Công đoàn quốc doanh “rung động”- Các doanh nghiệp cùng lúc “vùng lên”

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=Try89wIWaOg

Những ngày đầu tháng 10, giới doanh nghiệp đã chứng kiến một sự việc hi hữu khi 8 hiệp hội đồng loạt ký tên kiến nghị giảm kinh phí công đoàn còn tối đa 1% quỹ lương.

8 hiệp hội ngành hàng đồng loạt kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng một loạt bộ, ngành về sự cần thiết phải sửa đổi Luật công đoàn và quy định mức nộp kinh phí công đoàn tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội…

8 hiệp hội ngành hàng vừa mới có bước đi mang tính cách mạng trên gồm dệt may, chế biến và xuất khẩu thủy sản, lương thực – thực phẩm, chè, da giày túi xách, điện tử cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo quan điểm của các hiệp hội, kiến nghị trên được các hiệp hội ngành hàng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng đã thấy có sự không đồng nhất giữa Luật ngân sách nhà nước và Luật công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Các hiệp hội cho rằng cũng như việc doanh nghiệp đóng thuế, tức là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước, vậy mà vẫn phải trích nộp thêm kinh phí công đoàn ở mức 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Chủ tịch 8 hiệp hội ngành hàng cũng cho rằng tỉ lệ nộp kinh phí công đoàn phải dựa trên điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ, và sự thay đổi của cơ sở tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội qua thời gian, cấp thiết “nên dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động“.

kiến nghị nhấn mạnh quan điểm: “Chúng tôi kiến nghị Luật công đoàn cần sửa đổi và quy định mức nộp kinh phí công đoàn tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Chính phủ có quyền quyết định tỉ lệ đóng này theo từng thời kỳ, tùy theo tình hình kinh tế xã hội. Điều này nhằm đảm bảo quy định có tính chất linh hoạt và phù hợp với tình hình biến động kinh tế, xã hội của Việt Nam, khu vực và thế giới qua từng thời kỳ. Cách thức quy định này đã từng được áp dụng trong một số luật, ví dụ quy định về tỉ lệ đóng bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.”

Ảnh chụp 2 trang đầu của Công văn 06102020/HHDN về việc đóng góp ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ 8 hiệp hội doanh nghiệp

Các hiệp hội ngành hàng còn viện dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước để chứng minh rằng việc tăng trưởng mạnh của quỹ công đoàn theo mức thu 2% phí công đoàn, các cấp công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được.

Cụ thể, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thể hiện tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ năm 2013-2019) là 100.354 tỉ đồng. Tổng thu trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần, trong đó kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần.

Mới đây, một phát hiện về việc Tổng Liên đoàn Lao động dôi ra 29.000 tỷ đồng đã khiến dư luận choáng váng về mức độ “giàu có” của tổ chức trên danh nghĩa là đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động này trong bối cảnh người lao động nói riêng và nền kinh tế nhà nước nói chung lao đao, khốn đốn vì đại dịch Covid-19. 29.000 tỷ đồng mà theo Tổng Liên đoàn Lao động lý giải là số tiền của toàn bộ hệ thống tổ chức công đoàn tích lũy suốt từ khi có luật Công đoàn về thu phí công đoàn và công đoàn phí gấp gần 100 lần ngân sách Trung ương phân bổ hằng năm cho cơ quan này và hiện số tiền này được gởi tại các ngân hàng thương mại để kiếm lời. Cứ tạm tính lãi suất 7%/năm thì hằng năm thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thu được 2.030 tỷ đồng cũng đã là một con số rất lớn.

Trở lại với mức phí công đoàn hiện nay do doanh nghiệp phải đóng với mức bằng 2% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, Luật sư Ngô Ngọc Trai phân tích: Ví dụ doanh nghiệp có 500 lao động, lương đóng bảo hiểm xã hội của mỗi người là 5 triệu đồng, thì tính ra mỗi tháng doanh nghiệp phải đóng quỹ công đoàn là 50 triệu đồng.

