Hơn 200 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả là những ai?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=dp0pOhaglfg

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra bổ sung, xác định Đại học Đông Đô đã cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho tổng cộng 203 người.

Bộ Công an nói đã chuyển danh sách những người mua bằng giả này lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Trong số cá nhân này, xác định có 5 trường hợp đã sử dụng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Hà Nội, 2 người dùng giấy tờ giả để học nghiên cứu sinh ở Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, 1 trường hợp để học nghiên cứu sinh tại Học viện Cán bộ TP.HCM và 2 trường hợp khác ở Học viện Khoa học xã hội.

Ngoài ra, một trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để thi thăng hạng viên chức tại UBND tỉnh Thái Bình.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 17/2 cho biết Bộ Công an đề nghị truy tố ông Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô) và 9 người liên quan với cáo buộc “giả mạo trong công tác“.

Cơ quan điều tra xác định ông Dương Văn Hòa phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hơn 200 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả. 9 bị can khác là các cựu cán bộ, lãnh đạo cơ sở giáo dục này bị xác định vì động cơ vụ lợi nên tham gia cấp bằng giả mà không tuyển sinh, đào tạo, hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.

Tin nói tổng số tiền học phí văn bằng 2 tiếng Anh tại Đại học Đông Đô thu về hơn 24 tỷ đồng. Trong khi đó, trường này cung cấp danh sách 2500 người và nói nộp hơn 18 tỷ.

Trong số 203 người bị xác định nhận bằng giả của Đại học Đông Đô, 166 người bị xác định đã đóng tổng cộng 2,6 tỷ.

Kết luận bổ sung của cơ quan điều tra cũng cho biết đã tách vụ án và tiếp tục điều tra dấu hiệu sai phạm của những quan chức thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo có liên quan với hoạt động của trường Đông Đô.

Ảnh: Chương trình đào tạo tiến sỹ thạc sỹ của đại học Đông Đô

Trong diễn biến liên quan, Bộ Giáo đục & Đào tạo cũng vừa công bố danh sách 16 trường đại học được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Theo đó, có 16 trường Đại học ở Việt Nam được cung cấp chứng chỉ tiếng Anh nêu trên gồm ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng; ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh, Học viện An ninh nhân dân, ĐH Sài Gòn, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Trà Vinh, ĐH Văn Lang, ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên.

Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng từ tháng 1/2014 được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và 6 bậc (tương thích với các bậc A1 đến C2 trong Khung tham chiếu Châu Âu).

Ngoài ra, có 135 trường Đại học, Học viện và 46 cơ sở giáo dục – đào tạo được phép cấp chứng chỉ ứng dụng thông tin.

Bộ Công an Việt Nam hôm 25/11 đã xác định trong số 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả để bảo vệ luận án tiến sĩ.

Tuy nhiên 55 vị tiến sỹ bằng giả này hiện đang được giữ bí mật danh tính khiến dư luận nhiều người tỏ ý bất bình.

Được biết có nhiều vị tiến sỹ dùng bằng đại học giả này là cán bộ công chức, có lẽ đây cũng là lý do tế nhị mà báo chí và cơ quan điều tra muốn giữ kín tên tuổi chức vụ của họ.

Những người này hiện không thể xác định là ai, đang làm việc ở đâu, sử dụng bằng hay chưa… Điều này có thể dẫn tới hệ lụy các tấm bằng không có giá trị nêu trên được chủ nhân sử dụng vào các mục đích khác nhau mà không bị phát hiện.

Với 409 cá nhân chưa thể xác định, nhiều người trong số họ cũng có thể đã sử dụng văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô vào các mục đích tương tự.

Hiện nay 55 vị tiến sỹ dùng bằng Đại học giả này vẫn được giữ bí mật danh tính trong khi dư luận đòi hỏi được công khai tên tuổi chức vụ cũng như việc xử lý cụ thể thế nào, tuy nhiên chưa có nhà báo nào có thể tiếp cận và công bố thông tin.

Ảnh: Các bị can Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy, cán bộ đào tạo

Bình luận về sự việc này, nhà báo Nguyễn Tiến Tường viết trên Facebook cá nhân rằng:

Quý vị mua dâm người mẫu các thứ, được bí mật danh tính

Con cái quý vị hối lộ nâng điểm, được bảo vệ danh tính

Quý vị leo lên máy bay nguyên thủ đi ké sang Hàn Quốc, cũng không lộ danh tính

Rồi bây giờ quý vị dùng bằng giả của đại học Đông Đô để làm tiến sĩ, quý vị cũng không bị công khai danh tính

Không ấy quý vị lên bàn thờ quốc gia ngồi rồi xong ăn gì dân cúng, chứ có đâu quốc pháp mà lại bông phèng như rứa.

Thần trên đỉnh Olympia làm bậy còn bị nhắc tên, quý vị quyền năng hơn cả họ luôn rồi!” nhà báo Nguyễn Tiến Tường nêu thái độ.

Cơ quan Công an đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ theo quy định đối với 58 người, 2 trường hợp còn lại một người đã chết, người còn lại xin thôi không học thạc sỹ trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án nên không kiến nghị xử lý.

 “Dấu hỏi” danh tính 55 người dùng bằng giả ĐH Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ

Nhiều người cho rằng phải công khai danh tính 55 người đã dùng bằng giả của ĐH Đông Đô phục vụ cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ để xem hiện nay họ công tác ở đâu, đảm nhiệm vị trí gì.

