Thảm sát Đồng Tâm – sự cáo chung của Đảng Cộng sản Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/xmw9RfHzmTY

Việc lực lượng vũ trang của chính quyền cộng sản Việt Nam nửa đêm đột nhập vào nhà riêng hợp pháp của cụ Lê Đình Kình, chĩa súng vào tim cụ, bóp cò, sát hại cụ một cách cực kỳ côn đồ và man rợ đã xóa sạch những công cụ của nền tư pháp mà Đảng Cộng sản vất vả xây dựng suốt 9 thập kỷ qua.

Có lẽ đối với những người đang sống, chỉ có thế hệ những ai sinh vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX mới được chứng kiến một sự man rợ tương tự như vậy trong cuộc cải cách ruộng đất cách đây hơn 60 năm, khoảng từ năm 1953 đến năm 1957, cũng do chính Đảng Cộng sản tiến hành nhằm ‘đuổi cùng giết tận tầng lớp tinh hoa ở nông thôn’.

Thế nhưng theo một bình luận trên trang mạng xã hội thì mặc dù số lượng nạn nhân bị làm nhục, bị hành quyết dã man, thậm chí chôn sống trong Cải cách ruộng đất là 172.088 người mà tuyệt đại đa số là oan. Nhưng tính chất của Thảm sát Đồng Tâm thì man rợ hơn nhiều. Người này đã đưa ra hàng loạt lý do như sau:

Cải cách ruộng đất diễn ra trong thời kỳ mà hơn 90% dân mù chữ, dễ bị nhồi sọ dẫn dắt bởi các tuyên truyền. Còn Thảm sát Đồng Tâm diễn ra khi Việt Nam đã xóa mù chữ, cách mạng 4.0 đã bắt đầu.

Cải cách ruộng đất tiến hành công khai ban ngày. Thảm sát Đồng Tâm tiến hành lén lút ban đêm.

Cải cách ruộng đất dùng nông dân mù chữ để xử lý địa chủ bằng bạo lực tự phát. Thảm sát Đồng Tâm dùng lực lượng vũ trang chính quy để đàn áp giết người.

Cải cách ruộng đất có mở phiên tòa luận tội rồi mới giết. Thảm sát Đồng Tâm bắn giết tra tấn không cần bất kỳ tòa nào.

Cải cách ruộng đất dùng nông dân để kể tội làm nhục địa chủ trước khi hành quyết. Thảm sát Đồng Tâm dùng toàn bộ hệ thống tuyên truyền: báo chí, truyền hình, dư luận viên vu cáo, tung tin bịa đặt, nhục mạ những người bị bắt và cả người đã chết.

Cải cách ruộng đất không bẫy nạn nhân, không đẩy nạn nhân vào thế phản kháng tự vệ mà luận tội dựa trên tài sản đất đai đã có. Thảm sát Đồng Tâm được thiết kế tinh vi để đẩy các nạn nhân vào thế phải tự vệ, lấy cớ đó giết và bắt.

Cải cách ruộng đất đánh địa chủ để cướp đất cho bần cố nông. Thảm sát Đồng Tâm giết cựu cán bộ, cựu chiến binh, đảng viên đảng cầm quyền, cựu Bí thư lãnh đạo xã đang chống tham nhũng để chặn khiếu kiện, cướp đất cho nhóm lợi ích Viettel là một dạng tư bản đỏ đã hưởng lợi từ nguồn lực mà quốc gia ưu đãi cho quốc phòng.

Ảnh 1: Một phiên tòa nhân dân trong Cải cách ruộng đất những năm 50 của thế kỷ trước nhằm đấu tố địa chủ

Trả lời BBC, ông Hoàng Hưng, nhà thơ, dịch giả và là đồng chủ biên Tạp chí Văn nghệ mạng Văn Việt, thuộc Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam đã nhận định ở nước Việt Nam thời Cộng sản, chưa từng có vụ việc về nhân quyền, dân quyền nào có sự lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn, kiên trì, và đông đảo, bao gồm nhiều thành phần xã hội, như vụ cảnh sát cơ động tập kích làng Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội sáng sớm 09/01/2020.

