Human Rights Watch: Việt Nam gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=6zH7bo8YDmA

Hôm nay, 19/06/2020, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) tố cáo chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13, dự kiến tổ chức vào tháng 1/2021. Chính quyền Hà Nội đã bắt giữ và kết án nhiều người với các tội danh chính trị kể từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020.

Theo thông cáo của HRW, cụ thể, chính quyền đã bắt giữ và truy tố các thành viên Hội Nhà báo Độc lập, một thành viên trong nhóm nhân quyền Hội Anh em Dân chủ, và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập khác. Các tòa án cũng đã kết án tù nặng nề những nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt trước đó.

Trong bản thông cáo, ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của HRW, nói: « Năm nay Việt Nam trấn áp dữ dội các nhà bất đồng chính kiến và các quốc gia khác cần lên tiếng. Các đồng minh và đối tác thương mại của Việt Nam cần nêu quan ngại về những vụ án mới này với Hà Nội và yêu cầu chính quyền trả tự do cho các tù chính trị. »

HRW nhắc lại Đại hội Đảng, được tổ chức năm năm một lần, là dịp các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng họp lại để bầu ra ban lãnh đạo mới của Việt Nam, và là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Nhà nước độc đảng này. Trong quá khứ, chính quyền Việt Nam đã từng bắt bớ nhiều nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động để đảm bảo cho Đại hội có vẻ diễn ra êm thắm và không có các tiếng nói bất đồng hay chống đối nào. Theo HRW, có ít nhất 150 người đã bị kết tội chỉ vì đã hành xử các quyền tự do ngôn luận hay tự do lập hội và hiện đang ngồi tù. Ít nhất 15 người khác đã bị khởi tố nhưng chưa được đưa ra xét xử.

Thông cáo của HRW đặc biệt quan ngại về vụ bắt giữ các thành viên Hội Nhà báo Độc lập, như vụ bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy trong tháng 5, phó chủ tịch hội và ông Lê Hữu Minh Tuấn trong tháng 6. Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng thì đã bị bắt từ tháng 11 năm ngoái. Cả ba người đều bị cáo buộc tội « tuyên truyền chống Nhà nước », theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ngày 13/06 vừa qua, công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt giữ Huỳnh Anh Khoa, quản trị viên của một nhóm Facebook  thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam, với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước »,  theo điều 331 của Bộ Luật hình sự. Trước đó, vào tháng 4, công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ cựu tù chính trị Trần Đức Thạch, vì cho rằng ông có liên hệ với Hội Anh em Dân chủ. Ông Thạch bị cáo buộc tội « Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ».

Ảnh 1: Các nhà báo độc lập và bất đồng chính kiến bị bắt gần đây – Từ trái qua, hàng trên : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Trọng Thủy, Lê Hữu Minh Tuấn. Hàng dưới : Phạm Chí Thành, Trấn Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy.

RSF và CPJ lên án Việt Nam bắt giữ nhà báo độc lập Lê Tuấn

Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) và Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) vừa qua đã lên tiếng tố cáo chính quyền Việt Nam bắt giữ ông Lê Hữu Minh Tuấn, bút danh Lê Tuấn, thành viên thứ ba của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, vì cáo buộc chống Nhà nước.

Trước đó báo chí trong nước đưa tin Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/06/2020 đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Hữu Minh Tuấn, 31 tuổi, ngụ tại Quảng Nam vì « làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam » quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có trụ sở tại Paris hôm 15/06 đã ra thông cáo lên án việc bắt ông Lê Tuấn, với tội danh có mức án lên đến 12 năm tù. Vụ bắt giữ này xảy ra chưa đầy một tháng sau khi ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) bị bắt tại Hà Nội và di lý vào Saigon. Chủ tịch hội là nhà báo Phạm Chí Dũng, người có tên trong danh sách « Anh hùng thông tin » của RSF, đã bị bắt tại Saigon từ tháng 11/2019.

Theo ông Daniel Bastard, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, thì việc bắt nhà báo trẻ Lê Tuấn cho thấy « sự lo lắng trong giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, sáu tháng trước Đại hội 13 của đảng ». Ông nhắc lại, Việt Nam hiện đứng thứ 175/180 trong bảng xếp hạng năm 2020 của RSF về tự do báo chí.

Về phía Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong thông cáo ngày 15/06/2020 đã đòi hỏi trả tự do lập tức cho ông Lê Hữu Minh Tuấn, đồng thời hủy bỏ những cáo buộc đối với ông.

Ông Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông Nam Á của CPJ cho rằng Việt Nam cần chấm dứt chiến dịch sách nhiễu các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Theo ông Crispin, « Việt Nam sẽ không bao giờ được coi là một nhân tố có trách nhiệm trên thế giới nếu vẫn tiếp tục đối xử với các nhà báo độc lập như tội phạm ».

