Tòa án Việt Nam lạc điệu với tiến bộ xã hội

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=5zaNtt0LBz0

Có thể nói quan điểm đường lối kết tội vụ Hồ Duy Hải là một lề lối giải quyết án có tính chất khung, có thể áp dụng trong nhiều vụ án khác. Cho nên nếu nói Hồ Duy Hải bị oan thì chính cái lề lối nhận thức và lối làm án là cái gây oan cho Hồ Duy Hải.

Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra bài bình luận về vụ án Hồ Duy Hải trong bối cảnh những nhận thức cũ mòn của hệ thống tòa án Việt nam.

Ở đây cần thừa nhận một điều là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm những người có chuyên môn kinh nghiệm xét xử có thể đã thực sự tin rằng việc kết án Hồ Duy Hải có tội là đúng đắn công lý.

Các Thẩm phán đó đã hằn sâu nhận thức về một đường lối làm án, một lề lối nhận thức cũ mòn đã thành thói quen, họ không thấy có vấn đề gì với cung cách đánh giá chứng cứ và kết án như vậy.

Hồ sơ vụ án khi chuyển đến sẽ được thẩm phán nghiên cứu trong vài tháng, khi thấy rằng có nhiều lời khai nhận tội và mọi thứ phù hợp với nhau, thì khi đó đã tạo thành niềm tin nội tâm ở thẩm phán rằng bị cáo có tội.

Vậy giờ đây những người muốn cứu Hồ Duy Hải thì phải cứu bằng cách nào?

Làm sao để vượt qua được nhận thức đã thành nếp của các thẩm phán?

Chỉ có một cách, đó là nâng cao tiêu chuẩn xét xử.

Tức là đòi hỏi phải nâng cao điều kiện cơ sở kết tội, nhất là án tử hình, yêu cầu phải xác lập được những cơ sở vững chắc cho việc kết tội.

Bằng cách đó một mặt sẽ giữ được thể diện cho ngành Tòa án, động viên họ rằng việc kết tội như đã làm là không sai với những gì đã là truyền thống lâu nay, từ đó tạo khả năng chấp thuận về việc thảo luận và xây dựng một tiêu chuẩn cao hơn cho việc xét xử.

Khi không bị quy trách nhiệm người ta mới có lý do cho sự hợp tác thay đổi.

Rõ ràng là những tiêu chuẩn, quy chuẩn xét xử, lề lối làm án lâu nay, tương thích với một giai đoạn chính quyền chuyên chính, xã hội tương đối lạc hậu, thì cái quy trình tiêu chuẩn đó có môi trường không gian đề tồn tại.

Nhưng khi đời sống kinh tế xã hội đã phát triển, trình độ nhận thức của người dân đã tiến bộ, người dân có ý thức về an ninh an toàn cá nhân và nhu cầu về công lý xã hội, thì sẽ đặt ra đòi hỏi cao hơn ở phía quản lý nhà nước nói chung và công tác xét xử nói riêng.

Ảnh 1: 17/17 vị thẩm phán đã biểu quyết tán thành tuyệt đối tỷ lệ 100% cho việc y án tử hình Hồ Duy Hải

Không nhận thức ra điều đó ngành Tòa án sẽ lưu giữ những lạc hậu và hành xử lạc điệu với tiến bộ xã hội.

Kết tội chủ yếu do lời khai

Trong vụ Hồ Duy Hải đúng ra cần phải có chứng cứ vật chất, hay nói như ông Lê Minh Trí Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao là phải có chứng cứ trực tiếp mới đảm bảo cơ sở để kết tội.

Ví như đúng ra phải có chứng cứ về vết máu của nạn nhân tìm thấy trên người Hồ Duy Hải, tài sản bị cướp của nạn nhân tìm thấy ở nhà Hải, dấu vân tay của Hải có trên công cụ phương tiện gây án.

Hay như phát hiện mẫu máu của thủ Hồ Duy Hải ở hiện trường, hoặc có nhân chứng nhận ra Hồ Duy Hải hay các dữ liệu camera thu được cho thấy Hồ Duy Hải ở hiện trường hay rời khỏi hiện trường .v.v..

Nếu không có các chứng cứ đó thì không thể kết tội.

