Người Việt Nam nhập cảnh lậu: Những đứa trẻ biến mất

Khắp nước Đức đang lan truyền thông tin còn chưa rõ ràng về số phận của những đứa trẻ Việt Nam bị đưa lậu vào Đức, bị phát hiện, rồi mất tích. Rõ ràng đó là cả một mạng lưới quốc tế đưa người lậu quy mô. 

Từ nhiều năm nay, số lượng người Việt Nam được đưa bất hợp pháp vào Đức đã tăng nhanh, trong đó, ngày càng có nhiều trẻ em và thiếu niên. Chỉ có phần rất nhỏ bị phát hiện tại các cuộc kiểm tra thất thường của cảnh sát ở biên giới Đức-Ba Lan hoặc ở Berlin. Chẳng hạn, vào tháng 6 năm 2018, trên xa lộ A12 đã phát hiện 2 xe chở một nhóm gồm 12 người Việt Nam nhập cảnh lậu, trong có có 2 trẻ vị thành niên, có lẽ đang trên đường tới Berlin.

Những kẻ đưa người lậu bị bắt giữ, số người lớn nhập cảnh lậu được đưa trở lại Ba Lan ngay. Còn 2 trẻ vị thành niên nhập cảnh lậu khoảng 15-16 tuổi được bàn giao cho cơ quan hỗ trợ trẻ em khẩn cấp của thành phố Eisenhüttenstadt. Theo luật của Đức, các trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm, dù bị phát hiện ở bất cứ đâu, đều được giao cho các cơ quan bảo trợ thanh thiếu niên (Jugendämter) phụ trách. Nghĩa là, Nhà nước Đức sẽ bảo trợ. 

Tuy nhiên, cơ quan bảo trợ không phải là nơi giam giữ. Theo tìm hiểu của đài RBB, chỉ sau thời gian ngắn, những trẻ vị thành niên đó đã biến mất, đi đâu, với ai, chẳng ai biết cả. Các cơ quan chỉ còn cách trình báo với cảnh sát các đứa trẻ này mất tích.

Trẻ vị thành niên đã được huấn luyện từ trước

Thực ra, những trẻ vị thành niên đó đều đã được (bọn đưa người lậu) chỉ dẫn mọi điều từ trước. Một nhân viên cơ quan bảo trợ thanh thiếu niên của bang Brandenburg cho biết: „Các trẻ vị thành niên đã được chỉ dẫn từ trước. Họ biết chính xác những điều cần phải làm sau khi được đưa vào cơ quan bảo trợ, sau đó sẽ phải gặp ai, ở chỗ nào, nơi đó có người chờ đón họ để đưa đi tiếp. Dường như nhiều việc đã được  chuẩn bị tổ chức từ trước“.

Đưa tiếp đi đâu? Nhân viên nói trên trả lời: „Chúng tôi nhận được những chỉ dấu cho thấy các trẻ đó sẽ bị cưỡng bức lao động ngay tại Đức. Và chúng tôi cũng đã phản ảnh với các cơ quan hữu trách“.

Những đứa trẻ này được trình báo mất tích với với cảnh sát bang Brandenburg, có cả ảnh kèm theo nữa. Vậy mà cho tới nay cảnh sát chưa hề ra một thông báo truy tìm trẻ mất tích nào.  

Nhân viên nói trên cho biết tiếp: „Nếu một trẻ em Đức mất tích, sẽ được báo động cho công chúng nhanh hơn nhiều. Nhưng những trẻ em Việt Nam mất tích thì chẳng có thông báo gì hết“.

Tôi phản bác ý kiến trên của ông ta“, cảnh sát Roland Kamenz nói. Ông là cảnh sát trưởng của Sở cảnh sát phía Đông thành phố Frankfurt/Oder, ông cho biết rằng việc có ra thông báo truy tìm người mất tích hay không là do đánh giá và quyết định của bộ phận cảnh sát hữu trách. Ông Kamenz quả quyết rằng cảnh sát đã khẩn trương làm việc với những vụ trình báo mất tích này. Nhưng không có một chứng cớ nào cho thấy những trẻ đó bị ‘nguy hiểm đến thân thể và tính mạng‘ cả.

