VN: Giới hoạt động lên án những vụ bắt giữ mới nhất

Việc bắt giữ các nhà báo, bloggers hay nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam hiện nay, mà mới đây nhất là vụ bắt các ông Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy, tiếp tục được giới hoạt động và quan sát thời sự, chính trị ở Việt Nam quan tâm.

Trao đổi trên một chương trình thảo luận của BBC hôm thứ Năm, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội nói: “Tôi không ngạc nhiên lắm. Bởi vì trong giai đoạn vừa rồi, trong tầm ba tới bốn tháng trở lại đây, tự tăng cường lực lượng an ninh theo dõi, cũng như thậm chí là canh gác, cầm chân những người hoạt động ở Hà Nội cũng như là ở Việt Nam rất là nhiều.

Tôi biết là những sự căng thẳng ở trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng này, thì phía nhà nước, phía an ninh cũng cần phải có những động thái mạnh mẽ nào đó và họ sẽ tìm một người nào đó để họ có thể bắt giữ, chứ không hẳn chỉ là do những việc là do ông Phạm Thành làm.”

Từ Leeds, Anh quốc, blogger Song Chi, cựu Đạo diễn truyền hình tại Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, nói với BBC:

Tất nhiên là Đại hội Đảng 13 sắp tới, tình hình sẽ căng hơn và hơn nữa vài năm gần đây thấy rằng chuyện đàn áp mạnh hơn rất nhiều.

“Cho nên không có gì ngạc nhiên là có những người bị bắt. Vài năm gần đây có những khuôn mặt rất nổi bật, ví dụ như nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị bắt và đã bị kết án 10 năm tù, nhà báo, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng cũng bị bắt và chưa ra tòa.

“Do đó sẽ không ngạc nhiên khi có những khuôn mặt nổi bật như vậy bị bắt, mà nhà báo Phạm Thành là một trong những khuôn mặt nổi bật.”

Tuy nhiên, cựu Đạo diễn Song Chi cho rằng vẫn còn có yếu tố khác đáng nói hơn đứng sau nguyên nhân dẫn tới vụ việc bắt giữ với ông Phạm Thành, bà nói:

Nhưng khác với anh Nguyễn Lân Thắng, tôi cho rằng nhà báo Phạm Thành bị bắt không phải là ông chỉ là một blogger nổi tiếng, mà có thể còn vì những tác phẩm của ông nữa nhất là cuốn sách viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Chỉ trích đích danh cá nhân một nhân vật cấp cao trong Tứ trụ hoặc là trong Bộ Chính trị thì sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều.

Ảnh 1: các thành viên sáng lập trong Lễ ra mắt thành lập Hội nhà báo Độc lập Việt nam ngày 04-07-2014. Trong số này đã có 4 người bị bắt bao gồm: Nhà báo Phạm Chí Dũng đứng ngoài cùng bên phải, nhà báo Nguyễn Tường Thụy là người ngồi ở vị trí thứ ba từ phải sang, nhà văn Phạm Thành là người đứng thứ tư từ trái sang, đứng thứ năm kế Phạm Thành là nhà báo Trương Minh Đức cũng đã bị bắt từ tháng 7/2017

Nhà báo Phạm Thành viết một cuốn sách về ông Nguyễn Phú Trọng thì với mức độ chỉ trích như vậy, chắc chắn bản án sẽ không nhẹ, tôi sợ như vậy.” Đạo diễn Song Chi nói.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng trao đổi lại:

Đúng là ý kiến đó cũng xác đáng, bởi vì những tác phẩm bình luận chính trị mà lại phê phán vào những nhân vật chính trị hiện đang nắm quyền hành ở Việt Nam, phải nói là nó rất là nguy hiểm.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ông Phạm Thành ở trong giai đoạn này, họ đã quyết định bắt ông, thì nó không phải bởi vì do tác phẩm của ông Phạm Thành.

“Nếu như mà nói về những ảnh hưởng xã hội, cũng như những bài viết liên quan đến chỉ trích nhà nước, chỉ trích nhân vật nào đó, thì ở Việt Nam còn nhiều lắm.

“Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây là họ đã nhắm vào ông Phạm Thành bởi vì ông Phạm Thành mặc dù cũng có những đóng góp rất lớn ở trong phong trào phản biện xã hội, nhưng ông không có một mối liên hệ, liên kết đủ mạnh, đủ lớn.

“Và khi họ đã lựa chọn ông Phạm Thành là họ cũng tính rồi, tức là họ tính là khi họ bắt một nhân vật mà họ thấy rằng là cũng ‘được được’, cũng làm chuyện này, chuyện kia, nhưng mà khi thực hiện việc bắt đó thì làm sao bắt những ai mà sự phản ứng của xã hội nó ở mức thấp nhất thì người ta sẽ nhắm vào những người đó.”