Hai tổ chức trên còn nêu ra trường hợp blogger, nhà văn Phạm Chí Thành, bút danh Phạm Thành bị bắt hồi tháng Năm, được cho rằng cũng là thành viên của IJAVN, nhưng thật ra ông Phạm Thành đã ra khỏi hội này.

Báo chí Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn tin công an cho biết đang điều tra mở rộng vụ án « Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam » do « Phạm Chí Dũng cùng đồng phạm » thực hiện.

Ảnh 2: các thành viên sáng lập trong Lễ ra mắt hội nhà báo Độc lập ngày 4-7-2014. Trong bức ảnh này đã có 4 nhà báo bị bắt theo thứ tự thời gian là: Trương Minh Đức, Phạm Chí Dũng, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) có trụ sở tại Paris hôm nay 26/05/2020 ra thông cáo đòi hỏi trả tự do cho hai nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Thành đồng thời kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam gây áp lực để chấm dứt chiến dịch trấn áp mới này.

Blogger Nguyễn Tường Thụy bị bắt tại Hà Nội hôm thứ Bảy 23/05 và di lý về Sài Gòn. Ông Thụy, 68 tuổi, là cựu chiến binh, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN).

Hai ngày trước đó, ông Phạm Chí Thành (bút hiệu Phạm Thành) cũng đã bị bắt tại nhà ở Hà Nội theo điều 117 Luật Hình sự (tội danh chống Nhà nước) và đang bị tạm giam. Ông Phạm Thành là chủ blog Bà Đầm Xòe, và vừa công bố một cuốn sách mang tựa đề « Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo ». Ông cũng là hội viên IJAVN.

Ông Daniel Bastard, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF tuyên bố, việc bắt giữ hai ông Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành là một gáo nước lạnh cho những ai đang cố gắng tranh luận công khai tại Việt Nam, trong bối cảnh sắp đến Đại hội Đảng lần thứ 13. RSF kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam, đứng đầu là Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ gây áp lực để Hà Nội chấm dứt trấn áp.

Ông Bastard nhắc lại, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt từ tháng 11/2019, từng được RSF trao danh hiệu « Anh hùng thông tin ».

Việt Nam hiện đứng thứ 175/180 trong danh sách tự do báo chí thế giới của RSF.

Cũng trong tháng Tư, công an tỉnh Hậu Giang bắt giữ Đinh Thị Thu Thủy cáo buộc viết và đăng bài trên Facebook và trên các nền tảng khác trên mạng Internet có quan điểm ngược lại với đảng và nhà nước, và xuất bản các tài liệu phản đối chính quyền, theo điều 117 của bộ luật hình sự.

Tháng 1/2020, ông an tỉnh Đắk Nông bắt giữ Đinh Văn Phú cũng vì các bài viết trên mạng.

Tháng 3/2019, báo Thanh Niên đưa tin công an tỉnh Gia Lai bắt giữ ba người – tên là Kưnh, Jưr và Lũp – vì tham gia đạo Hà Mòn, một nhóm Công giáo không được chính quyền phê chuẩn. Chưa rõ họ bị cáo buộc về tội danh gì.

Ảnh 3: Ông Lê Đình Kình và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Cái chết của người đảng viên 84 tuổi Lê Đình Kình với những viên đạn kê vào sát đầu vào tim ngay tại giường ngủ là một tội ác vi phạm nhân quyền ghê rợn nhất do chính Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo với 3.000 lính biệt động đàn áp dân làng Đồng Tâm

Một số nhà bất đồng chính kiến khác, Mã Phùng Ngọc Phú, Phan Công Hải và Chung Hoàng Chương bị đưa ra xét xử riêng từng người vào tháng Tư và tháng Năm, bị kết luận là có tội và kết án từ chín tháng đến năm năm tù vì các bài đăng trên Facebook của họ phê phán chính quyền, theo các điều 331 và 117 của bộ luật hình sự.

Việt Nam về cơ bản đã hình sự hóa việc sử dụng internet hay các nền tảng mạng xã hội để nói lên ý kiến hay tham gia tranh luận,” ông Sifton nói. “Chính phủ các quốc gia hữu quan và các công ty mạng xã hội cần lên tiếng.”

Các văn bản của chính quyền Việt Nam luôn có dòng tiêu đề với hàng chữ “độc lập-tự do-hạnh phúc” – nhưng qua các vụ này, chúng ta thấy rằng bất cứ ai thực hiện “độc lập” liền bị tước đoạt “tự do” và “hạnh phúc,” ông Sifton nói.

