Trung Quốc lẻ loi trong cơn thịnh nộ COVID-19 tràn về

https://www.youtube.com/watch?v=97YAcYTkA5s

Khi dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu lắng xuống, cho đến ngày 05/5 chỉ còn 5 quốc gia trên thế giới tiếp tục thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt là Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Rumani và Maroc. Phần còn lại của thế giới đã bắt đầu ‘bình thường hóa’ đời sống và sống chung với dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế muốn biết rõ hơn về bệnh dịch, bùng lên từ Vũ Hán, khiến 3,5 triệu người lây nhiễm và ít nhất 230.000 người chết, theo các số liệu chính thức, buộc một nửa nhân loại sống trong phong tỏa, khiến kinh tế toàn cầu suy sụp.

Mọi con mắt đều dồn về Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh.

Mỹ đứng đầu cuộc tấn công vào Bắc Kinh khi nguyên thủ Hoa Kỳ tin tưởng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệp P4 tại Vũ Hán. Mơi đây, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã yêu cầu Quốc hội điều tra khả năng Trung Quốc che giấu sự bùng phát dịch COVID-19 giống như cách các nhà lập pháp Mỹ điều tra cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng năm 1941. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5/5 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ thời gian tới sẽ công bố một báo cáo “đầy đủ” về nguồn gốc của virus gây dịch COVID-19, nhưng không nói rõ thời điểm cụ thể, theo tờ The New York Post.

Theo tờ The Sun, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace phát biểu hôm 3/5 khẳng định Trung Quốc rất cần phải trả lời những câu hỏi về cách xử lý dịch COVID-19 giai đoạn đầu và liệu nước này đã cảnh báo thế giới kịp thời chưa. Quan chức này cho rằng tình hình hiện tại đòi hỏi Bắc Kinh phải cởi mở với quốc tế về mọi thông tin liên quan đến dịch bệnh, cả những thành công lẫn thiếu sót,.

Chính quyền Úc, vốn khá kín tiếng trên đấu trường ngoại giao quốc tế, cũng hứa hẹn sẽ gây áp lực với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm mở một cuộc điều tra về nguồn gốc virus. Bắc Kinh dọa trả đũa, với việc tẩy chay hàng hóa và các trường đại học Úc.

Liên minh châu Âu cũng bắt đầu cao giọng với Trung Quốc, cho dù với sự dè dặt, vì EU hiện có nhiều hợp đồng kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Trước đó, Bruxelles hạ tông giọng với những lời lẽ nhẹ nhàng hơn trong một tuyên bố lên án việc Bắc Kinh bóp méo thông tin về đại dịch.

Tuy nhiên, giờ đây EU tỏ ra kiên quyết hơn. Bruxelles đang chuẩn bị một dự thảo nghị quyết cho một hội nghị toàn thể của WHO. Trong một cuộc trả lời báo Pháp, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ông Joseph Borrell, nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của việc làm sáng tỏ các bối cảnh cụ thể khiến đại dịch bùng phát », đòi hỏi một cuộc điều tra « độc lập » về những gì đã diễn ra. Cho dù coi Bắc Kinh là « một đối tác chiến lược », EU cần tìm ra được một « thế cân bằng về lợi ích ».

Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mà từ đầu đến nay bị chỉ trích mạnh về thái độ thiên vị Trung Quốc, cũng bắt đầu thay đổi, với việc đề nghị Bắc Kinh cho tham gia điều tra nguồn gốc virus.  

Ảnh: Ông Jeff Sessions, người từng phục vụ trong vai trò Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

RFI đã giới thiệu bài viết có tựa đề “Trong trận cuồng phong COVID-19, bão đang đổi chiều nhắm vào Bắc Kinh” trên nhật báo Pháp Le Figaro.