Thực tế trong vụ án này chỉ có các chứng cứ lời khai, gián tiếp.

Tòa án dựa vào những cơ sở căn cứ yếu đó để kết tội đã khiến dư luận hồ nghi.

Việc nâng cao chuẩn mực xét xử sẽ đòi hỏi nâng cao tri thức xét xử, và tri thức xét xử là một vấn đề của ngành tòa án lâu nay.

Phía Tòa án cho rằng Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội và những lời khai này phù hợp với các chứng cứ khác, nếu không phải là thủ phạm thì không thể biết được.

Nhưng thật ra đó chỉ là 25 biên bản ghi chép lời khai có chữ ký của Hồ Duy Hải mà thôi. Những bản ghi chép đó là những tài liệu xơ cứng khác hoàn toàn với lời khai báo tai nghe mắt thấy trực quan sinh động.

Ảnh 2: Bản ảnh thực nghiệm điều tra Hồ Duy Hải đang lục ngăn bàn để cướp tài sản. Thế nhưng các dấu tay hiện trường hoàn toàn không phải là của Hồ Duy Hải

Các bản ghi chép lời khai đã qua sự sàng lọc và tác động bởi ý chí nhận thức của nhân viên điều tra nên thành ra sẽ rất khác với lời khai báo thực tế của bị cáo.

Hiện nay Bộ luật tố tụng hình sự mới đã quy định phải ghi âm ghi hình khi hỏi cung. Điều đó mới tạo ra chứng cứ đúng như nguyên nghĩa về lời khai nhận tội, đó là lời nói có âm thanh và hình ảnh nét mặt cử chỉ dáng điệu.

Cho nên cái gọi là lời khai nhận tội lâu nay, nếu là người nước ngoài thì họ sẽ tưởng là lời nói nhận tội, nhưng ở Việt Nam thực ra đó chỉ là các tờ giấy có chữ ký của bị can mà thôi.

Mặt khác, Bộ luật tố tụng hình sự quy định Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Và Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

Tức là pháp luật dựa trên kinh nghiệm tư pháp thế giới đã yêu cầu phải nghi ngờ dè chừng với những lời nhận tội của bị cáo.

Vậy 25 lời khai nhận tội kia cứ cho là phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án thì nó cũng chỉ là một chứng cứ buộc tội duy nhất mà thôi. Và theo luật thì không được sử dụng lời nhận tội là bằng chứng duy nhất để kết tội.

Vậy trong vụ án còn có chứng cứ buộc tội nào khác không? Tôi thấy là không.

Vì ngoài chứng cứ lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải thì thấy có một nhân chứng khi đến giao dịch buổi tối hôm đó có thấy một thanh niên ngồi ở hàng ghế chờ ngồi nghịch điện thoại, nhưng người đó không quen và không thể khẳng định đó đúng là Hồ Duy Hải.

Hoặc đống tro than đốt ở vườn nhà dì Hải cũng chỉ giám định ra có dấu vết của nhựa và vải, kết quả giám định không khẳng định đó đúng là các Card sim thẻ điện thoại bị lấy mất.

Ảnh 3: người có 17 năm tù oan Huỳnh Văn Nén cởi áo trước tòa chỉ ra vết thương do bị tra tấn bức cung, nhưng Hội đồng xét xử đã từ chối xem xét

Tựu chung lại vụ án chỉ có lời khai nhận tội và nếu đánh giá chặt chẽ thì không đủ điều kiện để kết tội theo đúng tiêu chuẩn của Bộ luật hình sự hiện nay.

Cho nên việc nâng chuẩn xét xử giản dị cũng chỉ là đòi hỏi ngành Tòa án phải áp dụng chặt chẽ đúng quy định pháp luật đã có.

Để ý thì thấy ngành tòa án lâu nay có cung cách làm việc xáo mòn đơn điệu, các đánh giá phán quyết chỉ xung quanh các yếu tố về chứng cứ và điều luật.

Trong khi lại rất thiếu các lý lẽ biện giải có tính chất triết lý mà qua đó người dân mong muốn mình bị thuyết phục để rồi đặt để niềm tin công lý vào tầm cỡ của tòa án.

