WHO cảnh báo đại dịch – TpHCM lo “vỡ trận”

https://www.youtube.com/watch?v=7G9y_HxBtbk

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới cần chuẩn bị cho khả năng COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Trong buổi họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 24.2, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây ở Iran, Ý và Hàn Quốc gây “lo ngại sâu sắc“.
Tuy nhiên ông này nói thêm: “Ngay lúc này chúng ta không thấy sự lây lan toàn cầu không kiểm soát của virus này và chúng ta cũng không thấy các ca bệnh nặng hay tử vong ở quy mô lớn.
Virus này có khả năng trở thành đại dịch hay không? Hoàn toàn có thể. Chúng ta đã ở trong đại dịch chưa? Từ đánh giá của chúng tôi, chưa.”
Thông điệp chính có thể mang lại hi vọng, lòng dũng cảm, và sự tự tin cho mọi quốc gia là virus này có thể kiểm soát được. Thật vậy, rất nhiều quốc gia chính xác đã làm được điều đó,” ông Tedros nói.
Dùng chữ “đại dịch” bây giờ không phù hợp với thực tế nhưng có điều chắc chắn là nó sẽ gây sợ hãi.”
Nhưng Mike Ryan, giám đốc chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO nói bây giờ là thời điểm để “làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho một đại dịch“.

Những kệ hàng bị người dân vét sạch tại các siêu thị miền bắc nước Ý. Đặc biệt, các mặt hàng y tế như găng tay cao su, gel khử trùng.. thiếu hụt trầm trọng.

WHO đã tuyên bố dịch COVID-19 là tình huống y tế khẩn cấp toàn cầu, nhưng chưa gọi đây là đại dịch toàn cầu.

Trong khi đó, ông Tedros dẫn lại báo cáo văn phòng phối hợp giữa WHO với Trung Quốc ngày 24.2 kết luận rằng dịch COVID-19 “đạt đỉnh” ngày 23.1 – 2.2 tại Trung Quốc đại lục và số ca nhiễm mới đã “giảm dần đều kể từ đó”.
Tổng giám đốc WHO đồng thời nói ông tin rằng các biện pháp dập dịch của Trung Quốc, bao gồm phong tỏa một số thành phố, đã giúp ngăn chặn dịch lây lan trên quy mô lớn hơn.
Virus corona có phả là một đại dịch không? Hiện nay WHO nói là không. Họ viện lẽ rằng con số các nước có dịch, mức độ nghiêm trọng của bệnh, và tác động lên xã hội chưa chạm mức đại dịch.
Nhưng một số nhà khoa học – cùng đánh giá chung một bức tranh – cho rằng chúng ta đã ở trong đại dịch, và một số khác nói chúng ta đang ở trong đỉnh dịch. Dịch bệnh bùng phát ở Nam Hàn và số ca chết ở Iran và Ý làm dấy lên lo ngại trong vài ngày qua.
Các ca tử vong cho thấy số ca nhiễm thực tế ở hai nước này có thể nhiều hơn số ca được báo cáo, và rằng virus corona đã hiện diện ở đó một thời gian rồi.
Nhưng về cơ bản, từ ‘đại dịch’ chỉ có vậy – một từ – nó sẽ không rót thêm tiền hay cho WHO thêm các quyền lực mới. WHO đã đưa ra cảnh báo cao nhất có thể, bằng cách công bố virus này là một tình huống khẩn cấp toàn cầu.

‘Đại dịch’ nghĩa là gì? – Một đại dịch là một dịch bệnh mới lan rộng toàn cầu. Dịch cúm heo H1N1, khiến hàng ngàn người chết, được WHO công bố là đại dịch năm 2009
WHO không còn chính thức gọi một dịch bệnh bùng phát là một ‘đại dịch’ nhưng nói rằng thuật ngữ này có thể được sử dụng ‘không chính thức‘. WHO khuyên các nước – để kiểm chế lây nhiễm trong khi chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng – duy trì như hiện nay
Chiều 24/2, Quốc hội Hàn Quốc đã quyết định tạm thời đóng cửa trụ sở, sau khi nhà chức trách phát hiện một bệnh nhân nhiễm COVID-19 từng tới tham dự một buổi thảo luận tổ chức tại tòa nhà dành cho nghị sỹ. Tòa nhà dành cho nghị sỹ và tòa nhà họp chính sẽ mở cửa trở lại vào sáng ngày 26/2, do cơ quan phòng dịch khuyến nghị đóng cửa địa điểm tiến hành phòng dịch tối thiểu 24 giờ. Phiên họp toàn thể Quốc hội sẽ không diễn ra trong ngày 25/2.
Một thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Korean Air, Hàn Quốc, vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Korean Air hôm 25/2 cho biết ca bệnh nói trên khiến hãng phải đóng cửa văn phòng gần sân bay quốc tế Incheon, nơi có phòng họp của phi hành đoàn này, theo Reuters.
Cập nhật đến 25/2: Hàn Quốc đã có 977 người mắc COVID-19, trong đó có 11 người tử vong.

