Đài Loan tự đóng tàu ngầm “quyết chiến” với Trung Quốc

 
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=YI_ju6JyWQw

Tổng thống Thái Anh Văn ngày 24/11/2020 cho biết Đài Loan sẽ tự đóng các tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc. Đây là một dự án quan trọng của đảo quốc được Hoa Kỳ hỗ trợ.

Theo RFI, trong lễ khởi công tại thành phố cảng Cao Hùng, có sự hiện diện của ông Brent Christensen, thực chất là đại sứ Mỹ, bà Thái Anh Văn tuyên bố đây là một quyết định « lịch sử », sau khi đã vượt qua được « nhiều thử thách và nghi ngờ ».

Bà nói : « Dự án này chứng tỏ quyết tâm cao độ của Đài Loan nhằm bảo vệ chủ quyền. Tàu ngầm rất quan trọng để tăng cường năng lực chiến đấu của hải quân, nhằm răn đe các tàu địch bao vây Đài Loan. »

Tập đoàn Đài Loan CSBC cho biết sẽ giao chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 2025, trong số 8 chiếc được đặt hàng. Chủ tịch tập đoàn nói rằng đã gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là việc mua thiết bị và những cản trở từ các thế lực bên ngoài.

Hải quân Đài Loan hiện có bốn tàu ngầm, trong đó có hai chiếc với hạm đội hùng hậu của Trung Quốc gồm cả những tàu chiến trang bị vũ khí nguyên tử và cả hàng không mẫu hạm.

Quân đội Trung Quốc không ngừng đe dọa Đài Loan, với việc gia tăng các hoạt động quân sự sát hòn đảo. Năm nay các máy bay tiêm kích Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Nhiều nhà quan sát lo ngại nguy cơ Bắc Kinh sẽ đánh chiếm Đài Loan nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trong những thập niên qua, Đài Loan đầu tư rất lớn vào kỹ nghệ quốc phòng, do Bắc Kinh gây áp lực lên những nước bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy nhiên dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Đài Loan đã được chính quyền Mỹ hỗ trợ đáng kể trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Năm 2018, chính quyền Donald Trump đã bật đèn xanh cho các nhà sản xuất Mỹ tham gia cung cấp thiết bị cho Đài Loan.

Mỹ đã triển khai 10 thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Lần gần đây nhất là ngày 03/11/2020 Mỹ đã thông báo quyết định chấp thuận bán cho Đài Loan bốn chiếc máy bay không người lái loại tấn công MQ-9 “Reaper” trị giá 600 triệu đô la. Ngoài ra, lô vũ khí mới mà Hoa Kỳ bán cho Đài Loan còn bao gồm hai trạm điều khiển mặt đất cố định và hai trạm khác có thể di chuyển, hệ thống nhắm mục tiêu, radar và hệ thống hình ảnh dành cho các nhiệm vụ do thám. Người được hưởng hợp đồng cung cấp là tập đoàn quốc phòng Mỹ General Atomics.

Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một thông cáo, khẳng định vụ mua bán này sẽ cho phép Đài Loan “hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì năng lực quốc phòng đáng tin cậy”.

Thông cáo nói rõ thương vụ bán vũ khí “sẽ cải thiện năng lực (của Đài Loan) để đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách cung cấp các khả năng tình báo, giám sát và trinh sát, xác định mục tiêu và tấn công trên bộ, trên biển và dưới nước“.

Đây là thương vụ bán vũ khí lớn thứ ba cho Đài Loan mà chính quyền tổng thống Donald Trump đã thông qua trong vòng chưa đầy ba tuần, với trị giá đã lên đến 4,8 tỷ đô la.

Ảnh: máy bay không người lái MQ-9 Reaper có trang bị tên lửa của không quân Mỹ mới được chấp thuận bán cho Đài Loan với số lượng bốn chiếc hồi đầu tháng 11

Chính quyền Donald Trump trong những tuần lễ cuối cùng vẫn không ngừng hỗ trợ Đài Loan trên mọi mặt.

Đề đốc Michael Studerman, chỉ huy trưởng đơn vị tình báo J2 Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ đã âm thầm đến Đài Bắc vào chiều chủ nhật 22/11/2020.

Chuyến viếng thăm của viên tướng Mỹ hai sao chỉ được Đài Loan, qua trả lời báo chí của Thủ tướng Tô Trinh Xương, xác nhận vào một ngày sau đó.

Lịch trình thăm viếng của tướng tình báo Michael Studerman tại  Đài Loan không được thông báo, nhưng theo Reuters, sự kiện chính quyền Donald Trump tăng cường trợ giúp Đài Loan trên nhiều mặt đã gây phản ứng tức giận tại Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo hôm 23/11, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố «kiên quyết chống lại mọi hình thức trao đổi giữa Mỹ và Đài Loan hay quan hệ quân sự». Phát ngôn viên này đe dọa thêm : «Trung Quốc sẽ theo dõi diễn biến tình hình và sẽ có hành động chính đáng để trả đũa».

Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hiện diện thường xuyên tại Biển Đông. Theo thông tin của Hạm Đội 7, khu trục hạm USS Barry, thuộc hải đội khu trục hạm số 15, đã trở lại Biển Đông với nhiệm vụ được giao phó là bảo vệ an ninh hàng hải và ổn định trong khu vực.

Trong năm nay, khu trục hạm trang bị tên lửa hành trình này từ Nhật Bản đã bốn lần băng qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông.

