Thật hay giả – dữ liệu viêm phổi Vũ Hán đợt 2 tại Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/bBSYGY77rDQ

Cho đến làn sóng COVID-19 thứ hai trở lại Việt Nam vào cuối tháng 07 vừa qua thì Việt Nam đã có thêm hàng trăm ca nhiễm mới và đặc biệt nhất là đã có những bệnh nhân đầu tiên chết vì COVID-19. Câu hỏi đặt ra giống như đợt 1 là những số liệu mà chính quyền cộng sản Việt Nam cung cấp trong đợt dịch thứ hai này có đáng tin cậy.

Tính đến chiều tối ngày 11/08/2020 thì Việt Nam có tổng số 863 ca nhiễm và 16 người tử vong vì COVID-19. So với phần lớn các quốc gia khác thì con số này của Việt Nam vẫn thật đáng khiêm tốn dẫn đến nhiều nghi vấn từ không chỉ cộng đồng quốc tế mà cả nhân dân trong nước.

Trong chương trình hội luận bàn tròn với chủ đề “COVID-19 tái phát: Liệu Việt Nam có thể ‘vừa chống dịch vừa chống đói’?” do BBC tổ chức ngày 06/08, bác sỹ Phan Đình Hiệp, chuyên gia về y tế từ Australia, nhận xét: “So với lần trước, thì lần này thông tin của Việt Nam có vẻ tiến bộ, tuy nhiên nếu tìm vào các nguồn như là nguồn của Bộ Y tế để tìm kiếm thông tin, có vẻ còn hơi khó khăn để tìm hiểu.

Hy vọng rằng, ngành y tế sẽ thiết lập được những thông tin, truyền thông nhanh, nhạy, tập hợp lại chính xác để cho người dân có thể thích ứng.

Việt Nam từ trước đến nay, người ta vẫn phải theo thông tin từ trên xuống dưới, tức là một hình thức truyền thông định hướng.

Truyền thông định hướng có ‘cái lợi’ là thông tin theo một chiều, nhưng có ‘cái hại’ là nhiều khi thông tin chúng ta phải đợi phía trên, hy vọng lần này sẽ không bị như vậy.

Một tuần trước, sau một tuần tôi có cảm nhận là các con số Việt Nam đưa ra có vẻ có tiến bộ, còn nó tiến bộ đến chừng mực nào thì thực sự ở bên trong mới biết, ngoài thì không thể biết. Chỉ mong rằng hãy vì minh bạch và trung thực để chung tay với nhau giải quyết vụ dịch bệnh này.”

Ảnh chụp màn hình thống kê tình hình dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam và trên thế giới trên trang web của Bộ Y tế vào cuối ngày 11/08/2020

Khi nhìn lại trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên trong làn sóng dịch thứ hai và trường hợp người đầu tiên tử vong vì bệnh COVID-19 tại Việt Nam thì thấy sự lúng túng của truyền thông cũng như chính quyền Việt Nam.

Cho đến khi một người dân ngụ ở thành phố Đà Nẵng có kết quả xét nghiệm 3 lần dương tính với virus SARS-CoV-2 (2 lần ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng và 1 lần Viện Pasteur Nha Trang), chính quyền vẫn tuyên truyền là chưa đủ cơ sở khẳng định bệnh nhân này mắc COVID-19. Chẳng hạn, báo điện tử Tuổi trẻ cho đến 18h08 ngày 24/07/2020 đã có bài viết “Ca bệnh ở Đà Nẵng làm xét nghiệm lần 5 vì ‘chưa chắc bị COVID-19’”. Trong khi đó đối với một dịch bệnh có sức lây lan nhanh và mạnh như COVID-19 thì thời gian là vàng, công tác tuyên truyền thông tin đóng góp rất lớn vào việc nâng cao ý thức người dân, tránh được ý thức chủ quan với dịch bệnh trên diện rộng nhất là vào mùa cao điểm du lịch nghỉ hè tại Việt Nam.

Tiếp đến, Việt Nam ngày 31/07 ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong liên quan COVID-19 kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 01/2020. Tuy nhiên, BBC đã ghi nhận trong khoảng một tiếng đồng hồ, có diễn biến gây khó hiểu trong việc tường thuật của báo chí chính thống.

Ban đầu, trong ngày 31/07, các báo lớn đều đưa tin tử vong của bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, ở tại Phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam. Nhưng tính đến khoảng 15h30 chiều giờ Việt Nam, hầu hết các báo mạng ở Việt Nam, tuy đã đưa tin này, lại đã xóa. Vào thời điểm đó, dường như bản tin tử vong của bệnh nhân 428 chỉ còn trên một vài trang báo chính thống lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TPHCM.

Đến 15h46, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, Sức khỏe Đời sống, mới đăng tin chính thức nói:

Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn, đã chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trên 10 năm, tăng HA – suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ…

Nguyên nhân tử vong: Nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân có bệnh lý nền tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, biến chứng: suy hô hấp do suy tim và COVID-19.”

