Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược Biên giới 1979: Đảng quên dân nhớ

Mỗi năm cứ đến ngày 17/2 – đánh dấu kỷ niệm ngày nổ ra chiến tranh biên giới Việt – Trung từ năm 1979-1989 – người dân Việt lại nhức nhối với câu hỏi, ai nhớ, ai quên?

Như mọi năm, trong ngày này, các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam sẽ ra đặt vòng hoa, hay dâng hương tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến biên giới năm 1979 ở tượng Đức Thánh Trần ở Bến Bạch Đằng, Sài Gòn, Vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội, hoặc các nghĩa trang liệt sĩ.

Nhưng năm nay, do dịch virus corona chủng mới, nhiều người Việt Nam đành thắp nén nhang lòng tưởng niệm.
Nhà văn Phạm Viết Đào tác giả cuốn sách ‘Vị Xuyên thế sự’, viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, nói: “ngày này nhắc nhở với chúng ta rằng mối đe dọa từ Trung Quốc với Việt Nam là hiển nhiên và không ai có thể phủ nhận.”

Những người lãnh đạo càng ngả theo Trung Quốc thì họ càng lấn tới. Cho nên, ngày 17/2 là dịp người dân khắp cả nước, bằng cách này hay cách khác, tỏ thái độ và thúc giục như một sức ép, đòi hỏi chính quyền có những quyết sách, những chính sách tách dần khỏi sự lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. ‘Còn với giới hữu trách, không thể vì những mối lợi nhỏ mà làm đánh mất đi quyền lợi chiến lược lâu dài của đất nước, của dân tộc

An ninh Cộng sản chĩa máy quay vào người dân thắp hương tưởng niệm Cuộc chiến biên giới tại Nghĩa trang liệt sỹ Hà nội ngày 17/2/2019

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, cho rằng đây là ngày “người Việt Nam cùng nhắc nhở bài học cảnh giác với Trung Quốc“.

Ở Hà nội, hàng năm, những người biểu tình chống Trung Quốc mang theo biểu ngữ tuần hành quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, để kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu với Trung Quốc ngày 17/2/1979. Tuy nhiên, những hoạt động như vậy đều bị chính phủ Hà Nội cho các nhóm dư luận viên và an ninh đến phá phách bắt bớ.

Năm nay, ngoài thắp nén nhang lòng, các thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đưa ra nhận định về những gì sách Lịch sử Việt Nam “chính thống” ghi nhận về cuộc chiến nói trên.
Rằng, chiến tranh biên giới Việt Nam và Trung Quốc là một cuộc chiến đẫm máu, dai dẳng chống Trung Cộng xâm lược, nhưng lại bị coi nhẹ hết sức trong sách lịch sử Việt Nam”chính thống”.

Đẫm máu bởi “theo các nhà quan sát phương Tây ước tính, thì quân và dân Việt Nam hy sinh trong hai cuộc chiến biên giới – mà nguyên nhân là từ Trung Quốc Cộng sản gây ra – khoảng 100.000 người“.
Còn dai dẳng bởi “nếu định nghĩa chiến tranh xâm lược là một quốc gia đưa quân đi giết người của nước đối phương để chiếm lãnh thổ, thì cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam vẫn chưa kết thúc.”

Quân Trung Quốc còn thảm sát 64 sĩ quan chiến sĩ công binh Việt Nam ra xây đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, và Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma và nhiều đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho đến nay“.

Năm ngoái đúng ngày 17/2/2019 chính quyền TpHCM cho cẩu lư hương dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng đi chỗ khác, thay vào đó là hai chiếc xe rác đứng chặn – vì sợ người dân đến thắp hương kỷ niệm 40 năm cuộc chiến chống quân TQ xâm lược

Vì từ vụ Trung Quốc xâm lược, bắn giết người Việt Nam để chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 19/1/1974; tiếp đó là Bắc Kinh dùng cộng sản Polpot xâm lược Tây Nam Việt Nam; đặc biệt cuộc xâm lược 6 tỉnh biên giới Bắc Việt Nam từ 17/2/1979 -1989; vụ thảm sát 64 sĩ quan binh sĩ Việt Nam tại Gạc Ma để chiếm Gạc Ma và một số đảo đá thuộc Trường Sa của Việt Nam 14/3/1988, cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ và xây căn cứ quân sự trên đó. Cuộc chiến tranh sử dụng “sức mạnh cứng” như thế chưa kết thúc.”
Trong khi đó, cũng theo bản nhận định của CLB Lê Hiếu Đằng, bộ sách “Lịch sử Việt Nam” của Viện Sử Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn với 15 tập, với 10.000 trang, nhưng lại chỉ dành vỏn vẹn khoảng 11 dòng để đánh giá về cuộc chiến tranh biên giới nói trên.
Cụ thể, trang 355, tập 14, sách “Lịch sử Việt Nam” (NXB Khoa học xã hội) viết:
Năm giờ sáng ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực, 2.559 khẩu pháo, 550 xe tăng và thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lào Cai (30Km), Lai Châu (15km), Cao Bằng (50km).
Quân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều thám báo xâm phạm lãnh thổ Việt Nam
“.