Ông Hưng đã điểm loạt hàng loạt động thái phản ứng của xã hội dân sự, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước:

Ngay trong đêm 9/1, tức chưa đầy một ngày sau sự biến, đã có bản Tuyên bố do một số tổ chức xã hội dân sự và cá nhân khởi xướng, cực lực phản đối việc làm phi pháp của nhà cầm quyền và nhận định về hậu quả khó lường của vụ này. Tuyên bố viết: “Điều cực nguy hiểm là người dân đã bị đẩy thành thù địch, đối đầu với chính quyền, lòng tin của người dân với chính quyền không còn một chút nào! Vụ Đồng Tâm sẽ đi vào lịch sử như một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lần đầu tiên, dưới chế độ luôn tự xưng là “của dân”, người nông dân công khai trương ra và thực hiện khẩu hiệu: Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu!”. Tuyên bố này đã được trên 1.000 người trong và ngoài nước ký tên.

Đại diện cho công luận là những trí thức, nhân sĩ Hà Nội (nhóm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình…), nhân sĩ Sài Gòn (nhóm Giáo sư Tương Lai, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm…), đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, hay lá thư “Tôi tố cáo” của nhà văn Nguyên Ngọc (gợi nhớ sự kiện “J’accuse” của văn hào Emile Zola hơn 100 năm trước ở Pháp), đã chính thức đòi hỏi nhà cầm quyền công khai mọi khuất tất trong vụ Đồng Tâm, làm rõ trách nhiệm, khởi tố và xét xử những người chủ trương, chỉ đạo, chỉ huy và trực tiếp gây ra vụ tấn công và thảm sát ở làng Hoành.”

Ông Hưng còn nhắc đến “những ý kiến khách quan, công bằng của những vị lâu nay vẫn gần gụi, thiện chí với nhà cầm quyền như cựu đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, đương kim Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển Hoàng Ngọc Giao…”

Dường như, phần lớn dư luận trong nước đều phẫn nộ với cách xử lý chà đạp luật pháp của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Ảnh 2: Tuyên bố Đồng Tâm được phổ biến rộng rãi trên mạng hôm 10/01/2020

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho rằng việc hành xử của chính quyền trong vụ tập kích Đồng Tâm và hạ sát ông Lê Đình Kình hôm 09/01/2020 là ‘nhẫn tâm’ và cách làm như vậy chỉ có trong ‘thời Trung Cổ’.

Ông Thuận nói: “Ở Việt Nam, chỉ có bạo loạn, cướp chính quyền thì may ra mới có thể xảy ra trường hợp (tập kích) đó, chứ còn bình thường không ai chấp nhận dùng lực lượng vũ trang như thế cả…

Nhìn thấy ông Kình chết và nhìn thấy ông bị phanh thây, mổ bụng ra, người ta nhìn thấy, người ta cảm thấy rùng rợn…

Người ta nghĩ rằng chỉ có thời Trung Cổ thôi. Thời bây giờ không ai làm thế!”

Mới đây Câu lạc bộ Lê Hiều Đằng đã khẳng định hành động của chính quyền rạng sáng ngày 09/01/2020 là một tội ác. Thông báo của Câu lạc bộ nêu rõ: “Ở đây có quyền hiểu: nhà cầm quyền đã cố tình quy kết Tổ Đồng Thuận là “một tổ chức khủng bố” để tiêu diệt?

Với ‘mục tiêu” như vậy, rạng sáng 9/1/2020 hàng nghìn cảnh sát được trang bị “tận răng”, tấn công vào thôn Hoành (Đồng Tâm) bằng súng đạn, hơi cay, chó nghiệp vụ, bất chấp trong nhà có người già, đàn bà, trẻ nhỏ … Đó là tội ác chiến tranh!

Cuộc đột kích vào nhà dân, bắn chết rồi phanh thây một đảng viên lão thành 56 tuổi đảng, 84 tuổi đời, đang nằm trên giường ngủ, chưa hề có tiền án, tiền sự; bắn bị thương mấy người dân, bắt đi hơn 20 người dân và cướp đi nhiều tài sản, là hành động vô cùng ác độc, vô pháp, vô đạo.

Nhiều đảng viên và người dân bàng hoàng, không thể tưởng tượng nổi, giữa thời bình mà chính quyền có thể làm một việc tàn ác, “kinh thiên động địa” đến như vậy!

