trường hợp tương tự.

Tôi nghĩ đây là bài học kinh nghiệm vì đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc như vậy.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, qua việc này cho thấy một bộ phận chính quyền ở cấp trung ương rất vô thiên vô pháp.

Họ hành xử rất kém văn hóa khi đưa những người ở đâu đấy để đi ké chuyên cơ của quốc gia.

Cách làm này ông Nguyễn Khắc Mai gọi là mọi rợ, mà theo ông trách nhiệm nằm ở chỗ Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội, Cục Hàng không… tức là những cơ quan đầu não của quốc gia.

Họ vì vụ lợi mà hành xử bất chấp danh dự quốc gia, đó là điều đáng phải suy nghĩ.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nguyễn Phú Trọng đánh bại Phạm Minh Chính ở nước cờ lớn?

>>> Vì sao ba tháng nữa Quốc hội lại bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội?

>>> Phùng Xuân Nhạ đã làm Tổng Trọng thua đậm Phạm Minh Chính?

Nguyễn Thanh Nghị xuất chiêu đầu tiên, Nguyễn Phú Trọng đang rình mồi?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023