Đặng Tiểu Bình kẻ ra lệnh đưa 200.000 binh lính tháng 2/1979 xâm lược VN. Hình ảnh chụp trong một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt nam đến thăm Trung quốc

Vụ thảm sát Tổng Chúp Cao Bằng

Chiến tranh biên giới phía bắc đã qua đi được 40 năm. Nhưng với người dân Cao Bằng đã từng trải qua khoảng thời gian đó thì vẫn nhớ như in trong trí óc về sự kinh hoàng, đau thương khi gợi lại vụ thảm sát Tổng Chúp: 43 người bị giết hại vứt xác xuống giếng ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng), quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng vứt xác vào một cái giếng khơi
Đây là những người thuộc công nhân và con cái của họ làm ở trại lợn Đức Chính đã không kịp chạy thoát khi quân xâm lược Trung Quốc đi qua.

Với một số ít người ở Tổng Chúp còn nhớ sự kiện ấy, thì cảnh tượng kinh hoàng khi tìm thấy những thi thể ở giếng cổ, là các nạn nhân đều bị khăn bịt mắt, 2 tay buộc chéo đàng sau, đầu thì bị móp hẳn vào bởi những cú đánh tàn nhẫn.

Có người thì bị hàng chục vết đâm bởi những lưỡi lê sắc nhọn vào cơ thể. Lúc thu gom, người ta còn tìm thấy cả một chiếc gậy tre dính đầy máu, cong queo. Quân Trung Quốc đã dùng chiếc gậy này đánh đập từng người cho đến chết. Có lẽ, chúng đã chọn những cách hành quyết dã man nhất, vô nhân đạo nhất.

Khu vực làng Tổng Chúp nay thuộc xóm 1 Ngọc Quyến của xã Hưng Đạo. Dấu tích của chiến tranh Trung Quốc xâm lược đến nay đã bị thay đổi rất nhiều theo thời gian. Từ đường chính của xóm đi bộ chừng hơn 10 phút qua một quãng đường ngoằn ngoèo dọc theo bờ suối, và những thửa ruộng là đến được vị trí di tích.

Bia tưởng niệm vụ thảm sát Tổng Chúp xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng)

Khu đất đã bị những cây dại, bụi tre mọc kín xung quanh. Một tấm biển cũ bằng bê tông ghi lại sự kiện: “Vụ thảm sát ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước”. Dấu vết của chiếc giếng khơi vẫn còn, đường kính khoảng 3m, đáy giếng nay đã bị đất đá vùi lấp nhiều nên không có nước.

Ông Đàm Thế Chinh – Bí thư Chi bộ xóm 1 Ngọc Quyến cho biết lúc xảy ra chiến tranh, nhà ông ở cách khu vực này chỉ khoảng hơn 20m. Bản thân ông đang đi lính và đóng quân ở Sơn Tây. Sau khi biết tin trở về, quân địch đã rút, nhà cửa bị thiêu rụi hoàn toàn, 43 phụ nữ và trẻ em bị giết hại dã man, sau đó bị vứt xác xuống giếng. Bản thân ông còn bị sốc nặng khi biết rằng quân TQ đã lấy chính chiếc búa bổ củi của gia đình mình làm hung khí đập chết những người phụ nữ và trẻ con vô tội.

Tổng Chúp bị quân Trung Quốc chiếm đóng từ từ ngày 19/2/1979 đến ngày 20/3/1979.
Những công trình nhà cửa, trường học… gần như bị phá hủy, đốt cháy và đổ nát. Cả thị xã Cao Bằng lúc bấy giờ chỉ còn sót lại vài ngôi nhà. Những người không kịp thoát, sẽ bị bắt giữ và rơi vào hoàn cảnh bị bi thảm, nhất là phụ nữ, một số sẽ bị chúng làm làm nhục, rồi giết hại.
Chỉ thu dọn, chôn cất xác người và động vật thôi cũng phải mất tới 40 ngày để thực hiện. Phải mất tới nhiều năm thì cảm giác ghê rợn về mùi hôi thối người chết vì bị phân hủy qua đi.

