Giữ nguyên án tử hình Đặng Văn Hiến: Việt Nam sẽ còn bao nhiêu bản án như thế?

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết rằng Tòa án Tối cao vào hôm 27/09/19 đã có văn bản bác đơn đề nghị của các hộ dân ở Đắk Nông cho Giám đốc thẩm vụ án Đặng Văn Hiến. Việc giữ nguyên bản án tử hình đối với nông dân tử tù Đặng Văn Hiến, một vụ án được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm này, sẽ có những tác hại như thế nào cho xã hội Việt Nam?

Một bài viết ghi tác giả là “Bác sỹ Thắng” đang được hàng trăm lượt chia sẻ trên mạng xã hội với tựa đề: LUẬT BẤT NHÂN, TẠI SAO LẠI TỬ HÌNH NGƯỜI BỊ CƯỚP MÀ KHÔNG TỬ HÌNH THẰNG ĂN CƯỚP? Với nội dung như sau:
Mới đây, toà án nhân dân cấp cao TpHCM đã tuyên y án tử hình với Đặng Văn Hiến – người nông dân vì bảo vệ đất đai của mình mà giết người, sau khi anh bị tuyên án trên ở toà sơ thẩm. Vậy anh Hiến giết người vì lý do gì và hoàn cảnh ra sao?
Anh Hiến cùng gia đình sinh sống tại xã Đak Ngo. Cuộc sống của 1 người nông dân hiền như đất, không hút thuốc, uống rượu đã thay đổi hoàn toàn khi tài sản, đất đai của anh bị công ty Long Sơn cho người vào tính cướp sạch.

Chúng huy động tổng cộng 34 người, dùng xe ủi, máy cày tiến hành san ủi vườn điều và cà phê của anh.
Chúng đập phá nhà cửa anh, đánh đập người thân của anh.
Anh quyết định liều mạng và bắn chỉ thiên.
34 tên côn đồ vẫn tiếp tục lao vào tấn công anh.
Tiếng súng khác đã nổ, và lần này 3 người nằm xuống.
Anh Hiến không còn sự lựa chọn nào khác để bảo vệ đất đai của mình!
Vậy anh Hiến đúng hay sai?
Hãy bớt chút thời gian trở ngược về 1 vụ án tương tự, cách đây 90 năm, lúc chúng ta còn ” Pháp thuộc“.

Đặng Văn Hiến ôm con khi ra đầu thú hôm 28-10-2016 ở bến đò Đắc Ngo, tỉnh Đăc Nông

Lật ngược lại lịch sử 90 năm trước Vụ án Đồng Nọc Nạng khi xưa cũng như thế. Khi 2 công chức Pháp cùng sai nha đến tịch thu lúa của những nông dân ngày 16/02/1928, quá uất ức vì thành quả lao động bị cướp sạch, họ vùng lên chống trả và Tournier- tên công chức của Pháp dẫn đầu đã bị đâm thủng bụng. Ngày 17/08/1928, toà đại hình Cần Thơ được mở. Ông Dde Rozario ngồi ghế chánh thẩm, sau khi thảo luận bàn cãi rất lâu, đã tuyên án: TẤT CẢ NGƯỜI NÔNG DÂN ĐƯỢC TRẢ TỰ DO! Và đó, là cách người Pháp xử án người Việt …

90 năm sau, người Việt xử người Việt, mặc dù đã ra đầu thú, phạm tội trong khi tinh thần bị kích động, uất ức dồn nén 8 năm và bảo vệ tài sản của mình, sau 2 phiên toà, những tên thủ phạm được giảm án, còn anh, vẫn y án: TỬ HÌNH!
Tôi chưa từng thấy “tên giết người” nào mà khi đi đầu thú, người dân đến ôm tiễn và khóc cả
Tôi chưa từng thấy “tên giết người ” nào mà khi trên đường áp giải, khi xe lên đến đoạn dốc không qua nổi, tên đó lại cùng những người áp giải mình đẩy xe lên
Tôi cũng chưa thấy “tên giết người” nào mà bật khóc 1 cách ngon lành khi công an tới vỗ vai và hỏi: có đói không ?
Tôi càng chưa thấy 1 “tên giết người” mà ngày hắn ra đầu thú, có nhiều bàn tay nắm lấy, nhiều cái ôm, và thậm chí còn lội rừng cả chục km để ra tiễn cả.
Thư của anh đang được gửi đến chủ tịch nước để xin ân xá.
Tôi viết cho anh – người nông dân kham khổ. Tôi viết cho anh – người cha của đứa nhỏ nay được 4 tuổi. Tôi viết cho anh – người nông dân sinh ra nhầm thời.
Và tôi cầu nguyện cho anh – Đặng Văn Hiến- người đồng bào của tôi.