Đến Đức qua đường Ba Lan

Bên kia biên giới,  nhà chức trách Ba Lan lại biết nhiều điều hoàn toàn khác. Trong một phiên tòa tại Posen (ở Ba Lan), một thiếu niên Việt Nam khai: Em luôn bị đánh đập, đe dọa, bỏ đói và bắt phải làm việc. Hiện tại đang diễn ra tại Posen một phiên tòa xét xử một băng đảng quốc tế đưa người lậu.

Thiếu niên nói trên khai tiếp với tư cách làm chứng: Tại làng của cậu bé, người ta đã nói với cậu là sẽ tìm việc làm cho cậu tại châu Âu. Bà cậu bé đã phải gán ngôi nhà cho bọn cò mồi. Bố mẹ thì đã mất. Và cậu ta đã đi theo bọn cò mồi.  

Cậu ta bị nhốt nhiều tuần trong một căn phòng ở Ba Lan, trước khi được chở bằng một xe tải nhỏ sang Đức. Dọc đường, bọn buôn người đã gây tai nạn. Nhiều người trong số 10 người Việt Nam trên xe bị thương nặng. Trong 10 người đó có 6 trẻ em.

Các nhà điều tra và các công tố viên Ba Lan đã làm rõ những điều đe dọa bọn trẻ vị thành niên: „Chúng tôi đang nói về tội trạng đưa người lậu và chế độ nô lệ hiện đại. Nạn nhân là những con em các gia đình rất nghèo, có cả trẻ mồ côi“, Công tố viên  Michal Smetowski tại Posen đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Nhóm tội phạm bị xét xử tại Posen bị cáo buộc đã chở lậu gần 300 người Việt Nam sang Đức. Trong số đó có nhiều trẻ vị thành niên. Công tố viên Smetowski cho biết: „Bọn chúng đã đưa họ tới Đức và các nước Tây Âu một cách có chủ đích. Chúng chủ mưu lừa dối họ và gia đình họ rằng sẽ tìm được việc làm tốt. Dọc đường chúng đã bỏ đói, đánh đập và bắt họ làm việc không công. Một thiếu nữ đã bị hãm hiếp. Chúng tôi cho rằng, chúng đưa họ đến các động đấm bóp hoặc nhà thổ“.

Mạng lưới buôn người quốc tế

Theo điều tra của RBB, nhóm tội phạm bị xét xử tại Posen chỉ là một phần của một „Mạng lưới chuyên nghiệp có tổ chức rất quy mô“, đã thực thi hàng trăm vụ đưa người lậu mà đã tìm ra chứng cớ. Con số chính thức thực ra còn cao hơn nhiều. Mục tiêu điểm đến của người Việt Nam là Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Anh.  

Lực lượng biên phòng và Viện công tố Ba Lan đang truy tố cùng lúc nhiều vụ của nhiều nhóm khác nhau. Ông Maciej Florkiewicz từ Viện công tố Warschau cho biết: „Những kẻ bị bắt chỉ là lính trơn. Bọn cầm đầu đang ngồi tại Moskau và Hà Nội, và phát ra các mệnh lệnh từ những nơi đó“. 

Hành trình của những đường dây đưa người lậu xuất phát từ Việt Nam, qua Moskau. Đoạn này không có vấn đề gì, vì người VN sang Nga không cần Visa. Từ Moskau, Tây tiến bằng các ngả Baltik và Ba Lan. 

Các nhà điều tra Ba Lan chia sẻ, giá phải trả cho đường dây đưa người lậu là khoảng 20.000 USD mỗi người. Ngoài ra, cũng có trẻ mồ côi và trẻ vô gia cư từ VN được đưa sang Đức theo đơn đặt hàng của những người từ Tây Âu.