Ảnh chụp màn hình bài viết “Ca bệnh ở Đà Nẵng làm xét nghiệm lần 5 vì ‘chưa chắc bị COVID-19’” được đăng trên báo điện tử Tuổi trẻ vào lúc 18h08 ngày 24/07/2020

Ngay sau đó, tin tức mới hiện ra trên trang Thông tấn xã Việt Nam với nội dung: “Bộ Y tế thông báo ca tử vong đầu tiên khi mắc COVID-19 ở Việt Nam: Bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, ở tại Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn, đã chạy thận nhân tạo.”

Sau thời điểm này, các trang báo chính thống Việt Nam lúc này đã đưa tin trở lại về cái chết của bệnh nhân 428.

Tính đến 16h22 giờ Việt Nam, trang tin chính thức Bộ y tế về COVID-19 vẫn ghi không có ca tử vong nào vì COVID-19 ở Việt Nam. Vào lúc 17h Việt Nam, trang này đã cập nhật có 1 ca tử vong tại Việt Nam vì COVID-19.

Thời điểm phát hiện bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của làn sóng dịch thứ hai cũng khiến dư luận đặt câu hỏi khi mà ngay trước đó ngày 21/07, Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông báo đã huy động gói hỗ trợ trị giá hơn 800 triệu Euro (920 triệu USD) nhằm hỗ trợ các nước ASEAN chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Facebooker Lê Thị Thanh Bình đã bày tỏ quan điểm trong một bài viết có tựa đề “Ai có lỗi khi dịch bùng phát tại Việt Nam?”. Cô viết: “Mới đây “Việt Nam lại bùng phát dịch trở lại lần 2 sau 3 tháng dập dịch thành công” và…. nhận 6,2 triệu đô la tiền từ gói cứu trợ 12 tỷ đô không hoàn lại của Ngân hàng thế giới “dành cho các nước nghèo chống dịch”. Dịch tại VN sẽ còn “bùng phát và lan rộng” vì còn gói cứu trợ 6,5 tỷ đô của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), rồi của Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF)..v.v… nữa, và… sau khi nhận tiền, VN lại “dập dịch thành công”… Do đó:

Dân Việt Nam ơi đừng hoảng loạn!

Chính phủ Việt nam làm BẠN với Trung

“COVID có mắt”, sẽ biết lúc dừng

Chỉ “lan tỏa”, tiền bỗng dưng đầy túi….

Chỉ có điều…. tiền chỉ đầy túi dám lãnh đạo còn dân Việt Nam chờ dài cổ không thấy “gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng” của chính phủ Việt Nam hứa tới tay, mà chỉ thấy người ta nhận được tiền… trên tivi.”

Ảnh chụp màn hình bài báo được đăng trên trang Sức khỏe Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế vào lúc 15h46 ngày 31/07 về bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam tử vong vì COVID-19

Bản thân số liệu về người chết vì COVID-19 tại Việt Nam cũng là một đề tài tranh luận trên mạng xã hội.

Facebooker Võ Thu Phương có một bài viết vào ngày 10/08 như sau: “Thật quái lạ! Tại sao tỉ lệ tử vong vì COVID-19 của phụ nữ Việt Nam cao hơn đàn ông quá nhiều? Cho đến bây giờ, chỉ có 3 người đàn ông thiệt mạng so với 10 người phụ nữ. Trong đó, 3 phụ nữ ở độ tuổi trẻ và khá trẻ (so với tiêu chuẩn thế giới): 55, 47, 33.

Theo thống kê của Forschungsinitiative Global Health ở 20 nước thì, đàn ông hay đàn và đều có khả năng nhiễm COVID-19 như nhau, nhưng đàn ông trở bệnh nặng và tử vong nhiều gấp đôi đàn bà.”

Trong đó còn một bình luận của người dùng facebook Phạm Quang Tuấn lý giải hiện tượng dưới góc độ toán học rất đáng chú ý là: “Tuy số tử vong mới chỉ là 13 nhưng tỷ số nam nữ như vậy cũng khá bất bình thường! Trên thế giới tỷ số tử vong nam/nữ là 60% / 40%. Nếu những con số ở VN là hoàn toàn ngẫu nhiên, thì tỷ số tử vong sẽ theo phân phối nhị thức (binomial distribution) (giống như lệnh đồng tiền). Dùng phép tính thống kê, có thể tính là xác suất chỉ có 3 nam trở xuống trong 13 tử vong là 0.77% (dưới 1%). Tức là kết quả như ở Việt Nam hầu như chắc chắn không phải ngẫu nhiên, mà có 1 lý do.

Tỷ số trẻ / già cũng rất là bất bình thường!

Nhà nước cần điều chỉnh!”