Mike Ryan, giám đốc chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO (bên trái) và tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp bàn về tình hình dịch Covid-19 tại Genève, Thụy Sĩ ngày 24/02

Một tin gây sốc nữa là Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona mới (COVID-19), truyền thông nhà nước Iran đưa tin ngày 25.2. Theo phát ngôn viên, Thứ trưởng Iraj Harirchi đã nhiễm virus và hiện đang bị cách ly.

Thứ trưởng Y tế Iran, Iraj Harirchi đã toát mồ hôi và ho ngay tại cuộc họp báo, sau đó một hôm ông xác nhận đã thử qua đêm và bị dương tính với virus corona. Trong video đăng trên Twitter, được hãng tin Fars thực hiện, ông Iraj Harirchi xác nhận đã nhiễm virus, nhưng “tôi chắc chắn sẽ đánh bại Corona“, ông nói. Không rõ những người tiếp xúc với ông tại sự kiện được truyền hình trực tiếp ở Iran nay ra sao.
Thành phố Qom, thánh địa của người Hồi giáo Shia, là nơi các bệnh nhân Iran không có tiếp xúc với người Trung Quốc. Vì thế, hãng tin IRNA nói quan chức Iran đặt vấn đề có phải “công nhân Trung Quốc làm việc tại Qom về nước họ và đem virus trở lại“.
Bà Minoo Mohraz từ Bộ Y tế Iran nói “nguồn bệnh rất có khả năng là nhóm công nhân TQ tại Qom“, nhưng bà không nêu ra bằng chứng gì cho việc này, theo IRNA.
Chiều 25/2: Chuyến bay TK879 của hãng hàng không Turkish Airlines trên đường từ Tehran (Iran) đến Istanbul (Thố Nhĩ Kỳ), vừa hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Ankara sau khi phát hiện 12 hành khách đang sốt cao. Trong số 17 hành khách bị nghi nhiễm nCoV có 12 người tới từ vùng Qom ở Iran, CNN đưa tin, nói thêm rằng họ sẽ bị cách ly ở Ankara.

Trước đó, ILNA dẫn lời một quan chức thành phố Qom cho biết, có 50 ca tử vong do COVID-19 ở thành phố này. Tuy nhiên, ông Harirchi bác bỏ thông tin này, trong đó ông tuyên bố sẽ từ chức nếu có số ca tử vong bằng 1/2 con số nêu trên.

Iran là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc. Có 95 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trong 72 giờ qua, với 15 ca tử vong, thông tin do hãng thông tấn nhà nước IRNA công bố.
Từ ngày 23.2, Iran đã đóng cửa các trường học và các trường đại học trên khắp 14 tỉnh cũng như dành 230 bệnh viện để chống dịch COVID-19. Theo RT, năm trong số bảy nước láng giềng đã đóng cửa biên giới với Iran. * Croatia và Áo là 2 thành viên mới nhất của Liên Âu tham gia vào danh sách các quốc gia có người bị nhiễm COVID-19.
Ý có thêm 38 ca mới, nâng tổng số ca lên 283 là nước có số ca nhiễm nhiều nhất châu Âu.
Tình hình virus ở Ý đã lan xuống miền Nam nước này rồi. 7 bệnh nhân đã chết và một người đã hồi phục. Lễ hội carnaval lớn nhất năm bị hủy, tuần lễ thời trang Milano cũng hủy. Hiện 11 thành phố đã bị cách ly.
100.000 người ở các khu vực phía bắc của Bologna và Veneto đang phải đối mặt với phong tỏa. Trong khi đó, Ý chưa xác định được “bệnh nhân số không“, nguồn gốc của sự bùng phát coronavirus tại quốc gia này