Vụ án Hồ Duy Hải liên quan tới cái chết của hai cô gái và một bản án tử hình, nỗi đau quá lớn đụng chạm tới lương tâm xã hội và chứa đựng trong đó các vấn đề triết lý nhân bản sâu xa. Từ đó đặt ra đòi hỏi về sự xác quyết nhận thức chân lý và thiết lập lại hệ thống quy định pháp luật. Nhưng cách xử lý của Tòa án lại không đáp ứng được kỳ vọng cảm thức công lý của dân chúng.

Cũng không có gì cho thấy ngành Tòa án nhận ra vấn đề nội tại của mình và có kế hoạch cải thiện năng lực, khắc phục sự lạc điệu, đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Tới nay việc xử lý vụ Hồ Duy Hải tiếp theo thế nào sẽ cho thấy các cơ quan nhà nước muốn làm gì với nền tư pháp.

Nếu họ thấy mọi thứ vẫn ổn thì sẽ không có gì thay đổi đối với bản án của Hồ Duy Hải. Còn nếu vì xét đến cảm thức công lý của dân chúng, các cơ quan sẽ phải đánh giá lại vụ Hồ Duy Hải.

Chỉ có một con đường duy nhất để làm việc đó là đòi hỏi phải có bằng chứng vững chắc hơn trong việc kết tội. Nói cách khác là nâng cao tiêu chuẩn xét xử và đặt ra những cải cách sâu rộng đối với ngành tòa án.”Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra kết luận.

Từ Hà nội, nhà văn Hoàng Quốc Hải lên tiếng: KHÔNG THỂ CÂM NÍN MÃI TRƯỚC BẤT CÔNG VÀ PHI LÝ

Không phải mọi người nói Hồ Duy Hải có tội hay không có tội; mà vấn đề là ở chỗ bản án được Tòa tối cao xử giám đốc thẩm tuyên tử hình, lại không có bất cứ một vật chứng nào làm bằng cớ, chứng minh cho hành vi gây án của bị án Hồ Duy Hải; thay vào đó dầy đặc những lời cung.

Ảnh 4: Thẩm phán Lê Quang Hùng, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử Hồ Duy Hải đã có mặt tại buổi thực nghiệm hiện trường ngày 20/8/2008, mặc dù hồ sơ còn trong tay cơ quan điều tra, chưa đến khâu chuyển giao cho tòa án. Thật kỳ lạ, không ai hiểu nổi vì sao Thẩm phán lại tham gia khâu điều tra cùng với cơ quan công an? Điều này rõ ràng vi phạm trắng trợn sự độc lập của cơ quan điều tra

Do vậy, bất cứ một người có đầu óc bình thường nào cũng không thể tin được, chứ đừng nói giới luật gia.

Các thành phần xã hội tham gia phản biện như thế tưởng đã quá đủ, bất tất một nhà văn như tôi cần gì phải nói thêm. Bất giác, đọc trên mạng xã hội, thấy mấy dòng chữ đậm đóng khung:

CƠ QUAN ĐIỀU TRA KHI KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG ĐÃ PHÁT HIỆN CÁI THỚT DÍNH MÁU NẰM CẠNH ĐẦU CÔ HỒNG,MÀ CƠ QUAN ĐIỀU TRA KHÔNG BIẾT ĐÓ LÀ HUNG KHÍ GÂY ÁN NÊN ĐÃ KHÔNG THU GIỮ. VỀ CÂY DAO GÂY ÁN, DO SƠ SUẤT NÊN NGƯỜI TA ĐÃ VỨT ĐI”.

(Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC)

Về nghiệp vụ cán bộ điều tra, thì cán bộ từ cấp xã, phường đều đã được học luật như Luật dân sự, Luật hình sự… nhằm giải quyết các tranh chấp dân sự từ cấp cơ sở.

Công tác điều tra hình sự từ cấp huyện, quận trở lên được xem là nghiệp vụ chuyên trách. Mỗi khi có vụ án xảy ra, việc đầu tiên là cô lập hiện trường, bắt giữ hung thủ, thu thập tang vật, lấy cung những người trực tiếp chứng kiến… Trong trường hợp hung thủ đã tẩu thoát, thì việc giữ nguyên hiên trường, thu thập tang vật là điều tối quan trọng trong nghiệp vụ của cán bộ điều tra.

