Biểu tượng công lý của Việt Nam: từ ‘nhầm lẫn’ đến ‘phản động’

Ngày 05/02/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) đã thống nhất chọn vua Lý Thái Tông (1000-1054) là biểu tượng công lý trong xét xử án. TANDTC đã có văn bản số 141 yêu cầu các tòa án các cấp lựa chọn 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông, và nêu 5 lý do của quyết định. TANDTC cho biết dự kiến chất liệu tượng và khối phụ trợ được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối, chiều cao của tượng là 5,3m. Và, tượng vua Lý Thái Tông sẽ được đặt tại trụ sở TANDTC và các TAND, Toà án Quân sự các cấp. Sự việc đã dấy lên một làn sóng phản đối kịch liệt trong toàn xã hội.

Thứ nhất gọi là biểu tượng công lý thì không thể lấy một người cụ thể ra đại diện được.

Công lý là vô biên. Công lý là hoàn hảo. Công lý là vĩnh cửu. Công lý là toàn năng… Vì thế, từ ngàn xưa biểu tượng cho công lý cần viện đến thánh thần.

Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia như Nhật Bản, Cộng hòa Czech, Hong Kong, Thụy Sĩ, Canada, Đức, Brazil, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Úc… đều lấy hình tượng nữ thần công lý làm biểu tượng của công lý, pháp luật, xét xử công bằng. Nguồn gốc của nữ thần của công lý đến từ thần thoại Hy Lạp và La Mã.

Theo đó, tùy vào mỗi nơi, nữ thần công lý thường được khắc họa, miêu tả với ba biểu tượng đặc trưng: Cầm một thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy của tòa án; một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị; một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý “mù lòa”, đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng.

Bởi vậy, bất cứ một ai, dù vĩ đại đến đâu, dù anh minh đến mức độ nào cũng không thể là biểu tượng cho công lý. Bởi đã là một con người thì ‘nhân vô thập toàn’, tức là đã là con người cụ thể, thì chắc chắn sẽ có khiếm khuyết và càng không thể là đỉnh cao nhất mọi thời, chắc chắn là có một con người cụ thể khác vượt lên. Một con người cụ thể thì không đủ toàn năng để đối phó với cái ác muôn hình vạn trạng mà tìm đến được công lý.

Thứ hai chọn biểu tượng công lý mà chọn một ông vua Lý Thái Tông thì hoàn toàn là một sai lầm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu – Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM phân tích: trong vai trò một vị đế vương thì củng cố hệ thống luật pháp chỉ là một trong những việc làm của vua Lý Thái Tông bên cạnh rất nhiều những hành xử khác nhằm mang lại lợi ích cho quốc gia và dòng tộc.

Việc vua Lý Thái Tông ban Hình Thư là một biểu hiện cụ thể của việc “trị nước” không chỉ để hướng dẫn xét xử mà còn để giáo hóa ý thức pháp luật cho quan lại và dân chúng thời ấy.

Nếu chọn ông làm biểu tượng đại diện cho cơ quan thi hành công lý thì chưa thật phù hợp, bởi vì ông là vị vua của thế kỷ XI với nền hành pháp còn khá sơ khai, đơn giản, không phức tạp và vô cùng khó khăn như hiện nay.

Chưa kể quan niệm về vai trò của nhà vua trong xã hội phong kiến là có quyền sinh sát tuyệt đối với “dân đen“, có quyền ban “thượng phương bảo kiếm” cho người thay mặt mình xử tội mà không cần xem xét… Hai ý nghĩa đó ngày nay không còn phù hợp nữa.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, giảng viên môn lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội còn nhắc lại : Vua Lý Thái Tông có một vết nhơ mà sử chép lại liên quan đến nàng Mỵ Ê, chính phi của vua Sạ Đẩu (tức Jaya Sinhavarman II). Vua sau khi bình định Chiêm Thành, giết vua Sạ Đẩu, có bắt về hang trăm cung nữ, ca kỹ, thợ giỏi. Trong đó có bà Mỵ Ê vợ vua Jaya Sinhavarman II. Khi về tới đến Lý Nhân, vua triệu bà sang hầu thì Mỵ Ê lấy chiên trắng quấn quanh mình rồi nhảy xuống sông Châu Giang tuẫn tiết.