Nếu số người lao động trong doanh nghiệp của cả nước là 30 triệu người, tiền lương là 5 triệu đồng, thì mỗi tháng Quỹ công đoàn doanh nghiệp phải đóng sẽ là 03 nghìn tỷ, mỗi năm 36 nghìn tỷ. Con số này là quá lớn, gấp nhiều lần số tiền chi ngân sách cho cả ngành Tòa án và Viện kiểm sát cộng lại.

Ảnh: Hội nghị giao ban báo chí quý III/2020 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 22/09/2020. Tại đây, cơ quan này đã nói về việc gửi ngân hàng hàng chục ngàn tỉ đồng

Mặt khác, tổ chức công đoàn hiện nay đều là người lao động kiêm nhiệm, vừa làm việc vừa hưởng lương do doanh nghiệp trả.

Vậy với một doanh nghiệp 500 người lao động, trong mỗi tháng công đoàn cơ sở vừa làm việc của mình, liệu họ còn giúp ích được bao nhiêu cho người lao động mà chi phí cho họ lên tới 50 triệu? Bộ máy công đoàn cả nước bao nhiêu người, mỗi tháng làm được những gì mà chi phí lên tới 03 nghìn tỷ đồng? Chi phí một tháng đó gần bằng chi phí cả năm cho một ngành tư pháp.

Giả như tổ chức công đoàn mà độc lập với chủ doanh nghiệp, là những người làm việc chuyên nghiệp toàn thời gian chăm lo cho đời sống lao động thì khi đó họ sẽ hưởng lương do quỹ công đoàn trả lương thì khác, đằng này công đoàn kiêm nhiệm, hiệu quả hoạt động thì đáng ngờ, vậy mà hưởng phí công đoàn 2% quỹ lương, như vậy là quá lớn.

Theo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã ký kết tham gia, người lao động được phép tự tổ chức thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, nhiều tổ chức công đoàn sẽ liên kết thành công đoàn ngành hoặc khu vực. Khi đó bên cạnh tổ chức công đoàn của nhà nước hiện nay sẽ có thêm các tổ chức công đoàn độc lập khác.

Đứng trước tương lai đó, tổ chức công đoàn hiện nay cần hiệu chỉnh lại tổ chức hoạt động, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, giảm gánh nặng mức phí, thay vì bào mòn tài chính doanh nghiệp như hiện nay.

Luật sư Trai cũng nhận định việc 8 hiệp hội ngành nghề cùng đồng loạt kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước giảm mức phí công đoàn phải nộp từ mức 2% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 1% là sự kiện đáng chú ý của giới doanh nghiệp vốn lâu nay ít có những hành động có tính chất phản kháng như vậy.

Ảnh: Hội thảo về Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp – Góc nhìn chuyên gia được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 06/2018

Lý giải cho hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng thờ ơ trước những chế định pháp lý bất lợi. Luật sư Trai giải thích:

Một số doanh nghiệp trở lên lớn mạnh nhờ có mối quan hệ thân hữu nên được thụ hưởng những lợi thế mà sẽ khó thể có được ở những cơ chế công bằng, ví như được nhà nước giao cấp đất thực hiện dự án.

Có doanh nghiệp là biến thể của những đơn vị doanh nghiệp nhà nước khi xưa, đứng chân trên phần nhà đất trụ sở có yếu tố nhà nước khi trước, trở thành doanh nghiệp tư qua những phi vụ cổ phần hóa mà giá trị tài sản bị kiểm đếm tính giá bán mua ẩn chứa nhiều vấn đề.

Lại có doanh nghiệp làm giàu nhờ chỉ định thầu trong những gói dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc mua sắm trang thiết bị cho cơ quan nhà nước, khoản lợi ích chênh lệch hậu hĩnh kiếm được khiến cho họ ít có động lực lên tiếng về các vấn đề thể chế.

