Lo sợ “Dân chủ, Tự do” – Tập bắt nhốt Tỷ phú Hồng Kong

https://youtu.be/3T4zUsyz8u8
Link Video: https://youtu.be/3T4zUsyz8u8

Cảnh sát Hồng Kông sáng 10/8 đã bắt giữ tỷ phú, ông trùm truyền thông, nhà hoạt động dân chủ Jimmy Lai (Lê Trí Anh) với cáo buộc ông này thông đồng với nước ngoài vi phạm luật an ninh quốc gia Hồng Kông vừa có hiệu lực từ đầu tháng 07.

Ông Mark Simon, nhà điều hành cao cấp tại tập đoàn truyền thông Next Digital do ông Jimmy Lai làm chủ, đã đăng lên Twitter xác nhận: “Vào lúc này, ông Jimmy Lai đã bị bắt vì thông đồng với các quyền lực nước ngoài.”

Sau đó, ông Simon tiếp tục cập nhật thông tin trên Twitter cho biết: “Đến lúc này, cảnh sát đang ở trong nhà của ông Lai và con trai của ông để lục soát… Các thành viên khác của tập đoàn [truyền thông này] đã bị bắt hoặc bị đưa đi chất vấn. Hiện nay, đã có một nhóm phóng viên báo chí tại nhà Mr. Lai, vì vậy thông tin sẽ được đăng tải.”

Sau đó, giới truyền thông mới loan tin rằng vào lúc 7h sáng nay giờ địa phương, các nhân viên cảnh sát lần lượt đến tư dinh của người sáng lập Next Media là Jimmy Lai ở đường Kadoorie và tư dinh của con trai thứ hai của Jimmy là Lai Yao-en ở Sai Kung. Cảnh sát khám xét căn hộ của Jimmy Lai  đến khoảng 9h40 và đưa ông đi.

Jimmy Lai là một nhân vật nổi bật trong giới truyền thông tại Hồng Kông, với tài sản ước tính hơn 1 tỉ USD. Ông là chủ một tập đoàn báo chí uy tín, công khai chống cộng, từ lâu vẫn nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, và được cho là một mục tiêu mặc định của luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông ngày 30/06 vừa qua.

Có thể gọi nhà tỉ phú Lai là người chống đối bền bỉ nhất ở Hồng Kông bởi ông trở thành nhà đấu tranh dân chủ từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.

Theo RFI, từ đầu thập niên 90, thông qua tập đoàn truyền thông Next Media và sau này là Next Digital, với tờ báo nổi tiếng Apple Daily, ra đời năm 1995, ông không ngừng tấn công vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chỉ ra những lạm dụng, bất công, âm mưu thâm độc… của đảng.

Ảnh: tỷ phú Jimmy Lai của Hồng Kông

Hồi tháng 02, doanh nhân 71 tuổi này đã bị buộc tội tụ tập bất hợp pháp. Theo dự kiến, ngày 19/08 tới đây, ông phải ra tòa vì « tham gia biểu tình trái phép ».

Sau đó, ông được cảnh sát cho tại ngoại.

Tư pháp hai lần từ chối cho ông rời Hồng Kông để làm ăn và thăm gia đình. Bất chấp mối đe dọa đang đè nặng lên ông và gia đình nhưng ông không hề lùi bước. Ông không hề nghĩ đến chuyện chạy trốn. Ông nói: « Tôi đã quấy rầy họ suốt 30 năm, và sẽ không tặng cho họ món quà bằng cách từ bỏ đấu tranh ». Vợ con ông có thể ra đi nhưng ông chọn ở lại.

Trước đó, Jimmy Lai từng bị xúc phạm thô bạo hồi Cách mạng Dù 2014, tư gia ông nhiều lần bị tấn công. Gần đây ông bị theo dõi chặt chẽ, nhiều xe hơi khả nghi thường xuyên đậu trước nhà. Những lời đe dọa được gởi đến : « sẽ rục xương trong nhà tù Hoa lục », « sẽ bị trừ khử », nhưng ông không quan tâm.

