Tuyên bố của Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) về việc bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh

Người Bảo vệ Nhân quyền, ngày 07/4/2021

Thông cáo báo chí,

Vào ngày 7/4, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam người bảo vệ nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh với cáo buộc “Làm, tàng trữ, truyền bá thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức án tù từ 7 đến 12 năm, thậm chí lên đến 20 năm nếu bị kết án. Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành bắt giữ bà và khám nhà trong khi có sự chứng kiến của bất kỳ người thân nào của bà.

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh

Hiện bà Hạnh đang bị biệt giam tại Trại tạm giam số 2, thuộc Công an thành phố Hà Nội. Việc giam giữ trước khi xét xử có thể kéo dài ít nhất bốn tháng.

Bà Hạnh là một trong số những người hoạt động tích cực nhất cổ suý dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Bà là thành viên của tổ chức Hội Anh em Dân chủ, một nhóm bị đàn áp khốc liệt từ năm 2015 với nhiều thành viên chủ chốt bị bắt giữ và kết án tù dài hạn.

Bà đã thành lập Quỹ 50K để hỗ trợ tù nhân lương tâm ở Việt Nam, hỗ trợ hàng trăm người bị bắt giam hoặc bị đánh đập và sách nhiễu bởi nhà cầm quyền cộng sản chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận và thể hiện sự quan tâm đến hiện trạng của đất nước.

Năm 2020, bà kêu gọi người Việt trong nước và nước ngoài hỗ trợ gia đình cụ Lê Đình Kình, người bị công an cộng sản Việt Nam bắn chết trong đêm 09/01, và người dân oan Đồng Tâm sau vụ tấn công của hàng nghìn cảnh sát cơ động vào làng Hoành. Tuy nhiên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ra lệnh cho Vietcombank đóng băng tài khoản của bà và giữ lại hơn 500 triệu đồng, là số tiền mà nhiều người đã hỗ trợ gia đình cụ Kình. Cho đến nay, số tiền trên vẫn bị Vietcombank và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa trả lại cho bà.

Trong nhiều năm qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để đe doạ bà nhằm buộc bà phải dừng hoạt động của Quỹ 50K, bao gồm triệu tập lên đồn công an để tra khảo, canh giữ không cho bà đi ra ngoài trong nhiều sự kiện, và bôi xấu bà trên truyền thông. Đỉnh điểm của sự đàn áp là việc bắt giữ bà vào sáng thứ Tư.

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cho rằng bà Hạnh chỉ hoạt động nhân quyền và không vi phạm luật pháp Việt Nam. Việc bắt giữ bà là bất hợp pháp và độc đoán, giống như hàng trăm vụ bắt giữ người hoạt động trong nhiều năm gần đây.

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Hạnh, thông báo về tình trạng của bà cho gia đình, và cho bà được tiếp cận với luật sư.

Để đất nước được phát triển bền vững, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cần tôn trọng nhân quyền của mọi người dân, thực hiện cam kết quốc tế về nhân quyền, và tạo điều kiện cho người bảo vệ nhân quyền hoạt động mà không sợ bị trả thù.

Chúng tôi kêu gọi người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chấm dứt việc đàn áp người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền.

Thay mặt Người Bảo vệ Nhân quyền

Giám đốc Vũ Quốc Ngữ

Nguồn: https://www.vietnamhumanrightsdefenders.net/2021/04/07/tuyen-bo-cua-nguoi-bao-ve-nhan-quyen-defend-the-defenders-dtd-ve-viec-bat-giu-nha-hoat-dong-nhan-quyen-nguyen-thuy-hanh/

Tiểu sử và quá trình hoạt động của bà Nguyễn Thuý Hạnh

BÁO CÁO VỀ NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN THÚY HẠNH

Bà Nguyễn Thúy Hạnh sinh ngày 5/5/1963 tại Hải Dương

Bố mất sớm, lúc 5 tuổi, mẹ tái giá, Hạnh và chị (7 tuổi) sống với ông bà nội. Chồng là nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, sinh năm 1952

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Hạnh là nhân viên cho công ty quốc doanh dịch vụ du lịch. Vào năm 2000, bà chuyển qua làm giám đốc đối ngoại cho công ty mía đường KCP Việt Nam thuộc tập đoàn KCP Ấn Độ, đến năm 2015 thì nghỉ hưu.