Hoặc như chính sách thuế phí nặng nề cộng với quy trình thuế má nhiêu khê, nhiều doanh nhân bị mời gọi trốn tránh nghĩa vụ, khiến họ yếm thế mặc cảm về thân phận pháp lý, ít có động lực thúc đẩy gây dựng cho một nền pháp quyền chuẩn chỉnh.

Nhiều doanh nhân lớn đúng ra có vai trò sứ mệnh dẫn dắt thì vì những lý do đã nêu họ lại trở thành những người có khuynh hướng im lặng trước bất cập.

Còn 8 hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng đã có chung kiến nghị thuộc những lĩnh vực ngành nghề phần nhiều tránh được những lối kinh doanh dễ gặp phải tình trạng tiêu cực thân hữu như đã nói ở trên, có lẽ bởi thế nên họ đã có đủ dũng khí để thực hiện một việc có tính chất phản kháng tập thể như vậy.

Nhiều tiếng nói trong cộng đồng mạng nhận định công đoàn tại Việt Nam mà chỉ là một tổ chức bù nhìn, chỉ thừa lệnh của Đảng chứ không hề thực hiện chức năng, nhiệm vụ vốn có của nó.

Ảnh: Công nhân công ty PouYuen Việt Nam đình công để phản đối quy định mới về Bảo hiểm xã hội năm 2015

Bác sĩ Anh Nguyễn, với hơn 4 năm kinh nghiệm đang làm cho một công đoàn tại Úc, đã có bài viết trên BBC lý giải về công đoàn theo đúng nghĩa của nó.

Trước hết, mục đích quan trọng của công đoàn, nghiệp đoàn là “giáo dục” cho công nhân để biết quyền lợi của một người công nhân như thế nào, phải làm sao đối phó với những trường hợp bất công và bóc lột sức lao động. Sau đó tập hợp phần lớn công nhân có cùng chung mục đích lại với nhau để tổ chức và hành động đòi cải thiện lợi ích cũng như điều kiện làm việc.

Dưới một thể chế tam quyền phân lập thì công đoàn, nghiệp đoàn được hoạt động độc lập với chính phủ, họ chỉ vì lợi ích của công nhân và do công nhân chỉ đạo.

Công đoàn sẽ có trách nhiệm và nhiệm vụ kết nạp thành viên cũng như kêu gọi công nhân tham gia vào công đoàn để bảo vệ và đấu tranh cho quyền lợi của công nhân. Mỗi thành viên khi tham gia phải đóng lệ phí công đoàn, đây là nguồn tiền để chi trả những hoạt động của công đoàn như in ấn và phát tờ rơi, kiện tụng, đào tạo nhà hoạt động (activist), trả lương cho người tổ chức (organiser)…

Chủ đầu tư sẽ không được tham gia vào công đoàn độc lập vì lợi ích trái ngược và không đóng lệ phí.

Còn ở Việt Nam thì luật sư Trai đã phải gọi là chế định vô lý tréo ngoe khi doanh nghiệp lại phải đóng quỹ công đoàn, tổ chức mà về nguyên tắc là đối nghịch về quyền lợi với chủ doanh nghiệp.

Bác sĩ Anh Nguyễn nhìn nhận dưới chế độ độc đảng thì công đoàn phải làm theo mệnh lệnh của đảng và nhà nước, đồng thời vừa phục vụ lợi ích của công nhân và giới đầu tư doanh nghiệp. Không được pháp luật bảo vệ, các tổ chức độc lập này rất khó hoạt động, mặc dù hiến pháp Việt Nam có quy định.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đảng họp – Dân chi tiền

>>> Vụ buôn lậu ma túy từ Berlin có dính líu tới Tô Lâm?

>>> Trung Quốc: từ ‘bạn vàng’ trở thành “lang sói”

Thăng đi, Nhân đến, Nên về – „Mỏ tiền“ Miền nam Đảng tận thu

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023