Thứ trưởng Y tế Iran, Iraj Harirchi đã toát mồ hôi và ho ngay tại cuộc họp báo

Mặc dù VN công bố có 16 ca nhiễm bệnh nhưng số lượng người được xét nghiệm là vô cùng nhỏ khi so sánh với hàng trăm ngàn ca xét nghiệm ở Hàn quốc để nhìn thấy con số tăng đột biến lên gần 1000 ca nhiễm bệnh Covid-19 ở Hàn quốc mới đây. Vì thế, rất nhiều người cho rằng ở VN có rất nhiều trường hợp nhiễm Virus mà ẩn dấu chưa phát hiện ra…
Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa có tuyên bố cảnh báo hàm ý lo ngại tại một cuộc họp tối 25/2 rằng: ‘Nếu 1.000 người nhiễm bệnh là vỡ trận‘.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết tổng số giường để điều trị nCoV của TP HCM là 900, nếu số người nhiễm vượt giới hạn đỏ này sẽ bị “vỡ trận“.
Theo ông Phong, hiện thành phố có 900 giường bệnh để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV. Với 322 phường xã trên địa bàn toàn Thành phố, giả định mỗi nơi 3 người nhiễm bệnh thì đã có khoảng 1.000 người phải cách ly điều trị.
Con số này thật sự quá tải đối với thành phố. Chưa kể mỗi ca lây nhiễm cần khoảng 20 ngày điều trị, mỗi ngày cần 12 bác sĩ và điều dưỡng cho một người bệnh. Vậy với 1.000 ca bệnh thì không tìm đâu ra 12.000 bác sĩ, y tá để điều trị. Đây là giới hạn đỏ, vượt qua là vỡ trận ngay“, ông Phong nói.
Đồng tình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, bệnh nhân nCoV cần đội ngũ bác sĩ điều trị hùng hậu. Như trường hợp hai cha con Trung Quốc vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy phải dành cả khoa nhiễm để chữa trị. Mỗi ngày 3 ca, mỗi ca một bác sĩ và 5 điều dưỡng, y tá.
Thành tích chữa thành công cho một, hai người không thể áp dụng nếu có 1.000 người được đâu“, ông Nhân nói. Do đó, thành phố phải ngăn chặn việc lây lan, không để gia tăng số người nhiễm bệnh.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp tối 25/2

Ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy TP.HCM cho biết, vẫn băn khoăn vấn đề “học sinh đi học có cần đeo khẩu trang hay không?”. “Nếu không trả lời được thì cho đi học lại vẫn lúng túng. Lúc nào thành phố khẳng định không có mầm bệnh thì khỏi đeo, còn có mầm bệnh thì phải đeo hết chứ?, người đeo người không đeo sao được?”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Giám đốc sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nói rằng thành phố là địa bàn có nguy cơ lây lan dịch nCoV cao nhất nước vì dân số đông, mật độ dân số cao.
Chỉ cần một ca chủ quan như bệnh nhân số 31 của Hàn Quốc là thành ổ dịch ngay. Nếu phát hiện, cách ly sớm ca này thì tình hình đã không phức tạp như bây giờ“, ông Bỉnh nói.
Là địa phương đông người Hàn Quốc sinh sống nhất thành phố (hơn 11.000), bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận 7 cho biết trên địa bàn có 97 chung cư, một trường Hàn Quốc với 54 giáo viên và hơn 1.900 học sinh. Từ khi dịch bùng phát, 146 trường hợp trên địa bàn phải cách ly theo dõi, tính đến nay chỉ còn 14 trường hợp phải theo dõi.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch; các trường hợp nghi ngờ phải cách ly và đưa vào các bệnh viện dã chiến; ngừng cấp giấy phép lao động nước ngoài đến từ vùng dịch, các quận có đông người Hàn Quốc sinh sống phải đặc biệt lưu ý, kiểm tra thường xuyên; hoãn các lễ hội đông người…

hình ảnh được chiếu trên truyền hình Hàn quốc chê rằng nơi cách ly ở Đà Nẵng vệ sinh quá tệ. “Tôi thật sự không thể tắm được luôn đó….Ở đây chúng tôi có thể bị bệnh mà chết chứ không chết vì Corona” – thông tin này liên quan đến 20 khách Hàn quốc đã phản ứng khi bị đưa thẳng từ sân bay vào khu cách ly đặc biệt của bệnh viện phổi ở Đà nẵng hôm 24/2

Trung Hiếu từ TpHCM – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023