“Sức yếu” – Việt Nam “dè chừng” với Trung Quốc ở Biển Đông

https://youtu.be/2uWLHkUGOQs
Link Video: https://youtu.be/2uWLHkUGOQs

Tháng 07/2020 đánh dấu một cái mốc quan trọng trong vấn đề Biển Đông với sự kiện Hoa Kỳ đã khẳng định một cách mạnh mẽ nhất từ trước đến nay lập trường về Biển Đông. Theo sau đó là sự ủng hộ quyết liệt của Úc, một nước lớn khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với lập trường mới nhất của Mỹ về vùng biển quan trọng trong khu vực. Trước những chuyển biến được cho là rất có lợi cho Việt Nam, quốc gia có tranh chấp chủ quyền trực tiếp trên Biển Đông, giới quan sát nhận định Việt Nam vẫn rất thận trọng trong cách hành xử với Trung Quốc về hồ sơ chủ quyền này.

Ngay từ đầu tháng 07, Biển Đông đã dậy sóng dữ dội khi Mỹ thực hiện những cam kết trong khu vực bằng những hành động thiết thực.

Đối đầu Mỹ – Trung trên vùng biển quan trọng này liên tục leo thang. Lần đầu tiên, Hoa Kỳ điều đến ba chiến hàng không mẫu hạm đến tập trận tại Biển Đông. Ngày 04/07/2020, Hải quân Mỹ ra thông cáo khẳng định hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành các cuộc tuần tra và diễn tập tại Biển Đông nhằm « bảo vệ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do ».

Hoạt động quân sự này của Mỹ diễn ra vào lúc Bắc Kinh đang tổ chức các cuộc tập trận có quy mô lớn gọi là « Tam đại chiến địa » ở ba vùng biển lớn : Hoàng Hải, Hoa Đông và Nam Hải mà Việt Nam gọi là Biển Đông, xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm từ tay Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 14/07/2020, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố mạnh mẽ cho rằng các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là « bất hợp pháp » đánh dấu việc Mỹ chuyển từ một quan điểm trung lập cứng ngắt, không đứng về bên tranh chấp nào sang một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, bác bỏ các yêu sách biển của Bắc Kinh bị xem là quá đáng và bất hợp pháp.

Ảnh: Hàng không mẫu hạm Mỹ, USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) tập trận tại Biển Đông, ngày 06/07/2020

Một diễn biến khác cũng gây chú ý sau đó là công hàm của Úc gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài các từ ngữ rất giống với thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. thời điểm Úc gửi công hàm rất đáng chú ý vì diễn ra trước cuộc họp bộ trưởng Mỹ – Úc 2+2 tại Washington, gồm Ngoại trưởng  Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Úc Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và đồng nhiệm Úc Linda Reynolds.

Văn kiện Úc cũng được công bố ngay sau khi Canberra đưa ra một bản cập nhật chiến lược mới (Strategic Update 2020 and Force Structure Plan), nhắm điều chỉnh hướng đi cho tương ứng với mối đe dọa ngày càng cao đến từ Trung Quốc.

Theo chuyên gia Lê Thu Hường, thuộc viện nghiên cứu Úc ASPI, chuyển biến lập trường gần đây tại Washington và Canberra đã khẳng định lại quan điểm với ngôn từ dứt khoát hơn mà hai nước từng có liên quan đến phán quyết 2016.

Trong chiều hướng quan hệ đang xấu đi của hai nước này với Trung Quốc, những tuyên bố mới của Mỹ và Úc đã đánh dấu một cái mốc quan trọng liên quan đến Biển Đông, bác bỏ một cách rõ ràng hơn yêu sách của Trung Quốc và hậu thuẫn công khai cho vai trò của luật quốc tế.

Tuy nhiên, chuyên gia Úc đã thấy rằng các nước Đông Nam Á đã có phản ứng khác nhau trước các thông báo của Mỹ và Úc, có một số ít công khai và trực tiếp nêu lên những thông cáo, và một vài nước khác thì lại cho rằng quan điểm có vẻ mới của Mỹ thật ra không phải là để đề cao luật quốc tế, mà là để leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds, Ngoại trưởng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong cuộc họp báo chung tại Washington ngày 28/07/2020

Về phản ứng của Việt Nam, tiến sĩ Lê Thu Hường ghi nhận rằng những diễn biến kể trên đã được chính phủ Việt Nam hoan nghênh.