Blogger Chung Hoàng Chương (Chương ‘may mắn’) được báo Việt Nam tường thuật là lãnh án tù do “xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc việc 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Đồng Tâm“, theo báo Thanh Niên.

Cựu tù chính trị-Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, vào tối hôm 26/5 lên tiếng với RFA liên quan 3 vụ việc chính quyền vừa bắt giữ giới cầm bút bất đồng chính kiến tại Việt Nam:

Không ai năng nổ và mạnh mẽ như Nhà văn Phạm Thành. Ông đã liên tục chỉ trích Tổng Bí thư-Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Bởi vì ông Trọng vẫn tỏ thái độ thân Trung Quốc. Cũng như không ai giống Nhà báo Nguyễn Tường Thụy. Ông đã thay mặt cho những người đấu tranh mang tiếng nói đối lập hoàn toàn và trong một tổ chức Hội Nhà báo Độc lập để nói lên tiếng nói của người dân. Và cũng không ai như là Nhà thơ Trần Đức Thạch. Ông đã có những bài thơ để lên án Chính quyền Cộng sản.”

Với chia sẻ vừa rồi, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa khẳng định rằng động thái bắt giữ 3 cựu chiến binh cầm bút, 3 nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam đã biểu thị thái độ Chính phủ Hà Nộ đối với các vấn đề mà cả 3 nhà hoạt động này đang quan tâm và đòi hỏi. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh:

Tức là họ muốn triệt tiêu hết tất cả những đòi hỏi của những người dân yêu nước chống Trung Quốc, muốn hòa hoãn và xích lại gần Mỹ để phát triển kinh tế và dân chủ, bảo vệ quốc gia, lãnh thổ và hải đảo.”

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nhận định rằng động thái bắt giữ mới nhất của Chính quyền Việt Nam đối với ba nhà bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy nhằm hai mục tiêu:

Tôi nghĩ rằng là một mặt họ trấn áp giới bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người cầm bút. Thứ hai là ban lãnh đạo chính quyền Cộng sản của hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh (Sài Gòn) muốn lập công chẳng hạn.

Ảnh 4: nhà bất đồng chính kiến Chung Hoàng Chương (trái) và Phan Công Hải

Tôi nghĩ rằng họ có thể muốn lập công trong kỳ đại hội Đảng sắp tới. Một bên bắt giữ ông Phạm Thành. Một bên bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy để mở rộng vụ án của ông Phạm Chí Dũng, bị bắt hồi cuối tháng 11 năm ngoái.”

Blogger Lập Quyền Dân, qua bài viết có nhan đề “Bắt Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy: Những giọt nước tràn ly”, đăng tải trên trang Blog của RFA hôm 24/5, cũng nêu lên vấn đề rằng có thể Đảng CSVN mở chiến dịch trấn áp thẳng tay các nhà báo độc lập để “trong sạch hóa địa bàn”, chuẩn bị cho “sàn đấu” của những nhóm người tại Đại hội Đảng XIII sắp tới hoặc là cuộc ra đòn cấp tập “vỗ mặt” các nhà đấu tranh dân chủ? Tác giả Lập Quyền Dân đưa ra lập luận cũng có thể là cả hai, bởi vì “trước sau Đảng CSVN cũng sao chép cái chủ trương mà Quốc hội Trung cộng đang thảo luận về Luật An ninh cho Hong Kong”.

Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền lưu ý tình trạng Nhà nước Việt Nam gia tăng bắt bớ truyền thông tự do, kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực. Ông Vũ Quốc Ngữ cho rằng Chính quyền Việt Nam đàn áp mang tính chất hệ thống:

Tôi nghĩ là một mặt họ bắt giữ những người tương đối nổi tiếng, có những tiếng nói nhất định trên mạng xã hội chẳng hạn; tức là truyền thông phi chính thống, không phải của Nhà nước Cộng sản hợp pháp. Bên cạnh đó thì họ cũng sẵn sàng bắt giữ những người ít nổi tiếng hơn là những người chỉ viết một vài bài hoặc nói về tự do dân chủ, tự do thông tin. Họ đàn áp mang tính chất hệ thống, không bỏ sót ‘con cá’ nào, tạo ra một không khí rất nỏng bỏng ở Việt Nam làm cho giới bất đồng chính kiến cũng phải chùn bước và người dân càng sợ hãi.”

