Biển Đông : Mỹ khai thác nỗi tức giận của láng giềng châu Á đối với Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=TxMymUa8I7E

Hoa Kỳ đang hy vọng có thể khai thác nỗi tức giận về các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông để lôi kéo các nước tranh chấp khác đối đầu với Bắc Kinh.

Trong những tuần qua, Trung Quốc đã liên tục có những hành động xâm lấn, gây thêm căng thẳng trên Biển Đông: cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam; đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào sát khu vực mà tàu thăm dò dầu khí của công ty Petronas, Malaysia đang hoạt động; thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý hai quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong cuộc họp qua video với các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng trước, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng tố cáo Bắc Kinh lợi dụng lúc thế giới đang tập trung chống đại dịch Cúm Vũ Hán để tiếp tục xâm lấn trên Biển Đông và ông kêu gọi các nước ASEAN hãy đứng dậy để đối đầu với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích được nhật báo Anh Financial Times trích dẫn ngày 04/05/2020, thật ra Bắc Kinh không hề nhân cơ hội có dịch Cúm Vũ Hán để tung ra một chiến dịch mới trên Biển Đông. Nhưng họ nghĩ rằng dịch bệnh là cơ hội cho chúng ta thấy rõ hơn chính sách của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.

Financial Times trích lời ông Gregory Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á AMTI, ghi nhận:  « Trung Quốc đang làm điều mà họ vẫn làm ở Biển Đông, nhưng đi xa hơn nhiều so với cách đây vài năm trên con đường tiến tới kiểm soát (vùng biển này). »

Từ năm 2012, Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, đồng thời phát triển lực lượng hải cảnh và dân quân biển, và như vậy coi như kiểm soát phần lớn Biển Đông. Các nước tranh chấp khác, đặc biệt là Việt Nam, đã hoàn toàn bất lực, không chặn được, thậm chí không làm chậm lại được đà lấn lướt của Trung Quốc.

Các chiến hạm và các phi cơ của Mỹ đúng là vẫn thường xuyên tuần tra tại các khu vực mà Trung Quốc giành chủ quyền trên Biển Đông.

Ảnh: hành trình của tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 của Trung quốc trên biển Đông cho đến ngày 4-5, hiện tàu đang trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và một phần vào vùng chồng lấn với EEZ của Việt nam. Tàu Hải dương 8 luôn được tàu hải cảnh Zhongguohaijing 4203 bám sát bảo vệ

Nhưng các chiến dịch đó chủ yếu nhằm bảo đảm tự do hàng hải, cho nên các nước Đông Nam Á vẫn có cảm tưởng rằng Hoa Kỳ lo cho lợi ích riêng hơn là hỗ trợ các quốc gia này. Theo các nhà phân tích, cảm tưởng đó càng tăng thêm kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, vì chính sách Biển Đông của chính quyền Trump chỉ giới hạn trong việc tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải.

Nhưng nay, sự phẫn nộ đang dâng cao và không chỉ có Việt Nam mà các nước khác cũng đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối Bắc Kinh. Malaysia, vốn rất kín tiếng, đã phản đối việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát đến khu vực mà tàu của Petronas đang hoạt động, tuy không nêu đích danh Bắc Kinh. Đáng ngạc nhiên hơn, Philippines ( mà tổng thống Duterte là một nhân vật được xem là thân Bắc Kinh ) đã gởi hai công hàm phản đối việc Trung Quốc lập hai quận để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa và phản đối vụ tàu chiến Trung Quốc chĩa hệ thống kiểm soát pháo về phía một chiến hạm của Philippines trên Biển Đông vào tháng 2 vừa qua.

Theo Financial Times, các nhà phân tích nghĩ rằng các vụ nói trên có thể sẽ khiến một số nước Đông Nam Á sát cánh với nhau hơn, hoặc sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ với Mỹ. Ông Bec Strating, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, ghi nhận hai sự kiện đáng chú ý : Philippines bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam sau vụ tàu cá bị đâm chìm và hải quân Úc tập trận với các chiến hạm Mỹ tại một số khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Về phần Michael O’Hanlon, giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, ông cho rằng những hành động vừa qua của Trung Quốc sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, vì như vậy là Washington sẽ có một vị thế mạnh hơn khi thương lượng việc mở các căn cứ quân sự (ở châu Á).