Vậy mà: “Cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường đã phát hiện cái thớt dính máu máu nằm cạnh đầu cô Hồng mà do cơ quan điều tra không biết đó là hung khí gây án nên đã không thu giữ v.v…”

Thế mà đây là vụ án hình sự, giết hai mạng người cùng một lúc với hành vi hết sức dã man. Tất cả đều phơi ra trước hiện trường, nhưng cán bộ điều tra lại vứt hết vật chứng: Cái thớt dính máu, chiếc ghế và con dao có liên quan đến việc gây án, kế cả các vết máu… các vật trên đều được gom lại và đều … vứt đi hết; đều nằm ngoài hồ sơ vụ án. Nhưng được ông Chánh án Tòa án tối cao biện minh: “Do sơ xuất của cán bộ điều tra vì không biết đó là vật gây án”. Trong án văn, Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình lại nói: “Tuy có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”. (Vì bản chất của vụ án là phải tìm cho bằng được một người nào đó để giết). Và ông thao thao bất tuyệt đọc như học sinh cấp 1 đọc bài học thuộc lòng trước Hội trường Quốc hội, về các lời khai được cho là của tử tù Hồ Duy Hải nhận tội giết hai cô gái ở Bưu điện Cầu Voi. Ông Nguyễn Hòa Bình cho đó là bằng chứng buộc tội. Và ông kết cho Hồ Duy Hải án tử hình.

Và có kẻ còn đe các đại biểu Quốc hội nên thận trọng khi phát biểu kẻo các thế lực thù địch lợi dụng… Tự nhiên tôi chợt nghĩ đến hình ảnh Triệu Cao phát biểu trước triều đình của Tần Nhị thế (-207 – 163 tr CN) khi y đưa con hươu vào sân triều, nói là con ngựa để tặng nhà vua. Trong khi vua còn ngơ ngác, Triệu Cao chỉ vào con hươu hỏi các quan: Đây là con ngựa đúng không? Gần hết số các quan có mặt đều đồng thanh đáp: Con ngựa!

Liệu ta có thể tin được lời ông Nguyễn Hòa Bình nhân danh Chánh án Tòa án tối cao nói không?

Xin thưa, bất cứ một cán bộ điều tra nào cũng có nghiệp vụ cơ bản. Vậy, điều ông Chánh tòa Nguyễn Hòa Bình nói là không khả tín. Trừ trường hợp chúng ta đang sống vào thời của Tần Nhị thế.

Song, nếu sự việc xảy ra đúng như ông Chánh tòa tối cao nói, thì nút thắt đầu tiên nằm ở cán bộ điều tra – Thủ tiêu tang chứng; đương nhiên là tòng phạm. Tại sao ông Chánh tòa tối cao lại sáng suốt bỏ qua chi tiết này???

Ảnh 5: bên trái là Hồ Duy Hải thực nghiệm hiện trường hành vi dấu con dao gây án với tấm bảng lật mặt phải ra ngoài, bên phải là hiện trường vụ án với tấm bảng quay bề trái ra ngoài. Đây là sự cố ý tạo hiện trường thuận lợi cho con dao vì nếu tấm bảng có mặt trơn quay vào trong thì không có khe để dấu dao. Việc tự ý thay đổi hiện trường vụ án để thực nghiệm điều tra cũng là dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án

Những gì đã được phơi bầy ra trước công luận, thì vụ án này có quá nhiều chi tiết đáng ngờ về phía cơ quan điều tra và cơ quan xét xử.

– Cơ quan điều tra thì thủ tiêu tang chứng.

– Cơ quan xét xử các cấp từ sơ thẩm, trung thẩm, thượng thẩm và giám đốc thẩm đều nhất trí trọng cung chứ không trọng chứng, và đều thống nhất y án tử hình.

Nhân danh một Nhà văn cao tuổi, tôi đề nghị:

1/ Điều tra lại vụ án từ đầu, bởi một số thành phần do Uỷ ban tư pháp Quốc hội chỉ định.

2/ Quốc hội cho phép một nhóm luật sư do Hội luật gia Việt Nam, tập hợp các luật sư có kinh nghiệm và có trình độ nghiệp vụ, có lương tâm nghề nghiệp, họp thành một nhóm điều tra độc lập trong vụ án Bưu điện Cầu Voi.