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng nói thêm về khía cạnh pháp luật và tự do ngôn luận.

Tất nhiên là luật pháp quy định việc không được xúc phạm nhân phẩm, không được bôi nhọ, không được nói những điều sai trái về người khác, thì điều đó là hoàn toàn là đúng. Thế nhưng ở Việt Nam, chuyện đúng hay sai là một khoảng cách rất là xa.

“Hoàn toàn những sự kiện, những vụ án, nếu như ở nước ngoài, nó có một hệ thống tư pháp, có một hệ thống tòa án cũng như là việc mà công an, cảnh sát điều tra việc đó hoàn toàn dựa trên pháp luật, rất là công tâm.

Ảnh 2: nhà văn Phạm Thành (Blog Bà Đầm Xòe) với cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” được xuất bản ở nước ngoài và phát hành trên mạng xã hội vào tháng 9 năm 2019

Thế còn ở Việt Nam thì việc người ta xét xử, là hoàn toàn mù mờ và hoàn toàn dựa trên lợi ích của đảng cầm quyền, chứ không phải là dựa trên công lý.”

Trong một diễn biến riêng rẽ, cây bút David Hutt có bình luận ngày 22/5 trên báo mạng Asia Times.

Ông Hutt ghi nhận việc blogger Bà Đầm Xòe vừa bị bắt và phỏng đoán có thể ông Phạm Thành bị bắt vì có liên hệ với Nhà Xuất bản Tự do.

Trên website, Nhà Xuất bản Tự do tự nhận họ là “một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào ngày 14 tháng 2 năm 2019, với tinh thần lan tỏa tri thức và tự do thông tin

Chúng tôi hoạt động độc lập, với hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam. Những ấn phẩm này được phát hành thông qua hình thức bán và cho tặng miễn phí.”

Qua bút đàm, trước hết các ý kiến bình luận về nguyên nhân của các vụ bắt giữ trên quan điểm riêng của mình:

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A (nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách ISDS đã tự giải thể) nói: Xu hướng đàn áp gia tăng ở Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong thời gian Covid-19. Vụ bắt các ông Phạm Thành và Nguyễn Tường Thuỵ cũng trong xu hướng chung đó.

Với anh Nguyễn Tường Thuỵ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) còn có liên quan đến vụ bắt anh Phạm Chí Dũng chủ tịch HNBĐLVN trước đây, hồi cuối tháng 11/2019.

Nhà báo, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh (Hội nhà báo độc lập Việt Nam, từ Hà Nội): Việc trong một tháng (từ 23/4 đến 23/5/2020) diễn ra liên tiếp ba vụ bắt bớ những người cầm bút tại Việt Nam, gồm Trần Đức Thạch, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy, cho thấy có sự gia tăng đàn áp những tiếng nói đối lập tại Việt Nam trước những vấn đề mà đảng, nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt.

Tình hình xã hội hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19, mà những khó khăn xã hội sẽ dẫn đến những tiếng nói bất đồng ngày càng nhiều trong xã hội.

Thứ hai là tình hình trên Biển Đông có nhiều vụ việc hết sức bất lợi cho Việt Nam, trong đó có việc Trung Quốc ngày càng ngang ngược lấn tới trong chính sách xâm lược.

Thứ ba, cần đặc biệt chú ý là Đại hội lần thứ 13 của Đảng CSVN sắp nhóm họp. Đây là sự kiện mà Đảng CS muốn được tiến hành trong yên ổn, trong bối cảnh đấu đá nội bộ đang diễn ra âm thầm nhưng căng thẳng.

Họ không muốn những cây bút đối lập được tự do lên tiếng về những khó khăn của đời sống xã hội, chỉ ra những nguyên nhân bất cập cũng như nói về hiểm họa bành trướng từ Trung Quốc.

Bởi những người này là những người thường xuyên đề cập đến những vấn đề nói trên. Những cuộc bắt bớ, đàn áp những người đòi quyền tự do dân chủ của người dân là điều vẫn thường xảy ra trước những kỳ đại hội đảng CSVN.

Ảnh 3: Nhà văn Nguyễn Tường Thụy trả lời phỏng vấn RFA khi vừa đặt chân đến thủ đô Washington D.C. Hoa Kỳ hôm 25/4/2014 để tham dự các hoạt động điều trần và vận động cho một nền báo chí độc lập trong nước.

Nhà báo Mạc Việt Hồng (Chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online, từ Warsaw, Ba Lan): Việc bắt giam các cây bút hay các nhà hoạt động từ trước tới nay là phù hợp với bản chất của chế độ cộng sản, một chế độ luôn đàn áp các tiếng nói đối lập, các ý kiến khác biệt.

