Ngày 07/12/2019 tại Berlin, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức Đại hội lần thứ 6 với sự tham gia của toàn thể hội viên và đại diện nhiều hội đoàn của người Việt tại Đức.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cùng một số cán bộ Đại sứ quán, trong đó có Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh đã tham dự Đại hội.
Sau khi xem một Video Clips ngắn về những hoạt động của Hội trong những năm qua, Tiến sĩ Phạm Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức đã đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 5 từ 2016 tới 2019, trong đó nhấn mạnh tới những công tác của Hội trong việc tư vấn miễn phí cho hội viên cũng như những doanh nghiệp không phải hội viên có nhu cầu tìm hiểu về luật pháp kinh doanh như luật thành lập công ty, cách tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính khi mới kinh doanh, các quy định về khai thuế và nộp thuế, giải quyết các vướng mắc khi gặp khó khăn về thuế với sở tài chính…Trong nhiệm kỳ qua, Hội cũng tích cực phối hợp, hỗ trợ Đại sứ quán trong việc tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư cho nhiều đoàn công tác từ trong nước sang, tham gia kết nối để tổ chức cho các đoàn của Đức như đoàn của thị trưởng Leipzig Burkhard Jung đi thăm và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp Đức sang 4 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh, mở đầu cho một loạt hoạt động giữa bang Mecklenburg-Vorpommern với tỉnh Hà Tĩnh với kết quả là việc ký kết nhiều hợp đồng kinh tế giữa hai bên, trong đó đáng kể nhất là sự ra đời của Khu công nghiệp Đức –Việt tại khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh…
Nhìn lại những hoạt động của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Hội Phạm Ngọc Kỳ cho rằng, những thành quả đó chưa phải là đủ mỹ mãn để hài lòng, nhưng cũng không phải là không đáng khích lệ. Ông cũng thẳng thắn nêu ra những bất cập chưa được giải quyết như thành viên của Hội mới chỉ là những doanh nghiệp ở Berlin và vùng lân cận. Sự có mặt trong Ban chấp hành của một số thành viên từ các vùng khác mới chỉ mang tính hình thức chứ chưa đóng vai trò liên kết giữa Hội với các doanh nghiệp tại các vùng đó. Hội cũng chưa thu hút được những doanh nghiệp rất nhỏ và doanh nghiệp gia đình tham gia Hội như tiêu chí được ghi trong điều lệ…
Phát biểu chào mừng Đại hội, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cho biết, khi gặp gỡ tổng thống, thủ tướng và các nhà lãnh đạo cấp cao của Đức, họ đều đánh giá cao cộng đồng người Việt ở Đức. Như vậy, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức đã góp phần quan trọng để xây dựng hình ảnh này. Tuy nhiên, với trên 10.000 doanh nghiệp Việt Nam tại Đức mà có chưa tới 100 doanh nghiệp tham gia Hội doanh nghiệp thì đây là một bất cập cần khắc phục. Ông đồng tình với ý kiến đề xuất nên thành lập các chi hội hoặc các hội ngành nghề để có thể kết nối hỗ trợ nhau nhiều hơn. Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ thẳng thắn nêu câu hỏi là Hội đã thực sự đoàn kết chưa? Ông bày tỏ mong muốn Hội tăng cường đoàn kết, có nhiều hoạt động phong phú, tích cực đóng góp vào tăng cường quan hệ Việt Đức, ông kêu gọi Hội tăng cường tư vấn phát triển và hội nhập, giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó khăn do cạnh tranh không lành mạnh. Ông đề nghị Hội nghiên cứu kỹ, phổ biến những cơ hội và thách thức mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ mang lại khi có hiệu lực.
Sang phần bầu Ban chấp hành mới với 2 người tự ứng cử và 22 người được đề cử. Tiến sĩ Phạm Ngọc Kỳ, sau 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên Chủ tịch và nhiều năm trong BCH đã xin rút khỏi danh sách đề cử. Đại hội đã bầu ra một Ban chấp hành mới gồm 19 thành viên, trong đó có nhiều gương mặt mới như Thái Ngọc Bảo Trâm, đại diện cho thế hệ trẻ với nhu cầu thoát khỏi mô hình kinh doanh cổ điển của thế hệ người Việt đầu tiên ở Đức. Trâm là đại diện cho „Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam tại châu Âu“.
Ban chấp hành mới cũng đã bầu ông Võ Văn Long, Giám đốc chuỗi nhà hàng Thăng Long làm tân Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức. Ông Võ Văn Long cũng đã từng là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức nhiệm kỳ 3.
Một số nghệ sĩ chuyên và không đã đóng góp những tiết mục văn nghệ làm cho không khí đại hội trở nên đầm ấm.
Văn Long