Bài báo nhận định: « Bão đang đổi chiều và bắt đầu thổi mạnh về hướng Trung Quốc. Khắp nơi trên hành tinh, càng ngày càng có nhiều tiếng nói đòi mở điều tra quốc tế để xác định nguồn gốc đại dịch COVID-19. Các sức ép ngày càng gia tăng chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc, do Bắc Kinh từ chối cung cấp các kết quả điều tra dịch tễ học và mở cửa cho các chuyên gia quốc tế… Nghiên cứu về các nguồn gốc của virus được giới khoa học và giới chính trị xem như là một nhiệm vụ cấp thiết để ngăn ngừa một đại dịch mới ».

« Covid-19 kể từ giờ nằm ở tâm điểm cuộc chiến ngoại giao hiện nay giữa Bắc Kinh với các cường quốc phương Tây », với « cuộc đối đầu dữ dội giữa hai mô hình trái ngược, mô hình dân chủ đòi hỏi sự minh bạch và mô hình của các chế độ siêu độc tài và cộng sản, tìm mọi các che giấu thông tin, bóp méo thông tin ». Câu hỏi mà Le Figaro đặt ra là : Ai sẽ thắng ai ?

Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng ý thức được sự căm phẫn của thế giới đối với chế độ Bắc Kinh. Theo Reuters, bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc hồi tháng trước đã cung cấp cho các lãnh đạo nước này một báo cáo nội bộ, cho thấy giờ đây chế độ cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng đối kháng chưa từng thấy từ quốc tế, kể từ sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Vào thời điểm đó, phương Tây đã từng áp đặt các trừng phạt. Còn giờ đây cho dù Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều, cục diện thế giới cũng có thể nghiêng về phía bất lợi cho Bắc Kinh, với đại dịch bùng lên từ Vũ Hán.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc – Cicir, thân cận với bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc, tâm lý bài Trung có thể khiến dự án « Con Đường Tơ Lụa Mới » bị giảm tốc. Cũng có khả năng quan hệ Mỹ – Trung xấu đi nhanh chóng, và đụng độ vũ trang giữa hai nước có thể xảy ra.

Le Figaro khép lại bài « Cơn bão đang đổi chiều… » với nhận định, dù sao ưu tiên của Trung Quốc hiện nay vẫn « dường như là tìm mọi cách, bất luận cực đoan thế nào, để không phải đối mặt với sự thật về nguồn gốc virus ».

Trong một diễn biến liên quan, một tài liệu điều tra của các cơ quan tình báo thuộc liên minh Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) cáo buộc Bắc Kinh « phá hủy bằng chứng » về nguồn gốc virus, với nhận định thái độ của Trung Quốc là « một sự lăng nhục đối với đòi hỏi minh bạch quốc tế ».

Ảnh: Hãng truyền thông Úc Daily Telegraph công bố tài liệu của lực lượng tình báo về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19  

Hôm thứ Bảy, 02/5, hãng truyền thông Úc Daily Telegraph công bố nhiều thông tin từ một điều tra của liên minh tình báo Five Eyes, về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.

Tinh thần chính của tập tài liệu 15 trang, mà Daily Telegraph có được, khẳng định « chính quyền Trung Quốc đã cố tình xóa bỏ hay phá hủy các bằng chứng về bệnh dịch ». Bắc Kinh bị cáo buộc đã che giấu thông tin, bịt miệng, và khiến cho nhiều bác sĩ muốn nói lên sự thực mất tích, phá hủy các bằng chứng trong phòng thí nghiệm, từ chối cung cấp « các mẫu virus sống » mà các nhà khoa học quốc tế đang cần để nghiên cứu chế tạo vác-xin. Các hành động như trên của Trung Quốc bị tố cáo đã khiến rất nhiều quốc gia lâm vào tình trạng nguy hiểm, và dẫn đến hàng chục nghìn người chết.