Đồng quan điểm với Giám đốc của Defend the Defenders, Nhà báo Phạm Đoan Trang, vào tối hôm 26/5 lên tiếng với RFA:

Chúng ta có thể thấy sự bắt giữ diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn và chưa kể vụ bắt hai ông Thạch và ông Tường Thụy còn có màu sắc bạo lực rất là rõ. Công an không chỉ bắt mà còn đánh đập người bắt cũng như gây sự, đe dọa, khiêu khích người nhà…Đúng là không gian tự do trước giờ vốn đã hẹp thì dường như bây giờ lại càng hẹp hơn và bạo lực hơn nữa. Trước kia chỉ là bắt thì bây giờ ngoài việc bắt còn sẵn sàng đánh đập. Chúng tôi cũng lường trước được điều này và nghĩ rằng từ nay đến Đại hội Đảng CSVN sắp tới thì không gian tự do còn bị thắt chặt hơn nữa cũng như sự đàn áp sẽ còn gia tăng nữa.”

Ảnh 5: Nhà văn Phạm Thành và cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”

Mặc dù vậy, Nhà báo Phạm Đoan Trang nhìn nhận sau các vụ việc bắt giữ vừa xảy ra cho 3 nhà cầm bút bất đồng chính kiến thì càng có nhiều người tò mò, tìm hiểu hơn về họ và những tác phẩm viết lách của họ.

Điển hình là một quyển sách của Nhà văn Phạm Thành, xuất bản hồi năm 2019 và bây giờ được đông đảo độc giả tìm kiếm. Nhà báo Phạm Đoan Trang nói về điều này với chúng tôi:

Sau khi Nhà văn Phạm Thành bị bắt giữ thì có rất nhiều người liên hệ qua Facebook của cá nhân tôi và của Nhà Xuất bản Tự Do để mua cuốn ‘Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo’. Ngay từ khi cuốn sách này ra đời vào mùa thu năm ngoái đã có nhiều người hỏi về nó. Và, sau khi ông Phạm Thành bị bắt thì lại càng có nhiều người hỏi về nó hơn. Tôi nghĩ những người hỏi mua, họ cũng sợ nhưng sự tò mò thắng sự sợ hãi.”

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bày tỏ trong xúc động rằng cả ba Nhà thơ Trần Đức Thạch, Nhà văn Phạm Thành và Nhà báo Nguyễn Tường Thụy trong những tháng ngày sắp tới có thể sẽ rất là khó nhọc cho họ ở trại giam, vì tuổi già sức yếu lẫn đau đớn về mặt tình thần. Tuy nhiên, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tin rằng tinh thần bất khuất và kiên cường của những người lính “thất thập cổ lai hy” này sẽ càng được loan tỏa, đặc biệt đối với thế hệ thanh niên tại Việt Nam.

Gần suốt một đời họ theo Cộng sản. Những người này họ có lý tưởng lắm. Không phải họ bị lừa dối bởi vì những nhà văn, nhà thơ họ có một tấm lòng, có sự hiểu biết và có niềm tin. Nhưng rồi 30-40 năm qua, sống trong chế độ Cộng sản, tất cả niềm tin của họ bị mai một và bây giờ họ nhận ra chế độ Cộng sản thế nào. Khi họ nhận ra rồi thì họ rất cương quyết từ bỏ nó và đi về phía mà họ nhận thấy chính nghĩa, chính đáng cần phải làm. Và tất nhiên là chúng ta cũng thấy rằng họ đã bị trả giá, họ bị đàn áp và bắt bớ. Đây là sự đau xót của họ. Nhưng ngược lại, chúng ta nhìn thấy gương sáng bởi vì một câu hỏi đặt ra cho rất nhiều người, trong đó có lớp trẻ rằng tại sao họ họ theo Cộng sản mà không thể theo hết đời và bây giờ họ phản tỉnh?”

Tinh thần của ba cựu chiến binh đấu tranh vì lý tưởng đất nước Việt Nam độc lập và dân chủ được những người trẻ dấn thân, như Nhà báo Phạm Đoan Trang chia sẻ rằng cô sẽ vững vàng tiếp tục con đường đã lựa chọn cho đến ngày “những mầm mống tốt đẹp trong xã hội được lan rộng, để xã hội dân sự phát triển, để sự tương thân tương ái giữa những người dân với nhau là điều bình thường, để việc viết, đọc và mua bán sách không còn là tội phạm…để con người được lương thiện”.

Ảnh 6: Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang là một trong ba phụ nữ được trao giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới

Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đại Sứ Quán Mỹ quan tâm vụ Đồng Tâm sau khi công an ra kết luận điều tra

>>> Đồng Tâm: Báo Đảng nói giết cụ Lê Đình Kình là đúng Pháp luật

>>> “Cột điện ở Mỹ” muốn về, người Việt “sống chết” đòi ra đi

ĐSQ Mỹ – Đồng Tâm và CA VN

Kasse animation 7.8.2023