Người ta định lấy tội ác khủng khiếp này để khoả lấp hết những sai lầm và tội ác trước đó của họ, nhưng chính họ lại gây nên tội ác tầy đình – một tội ác sẽ bị lịch sử còn phán xét mãi!”

Ảnh 3: Thành viên Tổ Đồng Thuận Đồng Tâm

Nhà thơ Hoàng Hưng đã nhận định: “Vụ Đồng Tâm đã có một lịch sử kéo dài, trong cả quá trình đó nhà cầm quyền không trưng ra được bản đồ qui hoạch gốc (tương tự vụ Thủ Thiêm) để thuyết phục dân thôn Hoành cũng như công luận rằng 59ha đất đồng Sênh thuộc đất quốc phòng, đối lại với những chứng cứ có lý có tình của dân cho thấy họ mới là chủ nhân đích thực.”

Chính việc đó dẫn người dân đến tâm trạng uất ức, tuyệt vọng, dẫn đến tuyên bố lấy máu để giữ đất, từ đó tạo cái cớ cho nhà cầm quyền đàn áp.”

Trong tình thế đó, quyết định tấn công vào làng Hoành, gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm là một cái mốc quan trọng, đánh dấu sự lúng túng, bất lực, đi đến manh động của nhà cầm quyền trong việc xử lý các mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là vấn đề Đất đai đã tồn tại quá lâu, hậu quả là đẩy người dân đến con đường cùng, không còn sợ hãi, buộc phải đối đầu!”

Tiễn sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu đã bày tỏ quan điểm của mình về bi kịch Đồng Tâm trong một bài viết có tên “Đồng Tâm – Đừng để oan oan tương báo!”. Ông nhận định sự kiện Đồng Tâm đã để lại 4 hậu quả khôn lường.

Thứ nhất nó làm chia rẽ sự đoàn kết làm giảm sức mạnh của dân tộc. “Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với nhân dân. Và đó còn là sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền… Sự chia rẽ này còn kéo dài lâu nữa, dẫu trên bề mặt sắp tới đây sẽ lắng xuống. Hơn nữa, sự chia rẽ sẽ còn tiếp tục lan rộng – chừng nào không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Những phát đạn không phải là kết thúc.”

Thứ hai, đó là vết thương lương tâm. “Bi kịch Đồng Tâm là vết thương lòng của nhiều người. Đã có nhiều người khóc khi biết những mất mát ở thôn Hoành đêm 09/01/2020. Họ không trúng đạn mà cũng như bị trúng đạn. Họ khóc vì thương xót. Họ khóc vì day dứt. Ở bình diện nào đó, trong cái chết của đồng bào ở thôn Hoành đêm 09/01/2020 có lỗi của họ. Những người đã khóc đều cố gắng tìm hiểu lỗi của mình ở đâu.”

Thứ ba, đó là sự mất niềm tin và sợ bạo lực. Ông phân tích: “Thanh tra không phải là tòa án. Thanh tra là của chính quyền. Khi chính quyền tranh chấp với chính quyền thì có thể dùng thanh tra. Nhưng khi chính quyền tranh chấp với người dân thì phải dùng tòa án. Trong vụ Đồng Tâm không có tòa án. Trong vụ Đồng Tâm, thanh tra của chính quyền giải quyết tranh chấp của chính quyền với người dân. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin vào chính quyền vì sự không công bằng. Rồi chính quyền dựa vào thanh tra của chính quyền để sử dụng vũ lực. Sau bi kịch Đồng Tâm đêm 09/01/2020, một nỗi sợ hãi nguy cơ bạo lực đang lảng vảng. Khi người dân mất niềm tin vào chính quyền, sợ bạo lực từ chính quyền, thì đó phải là nỗi lo của chính quyền.”

Và hậu quả thứ tư đó là những hệ lụy quốc tế. Ông Chu khẳng định “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 là một trời một vực những bức thành ngăn cách về pháp lý giữa Việt Nam và chuẩn mực quốc tế. Với thước đo của EU, sự vụ Đồng Tâm đêm 09/01/2020 sẽ lọt vào phạm trù khác chứ không phải như chính quyền cộng sản tuyên truyền là vì “bảo vệ xây tường rào ở cánh Đồng sênh”.