Hồ sơ của nhóm Five Eyes tập trung vào nhóm nghiên cứu thuộc Viện Virus Học Vũ Hán, do nhà nghiên cứu nổi tiếng về virus corona ở loài dơi, bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) đứng đầu. Kết quả nghiên cứu về một số loại virus corona ở loài dơi tại một hang động tỉnh Vân Nam cho thấy sự tương đồng về bộ mã di truyền hết sức lớn với virus corona gây bệnh COVID-19. Theo Daily Telegraph có ít nhất một trong số 50 mẫu virus corona được tiến sĩ Thạch Chính Lệ nghiên cứu về mặt di truyền giống đến 96% với virus gây bệnh COVID-19. Hơn nữa, một nghiên cứu được nhóm các nhà khoa học, do bà Thạch Chính Lệ đứng đầu, công bố hồi tháng 3/2019, nhận định « rất có khả năng các bệnh dịch giống như SARS hay MERS đến từ các virus corona sống ký sinh ở loài dơi. Và nhiều khả năng dịch bệnh sẽ xuất hiện tại Trung Quốc ».

Tài liệu điều tra của nhóm Five Eyes cũng mô tả việc chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt thông tin trên các mạng Internet, liên quan đến dịch bệnh, ngay từ cuối tháng 12/2019.

Ngày 02/01/2020, Ủy ban Y tế của tỉnh Hồ Bắc ra lệnh cho các phòng xét nghiệm ngừng các hoạt động phân tích về loại virus mới, và yêu cầu tiêu hủy các bệnh phẩm.

Ngày 03/01, Ủy Ban Y Tế Quốc Gia ra lệnh cấm xuất bản các thông tin liên quan đến căn bệnh mới xuất hiện. 

Daily Telegraph cũng đặc biệt nhấn mạnh đến trường hợp « đáng lo ngại nhất » của nhà nghiên cứu Hoàng Yến Linh (Huang Yan Ling), thành viên Viện Virus Vũ Hán, được cho là « bệnh nhân số không ». Tuy nhiên, ngày 16/02, Viện Vũ Hán phủ nhận điều này. Tiểu sử cũng như hình ảnh của nhà khoa học trên trang chủ của viện nghiên cứu bị xoá bỏ. Theo Viện Virus Học Vũ Hán, bà Hoàng vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nữ khoa học gia biệt tích.

Vẫn theo Daily Telegraph, Trung Quốc đã có bằng chứng là virus corona mới có thể lây từ người sang người từ ngày 06/12/2019, nhưng chỉ chấp nhận sự thật này từ ngày 20/01/2020, trước khi ra quyết định phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23/01.

Trong lúc không có thông tin rõ ràng về khả năng virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, thì liên minh tình báo Five Eyes đặc biệt chú ý đến việc chính phủ Úc tài trợ cho một nghiên cứu của nhóm khoa học gia Vũ Hán, trong đó có tiến sĩ Thạch Chính Lệ, trong các nghiên cứu can thiệp vào hệ mã di truyền của virus corona ở loài dơi, để xem xét khả năng các virus nói trên lây truyền sang các động vật có vú khác như thế nào.

Khi cơn cuồng phong kéo đến, Trung Quốc đơn độc đáp trả bằng những tiểu xảo quen thuộc. Thay vì chọn Tổng thống Mỹ Donald Trump là mục tiêu tấn công, Bắc Kinh đã chuyển hướng chỉ trích sang Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Bắc Kinh đang tung ra chiến dịch tấn công ngoại trưởng Mỹ trên truyền thông, lên án ông Mike Pompeo là « kẻ thù của nhân loại ».

Chiến dịch tấn công lãnh đạo ngoại giao Mỹ trên truyền thông Nhà nước Trung Quốc diễn ra liên tục từ ngày 27 đến 30/04. Pompeo là « kẻ dối trá », « kẻ vu khống »… Báo chí Trung Quốc coi Mike Pompeo là ngoại trưởng Mỹ tồi tệ nhất trong lịch sử.