Có nhiều lý do để Việt Nam phấn khởi trước việc Mỹ và Úc thay đổi giọng điệu về Biển Đông. Với việc các quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Philippines và Malaysia thường tránh chỉ trích công khai các hành động của Trung Quốc, Việt Nam ngày càng cảm thấy bị cô lập trong khu vực.

Ngoài ra, vào lúc toàn thế giới bị dịch COVID-19 chi phối và các quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc gây ảnh hưởng nặng nề thì những nỗ lực gần đây của Việt Nam nhằm đánh động quốc tế về những điều mà Việt Nam xem là hành vi sách nhiễu và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông có vẻ như vô hiệu, ít ra là cho đến gần đây.

Trong bối cảnh không có gì có thể kìm hãm các hành vi của Bắc Kinh, Việt Nam đã bị thiệt hại cả về chiến lược và kinh tế. Một ví dụ cụ thể: Áp lực liên tục của Bắc Kinh và những hành vi của Trung Quốc nhằm giới hạn các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong các vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, theo một ước tính, đã khiến cho Việt Nam bị thiệt hại khoảng 1 tỷ đô la.

Có thể nói, bước đi mới của Mỹ và Úc đến vào đúng thời điểm mà Việt Nam cần những yếu tố ngoại lực trong cuộc chiến giành chủ quyền không cân sức với Trung Quốc mà Việt Nam đang ở thế yếu về tương quan lực lượng.

Ảnh: Nhà giàn thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn giữ thái độ thận trọng khi phản ứng trước các động thái của Hoa Kỳ.

Sau tuyên bố của ông Mike Pompeo, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15/07 đã hoàn toàn tránh né những lời lẽ chỉ trích Trung Quốc, thậm chí không nêu đích danh cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc trong bản thông cáo về lập trường mới của Mỹ. Đây cũng là cách thức để tránh khiêu khích Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ nói đơn giản rằng: “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.”

Theo bà Hường, việc Hà Nội hoan nghênh các cách tiếp cận cứng rắn hơn của Hoa Kỳ và Úc đối với Biển Đông cũng không nhất thiết có nghĩa là Việt Nam sẽ tranh thủ cơ hội này để khởi động các vụ kiện đã được xem xét từ lâu nhằm chống lại Trung Quốc, hoặc thậm chí đẩy nhanh tiến độ hình thành một quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ trên nền tảng quan hệ đối tác toàn diện hiện có.

Hà Nội sẽ tránh đưa ra những quyết định lớn cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngã ngũ, thế nhưng, theo tác giả bài phân tích, Việt Nam vẫn hy vọng rằng các tuyên bố mới của Hoa Kỳ và Úc là dấu hiệu phản ánh một cam kết rõ ràng của hai cường quốc này sẽ dấn thân mạnh mẽ hơn vào hồ sơ Biển Đông.

Ảnh: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Có ý kiến cho rằng thời điểm này, Việt Nam đang hết sức tránh đụng độ với Trung Quốc, đặc biệt là năm tới Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng.

Hà Nội không muốn gây rối với Bắc Kinh để tránh rơi vào tình huống bị buộc phải thương lượng tay đôi với Trung Quốc vì thương lượng tay đôi sẽ bất lợi cho Việt Nam.

Chuyên gia về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine Hoa Kỳ nhận định ngay cả việc chấp nhận hủy hợp đồng và bồi thường cho Repsol dưới áp lực của Trung Quốc là một giải pháp « lùi một bước đế tiến thêm hai bước » của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế tại Biển Đông.

Trả lời RFI, ông cho rằng khi bắt chẹt Việt Nam hủy hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha và một số công ty nước ngoài khác, Trung Quốc đã đi sai một nước cờ.

Về phía Việt Nam, một mặt, Hà Nội đã nhượng bộ Bắc Kinh để đánh động công luận quốc tế về tham vọng vô hạn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên sách nhiễu các công trình khai thác dầu khí của Việt Nam và các đối tác quốc tế của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc thường đưa các đội tàu xuống các vùng ngoài khơi nhưng ở bên trong thềm lục địa của Việt Nam. Đôi khi là những đội tàu với cả bốn, năm chục tàu hải quân đi ngang qua.

Như trong các dự án của tập đoàn Tây Ban Nha, Repsol, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc lại điều các giàn khoan đến áp sát vào các giàn khoan của Repsol, khiến vừa qua Repsol đã phải dừng khoan ở các bãi 07/03 và 135-136/03. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc mà Việt Nam đang muốn cho thế giới thấy.

