Ủy ban Thương mại EU INTA đồng ý thông qua EVFTA với Việt Nam

Chiều nay ngày 21-1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu họp tại Brussels vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) với kết quả: 29/6/5 (29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng).
Thực chất đây mới chỉ là bước khuyến nghị của INTA (Ủy ban thương mại của Nghị viện Châu Âu) để trình ra Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu cuối cùng và tháng 2 năm nay, theo bản tin chính thức của trang web Nghị viện châu âu (EP – Europe Parliament) vừa đăng lên vào chiều ngày 21/1/2020, giờ Việt nam.
Hiệp định cũng gồm các quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý về khí hậu, lao động và nhân quyền. Việt Nam đã lên kế hoạch phê chuẩn hai dự luật còn lại về việc bãi bỏ lao động cưỡng bức và tự do lập hội vào năm 2020 và 2023, tương ứng. Nếu có vi phạm nhân quyền, thỏa thuận thương mại có thể bị đình chỉ.


Ngay khi hội nghị kết thúc, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu đã phát biểu rằng:
“Tôi tự hào rằng trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại EU-Việt Nam, chúng tôi đã sử dụng đòn bẩy của mình và đưa ra những thay đổi tích cực nhằm cải thiện tình hình của hàng triệu công nhân tại Việt Nam.
Vào đầu năm ngoái, Việt Nam vẫn chưa ký kết ba Công ước ILO cốt lõi. Vừa qua Việt nam đã phê chuẩn công ước về thương lượng tập thể, thông qua cải cách lao động cơ bản và cam kết một lộ trình cụ thể để phê chuẩn và thực hiện hai Công ước nổi bật về Lao động cưỡng bức và Tự do lập hội. Để đảm bảo tiến trình này và tiếp tục xây dựng dựa trên những cơ sở ấy, chúng tôi đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại với Việt Nam.”

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu.

Ông Bernd Lange cũng viết trên Twitter rằng: “Nhóm S&D ( Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ trong Nghị viện châu Âu của Đảng Xã hội chủ nghĩa châu Âu ) chúng tôi bảo đảm tiến bộ đáng kể về quyền lao động trước thỏa thuận thương mại Việt Nam. Chúng tôi đảm bảo rằng các vấn đề lao động và nhân quyền luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự chính trị của các cuộc đàm phán”

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá trong giai đoạn 10 năm.
Ngoài ra, EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại bao gồm xe máy, ô tô, dược phẩm, hóa chất, rượu vang, thịt gà và thịt lợn – sẽ được xoá thuế trong 7 năm tiếp theo.
Để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động.
Tiếp theo, Nghị viện Châu Âu (EP) sẽ bỏ phiếu về EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) tại phiên họp diễn ra vào tháng 2 ở Strasbourg, Pháp. Nếu thông qua, hiệp định thương mại sẽ chính thức có hiệu lực. Riêng IPA thì sẽ mất thời gian lâu hơn vì còn phải chờ từng nước trong EU thông qua.
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro mỗi năm, theo số liệu của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam.
Xuất khẩu của EU sang Việt Nam (thiết bị máy móc và thiết bị vận tải, mặt hàng hóa chất và sản phẩm nông nghiệp) tăng 5-7% mỗi năm, tuy nhiên thâm hụt thương mại của EU với Việt Nam là 27 tỉ euro trong năm 2018. EU nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023