« Bốn tội lỗi » của ngoại trưởng Mỹ mà truyền thông Trung Quốc bêu ra là cắt tài trợ cho WHO, che giấu thất bại của nước Mỹ trong việc phòng chống dịch COVID-19, đổ hết trách nhiệm cho Trung Quốc, và khiến thảm họa nhân đạo trên thế giới gia tăng, do các đàn áp quá mức nhắm vào một số quốc gia như Cuba hay Iran.

Tóm lại, ngoại trưởng Mike Pompeo là « kẻ gần như không còn nhân tính » và  là « sự hổ thẹn cho nền ngoại giao Mỹ ».

Trên thực tế, truyền thông Trung Quốc tránh đả kích công khai tổng thống Mỹ, mũi nhọn chỉ trích nhắm vào Hoa Kỳ được dồn sang viên ngoại trưởng.

Trên bình diện đa phương, một ngày sau khi EU cho biết Liên minh và 27 quốc gia thành viên sẽ đồng tài trợ cho một dự thảo nghị quyết kêu gọi đánh giá độc lập trên cơ sở dữ liệu về virus corona mới gây ra căn bệnh COVID-19 tại Hội nghị Y tế Thế giới trực tuyến vào ngày 18/5, Trung Quốc đã có động thái đáp trả ngay tức khắc.

Trung Quốc ‘trả đũa’ lại EU bằng cách đã cử một đại diện cấp thấp tham dự sự kiện cam kết toàn cầu do EU dẫn đầu về vắc-xin COVID-19. Trong số 43 quốc gia tham gia, Trung Quốc là nước duy nhất không cử quan chức cấp bộ trưởng mà thay vào đó là Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh.

Sự tham dự của Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh được công bố vào phút cuối, vì các thông tin trước đó của EU cho thấy Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ phát biểu, theo một thông báo truyền thông của EU gửi đi 4 giờ trước sự kiện diễn ra.

Trung Quốc không chỉ đưa quan chức cấp thấp nhất tới sự kiện trực tuyến, mà còn không đưa ra cam kết tài chính mới nào, cũng không hứa sẽ biến bất kỳ loại vắc-xin thành công nào thành lợi ích chung như một số nước tham gia kêu gọi.

Đại sứ Trung Quốc tham dự chỉ lên tiếng kêu gọi “tạm dừng các trò chơi đổ lỗi” – rõ ràng đề cập đến nỗ lực của Hoa Kỳ và EU trong việc điều tra nguồn gốc của virus corona.

Một nhà ngoại giao EU lưu ý rằng vị đại sứ Trung Quốc không tập trung vào vắc-xin – vốn là chủ đề của sự kiện – mặc dù Bắc Kinh là một trong những quốc gia hàng đầu nghiên cứu về COVID-19. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối tuần qua cho biết nước này đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng cho ba loại vắc-xin ngừa COVID-19 của ba công ty: Công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics, Công nghệ sinh học Sinovac và Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán.

Ông Antoine Bondaz, một chuyên gia về mối quan hệ EU – Trung Quốc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris (Pháp) nhận xét: “Trung Quốc muốn thuyết phục EU rằng họ là đối tác tốt hơn Mỹ và sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, họ đã không hành động khi họ có cơ hội để làm như vậy.”

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa cam kết tham gia một cuộc điều tra quốc tế nào vì cho rằng “đó sẽ là một trò chơi đổ lỗi nhằm vào Bắc Kinh“, mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần cam kết hỗ trợ cho WHO.

Phương Tây liên tục đưa ra những cáo buộc liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin của Trung Quốc về dịch COVID-19 cũng như về nguồn gốc của virus.

Trung Quốc đang phải hứng chịu những quả báo do những tai  họa mà chính quyền nước này, vì che giấu đã và đang gây ra cho nhân loại.

Trước những cáo buộc như vũ bão của Mỹ, Anh, Úc, EU và nhiều nước khác, Trung Quốc sẽ không còn cơ hội để che đậy sự thật.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=e6eQ8TzE22I
TQ thiếu bạn và “đơn độc”
Kasse animation 7.8.2023