Nhà thơ Tản Đà có làm bài thơ Tâm sự nàng Mỵ Ê nói về bà:

Châu giang một giải sông dài,

Thuyền ai than thở, một người cung phi!

Đồ Bàn thành phá hủy,

Ngọa Phật tháp thiên di.

Thành tan, tháp đổ

Chàng tử biệt,

Thiếp sinh ly.

Đó là nỗi đau ngàn năm nay của đồng bào Chăm mà chúng ta không bao giờ được quên.

Thứ ba, nhìn tổng thể thì cả ba mẫu tượng để lựa chọn đều có nhược điểm rất trầm trọng là giống tượng Lý Thái Tổ, tính chất sao chép rõ ràng.

Ảnh: Ba mẫu tượng vua Lý Thái Tông được đưa ra lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án.

Có 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông đã được gửi lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án.

Mẫu số 1: vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo.

Mẫu số 2: tay phải vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị.

Mẫu số 3: tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đề cập đến 3 mẫu tượng do nhà Điêu khắc Nguyễn Phú Cường trưng ra có tượng một bên tay cầm quyển sổ (tức là hình thư) và một bên tay cầm cái cân là hình ảnh rất nhạo báng.

Thêm vào đó, vua khi thiết triều thì ngồi chứ không đứng và vua đội mũ Bình thiên rất giống với tượng Lý Công Uẩn ở bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là kiểu mũ của Trung Quốc đã bị dư lận xã hội từng phản ánh gay gắt trước đây.

Báo Tuổi trẻ online dẫn lời một chuyên gia ngành tòa án cho rằng mẫu phác thảo của TANDTC đưa ra là sự sao chép quan niệm “Đông – Tây” một cách gượng ép. Cái cân biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng là quan niệm của phương Tây, bắt ông vua phương Đông giơ cán cân có thể nói là phản cảm.

Thứ tư, việc đặt tượng trong khuôn viên của trụ sở tòa án là không phù hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng việc dựng tượng có thể sẽ phá vỡ không gian và làm xáo trộn cảnh quan các trụ sở tòa án, nhất là tòa án địa phương có phạm vi nhỏ hẹp, thậm chí sử dụng thêm đất bên ngoài tòa án. Đáng lưu tâm nhất là tượng đài ở Việt Nam kiểu gì cũng có bát hương và sẽ phát sinh nghi lễ, đặt hoa, thắp hương, khấn vái… vô hình trung làm cho cảnh quan ở tòa án không còn là nơi tôn nghiêm nữa.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Ngành tòa án xét xử phải dựa trên chứng cứ khoa học và nhân danh pháp luật. Việc đặt tượng trên toàn hệ thống tòa án khiến người ta liên tưởng đến thần quyền và yếu tố tâm linh, đây là điều tuyệt đối không nên có trong hệ thống tư pháp.”

Nhà báo Trần Quang Vũ còn đánh giá việc dựng tượng vua thời Lý tại trụ sở TANDTC thể hiện một ‘tư duy thô thiển đến mức tư tưởng phản động’ bởi 2 lý do :

Thứ nhất, xã hội loài người đang ở hình thái thứ Tư, VN XHCN đang ở hình thái thứ Năm, hình thái xã hội XHCN. Trước nó là hình thái xã hội TBCN, hình thái xã hội phong kiến(quân chủ), hình thái xã hội chiếm hữu nô lệ và đầu tiên là công xã nguyên thủy. Ấy là những thứ học được từ Triết học Mác-Lenin, phần duy vậy lịch sử dạy trong các trường trung cấp, cao cấp chính trị. Đi với hình thái xã hội XHCN là nền pháp chế XHCN, tức là nền pháp chế của nhân dân.

