“Cuồng Trump”, “Cuồng chống Trump” và … (Phần 1)

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

PHẦN 1

Đã từ rất lâu, nước Mỹ như miền đất hứa của dân Việt. Dù dưới chế độ cộng sản, luôn coi đó như kẻ “đầu sỏ” trong thế giới tư bản – kẻ thù của Chủ nghĩa Mác Lê, nhưng chẳng có ai phải che đậy lòng ngưỡng mộ cuộc sống tự do trên đất Mỹ. Và đương nhiên, người đứng đầu xứ sở đó, dù thuộc đảng nào, dù có những bê bối đời tư đi nữa, người ta vẫn có cảm tình.

Thứ tình cảm đó đặc biệt không chỉ về đời sống văn minh, tự do, mà quan trọng còn ở chỗ đó là nơi đi đầu thế giới trong đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ của người dân các nước trên thế giới. Riêng với người Việt Nam, đó còn chính là nơi mang lại hy vọng nhất về sự hợp tác, hỗ trợ trong cuộc đối đầu với Trung Hoa cộng sản.

Có điều mấy năm nay, trên đất Mỹ, một hiện tượng hiếm thấy với một vị tổng thống đương nhiệm, khi có quá nhiều luồng dư luận khen/chê, chia thành hai phe đối nghịch như thù địch, trong suốt nhiệm kỳ của ông ta, Donald J Trump. Hiếm thấy hơn nữa tới mức kỳ lạ đến nực cười, là hiện tượng đó, khá rõ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, lại lây lan chút ít vào trong nước.

Bi hài là vấn đề Trung Quốc đã trở thành “vũ khí tối thượng” cho phe này, nhưng lại như “tử huyệt” của phe kia, khi hai bên tranh cãi.

Nhiều người căm ghét TT Trump đã gọi phái bên kia là “cuồng Trump”, nên họ mặc nhiên thể hiện như là phái “cuồng chống Trump”.

Thôi thì tạm gọi như vậy cho dễ hiểu, chứ thực tình trong văn hóa tranh luận, ứng xử, rất không nên có cách ám chỉ nhau nặng lời đến thế. Bởi vì “cuồng” là hàm ý chỉ tình trạng tâm lý mù quáng, mất hết lý trí. Cũng may là không chỉ có hai phái đó, mà còn có rất nhiều người có những hiểu biết không thua kém họ, nhưng có thái độ ôn hòa, kín đáo, và bình thản hơn. Họ mới là Việt Nam, không phải Mỹ.

Để bàn tới chủ đề này, liên quan chính trị thế giới, Việt Nam, thiết nghĩ cần ngược thời gian một chút về những năm nửa cuối thế kỷ trước, giúp lý giải phần nào câu chuyện hôm nay.

Nhìn lại lịch sử Chiến tranh lạnh và Chiến tranh Việt Nam

Chiến tranh lạnh giữa hai khối – Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN với Mỹ cùng các nước Tây Âu và đồng minh, từ 1946 cho tới 1991, khi Liên Xô sụp đổ (1).

Trong thời gian đó, có cuộc chiến tranh “nóng” tại Việt Nam, giữa chính quyền cộng sản VNDCCH và quốc gia VNCH, có sự can dự của Mỹ cùng đồng minh và Liên Xô, Trung Quốc, phe XHCN.

Tại nhiều quốc gia khác của hai khối, luôn luôn có mầm mống phản kháng, nhưng hầu như bị dập tắt. Ở Đông Âu có Tiệp Khắc, Hungari, CHDC Đức; ở Đông Á, Đông Nam Á có Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc …

Tại miền Nam VN, mặc dù giữa thời chiến, nhưng chính quyền VNCH vẫn duy trì một chế độ cai trị khá dân chủ, cho nên các lực lượng đối lập, lớn nhất là cộng sản đã lợi dụng nổi lên ngày càng mạnh. Nó khác hẳn với nhiều nước, nơi có các chính thể độc tài, với nền tảng văn hóa Khổng giáo, Hồi giáo đặc thù thuận lợi, đã đàn áp khốc liệt đối lập cộng sản, thân cộng. Điển hình là Indonesia, hơn nửa triệu người đã bị giết hại (2).