Ngay trước chuyến viếng thăm của chỉ huy tình báo Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ đến Đài Loan, Mỹ và Đài Loan đã ký một thỏa thuận thiết lập hội nghị kinh tế thường niên trong 5 năm bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Ảnh: Khu trục hạm Mỹ USS Barry đi qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông

Hội nghị Đối thoại Đối tác Kinh tế thịnh vượng Đài Loan – Mỹ lần thứ nhất diễn ra vào hôm 20/11/2020 đã nhanh chóng đi đến kết quả. Hai bên ký bản ghi nhớ (bị vong lục) gồm 7 lãnh vực hợp tác song phương như kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, 5G, an ninh viễn thông …

Thỏa thuận hợp tác kinh tế được triển hạn cứ 5 năm 1 lần.

Cuộc họp dài 7 giờ đồng hồ dưới hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Keith Krach, đại diện cho phía Mỹ. Dẫn đầu phái đoàn Đài Loan là Thứ trưởng Kinh tế Trần Chính Kỳ.

Một sự kiện khác cũng không kém phần quan trọng trong những nỗ lực cuối cùng mà chính quyền Trump dành cho Đài Loan, đó là cuộc tập trận chung giữa Thủy quân Lục chiến Mỹ và quân đội Đài Loan để cải tiến khả năng tác chiến của quân đội hòn đảo này. Đây là lần đầu tiên từ 40 năm nay, quân đội Đài Loan được nhìn nhận có các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.

Theo Newsweek và United Daily News, cuộc tập trận đổ bộ tại Cao Hùng được bộ tư lệnh Hải Quân Đài Loan mô tả là « như thông lệ », nhưng đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ được xác nhận chính thức có mặt trên lãnh thổ Đài Loan.

Một đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ cùng phương tiện đổ bộ đã đến Đài Loan từ ngày 26/10/2020, nhưng phải tuân thủ biện pháp cách ly hai tuần chống COVID-19.

Cuộc tập trận và huấn luyện kéo dài trong một tháng ở vùng tây nam của hòn đảo. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Hải quân Đài Loan từ chối cho biết thêm chi tiết.

Mỗi năm, biệt kích hải quân Mỹ cũng như lực lượng đặc biệt đều tham gia tập trận với Đài Loan. US Navy Seals ở Bành Hồ, căn cứ hỏa lực nằm trong eo biển Đài Loan, còn Lực lượng Mũ Xanh thao dượt tại vùng đồi núi miền trung hải đảo.

Thông tin này được Đài Loan công khai chỉ vài hôm sau khi Joe Biden được truyền thông Mỹ thông báo đã đắc cử tổng thống Mỹ.

Ảnh: Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu)

Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp mới đây đã tuyên bố tin tưởng chính phủ Joe Biden sẽ theo đuổi cùng một chính sách hỗ trợ Đài Loan trên mọi mặt.

Trước tâm lý lo ngại Trung Quốc lợi dụng lúc chuyển giao quyền lực tại Washington để tấn công hòn đảo, Quốc hội Đài Loan đã mời Cục trưởng Cục An ninh ra điều trần. Theo Đài Phát thanh quốc tế Đài Loan RIT ngày 09/11/2020, Cục trưởng Khưu Quốc Chính nhận định dù ai là tổng thống thì Hoa Kỳ vẫn đi theo hướng ngăn chặn Trung Quốc và thân hữu với Đài Loan, vì đó là chính sách cố hữu của nước Mỹ.

Cục An ninh Đài Loan cho biết sẽ « theo dõi kỹ » tình hình eo biển, chính phủ sẽ có những đối sách ứng biến phù hợp để ngăn chận Trung Quốc vượt biển xâm nhập : « An nguy của mình phải do tự mình lo liệu trước, không hoàn toàn ỷ lại vào nước ngoài ».

Theo giới quan sát, những gì mà chính quyền Trump đã làm cho Đài Loan cũng như Hồng Kông sẽ “sớm đặt ra những thách thức cho ông Joe Biden” trong việc triển khai chính sách Trung Quốc. Lý do là vì ông không thể tỏ ra yếu đuối hơn người tiền nhiệm.

Cụ thể, thách thức đối với ông Biden là làm sao xây dựng được một chính sách Trung Quốc của riêng mình sau 4 năm dưới thời Trump: Nếu khôi phục nguyên trạng trước đó, ông Biden sẽ phải đối mặt với những cáo buộc là mềm yếu, nhưng nếu tiếp tục các hành động cứng rắn như ông Trump thì lại có nguy cơ không lôi kéo được Bắc Kinh vào việc giải quyết các vấn đề trọng đại hơn như thương mại và biến đổi khí hậu.

Về phần mình, Đài Loan mong muốn ông Biden tiếp tục bán các hệ thống vũ khí mà họ cho rằng cần thiết để ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc, đồng thời tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác giữa các nước trong Bộ Tứ “Quad” bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.

Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, cũng hy vọng là mối quan ngại chung về sự thống trị của Trung Quốc có thể giúp bà đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Anh Quốc gia luật “cấm cửa” Huawei

>>> Đại sứ quán Mỹ – Trung đấu khẩu “dữ dội” giữa Hà Nội

>>> Đại hội 13: Đảng đổi màu – quan chức thừa cơ trốn chạy

https://www.youtube.com/watch?v=xaxw_TP77bA
Liệu Bắc Kinh có “tha” cho Hà Nội?

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023