Bản thân tôi đã từng cầm súng bảo vệ từng mét đất biên giới , hơn ai hết tôi cảm nhận được nỗi đau khi bị giặc đến cướp giết là như thế nào, chẳng lẽ toà án quốc tế lôi chúng tôi ra để tử hình tội bảo vệ mạng sống, bảo vệ đất nước??? Tại sao những con sâu bọ, những kẻ ăn tàn phá hoại của nhân dân, của đất nước hàng chục nghìn tỉ thì tội danh chúng nhẹ như lông hồng???

Bà Mai Thị Khuyên, vợ của tử tù Đặng Văn Hiến (người ở giữa) đau đớn khóc khi nghe tòa y án tử hình dành cho chồng mình

Luật sư Ngô Ngọc Trai nói: “Thực tế xét xử ở Việt Nam thì nhiều trường hợp giết 1 người thì cũng có thể bị tử hình rồi. Giết 3 người như thế, như nhiều vụ việc khác thì án tử hình cũng không còn gì để biện minh.
Tuy vậy trong vụ án của ông Hiến có nhiều tính chất khác cho thấy cần áp dụng những tội danh khác như ‘giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh’ hoặc ‘giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng’ thì thỏa đáng hơn. Bởi vì rõ ràng trong hành vi của ông Đặng Văn Hiến có những tính chất tự vệ như thế. Thế còn tòa án xét xử mà không đánh gía những yếu tố đấy, chỉ cho rằng hành vi giết người có tính chất côn đồ để tử hình thì tôi cho là không thỏa đáng
.”
Luật sư Lê Công Định khẳng định tòa tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến là hoàn toàn trái pháp luật, ông giải thích: “ông Hiến phạm tội trong tình trạng bị kích động bởi sự vi phạm pháp luật trắng trợn của đội cưỡng chế đất ở nhà của ông và trước khi ông ngăn chặn việc tấn công của nhân viên đội cưỡng chế đó thì ông đã bắn chỉ thiên, rồi sau đó ông mới bắn vào những người đến tấn công ông cùng những người dân ở khu vực đó. Như vậy, ông Hiến rơi vào vào tình trạng phòng vệ chính đáng. Và có thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa là “phạm tội trong khi tinh thần bị kích động”.
Ở đây, ông Hiến gần như là không cố tình giết người cho nên mới có việc cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhận được đơn để xin ân xá và toà án cũng đã đề xuất với luật sư của ông về việc này.”

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng: “Tòa án Nhân dân Tối cao bóc tách hành vi và cắt xén sự việc, chỉ lấy một đoạn ngắn ngủi trong ngày xảy ra việc nổ súng để rồi kết tội thì đấy là cách giải quyết không khách quan, toàn diện và đầy đủ cũng như khiến cho bản chất của sự việc không được đúng như sự thật và thực tế.
Cần phải đặt hành vi nổ súng của ông Hiến trong chuỗi dài các hành vi leo thang bạo lực từ phía Công ty Long Sơn cũng như tình hình mất an ninh ở địa phương mà toán bảo vệ của Công ty Long Sơn từng gây ra vụ án cố ý gây thương tích cho một trường hợp khác mà khiến cho người ta bị tổn hại đến 70% sức khỏe
.”
Yếu tố “đầu thú” đã không được tòa xem xét: Nhiều người quan tâm vụ án tử tù Đặng Văn Hiến đề cập đến yếu tố ông Hiến vì nghe theo lời khuyên nên ra đầu thú đã không được tòa án cân nhắc để giảm án. Nhà báo Mai Ấn Quốc, một trong những người trực tiếp thuyết phục nông dân Đặng Văn Hiến ra đầu thú từng viết trên trang Facebook cá nhân, ngay sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với ông Hiến, rằng “ông sẽ không chủ động tìm và vận động bất kỳ bị can nào ra đầu thú nữa bởi những công ty cướp đất dân bằng vũ lực, dựa trên những văn bản ép dân là rất nhiều tại Việt Nam!” và “tôi nhìn thấy một tương lai gần đầy u ám, khốc liệt hơn ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung liên quan đến mâu thuẫn đất đai….”.