Bà Hạnh có mặt trong phong trào xã hội dân sự từ năm 2011, khi tham gia hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông; Biểu tình bảo vệ cây xanh, biểu tình bảo vệ môi trường biển; Biểu tình chống luật đặc khu; Biểu tình đòi hỏi nhân quyền và tham gia các hoạt động cứu giúp dân oan, cứu giúp những người đấu tranh cho nhân quyền bị đánh đập và bị bắt tù và gia đình họ.

Từ năm 2011 đến năm  2018, bên cạnh các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ, bà Nguyễn Thúy Hạnh còn lo kiếm nguồn tài chính để cứu giúp những người hoạt động xã hội bị khó khăn, bị đánh đập, bị bắt tù. Ban đầu bà Hạnh bỏ tiền túi ra giúp đỡ trực tiếp các nạn nhân. Sau này số lượng nạn nhân tăng lên nhiều, và bà Hạnh đã về hưu, không đủ tiền để giúp nên vận động kêu gọi nhiều người đóng góp.

Năm 2014, bà Hạnh tham gia quỹ cứu lấy dân oan, quyên tiền giúp đỡ những người dân oan bị mất nhà đất từ khắp 65 tỉnh thành kéo về khiếu kiện lâu ngày ở Hà Nội, và những người này thường xuyên bị nhà cầm quyền đàn áp.

Năm 2018, bà Hạnh lập ra quỹ 50K để giúp đỡ tất cả các gia đình tù nhân lương tâm gặp khó khăn khi lao động chính trong nhà bị bắt đi tù. 50K là 50.000 đồng, là số tiền tối thiểu có thể đóng vào hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng. Bà Hạnh kêu gọi đóng 50 ngàn đồng, để có thể có số đông người tham gia đóng góp, đồng thời với số tiền ít ỏi đó, người đóng góp không sợ nhà cầm quyền đàn áp, bắt bớ.

Ban đầu quỹ nhận được phần lớn sự ủng hộ của người Việt ở hải ngoại, còn số người đóng góp rất trong nước còn ít và phải ẩn danh (để tránh sự chú ý của nhà cầm quyền). Nhưng càng về sau, nhiều người vượt dần qua sự sợ hãi, tham gia nhiều hơn và đóng góp với số tiền ngày càng lớn hơn, từ 50 ngàn đồng đến 50 triệu đồng. Sau một năm hoạt động, tỉ lệ nhà hảo tâm trong nước chiếm đến 80% số người đóng góp.

Nhận được tiền, bà Hạnh tự điều phối chuyển cho các gia đình mỗi tháng từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng tùy vào mức độ khó khăn nhiều hay ít. Số tiền gởi về đến đâu, bà Hạnh phân ra chuyển ngay cho các gia đình qua tài khoản ngân hàng, rồi quyết toán ngay.

Mỗi tháng như vậy, bà Hạnh quyết toán từ 2 đến 3 lần. Số dư nếu có của đợt quyết toàn trước, nhập vào đợt quyết toán sau. Danh sách người gởi cùng số tiền đóng góp, và danh sách người nhận cùng số tiền nhận được đưa lên công khai sau mỗi đợt quyết toán, ai cũng có thể vào kiểm tra được.

Do cách làm công khai minh bạch như vậy, quỹ 50K đã tạo ra uy tín lớn, được mọi người tin cậy, nên ngày càng lan rộng trong cộng đồng quốc nội lẫn quốc ngoại.