Nói về nguyên nhân, tôi nghĩ rằng họ luôn có nguyên nhân để bắt giữ, nhất là khi Luật An ninh mạng đã được thông qua hồi năm ngoái.

Bất cứ ai lên tiếng về những vấn đề chính trị, xã hội hay những đòi hỏi dân sự ở Việt Nam đều là các tù nhân lương tâm dự khuyết hết, mặc dù rất xót thương cho nhựng người bị bắt, nhưng tôi không hề ngạc nhiên.

Nguyên nhân xa là như vậy, nguyên nhân trực tiếp tôi cho rằng trong vụ ông Phạm Thành, đó là do quyển sách mới xuất bản về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; còn vụ ông Nguyễn Tường Thụy thì liên quan tới hội Nhà báo Độc lập mà ông làm Phó chủ tịch.

TSKH Nguyễn Quang A: Về trường hợp anh Phạm Thành, theo vợ anh thì việc bắt không quá ồn ào.

Còn theo gia đình anh Thuỵ thì cách thức tiến hành bắt anh Thuỵ cũng giống cách bắt các nhà hoạt động khác, họ dùng các biện pháp rất thô bạo.

Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh: Những người này là những người hoạt động ôn hòa, hoàn toàn không ủng hộ bạo lực hoặc lật đổ.

Những căn cứ để bắt bớ họ như “lật đổ chính quyền nhân dân” hoặc là “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam” là những sự khiên cưỡng và bịa đặt không có cơ sở trên thực tế.

Nhà báo Mạc Việt Hồng: Với con mắt của tôi, những gì liên quan tới đàn áp chính trị ở Việt Nam thì chẳng có gì là thấu tình đạt lý cả, khi mà bản thân chế độ đã tồn tại bằng Điều 4 Hiến pháp, quy định sự độc quyền lãnh đạo của một đảng phái duy nhất.

Nhưng vụ bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy – qua lời kể của gia đình – thì thậm chí không đạt chuẩn mực của những cư xử bình thường trong xã hội, khi mà cơ quan công quyền thay vì đàng hoàng vào nhà đọc lệnh bắt lại ‘lừa’ cả người phụ nữ đi tập thể dục về, rồi dùng những lời lẽ thì thô tục.

Chẳng hạn như theo lời kể của phu nhân ông Thụy, thì họ đã chờ sẵn đâu đó, khi bà đi tập thể dục về mở cửa nhà thì họ xông vào; rồi nói với con trai bà là “Đ.M mày ngồi yên!”

Ảnh 4: Các thành viên sáng lập Hội nhà báo Độc lập biểu quyết tán thành Điều lệ và các nguyên tắc hoạt động của Hội nhà báo Độc lập vào ngày 04-07-2014. Nhà văn Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy đều có mặt ở đây

BBC đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là dấu hiệu của hay cho một “chiến dịch” mới nào đó? Và nếu đúng là như thế, thì mục đích, mục tiêu là gì, triển vọng ra sao, tính khả thi, hiệu quả hay hệ lụy thế nào?

TSKH Nguyễn Quang A: Nếu nói đến chiến dịch thì chí ít từ hơn 3 năm nay luôn luôn có các “chiến dịch” đàn áp như vậy. Mục đích là nhổ tận gốc các tổ chức độc lập không làm theo ý của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), cái này họ nói công khai. Tôi e là họ tiếp tục làm thế ít nhất trong một năm tới.

Tôi không tin ĐCSVN có thể tiêu diệt được những tiếng nói khác với ý của ĐCSVN. Nó có thể làm cho một số người sợ, nhưng như thực tế cho thấy càng bắt bớ thì lại càng đông người hơn thấy sự thật và họ càng cất lên tiếng nói khác nhau của họ.

Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh: Rõ ràng đây là phần tiếp theo của một chiến dịch diễn ra từ mấy năm nay: Ngăn chặn mọi người dân đòi quyền tự do của mình như tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội.

Rất nhiều những người đấu tranh cho dân chủ, cho những quyền tự do nói trên đã bị bắt từ vài năm nay.

Mục đích là nhằm ngăn chặn, đe dọa người dân có tiếng nói riêng của mình không theo sự hướng dẫn hoặc sự chi phối của đảng nhằm tô vẽ cho chính quyền một cách mị dân, chỉ ra những mảng tối của xã hội và chính quyền.

Tuy nhiên, người dân và những người bị bắt có sợ hãi không là câu chuyện khác. Và mục đích của nhà cầm quyền có đạt hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Hệ lụy của nó thì chắc chắn là không nhỏ, trước hết là ở lòng dân và cách nhìn, sự đánh giá của cộng đồng quốc tế về chính quyền Việt Nam.