Thất bại của chính quyền VNCH, được Mỹ hỗ trợ tối đa, một phần là ở sai lầm đó, không làm được cái việc “đi với ma (phải) mặc áo giấy”; không dám, không thực hiện được một chế độ sắt đá trong suốt cuộc chiến, bị phía cộng sản chuyên chế lợi dụng ngay thứ vũ khí “dân chủ” của mình để phá hoại từ bên trong. Có lẽ người cộng sản Bắc Việt cũng đã tham khảo được chút ít kinh nghiệm của mô hình thành bang trại lính Spart, nổi tiếng về sức mạnh chinh chiến trong lịch sử, ở Hy Lạp xưa kia, để lập nên nhà nước “cộng sản trại lính”, giành ưu thế hơn hẳn mô hình nhà nước dân chủ nửa vời non trẻ của đồng bào mình ở phương Nam.

Lý do thất bại không kém phần quan trọng là ở tại nước Mỹ (cả nhiều đồng minh phương Tây) cũng vậy, những người cộng sản, giới thiên tả với phong trào phản chiến đã “trói tay”, không cho phép chính quyền tiếp tục can dự vào cuộc chiến tranh VN (3). Lạ thay, nửa thế kỷ sau, câu chuyện đó đang có chiều hướng lặp lại.

Thắng lợi của Bắc Việt cũng là thắng lợi của phe XHCN, để rồi tới cuối 1980’, đầu 1990’, phe TBCN mới “toàn thắng”, chấm dứt Chiến tranh lạnh.

Giữa lúc nhiều quốc gia Đông Âu mở cửa, Đông Á dân chủ hóa, Nam Mỹ độc tài bị lật đổ, … và thất bại của Chủ nghĩa Marx-Lenin trên khắp thế giới đang tới gần, đã gợi hứng để học giả Francis Fukuyama viết nên cuốn “Sự cáo chung của lịch sử” nổi tiếng, cho rằng mô hình dân chủ tự do phương Tây đã thắng thế hoàn toàn, chứng minh đó là sự phát triển tận cùng trong tư tưởng loài người (4).

Trung Quốc với phương Tây trong 40 năm qua

Trung Quốc từ khi thành lập đảng cộng sản cho tới khi lập nước đã luôn xung đột với Liên Xô, lăm le tranh giành vị trí lãnh đạo phe XHCN; cả phe cũng bị chia rẽ bởi hai ông “anh cả”, “anh hai” này. Trung Quốc nhận ra rằng không nên cùng lúc đối đầu với 2 siêu cường Liên Xô, Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ và đồng minh sa lầy ở Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong cuộc Chiến tranh lạnh với phe XHCN.

Nixon, cùng cố vấn xảo quyệt Kissinger, đã mở lối thoát bằng cuộc bắt tay lịch sử năm 1972 với Trung Quốc (6). “Chia (rẽ) để trị”, Mỹ tạm hữu hảo với Bắc Kinh để đối phó Liên Xô, song cũng thực dụng buộc phải hy sinh các đồng minh Đài Loan, Việt Nam cộng hòa.

Với đường lối “Cải cách và Mở cửa” từ cuối những năm 1970’, xây dựng thành quốc gia theo “kinh tế thị trường XHCN đặc thù Trung Quốc”, cùng lời dạy “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, Đảng CSTQ đã làm lóa mắt phương Tây và Mỹ, làm họ tin rằng tiến trình mở cửa kinh tế sẽ giúp dân chủ hóa dần đất nước cộng sản từng nổi tiếng hung hăng (gọi “đế quốc Mỹ là con hổ giấy”), sẽ hòa nhập vào với các quốc gia dân chủ trên thế giới.