Ảnh: ông Bùi Văn Cường bí thư tỉnh ủy Đắc lắc vẫn tái đắc cử với 100% phiếu bầu mặc dù bị tố cáo 70% nội dung luận án tiến sỹ là sao chép

Một giảng viên đại học nêu ý kiến: “Tôi không thể tưởng tượng được khi đọc thông tin có đến 55 người dùng bằng giả cho việc xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

Bằng giả tức là bằng không có giá trị, không qua học tập mà có, cũng có thể những người này không biết lấy một chữ tiếng Anh nhưng dùng tiền mua bằng để vượt qua tiêu chuẩn về tiếng Anh phục vụ cho làm nghiên cứu sinh và tiến sĩ.

Thử hỏi, một nhà khoa học nhưng đến tiêu chuẩn ngôn ngữ cũng không có, chưa nói đến việc đạo đức của người làm nghiên cứu cũng không thì họ có xứng đáng với hai từ “tiến sĩ”?

Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị phải công khai danh tính của những người này để dư luận biết, để thấy những con người dối trá trong làm khoa học thế nào”.

Nghiên cứu sinh và tiến sĩ mà trắng trợn mua bằng, làm giả chứng chỉ để lừa lọc thì không có đủ tư cách.

Không có lòng trung thực mà lại tham gia vào nghiên cứu khoa học để trở thành tiến sĩ rồi từng bước leo cao, tiến xa trên con đường quan trường thì thực sự những con người ấy sẽ gây nguy hại cho xã hội.

Phải công khai danh tính 55 cán bộ đã mua bằng giả để phục vụ cho việc làm luận án tiến sĩ này, xem hiện nay họ đang công tác ở đơn vị nào, đảm nhiệm vị trí gì, nếu cần thiết thì đề nghị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự vì tội mua bán bằng giả.

Phải mạnh tay để làm tấm gương cho những tiến sĩ “rởm” có ý định mua bán bằng với mục đích làm đẹp hồ sơ, tiến thân… Làm sao có thể chấp nhận những kẻ dùng tiền để mua tri thức sau đó lại xếp ngang hàng với những trí thức thực thụ đổ mồ hôi, công sức trên giảng đường, trong các trung tâm nghiên cứu được.

Nếu không xử lý mạnh tay, để họ len lỏi vào đội ngũ tiến sĩ thật sẽ là sự xúc phạm với đội ngũ nghiên cứu khoa học nước nhà”, một nhà nghiên cứu Toán (ĐH Sư phạm Hà Nội) nói.

Ảnh: trường Đại học Đông Đô, nơi cấp bằng giả cho những người được báo chí tiết lộ là “có uy tín cao”

Báo mạng Công an nhân dân, vào hôm 19/12, dẫn lời của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Công an cho rằng công khai danh tính những người mua bằng tại trường Đại học Đông Đô là việc nên làm, song việc công khai đến mức độ nào cần phải tính toán để đảm bảo “thấu tình, đạt lý”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh và chúng tôi trích lại nguyên văn:

Việc công bố công khai danh tính chỉ nên thực hiện trong cơ quan, không nên công khai rộng rãi trên báo chí.

Điều này một mặt vừa đảm bảo tính nghiêm minh nhưng đồng thời cũng không đẩy người ta vào đường cùng. Đây có thể gọi là công khai một nửa, đúng mức và vừa phải”

Luật sư Đặng Dũng, vào tối ngày 30/12 cho RFA biết ý kiến của ông:

Vụ việc Đại học Đông Đô làm bằng cấp giả và Bộ Công an tuyên truyền, nói rằng những người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô nên ra tự thú.

Việc làm đó của ngành công an có thể nói là chấp nhận được. Đây là một cách không sai về quy định pháp luật.

Bởi vì họ nói như vậy để những người nào làm chuyện sai trái đó đến tự thú thì họ sẽ tùy theo từng trường hợp để xử lý theo luật hay xử phạt vi phạm hành chính.

Còn một điều nữa, người ta thắc mắc tại sao không nêu danh sách những người dùng bằng giả đó, công khai danh tính ra.

Đây cũng là bí mật điều tra của cơ quan điều tra nên họ cũng không nêu tên. Tại vì thứ nhất, đang trong quá trình điều tra và theo luật thì những người nào chưa bị kết án hoặc chưa bị xử phạt thì người ta vẫn còn là ‘nghi can’.

Và hơn nữa họ cho biết những người sử dụng bằng giả đó là những người có ‘uy tín’. Bây giờ nêu tên như thế thì những cơ quan có các ông/bà sử dụng bằng giả đó lập tức bị tác dụng rất xấu. Người ta bàn tán và không tâm phục, khẩu phục.”

Ảnh: trong một vụ án khác ở quận Nam từ liêm Hà nội hồi tháng 5-2019, công an thu giữ được 1.200 con dấu và một tấn phôi bằng giả

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh:

Sai phạm của Đại học Đông Đô không phải chỉ xảy ra trong mấy năm vừa rồi, mà theo tôi theo dõi thì đã xảy ra từ thời kỳ ngay khi trường đại học này mới được thành lập.

Trường Đại học Đông Đô bị sai phạm ghê gớm. Lỗi của họ lập đi lập lại nhiều lần trong nhiều năm và không được xử lý đến nơi đến chốn nên cứ tái phạm đi, tái phạm lại.

Tôi cho rằng nếu phép nước nghiêm thì Đại học Đông Đô sẽ phải bị đóng cửa sau vụ việc này. Phải cương quyết đình chỉ, giải tán trường đại học này ngay và cương quyết không để cho nó núp bóng ‘trường đại học’ để làm ra những sai phạm tày trời kéo dài mấy chục năm.”

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Lý do Trung Quốc xây tường biên giới với Việt Nam?

>>> Bao giờ Phạm Minh Chính sẽ đoạt ghế tổng bí thư?

>>> Bộ y tế quy định – “Tứ trụ” không chấp hành

Hậu quả nghiêm trọng của Luật Hải cảnh: Trung Quốc độc chiếm Biển Đông


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023