3/ Phải đưa nhóm cán bộ điều tra vụ án Bưu điện Cầu Voi vào diện điều tra với tội danh tòng phạm trong vụ án giết người này.

4/ Phải trả tự do ngay lập tức cho Hồ Duy Hải. Bởi trong cáo trạng đều nêu kẻ giết người đã sờ soạng kích dục nạn nhân, đã bóp cổ nạn nhân, đã cầm hung khí như dao, thớt, ghế đánh vào đầu nạn nhân. Nhưng những vân tay thu được không một vân tay nào trùng hợp với vân tay của Hồ Duy Hải, đó là bằng chứng hùng hồn chứng tỏ Hồ Duy Hải là vô can.

Vả lại: “Phàm ai bị cáo dưới tội danh gì đều được coi là vô tội cho đến khi tội danh ấy được chứng minh rõ rệt trong một vụ xét xử công khai có đủ bảo đảm cho bị cáo về quyền bào chữa”. (Trích Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc công bố ngày 10/12/1948 ).

Căn cứ vào Tuyên ngôn nhân quyền, quá trình xét xử vụ án Hồ Duy Hải có mấy vấn đề còn chưa ổn:

– Quá trình xét xử và luận tội, Tòa án các cấp đều không dẫn ra được bằng chứng phạm tội của Hồ Duy Hải, mà chỉ căn cứ vào lời cung. Tức là trọng cung hơn trọng chứng. Bởi những gì gọi là chứng, thì cơ quan điều tra đã chủ động thủ tiêu, nhưng được ông Chánh tòa giám đốc thẩm biện minh rằng: “Cơ quan điều tra không biết đó là hung khí gây án nên đã không thu giữ?!”.

Như vậy Tòa kết án chỉ căn cứ vào CUNG chứ không có CHỨNG. Nhưng cung thì không một ai có thể tin nổi. Vì sự bức cung là một truyền thống đáng kinh ngạc của cơ quan điều tra nước ta. (Nạn nhân của oan sai thì rất nhiều, xin không dẫn thêm vào bài viết này).

– Quá trình tố tụng và xét xử, luật sư bào chữa cho bị can Hồ Duy Hải không được Tòa tôn trọng, không được tham dự và tranh tụng đầy đủ như luật định, mà tùy thuộc vào thẩm phán phiên tòa, lúc cho tham dự, lúc mời khỏi tòa. Vừa đuổi đi hôm trước, hôm sau lại mời lại một cách tùy tiện.

Việc giam giữ công dân vô tội ròng rã 12 năm và khép vào án tử hình, nếu không được thay bằng một vụ án khác có điều tra minh bạch, và trước khi xét xử lại, phải trả tự do ngay cho Hồ Duy Hải; thì còn có cơ hội cứu vãn được nền pháp trị nước nhà. Và rồi vụ xét xử sau, mà có bằng chứng buộc tội Hồ Duy Hải có sức thuyết phục về mặt pháp lý, sẽ được công chúng hoan nghênh.

Còn như bản án giết người không bằng chứng này mà được thi hành, thì nền pháp trị Việt Nam được xem như đã cáo chung, và có nguy cơ, vụ này sẽ là sự mở đầu cho thời kỳ luật rừng lên ngôi.”

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đưa ra kết luận.

Ảnh 6: Nhà văn Hoàng Quốc Hải, 82 tuổi – tác giả của hai bộ Bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ: Bộ “Tám triều vua Lý” gồm 4 tập: viết về nhà Lý từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc (1009–1225) trải dài 216 năm trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Bộ “Bão táp triều Trần” gồm 4 tập: bộ sách liền mạch từ khi nhà Trần ra đời cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử 175 năm tồn tại.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Human Rights Watch: Việt Nam gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa

>>> Vụ Hồ Duy Hải: “ông Nghị Rau Muống” cố bênh vực cho Nguyễn Hòa Bình

>>> Đại Sứ Quán Mỹ quan tâm vụ Đồng Tâm sau khi công an ra kết luận điều tra

Giấu báo cáo tài chính – VN khó vay tiền

Kasse animation 7.8.2023