Ảnh 4: Bản đồ khu vực tranh chấp

Học giả Nguyễn Quang Dy cùng khẳng định sự kiện Đồng Tâm hôm 09/01/2020 là “thảm họa về đối nội, đối ngoại, và truyền thông”.

Ông phân tích: “Bằng cách tập kích Đồng Tâm vào lúc rạng sáng như tấn công đồn địch, giết chết cụ Kình như kẻ thù không đội trời chung, chính quyền đang đánh mất lòng tin của người dân và chứng minh “cách mạng đang ăn thịt những đứa con của mình”.

Chính quyền không chỉ dùng bạo lực quá mức cần thiết và quá tàn bạo đối với người già, phụ nữ và trẻ em, mà sau đó còn ép Vietcombank phong tỏa tài khoản tiền phúng viếng của nhiều người gửi cho gia đình cụ Kình với lý do đó là “tổ chức khủng bố”. Trong chiến tranh, người ta phải đối xử nhân đạo với tù binh, nhưng trong hòa bình, người Việt lại đối xử tàn bạo với đồng bào của mình như kẻ thù. Sau ông Kình, liệu còn ai dám tin vào Đảng? Đây là cách ứng xử thiếu khôn ngoan, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và an ninh quốc gia.

Trong khi đất nước đang cần đồng thuận quốc gia để tìm cách thoát hiểm bằng đổi mới thể chế và thoát Trung, thì người ta lại hành động như “tự bắn vào chân của mình”, chỉ có lợi cho Trung Quốc. Dấu vết trên thi thể của cụ Kình và ba sỹ quan cảnh sát đầy mờ ám, làm người dân càng nghi ngờ và bức xúc về cái chết thê thảm của họ. Thông báo của 3 người phát ngôn Bộ Công An về biến cố Đồng Tâm đưa ra 3 lần trong 5 ngày có nhiều điểm vô lý và trái ngược nhau, như một thảm họa về truyền thông, càng làm mất uy tín của Bộ Công An.

Quyết định đàn áp Đồng Tâm (9/1/2020) bất chấp Việt Nam là chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (năm 2020), và bất chấp Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu quyết định số phận của EVFTA (Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU). Theo ông Lưu Trọng Văn, chính quyền dùng bạo lực đàn áp dân Đồng Tâm gây ra bất ổn vào lúc này có thể là một phần trong âm mưu của nhóm lợi ích cấu kết với Trung Quốc “như thế lực thù địch”, hòng làm mất uy tín Việt Nam trước khi EU thông qua EVFTA.”

Việt Nam sẽ có nguy cơ lâm “vào thế mắc kẹt như một nghich lý với “hệ quả kép” về đối nội và đối ngoại, còn nặng nề hơn cả vụ Trịnh Xuân Thanh

Dư luận cho rằng nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào lịch sử với ba sự kiện bất thường. Một là thảm họa môi trường Formosa; Hai là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh; Ba là vụ đàn áp Đồng Tâm. Nếu vụ Đồng Tâm không phải do ông Trọng, mà là một nhân vật khác muốn gài bẫy ông (theo thuyết âm mưu) thì đó là một dấu hiệu bất ổn vì “trên bảo dưới không nghe”, báo hiệu năm 2020 còn nhiều ẩn số và biến số khó lường.”

Ông kết luận “Việt Nam tiếp tục bị cô lập và tụt hậu trong một thế giới biến động khôn lường”.

Ảnh 5: Quyết định trao huân chương cho ba công an chết khi tấn công Đồng Tâm được ông Nguyễn Phú Trọng cấp tốc ký ngày 10/01/2020

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Nguyễn Đức Chung – “cái gai” của Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Phú Trọng trong vụ Đồng Tâm

>>> Điều tra vụ Đồng Tâm – 11 Tổ chức trên thế giới gửi yêu cầu lên Liên Hiệp Quốc

>>> Vụ Đồng Tâm: Đảng nói xử công khai – Dân bị cấm vào Tòa

Đồng Tâm: Tòa chiếu phim tuyên giáo – kỳ quái chế độ Cộng sản VN

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023