Hình ảnh các mũi tấn công của hàng trăm nghìn quân Trung quốc tràn vào các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam tháng 2.1979

Người Việt bị ngộ độc tình hữu nghị với Trung quốc

Với nhà văn Phạm Viết Đào, vấn đề nguy hiểm nhất là một thời, Việt Nam đã bị ngộ độc về tình hữu nghị với Trung Quốc và bị ‘phơi nhiễm’ nặng nề.

Nhóm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đặt câu hỏi: “Phải chăng Viện Sử Học của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam cũng bị “tê liệt và thất thủ” trước cuộc xâm lăng bằng “sức mạnh mềm” của Cộng sản Bắc Kinh còn đang tiếp diễn?”
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm VP Quốc Hội, thì cho rằng, trước đây, thay vì gọi đích danh cuộc chiến nói trên là chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, như cộng đồng mạng lâu nay vẫn chỉ đích danh, thì truyền thông nhà nước vẫn chỉ nói nhẹ đi là cuộc chiến biên giới. Nhưng hai năm nay, sau những ý kiến trên mạng xã hội, cuộc chiến tranh này được gọi đích danh là chiến tranh xâm lược và được đưa vào sách giáo khoa và sách lịch sử chính thống, đó cũng là một thực tế cần ghi nhận.
Tuy nhiên, ông cho rằng, cuộc chiến Việt – Trung, cần được đặt ngang với các cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống Pháp. Cụ thể là nhà nước cần tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm vào các năm chẵn (5 năm hay 10 năm) như với hai cuộc chiến kia, chứ không chỉ dừng ở việc mở rào cho báo chí đề cập đến.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng tổ chức tưởng niệm cuộc chiến Biên giới

Nhà văn Phạm Viết Đào nói: “Nhìn lại những vấn đề về cuộc chiến tranh với Trung Quốc, những cây đại thụ của lịch sử Việt Nam không nắm được gì cả. Vừa rồi, khi viết ‘Vị Xuyên thế sự’, tôi lục lại các tài liệu thì tất cả những cơ quan hữu trách người ta không biết gì về cuộc chiến tranh này cả.”

Khi được hỏi về những giải pháp có thể đề xuất nhằm giúp Việt Nam có thể thoát khỏi mối đe dọa từ Trung Quốc, luật sư Thuận trả lời rằng trước hết phải có sự độc lập về kinh tế.
Âm mưu lấn chiếm, xâm lấn ngàn đời này, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ, và nước này ngày càng hung hãn hơn, nhất là với vấn đề biển Đông“- ông Thuận nói.
Kỷ niệm 41 năm chiến tranh biên giới Việt – Trung giữa lúc tình hình dịch do virus corona Vũ Hán đang nóng, ông Thuận gọi tư tưởng xâm lấn của Trung Quốc như một loại ‘virus xâm lược’ và nói rằng, cảnh giác vẫn là bài học không bao giờ cũ.
Việt Nam gần đây ký hiệp định thương mại với nhiều đối tác, theo ông Thuận, con đường thoát Trung đang dần sáng ra. Tuy nhiên, sự lệ thuộc kinh tế, nhất là đầu ra của nông sản với Trung Quốc vẫn còn. Và điều này ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục triệu nông dân.

Về nguy cơ sụp đổ kinh tế từ dịch cúm Covid-19, Nhà báo Nguyễn Như Phong nói:
Nếu nạn dịch này kéo dài thêm hai tháng nữa thôi, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào giai đoạn suy thoái lớn, và Việt Nam sẽ là nạn nhân đầu tiên – Nói trắng ra là có nguy cơ sụp đổ nền kinh tế, bởi lẽ: Nền kinh tế VN phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào và đầu ra với TQ… Một nền kinh tế mà không làm nổi cái kim sợi chỉ; thậm chí đi nhập cả từ đôi đũa, từ cây tăm tre; không làm được nổi con ốc vít cho ra hồn, sống như “cây tầm gửi“.
Xuất khẩu cũng vậy. Mới có vài ngàn tấn thanh long, dưa hấu bị đọng lại mà đã “loạn” cả lên… nơi nơi kêu gọi “Giải cứu”!”

Chùm ảnh ngày 17/2/2020 nhóm No-U Hà nội thắp hương tưởng niệm Cuộc chiến biên giới 17/2/1979 tại nghĩa trang liệt sỹ Hà nội với nhóm an ninh Cộng sản bám sát quay video

Thu thủy từ TpHCM – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023