Nền pháp chế của nhân dân mà dựng ông vua cầm cân? Tức là một nền pháp chế của những kẻ tôi đòi bị đàn áp bởi “thiên tử“. Và VN đang ở hình thái xã hội thứ Năm quay ngược về hình thái thứ Ba. Từ quốc gia ĐCS lãnh đạo chuyển thành quốc gia vua cầm quyền.

Thứ hai, hành trình đến chỗ xây dựng chế độ cộng hòa nghị viện là hành trình xương máu đạt tinh hoa loài người. XHCN cũng nghị viện. TBCN cũng nghị viện. Các quốc gia còn ít nhiều hình thái quân chủ như Anh, Nhật Bản, Thái Lan… cũng nghị viện. Mấy ông quan tòa đang muốn dựng lên biểu tượng quân chủ tập quyền: luật do vua ban hành, phán xử do vua quyết, thi hành luật là các đao phủ do vua phong.

VN đang vươn tới nền dân chủ thông qua nghị viện. Những thế lực thù địch đang vu cho đất nước ta độc quyền chân lý, độc quyền lãnh đạo… độc quyền mọi thứ.

Xây dựng hình tượng quân chủ tập quyền (chứ không phải quân chủ cộng hòa lập hiến) là sự phù họa cho các luận điểm xuyên tạc phản động hơn tất cả mọi sự phản động. Không phải là hồn nhiên, không phải ngây ngô chính trị mà chắc phải có dụng ý.

Việc lựa chọn biểu tượng công lý mới sẽ làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí, tốn kém nhân lực không cần thiết cho việc thi công tượng, đặt tượng, chi phí bảo vệ, bảo trì… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành toàn cầu, kinh tế thế giới và cả Việt Nam còn khá lâu nữa mới có thể hồi phục.

Ảnh: Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài vua Lý Thái Tông – nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và cố Chánh án TANDTC qua các thời kỳ do TANDTC tổ chức chiều 28/4

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đã làm một phép tính cụ thể cho việc xây tượng tại các trụ sở của tòa án như sau :

‘‘Thống kê đến ngày 28 tháng 4 năm 2020, Việt Nam có 707 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 77 thành phố trực thuộc tỉnh, 52 thị xã, 49 quận và 529 huyện (trong đó có 12 huyện đảo).

Ngoại trừ huyện đảo Hoàng sa, nếu tính cả tòa án ở 63 tỉnh thành, cùng 3 tòa án tối cao 3 vùng thì toàn quốc có 772 đơn vị hành chính có tòa án.

Chỉ riêng bức tượng đồng cao 5,3 mét dự định đặt trong khuôn viên TANDTC cũng tốn kém hàng trăm triệu đồng. Chưa nói có khả năng khai giá lên cả tỷ bạc.

Như vậy, ngoài bức tượng ở TANDTC thì còn phải có thêm 771 biểu tượng công lý nữa đặt ở các đơn vị hành chính có tòa án. Dù kích thước nào đi nữa, thì mỗi biểu tượng cũng ngốn tối thiểu 200 triệu đồng. Nghĩa là cần 154,4 tỷ đồng.

Nhưng làm gì có tượng đồng công lý nào giá 200 triệu đồng khi qua ngân sách nhà nước? Vào thời điểm đại họa virus Vũ Hán đang xảy ra mà máy xét nghiệm được nâng giá từ 1,5 – 2 tỷ đồng lên thành 5-8 tỷ đồng, thì những bức tượng của vua Lý Thái Tông cũng phải được thổi giá lên 3-5 lần. Nếu tính trung bình mỗi bức tượng là 1 tỷ đồng, thì các tượng “công lý” đặt ở các tòa án sẽ ngốn khoản kinh phí lên đến 772 tỷ đồng.