Việc Việt Nam nhượng bộ dưới áp lực của Trung Quốc có thể là cách để cho các nước khác cảm thấy là nếu cứ để cho Trung Quốc tiếp tục lấn át như vậy thì sẽ gây mất an ninh cho tất cả mọi người. Và không chỉ có các nước trong khu vực nhận thức được vấn đề này, mà cả chính Hoa Kỳ cũng đã nhận thức được. Rất có thể đây là một phần lý do mà thái độ của Mỹ trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã cứng rắn hơn rất nhiều kể từ trung tuần tháng 07 vừa qua.    

Mặt khác, Việt Nam đang lôi kéo Mỹ, Nga vào công cuộc khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông khi tăng tốc đàm phán với ExxonMobil của Mỹ trong dự án Cá Voi Xanh và trực tiếp vận động Matxcơva về hợp tác giữa các tập đoàn Việt Nam với Rosneft của Nga.

Sự hiện diện của các đại tập đoàn Mỹ và Nga sẽ ngăn chặn Bắc Kinh chèn ép và uy hiếp các nước trong khu vực để khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.  

Tập đoàn Mỹ ExxonMobil, đã có lúc muốn rút ra khỏi Việt Nam, nhưng sau tuyên bố của Mỹ đã tái khẳng định hợp tác với Việt Nam. Đây là một công ty Mỹ, nếu bị Trung Quốc quấy nhiễu trong các vùng mà ExxonMobil đang hợp tác với Việt Nam, chắc chắn Mỹ sẽ có thái độ bảo vệ doanh nghiệp của mình. Cho nên PetroVietnam và ExxonMobil tiếp tục đàm phán với để thúc đẩy dự án Cá Voi Xanh.

Rosneft là tập đoàn có vốn của chính phủ Nga, cho nên Việt Nam nghĩ rằng có thể nếu Trung Quốc đe dọa những vùng có đầu tư của Rosneft thì Nga có thể cũng sẽ can thiệp. Theo ông Long, Việt Nam sẽ đi gần với Nga thêm, cùng với Nga bảo vệ an ninh cho các hãng dầu của hai nước ở vùng Nam Côn Sơn hay là ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Cần nói thêm là các hãng của Mỹ và Nga cảm thấy là cần phải cứng rắn thêm, nếu không sẽ bị Trung Quốc chèn ép, như trường hợp của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol. Việt Nam phải dừng hợp đồng với tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha, phải trả một số tiền bồi thường rất lớn, 1 tỷ đô la, nhưng mặt khác việc này cho các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Nga, thấy rằng không thể để tình trạng này tiếp diễn, vì như vậy quyền lợi của các bên sẽ bị đe dọa, không chỉ trong vấn đề khai thác tài nguyên hay phát triển ở Biển Đông, mà còn cả đối với an ninh trên toàn vùng biển này.

Việt Nam đã hy sinh rất nhiều: 1 tỷ đô la tiền phạt là một khoản tiền rất lớn, hơn nữa các dự án của tập đoàn Tây Ban Nha tương đương với 9 % lượng khí đốt có thể cung cấp điện cho toàn quốc. Nhưng đổi lại, về lâu dài, tương lai đối an ninh của Việt Nam và cả khu vực sẽ rất là lớn. Trong tình huống hiện nay, Việt Nam làm một bước lùi, nhưng hai bước tiến. Bởi vì rõ ràng là, ngoài Mỹ, ngay cả những nước khác cũng đang thấy là áp lực của Trung Quốc ngày càng lớn. Nếu bây giờ không cùng nhau bảo vệ cho an ninh chung trong khu vực, thì có lẽ là sẽ quá trễ.

Ảnh: Lễ ký kết thỏa thuận khung hợp đồng bán khí mỏ Cá Voi Xanh năm 2017 giữa PetroVietnam và ExxonMobil của Mỹ

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mỹ tiến gần “lằn ranh đỏ” – Trung Quốc “dàn trận” đối phó

>>> Trung Quốc “phát cuồng” – lệnh trừng phạt Hoa Kỳ

>>> Việt Nam: Chính phủ “rối bời”, Du lịch “kiệt quệ” vì làn sóng COVID-19 thứ hai

https://www.youtube.com/watch?v=o8rDe_IJ0es
TQ cùng lúc “chiến” với Âu, Mỹ, Đài Loan – Tập hụt hơi

 

Kasse animation 7.8.2023