Nhận định về tuyên bố đã ”trục xuất” tàu Mỹ khỏi vùng Biển Đông gần đây của Trung Quốc, Giáo sư Carl Thayer nói rằng điều này hoàn toàn là một bịa đặt có tính cách tuyên truyền.

Hôm 28/4, Trung Quốc cáo buộc tàu chiến USS Barry của Mỹ đã đi vào vùng đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, mà ”không được Trung Quốc cho phép.” Trung Quốc cũng nói họ sau đó đã thiết lập một thủ tục để theo dõi, theo dõi, xác minh, xác định và trục xuất USS Barry ra khỏi Biển Đông.

Nhưng ngay sau đó, một quan chức của Hải quân Hoa kỳ nói rằng USS Barry không hề bị trục xuất như Trung Quốc tuyên bố, và tàu khu trục, được đặt theo tên của “Cha đẻ của Hải quân Mỹ“, đã tuần tra theo đúng kế hoạch mà không gặp phải bất kỳ hành vi không an toàn hoặc không chuyên nghiệp nào từ máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua email từ Canberra, Úc, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế giải thích rằng Trung Quốc tuyên bố như thế với mục đích tuyên truyền và cảnh báo các quốc gia khác trong khu vực.  

GS Carl Thayer: Mỗi khi Hải quân Hoa Kỳ thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc lại đưa ra loại tuyên bố tương tự là họ đã theo dõi, kiểm soát và ”trục xuất” tàu chiến Hoa Kỳ. Đây hoàn toàn là những lời ngoa ngữ, cường điệu.  

Trung Quốc có phương tiện giám sát để xác định khi nào tàu chiến của Hoa Kỳ đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là của riêng họ. Và mỗi lần như thế Trung Quốc thường điều một máy bay để rình rập tàu chiến Mỹ trên biển. Thường thì tàu chiến Hoa Kỳ và nhân sự của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) có liên lạc với nhau trong những lần nghênh chiến đó.

Sau khi tàu chiến Hoa Kỳ hoàn thành nhiệm vụ và rời khỏi vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc tuyên bố sẽ họ vừa ”trục xuất” tàu Mỹ.

Trung Quốc đang sử dụng chiến tranh thông tin để cảnh báo các quốc gia trong khu vực là họ sẽ chịu chung số phận này, nếu tàu của họ xâm nhập vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Công bố cường điệu này của Bắc Kinh cũng nhằm vào đối tượng trong nước để chứng minh rằng chế độ Tập Cận Bình đang bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc một cách kiên quyết chống lại chủ nghĩa quân phiệt của Hoa Kỳ.

Người phát ngôn của Hạm đội 7 Hoa Kỳ chắc chắn đã công bố rõ nếu Trung Quốc có bất kỳ động thái quân sự không chuyên nghiệp nào với tàu chiến USS Barry (DDG-52). Ví dụ, trong việc liên quan đến một tàu chiến của PLAN nhào đến tàu chiến USS Decatur một cách nguy hiểm hồi tháng 9 năm 2018, Hoa Kỳ đã công bố khúc phim về cuộc chạm trán này để chứng minh quan điểm của mình.

Trong trường hợp USS Barry, một phát ngôn viên của Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố rằng, hoạt động của tàu được tiến hành theo kế hoạch mà không gặp phải bất kỳ hành vi không an toàn hoặc không chuyên nghiệp nào từ máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc.

Chúng ta không nên đánh giá là những tuyên bố của Trung Quốc và Hoa Kỳ có giá trị ngang nhau. Khi Trung Quốc sử dụng thuật ngữ ”trục xuất,” thì đó là một điều bịa đặt trong việc tuyên truyền của PLAN.

Sự di chuyển của tàu USS Barry trong thời gian đó ở Biển Đông có tầm quan trọng gì? USS Barry đến đó theo một lộ trình thường xuyên, hay với một mục đích nào khác? BBC đặt ra câu hỏi.

Ảnh: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu về biển Đông hôm 26/4/2020 rằng: “Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta.” Theo BBC News Tiếng Việt

GS Carl Thayer nói: USS Barry có cuộc tuần tra với mục đích thực thi quyền tự do hàng hải (FONOP) để thách thức những gì Hoa Kỳ cáo buộc là yêu cầu bất hợp pháp của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam là phải báo trước cho những nước này biết trước khi vào vùng biển gần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã vẽ những đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi không có thông tin chi tiết về đường đi chính xác của USS Barry, nhưng có khả năng đó là hành động thách thức yêu sách quá mức của Trung Quốc đối với vùng biển bên ngoài Hoàng Sa dựa trên các đường cơ sở này.