Nhà báo Mạc Việt Hồng: Tôi không nghĩ là có chiến dịch nào cả. Việc bắt bớ các nhà hoạt động trong những năm qua diễn ra gần như đều đều. Cứ lâu lâu họ lại làm một ‘mẻ’, xử tù hết ‘mẻ’ đó; hoặc đổi chác, phóng thích ra nước ngoài một số người ‘nặng ký’ thì họ lại bắt tiếp những người khác thế vào.

Việc bắt bớ này sẽ vẫn tiếp tục một khi chế độ cộng sản còn tồn tại.

Rất tiếc, phải đưa ra nhận định như vậy, nnhưng qua trao đổi với một số người, tôi nghĩ, hầu hết các nhà hoạt động có chút tên tuổi ở Việt Nam hiện nay đều xác định trước chuyện sẽ bị bị bắt một ngày nào đó và sẵn sàng đương đầu với thử thách này.

Ảnh 5: Nhà văn Nguyễn Tường Thụy đi tuần hành tưởng niệm ngày mất Gạc ma ngày 14-3-2015 ở Hà nội

BBC đặt câu hỏi: Cuối cùng, về tính chất thời điểm của các vụ bắt giữ, liệu chúng có liên quan gì tới quá trình chuẩn bị cho Đại hội 13 dự kiến nhóm vào năm 2021 của ĐCSVN? Có liên hệ gì tới các khía cạnh nội bộ, hay đối nội, đối ngoại của ban lãnh đạo, đảng và chính quyền hay không?

TSKH Nguyễn Quang A: Chắc chắn có liên quan đến việc chuẩn bị Đại hội 13 của ĐCSVN. Nó cũng có thể liên quan đến EVFTA bây giờ coi như đã xong và họ có thể rảnh tay hơn.

Một hình mẫu khá quen thuộc: gần đến những sự kiện lớn (Đại hội Đảng CSVN, vụ án nổi cộm, các cuộc viếng thăm cấp cao,.., gần đến các vụ án nổi cộm, Đồng Tâm chẳng hạn, và nhiều sự kiện khác) an ninh Việt Nam luôn có các vụ bắt bớ như vậy nhân danh “giữ an ninh“. Chắc chắn liên quan đến sự đối nội.

Đối ngoại thì có thể trong hoàn cảnh cả thế giới bận bịu với dịch Covid-19 và có lẽ ít lên tiếng hơn (hay EVFTA đã xong) làm cho ĐCSVN thấy thời cơ thuận tiện hơn để đàn áp mà không có hậu quả quốc tế gì mấy.

Nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh: Như trên đã nói, vấn đề chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ 13 của ĐCSVN cũng là vấn đề được coi là quan trọng nhất chi phối cho chiến dịch bắt bớ này.

Đặc biệt là qua đó nhằm đe dọa những người dân khác muốn cất tiếng nói của mình về hiện tình xã hội và đất nước.

Nhà báo Mạc Việt Hồng: Từ nay tới Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam còn những một năm nữa, nên tôi nghĩ hai vụ bắt giữ vừa rồi không liên quan trực tiếp tới đại hội đâu. Quyền hành, súng ống trong tay nhà cầm quyền, họ thích bắt là bắt thôi.

Và nói chung những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam – theo tôi – có lẽ nằm ngoài các đấu đá của chính trường vì họ dường như là kẻ thù của mọi phe phái chính trị, nơi người ta thống nhất quan điểm giữ vững chế độ mà chỉ giành nhau những cái ghế.

Báo chí chính thống Việt Nam hôm 24/5 cho hay ông Nguyễn Tường Thụy, 70 tuổi, quê Nam Định, bị cáo buộc tuyên truyền tài liệu chống phá Nhà nước Việt Nam.

Ông Thụy bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM khởi tố, bắt tạm giam về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015, hôm 23/5,” báo mạng VnExpress hôm Chủ Nhật nói.

“Các quyết định, lệnh khám xét nhà ông Thụy trong chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM phê chuẩn. Cơ quan điều tra cho biết thu được nhiều tài liệu, vật chứng.”

Trước đó, truyền thông mạng xã hội đưa tin hôm 21/5, ông Phạm Thành (tức Blogger Bà đầm xòe) đã bị Công an TP Hà Nội bắt tại nhà riêng.

Ảnh 6: Tiến sỹ Nguyễn Quang A mặc áo của nhóm No-U tham gia biểu tình chống Trung quốc ở Hà nội

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Vụ Hồ Duy Hải: kịch bản vụ_án khác hẳn với kết luận điều tra
Kasse animation 7.8.2023