Chỉ ít năm sau, những biến động chính trị, xã hội, kinh tế trên thế giới đã cảnh báo dự đoán của Fukuyama có thể sai, khi chủ nghĩa cộng sản đặc thù Trung Quốc với văn hóa Khổng giáo, Á Đông, tư tưởng Đại Hán đã biến hình thành con quái vật nguy hiểm gấp nhiều lần bậc thầy của nó; bằng “quyền lực mềm” mà làm khiếp nhược từ Âu châu tới Bắc Mỹ, mạnh tới mức muốn “xuất khẩu” mô hình của mình ra thế giới.

Năm 2009, 20 năm sau khi cuốn sách ra đời, dường như Fukuyama đã linh cảm thấy điều đó, khi nói “không gì có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của một Mao khác trong tương lai nếu không có một hình thức giải trình trách nhiệm nào đó mang tính dân chủ”. Nhưng ông vẫn “tin rằng sự phồn vinh, thịnh vượng của Trung Quốc không thể kéo dài mãi và người dân Trung Quốc cũng khó có thể đạt được sự tiến bộ cá nhân nếu không có pháp quyền và trách nhiệm giải trình” (7). (Thật khốn khổ cho những chữ “NẾU” đầy vô vọng!).

Trớ trêu trong cuộc trỗi dậy lại có sự “trợ giúp” đắc lực của chính các kẻ thù tiềm tàng của nó – Mỹ và phương Tây. “Trợ giúp” còn ở chính ngay trong bản chất yếu ớt, ích kỷ, muốn lợi dụng nhiều ở Mỹ của các đồng minh, suốt từ Đông Á cho tới Âu châu, Bắc Mỹ.

Thêm nữa, với tất cả sự xảo trá của một chính đảng cộng sản trùm xỏ phương Đông, có số dân đông nhất thế giới, người dân có truyền thống sáng tạo, giỏi giao thương v.v.. Trung Quốc đã dần dần làm cho cả thế giới hài lòng với quan hệ “cộng sinh” kinh tế, tưởng như các bên đều có lợi qua toàn cầu hóa. Rồi họ dần tỉnh ngộ, nhưng xem ra đã muộn.

Phương Tây bất lực nhìn cuộc tàn sát ở Thiên An Môn, cố gắng gây sức ép trước hành động đồng hóa văn hóa, đàn áp người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Pháp luân công, bành trướng thế lực trên biển Hoa Đông, Biển Đông, nhẹ nhàng khuyếch trương sức mạnh kinh tế cùng mô hình phát triển bằng Sáng kiến Vành đai & Con đường, v.v.. Những tiếng nói yếu ớt từ các chính phủ, tổ chức phi chính phủ chẳng làm Bắc Kinh động lòng. (8)

Cả thế giới thấy dần sai lầm lớn nhất trong lịch sử đến thế nào, nhưng hầu như buông xuôi.

Chính quyền Trump với đồng minh và Trung Quốc

Không khó để thấy tâm lý hồ hởi, hy vọng trong người dân Việt Nam, khi xuất hiện nhân vật Donald Trump, giữa tình cảnh thất vọng triền miên với nhiều đời tổng thống trước, được cho là lúng túng, nhu nhược với Bắc Kinh. Hy vọng ít ra là về vị thế siêu cường của nước Mỹ trên thế giới được khôi phục, về khả năng không đến nỗi mất hoàn toàn Biển Đông của Việt Nam. (Xin không bàn nhiều đến chính sách đối nội của chính quyền Trump).