Cho đến năm 2019, ông hầu như không trả lời phỏng vấn, nhưng từ một năm qua nhà tỉ phú đã chuyển sang thế tiến công. Có thể nói đây là trận đấu danh dự cuối cùng, bởi vì « Lần này Bắc Kinh không đùa nữa ». Tháng 07/2019, đích thân ông đến Washington đề nghị ngoại trưởng Mike Pompeo và phó tổng thống Mike Pence hỗ trợ – một hành động bị coi là « thông đồng với thế lực nước ngoài » theo luật mới.

Hôm 22/05 ông còn mở một tài khoản Twitter « để tố cáo và huy động chống lại sự đàn áp của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tôi chiến đấu đến cùng và sẽ không bao giờ rời Hồng Kông ».

Ảnh: Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ ông trùm truyền thông Jimmy Lai khi ông tham gia vào cuộc biểu tình tọa kháng ở quận Admiralty vào ngày 11/12/2014

Cách đây hơn một chục năm, cũng như giới phương Tây, ông Lai đã từng hy vọng khi giàu lên, giai cấp trung lưu ở Hoa lục sẽ đòi hỏi thêm nhiều quyền tự do.

Nhưng ngược lại, với số lượng công nghệ giám sát ở Trung Quốc hiện nay « chưa bao giờ một nhà độc tài lại có những phương tiện kiểm soát dân chúng như Tập Cận Bình. Họ biết hết : bạn đi đâu, mua gì, nói chuyện với những ai… và nếu làm gì đó khiến họ không hài lòng, bạn thậm chí còn không được mua vé xe lửa ». Ông tự hỏi làm thế nào người Hồng Kông, vốn quen thuộc với tự do cá nhân và các giá trị phương Tây, có thể thích ứng được. Một số đã tỏ ra thận trọng trong cách nói năng vì sợ bị tố cáo.

Ông nói : « Luật an ninh […] tấn công vào Nhà nước pháp quyền lẫn tự do của người dân, tệ hại hơn cả những gì mà người bi quan nhất có thể hình dung ra. »

Ông Lai từng nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times: “Giới lãnh đạo ghét tôi lắm. Họ cho rằng tôi là một kẻ phá rối.”

Ngày 30/06, khi luật An ninh Quốc gia mới của Trung Quốc được thông qua, Jimmy Lai đã nói với BBC rằng điều này “gióng lên hồi chuông báo tử cho Hồng Kông“.

Ông cảnh báo rằng Hồng Kông sẽ trở nên thối nát như Trung Quốc đại lục vì “nếu không có pháp quyền, những người kinh doanh ở đây sẽ không được bảo vệ“.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với hãng tin AFP, ông Lai nói: “Tôi đã chuẩn bị cho việc ngồi tù. Nếu điều đó đến, tôi sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách mà tôi chưa đọc. Điều duy nhất tôi có thể làm là trở nên lạc quan.”

Ảnh chụp màn hình hai tweets của ông Mark Simon, nhà điều hành cao cấp tại Next Digital do tỷ phú Jimmy Lai làm chủ cập nhật tình hình ông Lai bị bắt sáng ngày 10/08/2020

Giới quan sát nhận định việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ tỉ phú truyền thông Jimmy Lai theo luật An ninh Quốc gia là đòn nặng nề giáng vào tự do báo chí tại đặc khu hành chính.

Tờ Apple Daily được coi là một tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ dân chủ, tự do và chống lại các chính sách bào mòn quyền tự trị của Hồng Kông. Tập đoàn truyền thông và tờ Apple Daily của ông Jimmy Lai đã hậu thuẫn mạnh mẽ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông trong năm 2019 và từ nhiều năm qua vẫn đóng vai trò trung tâm trong phong trào dân chủ của Hồng Kông.  Tờ báo này và bản thân ông cũng từng là mục tiêu tấn công bạo lực từ những kẻ giấu mặt.