Do bị đe dọa nên nhiều gia đình TNLT ban đầu không dám nhận tài trợ dù rất khó khăn. Bà Nguyễn Thúy Hạnh phải ra sức thuyết phục, giảng giải cho các gia đình đó hiểu thế nào là quyền của mình, hiểu luật pháp không cấm nhận trợ giúp nhân đạo. Dần dần, hầu hết các gia đình TNLT nghèo khổ đều đồng ý mở tài khoản để nhận trợ giúp hàng tháng. Ngoài việc giúp tiền sinh hoạt và tiền đi thăm nuôi người tù, quỹ 50K còn trích riêng ra số tiền trợ giúp tiền mua sách vỡ và học phí cho con em TNLT dưới 18 tuổi vào đầu mỗi năm học (mỗi cháu khoảng 2 đến 3 triệu đồng).

Tác dụng và ý nghĩa của quỹ 50 K rất lớn và ngày càng lan rộng, nên nhà cầm quyền tìm mọi cách ngăn chặn. Hù dọa các gia đình TNLT nhận trợ giúp, và tìm mọi cách đe dọa gây khó khăn cho Nguyễn Thúy Hạnh. Nguyễn Thúy Hạnh bị đánh hai lần khi đến thăm và đồng hành cùng gia đình TNLT, trong đó nặng nhất là lần lên trại tù số 6 ở Nghệ An, đồng hành cùng các TNLT đang tuyệt thực để đấu tranh nhân quyền.

Cuối năm 2019, công an Hà Nội lập chuyên án theo dõi và điều tra về Nguyễn Thúy Hạnh. Từ đó bà Hạnh bị canh gác, bị theo dõi và thậm chí bị chặn không cho ra khỏi nhà nhiều lần và nhiều ngày. Bà Hạnh nhiều lần bị chặn bắt cóc giữa đường để đưa về đồn công an, tra hỏi, khủng bố về quỹ 50K.

Vào ngày 9/1/2020, nổ ra vụ tấn công vào xã Đồng Tâm, bắn chết cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh của những nông dân giữ đất. Cả xã bị bao vây, không cho ai ra vào. Đám tang cụ Kình diễn ra trong hoàn cảnh không có người đến trực tiếp thăm viếng. Do vậy, nhiều bà con có nhu cầu gởi tiền viếng thông qua ngân hàng. Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, cũng là dân oan, đã nhờ Nguyễn Thúy Hạnh mở tài khoản nhận tiền phúng điếu. Tài khoản mở ra sau ba ngày, đã có 700 người dân gởi tiền phúng điếu với số tiền lên đến 570 triệu đồng.

Nhà cầm quyền sợ sự lan tỏa của quỹ phúng điếu, nói lên lòng dân ủng hộ dân Đồng Tâm nên đã ra lệnh phong tỏa ngay tức khắc tài khoản mà không nêu lý do.

Ngày 15/1/2020, bà Nguyễn Thúy Hạnh trên đường ra ngân hàng khiếu nại đòi lại tiền phúng điếu, đã bị an ninh chặn bắt cóc giữa đường, đưa về cơ quan an ninh điều tra bộ công an để xét hỏi và khủng bố tinh thần.

Từ đó đến ngày bị bắt, bà Nguyễn Thúy Hạnh bị 5 lần triệu tập, chỉ làm việc về quỹ 50 K, và liên tục bị canh gác/theo dõi.

Ngày 3/4/2021, bà Nguyễn Thúy Hạnh nhờ luật sư gởi đơn lên bộ công an, khiếu nại về việc phong tỏa tài khoản tiền phúng điếu đám tang cụ Lê Đình Kình.

Đến ngày 7/4/2021, bà Nguyễn Thúy hạnh bị bắt chính thức theo lệnh tạm giam của cơ quan an ninh điều tra công an Hà Nội. Hiện bà bị tạm giam tại trạm tạm giam số 2 Hà Nội, người thân và luật sư không được phép tiếp xúc để biết tình trạng của bà hiện nay như thế nào.

Kasse animation 7.8.2023