Chợ Đồng Xuân ở Berlin là nơi trung chuyển

Người nào thoát qua được các trạm kiểm soát, thì thường được đưa về chợ Đồng Xuân ở quận Lichtenberg, Berlin. Chợ Đồng Xuân, hay còn được gọi là „Hà Nội nhỏ“, là một khu đất lớn, không dễ quan sát hết được. Trên hơn 200 Hektar, các cửa hàng thực phẩm, quán ăn, tiệm làm móng tay chen chúc trong 6 nhà lồng (Halle) khổng lồ.  

Thời gian qua, chợ này luôn luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà điều tra Đức. Lần gần nhất là tháng 5 năm 2018, liên quan đến đưa người nhập cảnh lậu, hôn nhân giả và buôn bán ma túy.   Đối với cảnh sát Berlin, chợ này được coi là một loại trung tâm hậu cần cho tổ chức mafia buôn người của Việt Nam. Thường xuyên cảnh sát phát hiện trẻ vị thành niên Việt Nam nhập cảnh lậu vào nước Đức, nhưng vì dưới tuổi thành niên nên họ được bàn giao cho cơ quan bảo trợ thanh thiếu niên – và một thời gian ngắn sau đó họ lại biến mất (trốn đi mất).

Cảnh sát Berlin đã cho đài RBB biết, từ 2012 đến nay, có tổng cộng 474 trẻ vị thành niên VN bị trình báo mất tích tại thủ đô Berlin. Ngoài ra, cảnh sát còn biết, trẻ vị thành niên phải trả nợ bọn buôn người bằng cách làm việc hoặc phải thực hiện các hành động bất hợp pháp.

Làm việc như nô lệ trong các tiệm móng tay

Ông Michael Bender thuộc Hải quan trung ương tại Gießen biết rất rõ, Berlin là trục trung chuyển đưa người Việt Nam nhập cảnh lậu: “Qua các cuộc điều tra, chúng tôi biết có những đường dây dẫn tới Berlin, dường như cũng tới chợ Đồng Xuân“.

Trong những tháng gần đây, hải quan đã tiến hành nhiều cuộc khám xét lớn các tiệm làm móng ở phía Tây nước Đức, liên quan đến làm việc chui. Trẻ vị thành niên làm chui trong các tiệm nails không phải là trường hợp cá biệt. Ông Bender cũng tìm ra các chỉ dấu cho thấy những đứa trẻ này đã được đưa lậu từ Việt Nam qua Nga và Ba Lan đến Đức.

Tranh luận tại Hà Lan

Tại Hà Lan, các phóng viên điều tra của đài Argos cũng thông báo có tròn 60 trẻ vị thành niên biến mất khỏi các cơ sở bảo trợ. Từ đó, đã nổi lên những cuộc tranh luận rộng rãi trong công chúng.  „Mức độ của hành động buôn người lớn tới mức tất cả chúng ta thực sự phải lo lắng.  Chúng ta không thể yên lặng được nữa, cho tới khi chúng ta biết rõ bọn trẻ hiện đang ở đâu và bị đưa đi đâu“, ông Herman Bolhaar, Đặc ủy về tội phạm buôn người của Chính phủ Hà Lan đã phát biểu như thế cách đây vài tuần lễ. Ông này đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế.

Tại Đức, lần đầu tiên Hiệp hội Chuyên nghành Liên bang về trẻ vị thành niên không có người bảo trợ cũng đã lên tiếng yêu cầu cảnh sát và các cơ quan bảo trợ thanh thiếu niên cần hoạt động tích cực hơn: Các trẻ em và thiếu niên này phải được Nhà nước bảo trợ, thay cho trách nhiệm của phụ huynh các cháu. „Những trẻ em mất tích đang trong tình trạng hiểm nguy đặc biệt“.

Nguyễn Thanh – Thoibao.de theo thông báo của chính quyền Berlin và Đài phát thanh, truyền hình nhà nước Đức ARD.

Nguồn:https://www.tagesschau.de/investigativ/rbb/vietnamesische-kinder-jugendliche-101.html


Kasse animation 7.8.2023