Ban đầu dân rất nghi ngờ nhà báo. Sau khi tiếp xúc và tạo được lòng tin, họ mới mở lòng.” Nhà báo Mai Quốc Ấn kể lại cuộc “Đầu thú trong nước mắt” mà ông đã trực tiếp tham gia từ 10h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau nơi “lam sơn chướng khí” để thuyết phục Đặng Văn Hiến.

Nhà báo Mai Quốc Ấn viết: Lúc 5h sáng ngày 28-10-2016, những chiếc xe máy được quấn xích để chở chúng tôi vượt qua những con dốc đứng và trời mờ sương, chúng tôi đến bến thuyền kéo bằng dây ròng rọc. Qua đò xong thì người dân đã chờ sẵn. Chúng tôi đi bộ chừng 2km vào rẫy điều.
Chỉ cho các trinh sát những thân điều bị chặt, bị đốt, người dân khẳng định: “Đây là hậu quả của công ty Long Sơn gây ra!“. Có một ngôi nhà hoang và Hiến tự bước ra khi chúng tôi đến. Không có cảnh trấn áp, không có cảnh còng tay.
Một trinh sát hỏi Hiến có muốn hút thuốc cho bình tĩnh không thì Hiến từ chối vì “em không biết hút đâu!”. Nhiều người dân hôm đó cũng nói Hiến không hút thuốc, uống rượu.
Và Hiến bật khóc ngon lành khi được cán bộ vỗ vai hỏi: “Hiến có đói không?”. Hiến không đói mà chỉ muốn nói. Nói trong nước mắt.
Hiến vừa nói vừa khóc và bà con đi cùng để dẫn đường cũng khóc. Câu chuyện của Hiến cũng là nỗi lòng của họ. Bị lấy đất, không đền bù hoặc đền bù không thỏa đáng, cây cối đến kỳ thu hoạch bị ủi ngã, nhà cửa bị đập phá, bản thân và gia đình bị đánh đập. Rạng sáng đó Hiến muốn xông ra cứu vợ nhưng “người ta” không cho. Cuối cùng Hiến quyết định liều mạng…
Hai cán bộ trinh sát ngồi cạnh Hiến cũng mắt đỏ hoe.
Cũng trong ngày Hiến đầu thú, đã thấy nhiều cái ôm, nhiều bàn tay nắm lấy tay Hiến. Có nhiều người nghe Hiến đầu thú đã lội rừng cả chục km để tiễn Hiến. Tôi hỏi: Hiến có muốn nói lời gì trước khi đi đến cơ quan điều tra không? Hiến nói bằng giọng dân tộc lơ lớ: “Không biết nói gì đâu. Chỉ mong vợ nuôi 2 con nên người tử tế. Mong bà con giúp đỡ vợ” – Mai Quốc Ấn nhớ lại.

Luật sư Đặng Đình Mạnh vào tối ngày 17 tháng 10 đưa ra nhận định của ông với RFA liên quan yếu tố đầu thú của ông Hiến không được tòa xem xét:
Với quyết định cuối cùng như vậy, thì hầu như nó đã vô hiệu quá một trong những việc khuyến khích người phạm tội ra đầu thú. Với yếu tố đó thì bây giờ mọi người vỡ lẽ rằng hóa ra không có giá trị gì về phương diện pháp luật cả. Thế thì đương nhiên nó sẽ hình thành một lối suy nghĩ cho những người phạm tội về sau là không cần phải đầu thú, bởi vì yếu tố đầu thú sẽ không được xem xét như là một yếu tố để giảm nhẹ hình phạt nữa rồi.”

Luật sư Lê Công Định còn cho rằng Chính quyền Việt Nam lo sợ sẽ có bất ổn chính trị liên quan vấn nạn đất đai kéo dài do chính sách “sở hữu toàn dân” gây ra, và có thể thấy được qua bản án tử hình tuyên cho nông dân Đặng Văn Hiến.
Đây không phải là một vụ án thực sự về phương diện pháp lý mà là vụ án chính trị. Bởi vì nhà quyền Việt Nam đặt nhu cầu chính trị để trừng phạt những trường hợp phản ứng lại của những người nông dân mất đất và gửi một thông điệp cho xã hội là họ sẽ không bao giờ nương tay đối với những trường hợp như vậy.”

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023