Một tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, lần đầu tiên công khai “tuyên chiến” với Trung Quốc, diễn lại kế sách tạm hòa Trung để diệt Nga nửa thế kỷ trước, nhưng nay theo kịch bản ngược lại, nhắc nhở chúng ta cái gì? (9)

Đó là đã có một thời bị lừa dối, nuôi ảo tưởng thay đổi những người cộng sản nhờ chính sách mở cửa kinh tế, do lấy kinh nghiệm Liên Xô và Đông Âu. Nhưng với Trung Quốc, câu chuyện đã khác hoàn toàn. Nước Mỹ, phương Tây đã bị suy yếu bại hoại vì sai lầm đó. Không thể diễn mãi những vở tuồng “hợp tác”, “dân chủ”, “văn minh”, “pháp quyền” … trong cuộc chiến với kẻ độc tài vô cùng gian xảo, tàn độc này. Cần soi xét lại, học kinh nghiệm cũ của các nước Đông Á, Đông Nam Á trong Chiến tranh lạnh/Chiến tranh Việt Nam nửa thế kỷ trước: dùng độc tài, gian trá chống độc tài gian trá, và “thương cho roi cho vọt” với cả đám bạn bè đồng minh láu lỉnh, giàu có hay èo uột.

Trong suốt 40 năm được thả cửa phát triển kinh tế bằng chính sách “mở cửa” nửa vời, giả vờ là nền “kinh tế thị trường”, hưởng lợi nhờ vẫn tự nhận là “nước đang phát triển”, hy sinh môi trường, siết chặt tự do của dân chúng, thao túng tiền tệ, ăn cắp sáng tạo công nghệ của các nước khác, lũng đoạn các tổ chức quốc tế, các chính phủ độc tài tham nhũng, bắt nạt những quốc gia nhỏ yếu, lặng lẽ nâng cao năng lực quân sự, khoa học công nghệ, v.v.. Trung Quốc đã vươn mình thành kẻ khổng lồ dám thách thức siêu cường số một Hoa Kỳ, với “Mao con” Tập Cận Bình, bỏ qua sớm lời khuyên phải “ẩn mình chờ thời” của tiền bối Đặng Tiểu Bình.

Riêng với Việt Nam, dã tâm, tham vọng của Đảng cộng sản Trung Quốc đã tới cực độ, từ xâm lấn, gây hấn trên Biển Đông cho tới thao túng mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Khác hẳn các đời tổng thống trước, ông Trump xác định phải thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, “xóa bài chơi lại” trên tất cả các mặt trận, nơi mà quyền lợi của Mỹ bị xâm hại nghiêm trọng. Phải giảm bớt trách nhiệm quốc tế, bắt các nước khác, kể cả đồng minh phải chung vai gánh vác khó khăn, sát cánh trên trận tiền, để nhờ đó tăng nội lực, mới hòng cự địch được với Trung Quốc.

Về thương mại, không thể tiếp tục các hiệp định đa phương cũ khiến Mỹ chịu thiệt thòi, còn Trung Quốc, nhiều nước khác lại khôn khéo lợi dụng. Rút khỏi TPP, xem lại WTO, … cũng ít nhiều có hàm ý đó. Ví như việc Mỹ đòi đàm phán lại hiệp định thương mại với Canada, Mexico và đi tới ký kết, trong đó ràng buộc các bên nếu như muốn có thỏa thuận thương mại tự do riêng với một nền kinh tế “phi thị trường”, rõ là chủ yếu nhắm hạn chế Canada, Mexico “bắt tay” Trung Quốc (10).

Với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21), trong đó chẳng có chế tài nào đối với một quốc gia khi không hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải, Mỹ cho rằng đã bị Trung Quốc lợi dụng làm suy yếu nền kinh tế của mình.

Nhiều định chế quốc tế, do chính phương Tây đẻ ra, qua thời gian đã thành “gậy ông đập lưng ông” khi bị Trung Quốc thao túng, cần phải cải cách hoặc phá đi, làm cái mới (chuyện WHO gần đây là rõ nhất).

Về quân sự, giảm bớt vai trò ở Trung đông, ngay tại Biển Đông, Mỹ cũng muốn lôi kéo các đồng minh vào cuộc, tăng trách nhiệm, chi tiêu quốc phòng để căng Trung Quốc ra, không dễ lấn tới.