Nếu không ngăn cản được “chuỗi phi vụ” này, thì hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của dân sẽ bị hoang phí. Và sẽ còn làm liên lụy đến cả vua Lý Thái Tông, khi sự anh minh và liêm khiết của ngài lại bị mang ra làm tấm nàn che cho mù quáng và tham nhũng.’’

Trước sự phản đối kịch liệt của dư luận, TANDTC, vào chiều ngày 28/4, tổ chức cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông. Trong vai trò chủ trì cuộc họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tuyên bố sẽ chỉ dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở TAND Tối cao và cán bộ ngành tòa án sẽ góp tiền để dựng tượng.

Tiếp đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC không có thẩm quyền để lựa chọn biểu tượng công lý.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh thẳng thắn cho rằng: ‘‘Nếu sau này mỗi cơ quan tư pháp đều tự mình lựa chọn một biểu tượng công lý thì sẽ ra sao? Việc lựa chọn hình tượng nào để trưng bày theo tôi không có ý nghĩa gì về mặt nhận thức. Quan trọng là đạo đức, trí tuệ của thẩm phán có đủ để đem lại công lý cho người dân hay không.’’

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cũng cho rằng : ‘‘Việc lựa chọn một biểu tượng công lý mới có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, bởi vẫn còn án oan, sai xảy ra. Việc lựa chọn một biểu tượng công lý không thể sánh được với việc bản thân hệ thống tòa án tự mình rèn giũa kiến thức, đạo đức và kỹ năng hành nghề. Mục đích là hạn chế tối đa việc xét xử oan, sai và đây mới là điều mà nhân dân mong mỏi ở ngành tòa án.’’

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ông cùng nhiều đồng sự trong giới luật sư mong muốn ngành tư pháp nên cần thiết chú trọng vào thực tiễn công lý trong các phiên tòa ở Việt Nam hiện nay hơn là quyết tâm dựng tượng công lý: “Cần tòa án ban phát công lý, chứ người dân không cần tòa án dựng lên một bức tượng công lý. Tại vì dựng bức tượng công lý thì công lý chưa hẳn là có. Như vậy, cứ ban phát công lý cho họ trước đi, rồi sau đó muốn dựng tượng thì chắc mọi người cũng ủng hộ thôi.”

Trong bối cảnh Việt Nam vừa mới dừng cách ly xã hội, chấp nhận tình trạng vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội tức là đứng trước nhiều khó khăn đòi hỏi cả nước chung tay cố gắng, ngoài Biển Đông thì Trung Quốc không ngừng các hành vi ngang ngược, đe dọa chủ quyền lãnh thổ đất nước thì TANDTC, cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại có những ý tưởng ‘lố bịch’ như vậy. Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế khẳng định một ý tưởng đầy rẫy sự nhầm lẫn, chọn không đúng người, đặt tượng không đúng chỗ, phong cách tượng không cũng không đúng thời, tư duy biểu tượng không đúng cách.

Trong khi chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành tòa án hiện nay đang rất báo động. Thử làm những cuộc khảo sát xem những vụ án nào dân chưa thoả mãn; có bao nhiêu vụ án bị ngâm từ năm này sang năm nọ; bao vụ oan ức dân kêu khắp nơi chưa được giải quyết thấu đáo…

Như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu khẳng định : Khi mà hàng ngàn án oan sai nối tiếp nhau không dứt, từ năm này qua năm khác, kéo dài cả hàng chục năm, thì không một nhân vật lịch sử cụ thể nào trong quá khứ có thể cứu chữa nổi. Nay đưa vua Lý Thái Tông ra làm biểu tượng công lý đặt nơi công đường, mà án oan vẫn tiếp tục kéo dài, án bỏ túi từng hàng, án ăn tiền hàng chuỗi, thì chỉ làm liên lụy đến thanh danh của Ngài. Hãy để cho Ngài yên.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

VN: Quy định mới – Bộ CA lộ cảnh “tuồng chèo”
Kasse animation 7.8.2023