Không biết có phải Nhà nước đọc được thắc mắc của người dân hay không mà 3 ca tử vong mới nhất được công bố trong 11/08 đều là nam giới ở độ tuổi 66, 68 và 37 tuổi.

Một nhận xét khác cũng cần được phân tích đó là đa số người chết vì COVID-19 ở Việt Nam bị suy thận nặng.

Ảnh: Trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội)

Cũng theo ông Tuấn, tại thời điểm Việt Nam có 14 người chết vì COVID-19 thì 10/14 người chết (71%) bị suy thận nặng. Ở Ý tỷ số này cỉ là 20%. Ông Tuấn cho rằng không phải là tại Việt Nam suy thận nhiều gấp mấy lần Ý, mà tại vì những người suy thận nặng thì phải lọc máu (dialysis), mà khi lọc máu thì bệnh nhân sẽ được xét nghiệm kỹ và do đó COVID-19 được khám phá.

Trên thực tế, công tác khám sàng lọc COVID-19 ở Việt Nam có nhiều bất cập. Ngày 26/07, facebooker Nguyễn Ngọc Đóa ở Hà Nội có bài viết mang tựa đề “Gian nan khám COVID-19”. Bài viết có nội dung như sau: “Đi Đà Nẵng về Hà Nội hôm 13/7. Bị ho, rát cổ, sổ mũi. Đến nhiệt đới TW cơ sở 2 xin được kiểm tra xét nghiệm. Bác sĩ bảo muốn khám thì phải nhập viện 14 ngày, còn ở đây không khám sàng lọc. Bảo gọi cho CDC Hà Nội thì bảo về phường khai báo… Đến trạm y tế phường bảo hôm nay là chủ nhật không có bác sỹ nên không khám được. Xin anh địa chỉ có gì thông báo sau…

Ôi để được kiểm tra COVID không dễ như mọi người nghĩ đâu, vòng vo và khó khăn lắm. Thôi về nhà uống thuốc cảm vậy. Sau này mình có bị dương tính với COVID-19 thì cả nhà đừng chủi nhé…”

Bài viết sau đó không biết vì lý do gì đã được gỡ xuống.

Facebooker Liên Hương có chia sẻ lại bài viết này kèm bình luận: “Đây là vấn đề chính trị chứ không phải y tế hay nhân đạo. Tôi chưa thấy bạn nào kể là được xét nghiệm covid khi ốm sốt khó thở đau ngực, họ toàn tự chữa bằng đủ các loại kháng sinh, giảm đau, hạ sốt tự mua ở hiệu thuốc. Những mầm bệnh đó ở ngay trong các khu dân cư, có thể bùng bất kỳ lúc nào. Không xét nghiệm cho dân khi họ có triệu chứng thì không thể quản lý đúng nguồn virus.”

Từ ngày 11/04/2020, chính quyền Việt Nam ra ‘‘văn bản khẩn’’ yêu cầu đình chỉ ‘‘xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu’’, đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Ảnh chụp màn hình bài viết ‘‘KHẨN: Nói không với xét nghiệm COVID-19 dịch vụ theo yêu cầu’’ trên trang mạng của chính phủ Việt Nam

Quyết định đưa ra chỉ ít ngày, ngay sau khi một số bệnh viện công khai thông báo tiếp nhận ‘‘xét nghiệm dịch vụ’’, với sự cho phép của bộ Y Tế.

Bài viết ‘‘KHẨN: Nói không với xét nghiệm COVID-19 dịch vụ theo yêu cầu’’ (trên trang mạng của chính phủ Việt Nam) cho biết đây là quyết định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi đến sở Y Tế các tỉnh, thành phố. Lý do chính thức được đưa ra là việc sử dụng xét nghiệm cần được ‘‘cân nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí’’ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được dư luận và câu hỏi đặt ra ngay từ thời điểm đó là liệu chính sách xét nghiệm hiện nay có cung cấp một bức tranh trung thực? Có nhiều ý kiến bình luận rằng vấn đề dịch tễ đã bị chính trị hóa vì chính quyền muốn kiểm soát chặt chẽ toàn bộ số liệu về tình hình dịch bệnh.

Và cho đến nay, giai đoạn cao điểm của làn sóng dịch bệnh thứ hai, tình trạng xét nghiệm vẫn không được cải thiện.

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam: Bùng phát viêm phổi Vũ Hán đợt 2 – cách ly hàng loạt bác sĩ, Bệnh viện nguy cơ “trống rỗng”

>>> Kỳ lạ: Tiêm Vaccine chống Covid – Bệnh nhân vẫn chết

>>> F0 ở Đà Nẵng tìm không ra – nghi ngờ đổ dồn về Trung Quốc

VN: Bùng phát đợt 2 – bác sĩ “cách_ly”, Y tế nguy cơ “vỡ trận”

Kasse animation 7.8.2023