Với nhiều đồng minh đã quá lâu hưởng lợi, bấu víu vào sự trợ giúp, bao bọc của Mỹ, họ cần phải tự lực hơn. NATO là ví dụ, bằng đòi hỏi của Mỹ với các thành viên phải đóng góp 2% GDP. Hay Hàn Quốc, phải tăng chi phí quốc phòng, trong đó có chi tiêu thêm cho quân Mỹ đồn trú (12); Nhật được đề nghị phải tăng gấp 4 lần chi phí này (13).

Rút bớt 9.500 binh sĩ Mỹ ở Đức cũng với nhiều mục đích nhằm điều chỉnh lại trách nhiệm gánh vác với các đồng minh (14). Cả những hành xử bị cho là có tính thủ lợi của Đức, hại cho Mỹ quanh dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga. Tạo sức ép với các đồng minh Anh, Pháp, Đức trong việc làm ăn với Huawei, mạng 5G cũng không ngoài mục đích đó.

Việc chấm dứt Hiệp ước hạt nhân tầm trung INF với Nga, không đơn giản chỉ nhắm tới Nga, mà cả với Trung Quốc khi mời nước này cùng ký hiệp ước mới (15).

Mới đây, với Nhóm G7, việc Mỹ muốn mời thêm Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, muốn Hội nghị chuyên bàn về Trung Quốc, là đối sách một viên đạn bắn … nhiều con thỏ. Trong đó quan trọng nhất là tập hợp lực lượng đối phó (riêng Nga thì bớt đi sự gắn bó) với Trung Quốc, tiếp tục “xoay trục” sang Á Đông một cách mạnh mẽ (16).

Biến cố đại dịch Covid-19, mà ông Trump muốn gọi là Virus Vũ Hán, liên tiếp đưa ra các hành động cáo buộc, chuẩn bị trừng phạt, đã có tác động rất lớn tới các mối quan hệ của Mỹ, phương Tây với Trung Quốc. Nó chứng tỏ thêm Trump đã hành động đúng với Trung Quốc, châu Âu đã quá nhu nhược. Tiếc thay, các nước EU cứ luôn muốn hành động ngược lại Trump, nhất là những gì liên quan Trung Quốc. Họ sẽ phải tiếp tục nhận thêm “đòn roi” nếu Trump còn tại vị.

Tất cả những động thái chưa từng thấy đó, với vai trò cá nhân của TT Donald Trump cũng là chưa từng có với một tổng thống Mỹ, đã đánh vào quyền lợi, địa vị của phe đảng Dân chủ tại Mỹ (vẫn đang quá cay cú bởi thất bại trong gang tấc của Hillary Clinton, tiếp đến là tuyệt vọng sau chiến dịch luận tội Trump bất thành), kể cả không ít đồng minh và của chính quyền nhiều nước trên thế giới. Ông Trump có quá nhiều kẻ thù, trong khi lại tỏ ra quá tự tin, dường như nóng vội trong cuộc chiến lẽ ra cần thận trọng, lâu dài hơn. Nhưng ngày bầu cử để hy vọng tái nhiệm lại đang đến rất gần, thù trong giặc ngoài của ông đang hợp sức trong cơn giãy dụa.

Rồi cuộc đấu đầy kịch tính vẫn không dừng ở đó; đang lúc cao trào đại dịch Covid-19, lại nổ ra vụ George Floyd. Kẻ thù của Trump chớp ngay cơ hội ngàn vàng (nếu như quả là không phải chính họ đã tạo ra, hay họ ngờ là do bàn tay ngoại bang dàn dựng nhưng lờ đi), bất chấp phải đi ngược lại những đạo lý mà họ từng rao giảng, quyết tận dụng dù biết rằng đó cũng là con dao hai lưỡi.

Donald Trump đã đặt nhiều nước trước sự lựa chọn rành rẽ giữa hai phe, Mỹ hay Trung Quốc, phải mặc nhiên thừa nhận một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu, không thể cứ mãi lập lờ để hưởng lợi.