Trong tập đoàn truyền thông của ông, nhiều nhà báo đã từ chức hoặc xin chuyển sang các ban không mang tính chính trị. Những ai có hộ chiếu thứ hai thì tìm cách sang Úc hoặc Anh. Trong ban biên tập Apple Daily, tiếng nói của phe dân chủ, các phóng viên tin rằng họ đang bị rình rập những sai sót, và tờ báo trước sau gì cũng bị đóng cửa. Nhiều người trong phong trào dân chủ sợ rằng những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp sẽ phải trải qua trong nhà tù. Ông cho rằng một phần nào đó Bắc Kinh đã thắng, ông nói: « Họ chẳng cần đi xa hơn nữa, vì đã đe nẹt được. Sau đó, họ sẽ lạnh lùng chọn ra những ai cần trừ khử, từng người một ! ».

Trong cuộc trao đổi với BBC, trước khi xảy ra vụ bắt giữ, Giáo sư Keith Richburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Hồng Kông, bày tỏ lo ngại: “Jimmy Lai là một người can đảm. Ông không chỉ đấu tranh cho tự do báo chí mà còn là một tiếng nói ủng hộ dân chủ mạnh mẽ tại Hong Kong. Ông ấy đã hỗ trợ người biểu tình rất nhiều. Ông ấy từng nhiều lần nói chuyện tại câu lạc bộ ký giả nước ngoài. Thế nên mọi người rất lo ngại“.

Ông chắc chắn đối mặt với nhiều hiểm nguy một khi luật An ninh quốc gia được áp dụng. Các tội danh như hợp tác với ngoại bang, hoặc kích động lật đổ… rất dễ được diễn dịch và áp dụng đối với những người như tỉ phú Lai.”

Đồng thời, Giáo sư Richburg đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ xem liệu tỉ phú Jimmy Lai và Apple Daily có được phép hoạt động tự do như trước nữa không.”

Nhà hoạt động Eddie Chu-hoi Dick cũng cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn đóng cửa tờ Apple Daily và vụ bắt giữ Jimmy Lai “là bước đầu tiên để dập tắt báo chí Hồng Kông“.

Còn ông Steven Butler, Điều phối viên chương trình châu Á của Ủy ban Bảo vệ nhà báo, nói rằng vụ bắt giữ “đã cụ thể hóa nỗi lo sợ về việc Luật An ninh quốc gia được sử dụng để đàn áp tiếng nói phê phán ủng hộ dân chủ và hạn chế tự do báo chí“.

Ông Butler tuyên bố: “Hãy trả tự do cho ông Jimmy Lai và hủy hết các tội danh.”

Không nhiều người Việt biết “ông trùm” đứng sau chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo thương hiệu Giordano khá nổi tiếng ở Việt Nam chính là nhà tài phiệt Jimmy Lai.

Ông Lai sinh ra ở Quảng Đông. Theo Facebooker Ben Ngô, năm 12 tuổi, ông trốn lậu trên một chiếc thuyền để vào Hồng Kông. Khi đến nơi, ông bắt đầu làm lao động trẻ em trong một xưởng may với mức lương 8 đô la mỗi tháng.

Từng bước cố gắng, ông đã trở thành quán đốc nhà xưởng. Năm 1975, ông dùng khoản cổ phiếu thưởng cuối năm của mình để huy động tiền mặt và mua lại chủ sở hữu của một nhà máy may mặc đã phá sản, Comitex, nơi ông bắt đầu sản xuất áo len. Khách hàng của ông bao gồm các nhà bán lẻ của Mỹ.

Nhờ chiêu thức thưởng tiền cho các nhà bán lẻ ở Hồng Kông, ông đã xây dựng Giordano thành chuỗi bán lẻ thời trang thành công với hơn 8.000 nhân viên, 2.400 cửa hàng tại 30 quốc gia.

Nhưng sự nghiệp với ông không chỉ gói gọn trong mấy từ “làm ăn” và “lợi nhuận”. Từ vụ Thiên An Môn năm 1989, ông trở thành người ủng hộ dân chủ và chỉ trích Bắc Kinh. Ông cũng chia sẻ rằng nhờ đọc cuốn “Đường Về Nô Lệ” của Friedrich Hayek mà ông có cảm hứng để theo đuổi con đường đấu tranh đòi tự do.