Hiện dưới sự lãnh đạo của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Hoa kỳ rõ ràng đã có một sự thay đổi trong chính sách FONOPS, để hoạt động hải quân phù hợp hơn với Chiến lược Quốc phòng được ban hành năm 2018 của nước này. Tài liệu của chính sách Quốc phòng 2018 kêu gọi các lực lượng quân sự Hoa Kỳ phải làm sao để thể hiện châm ngôn ”chiến lược đoán được, nhưng hành tung khôn lường.” Chuyến tuần tra của USS Barry, được tháp tùng ngay ngày hôm sau bởi việc thực thi quyền tự do hàng hải chưa từng có của USS Bunker Hill (CG-52) ở vùng biển quanh Đá Lạc (Gaven Reef) ở Trường Sa.

Ông nghĩ gì về thái độ khá lớn lối của Bắc Kinh khi bảo quân đội Hoa Kỳ hãy ”về nhà và tập trung vào phòng ngừa Cúm Vũ Hán đi,” thay vì đi “gây bất ổn cho hòa bình và an ninh khu vực“? BBC đặt câu hỏi.

Hành động quan trọng hơn lời nói. Hòa bình và an ninh khu vực ở Đông Nam Á, chưa kể trên toàn cầu, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus corona xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc.

Rõ ràng là ngay từ đầu, Trung Quốc đã đàn áp những báo cáo trong nước về Cúm Vũ Hán, và không minh bạch trong việc truyền đạt cho cộng đồng quốc tế rằng virus này có thể lây truyền giữa người và cực kỳ nguy hiểm.

Ảnh: tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng từ ngày 5/3 – 9/3/2020, đến nay đã có 840 thủy thủ bị lây nhiễm Cúm Vũ Hán và 1 thủy thủ tử vong

Các hành động chỉ vì tư lợi của Trung Quốc đã dẫn đến sự lây lan của Cúm Vũ Hán, khiến hơn 3,4 triệu người bị lây nhiễm tại ít nhất 187 quốc gia, gây ra cái chết của gần 250.000 người.” GS Carl Thayer nhận định.

Hai chuyến tuần tra thực thi quyền tự do hàng hải gần đây nhất của Hoa Kỳ đã đến và đi mà không tạo bất kỳ suy giảm nào trong an ninh khu vực. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại, Trung Quốc đang bị chỉ trích nặng nề là đã lợi dụng đại dịch để khẳng định mạnh mẽ hơn các tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông và khu vực, và các nước nhỏ quanh vùng hoan nghênh sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ.

BBC đặt câu hỏi: Nhắc đến virus corona, thì ngoài mục đích thực thi quyền tự do hàng hải, Hoa Kỳ còn có động cơ nào khác khi đưa hai tàu chiến USS Barry và USS Bunker Hill đến Hoàng Sa giữa lúc hai nước đang căng thẳng vì Mỹ buộc tội Trung Quốc xử lý sai và giữ bí mật về sự bùng phát virus khi nó vừa xảy ra?

GS Carl Thayer: Cũng có một động lực khác. Thủy thủ Hoa Kỳ trên tàu USS Theodore Roosevelt và tàu USS Kidd đã bị nhiễm virus Cúm Vũ Hán. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc lợi dụng thời cơ này để lập luận rằng Hoa Kỳ đang hoạt động ở một vị trí yếu kém. Trong khi đó Hoa Kỳ đang cố gắng khắc phục một trở ngại về quan hệ công cộng, bằng cách chứng minh rằng Hoa Kỳ có thể duy trì sự hiện diện của hải quân nước này ở Biển Đông.

Về mặt này, USS Barry đã tuần tra hai lần qua Eo biển Đài Loan vào tháng Tư trước khi triển khai đến Hoàng Sa. USS Bunker Hill đã tham gia với USS America ở vùng biển ngoài khơi Đông Malaysia để chứng minh sự hiện diện của Hoa kỳ khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và tàu khoan Hai Yang Dizhi 8 đang quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Petronas, công ty dầu khí của nhà nước Malaysia.” GS Carl Thayer nêu quan điểm.

Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=mXOQrxx2bJE
VN theo Mỹ hay bám Tàu?
Kasse animation 7.8.2023