——– 

  1. Chiến tranh Lạnh (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_L%E1%BA%A1nh
  2. Các vụ giết người ở Indonesia giai đoạn 1965-1966 (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c_v%E1%BB%A5_gi%E1%BA%BFt_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_t%E1%BA%A1i_Indonesia_1965-1966
  3. Phong trào phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam
  4. Sự cáo chung của lịch sử (Nghiên cứu quốc tế). http://nghiencuuquocte.org/2013/07/28/38-su-cao-chung-cua-lich-su/
  5. Chia rẽ Trung-Xô (Wikipedia). https://vi.wikipedia.org/wiki/Chia_r%E1%BA%BD_Trung-X%C3%B4
  6. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 (Wikipedia). https:/vi.wikipedia.org/wiki/Chuy%E1%BA%BFn_th%C4%83m_Trung_Qu%E1%BB%91c_c%E1%BB%A7a_Richard_Nixon
  7. Sự cáo chung của lịch sử” – 20 năm nhìn lại (Nhabook). https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2018/04/nhatbook-Su-cao-chung-cua-lich-su-20-nam-nhin-lai-F.-Fukuyama-2010.pdf
  8. Trung Quốc: Nhìn lại quá trình 40 năm cải cách, mở cửa (Tạp chí tổ chức nhà nước). https://tcnn.vn/news/detail/41652/Trung-Quoc-Nhin-lai-qua-trinh40-nam-cai-cach-mo-cua.html
  9. Tung kế “liên Nga chế Hoa”, Trump đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thành Liên Xô thứ hai (SOHA). https://soha.vn/tung-ke-lien-nga-che-hoa-trump-day-trung-quoc-vao-nguy-co-thanh-lien-xo-thu-hai-2018080107512599rf2018080107512599.htm
  10. Sau hiệp định tay ba, ông Trump càng mạnh tay hơn với TQ? (VNN). https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/chien-tranh-thuong-mai-sau-hiep-dinh-my-mexico-canada-ong-trump-cang-manh-tay-hon-voi-tq-481355.html
  11. Vì sao Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris? (TG&VN). https://baoquocte.vn/vi-sao-my-rut-khoi-hiep-dinh-paris-104478.html
  12. Tổng thống Trump tiết lộ Hàn Quốc ‘đồng ý trả rất nhiều tiền’ trong chia sẻ chi phí quốc phòng (TG&VN). https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-tiet-lo-han-quoc-dong-y-tra-rat-nhieu-tien-trong-chia-se-chi-phi-quoc-phong-114746.html
  13. Nhật sẽ phải trông cậy ông Trump để giữ lính Mỹ ở lại? (Pháp luật TPHCM). https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/nhat-se-phai-trong-cay-ong-trump-de-giu-linh-my-o-lai-874150.html
  14. Mỹ định rút quân khỏi Đức: Berlin đã xác nhận, chính giới Mỹ, Anh lo ngại Nga ‘cơ hội hơn’ (TG&VN). https://baoquocte.vn/my-dinh-rut-quan-khoi-duc-berlin-da-xac-nhan-chinh-gioi-my-anh-lo-ngai-nga-co-hoi-hon-117291.html
  15. Lý do Trung Quốc “cự tuyệt” tham gia Hiệp ước INF cùng Nga và Mỹ (VOV). https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/ly-do-trung-quoc-cu-tuyet-tham-gia-hiep-uoc-inf-cung-nga-va-my-1057628.vov
  16. Nga tham dự G7: ‘Phép thử’ cho ‘tình bạn’ Nga-Trung Quốc (TG&VN). https://baoquocte.vn/nga-tham-du-g7-phep-thu-cho-tinh-ban-nga-trung-quoc-116940.html

Thoibao.de (tổng hợp)

“Cuồng Trump”, “Cuồng chống Trump” và … (Phần 2)

“Cuồng Trump”, “Cuồng chống Trump” và … (Phần 3)

Kasse animation 7.8.2023