Ông còn đi tiên phong trong triết lý lấy người đọc làm trung tâm khi gây dựng tạp chí Next và nhật báo Apple Daily, hướng đến thị trường đại chúng theo kiểu USA Today và The Sun. Next được biết đến là tạp chí kết hợp những bài giật gân lá cải với bài về kinh doanh và chính trị không kiêng dè, né tránh. Ông Lai đã cung cấp một nền tảng truyền thông mạnh mẽ với độ bao phủ rộng cho giới trẻ Hồng Kông và những người biểu tình không lãnh đạo. Cả tạp chí Next và nhật báo Apple Daily đều có những ấn phẩm độc lập xuất bản ở Đài Loan.

Các ấn phẩm của ông hiện vẫn bị cấm ở Trung Quốc đại lục từ khi chúng ra đời.

Trung Quốc đã tốn rất nhiều tâm huyết để lăng mạ ông già 71 tuổi này, chỉ vì ông là một doanh nhân nổi tiếng nhưng đã công khai ủng hộ những cuộc biểu tình chống chính phủ, liên tục chỉ trích Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình là một kẻ “độc tài” và từ chối theo chân các ông trùm tư bản khác cúi đầu trước những áp lực của Bắc Kinh.

Hoàn cầu Thời báo (Global Times), công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh gọi ông là « kẻ phản bội ly khai », « phục vụ cho CIA », cáo buộc ông « tài trợ cho phe nổi dậy ».

Thời điểm ông bị buộc tội hồi tháng 02 vì tụ tập trái phép, báo chí quốc doanh tại Trung Quốc đã gọi ông là “trùm bạo động“, “kẻ không ngừng lan truyền thông tin thù hận và tiêu cực về đại lục“.

Theo Facebooker Đỗ Nam Trung, chiến dịch phỉ báng không ngừng nghỉ ông Lai của ĐCSTQ hồi tháng 05 đã có một hành vi xấu khi lan truyền thông tin “tên của ông đã bị loại khỏi gia phả của dòng họ đang sống ở miền Nam Trung Quốc

Tờ Đại Công Võng, một tờ báo do Trung Quốc kiểm soát ở Hồng Kông đưa những tin mang tính xâm phạm đời tư là những họ hàng của ông Lai vẫn hay châm chọc ông là “Lai béo” đã xóa tên ông khỏi gia phả gia đình 28 đời, tuyên bố ông là một “kẻ phản bội” tổ tiên và đất nước. Từ nay trở đi ông không còn là một thành viên của dòng họ này nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên tại nhà khi đang ăn trưa, tỷ phú Jimmy Lai nói rằng những người họ hàng ấy thường xuyên ghé thăm ông và nhiều năm qua vẫn tiêu tiền mà ông gửi về.

Nhưng “giờ tất nhiên là họ sẽ chối bỏ tôi”, ông nói.

Chính quyền Trung Quốc, vốn thường lợi dụng sự quan trọng của họ tộc trong văn hóa truyền thống Trung Hoa để làm sức ép đè bẹp các tiếng nói chỉ trích, họ “rất giỏi việc đe dọa nhân dân”, ông Lai khẳng định.

Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, sau khi người sáng lập, ông Jimmy Lai bị bắt, cổ phiếu của Next Digital tăng dựng đứng hơn 300%.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Dân chủ Hồng Kông: Mỹ bảo vệ – Trung Quốc lùng bắt

>>> Mỹ trừng phạt Hồng Kong – Trung Quốc “hết cửa” trả đũa

>>> Trung Quốc “nổi đóa” khi quan hệ Mỹ – Đài thêm khăng khít

https://www.youtube.com/watch?v=yXViEklcyhw
TQ “phát cuồng” – lệnh trừng phạt Hoa Kỳ

 

Kasse animation 7.8.2023