Mối tình 30/4/75 giữa chàng cộng sản Tây Đức và nàng xướng ngôn viên đài truyền hình VNCH

Chàng là một người cộng sản Tây Đức (CHLB Đức) và là một nhà quay phim trẻ, tên là Stephan Köster, 27 tuổi. Anh là thành viên của nhóm sinh viên cộng sản tại thành phố Cologne (Köln) thành lập ra „Ủy ban khởi xướng tăng cường nghành điện ảnh cách mạng Việt Nam“ (Initiativkomitee für die Stärkung des revolutionären vietnamesischen Filmwesens), viết tắt là IK. Do thông thạo 6 ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp, và từng có kinh nghiệm tiếp xúc với du kích Nam Mỹ khi sống ở Bolivia, nên Stephan Köster được IK cử sang Sài Gòn. Stephan Köster kể lại:

„Vào khoảng đầu tháng 4/1975, các đồng chí của IK từ Hà Nội trở về đã gặp tôi hỏi, liệu tôi có nhận nhiệm vụ đó không?

Tôi đồng ý ngay, thế là ngày 26/4/1975 tôi nói dối bố mẹ là đi Tây-Ban-Nha, rồi đáp máy bay đi Bangkok. Tại đây, tôi hầu như là hành khách duy nhất, chẳng còn ai muốn bay về thành phố Sài Gòn đang bị bộ đội Bắc Việt và du kích miền Nam bao vây.

Tôi đến miền Nam Việt Nam với nhiệm vụ bí mật là quay phim cho đài truyền hình Bắc Việt cuộc rút lui của quân đội Mỹ khỏi thành phố Sài Gòn đang bị bao vây và được chứng kiến cuộc chiến. Không có nhà quay phim Bắc Việt nào có thể thực hiện một kế hoạch như vậy, họ sẽ bị bắt và bị tra tấn cho đến chết. Để không bị nghi ngờ, tôi đã ngụy trang như một nhà báo Tây Đức và không mang bất cứ một thứ gì có thể lộ ra rằng tôi là người của Việt Cộng“.

Nàng là Đào Thị Ngọc Xuân, xướng ngôn viên của đài truyền hình Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn. Bố mẹ Xuân là chủ một hãng bào chế thuốc Tây tại Sài Gòn. Stephan Köster đã mô tả Xuân bằng ngôn ngữ cộng sản:

Xuân, nàng là người phía bên kia, làm xướng ngôn viên cho đài truyền hình phản động ở Sài Gòn, hình như có lần nàng khiêu vũ với Tướng Westmoreland của Hoa Kỳ.

Bố mẹ nàng đã đi di tản bay bằng trực thăng ra tàu sân bay Mỹ, và nghĩ rằng nàng sẽ cùng tôi xuất cảnh. Bà vú nuôi của Xuân kể như vậy qua điện thoại.

Dĩ nhiên nàng không hề biết tôi làm việc cho Mặt trận Giải phóng. Xuân hỏi:

– Anh làm việc cho ai?

Tôi nói dối:

– Cho truyền hình Tây Đức.

– Em hãy giúp anh!

Và tôi quyết tâm sẽ ở lại với nàng nơi đây“.

Ngày 28/4/1975 – Tiếng sét tình yêu!

Ngày 28/4/1975 là ngày định mệnh, lần đầu tiên chàng cộng sản Tây Đức và nàng xướng ngôn viên đài truyền hình VNCH tình cờ gặp nhau tại một tiệm chụp ảnh trong thương xá TAX trên đường Nguyễn Huệ. Chàng Stephan Köster cần chụp ảnh vì khách sạn Caravelle, nơi chàng trú ngụ, đề nghị người nước ngoài phải nộp ảnh để làm giấy tạm trú theo lệnh thiết quân luật. Còn nàng Xuân cần có ảnh để làm thủ tục xin xuất cảnh.

Tại tiệm chụp ảnh, Stephan Köster bị thôi miên bởi ánh mắt của một cô gái Việt đang nhìn mình. Xuân có cảm tình ngay với chàng trai Đức đang nói chuyện với chủ tiệm bằng giọng Pháp rất êm. Tiếng sét tình yêu! Stephan Köster kể lại:

Câu chuyện của tôi với Việt Nam và câu chuyện một cô gái Việt với tôi bắt đầu bắt đầu trong một tiệm chụp ảnh. Nàng cần một tấm ảnh để xuất cảnh, còn tôi cần một tấm ảnh để ở lại đây. Nàng có một chiếc xe con cóc VW (xe ô tô Volkswagen của Tây Đức) màu trắng và có thời gian rảnh rỗi. Nàng thích giúp tôi quay phim và đồng ý để tôi tự lái xe.“

Tối hôm đó (ngày 28/4/1975) số ít ỏi phóng viên nước ngoài còn ở khách sạn Caravelle quyết định chuyển sang khách sạn Continental, nơi có đông người phương Tây hơn, để có thể bảo vệ lẫn nhau. Stephan Köster vẫn còn nhớ như in vào đầu đêm khuya hôm đó:

Ngày 28 tháng Tư 1975. Khuya. Tôi đã ở Việt Nam được hai ngày. Vài tiếng súng lác đác ở những con đường Sài Gòn không đèn. Dẫu là lệnh giới nghiêm 24 tiếng đồng hồ.  Chúng tôi nằm trong phòng tắm không có cửa sổ để tránh đạn lạc và những mảnh nổ sắc nhọn. Xuân ngồi dậy và dựa lưng vào bồn tắm. Khuôn mặt nàng sưng húp do khóc, không son phấn trông thật lạ. Nàng nói:

– Tụi Mỹ bỏ rơi chúng ta.

Tôi nghĩ nhưng không nói ra:

–  Bọn chuột đang tháo chạy khỏi chiếc tàu sắp chìm.

Ở cửa phòng tắm tôi đã chuẩn bị sẵn trang bị thoát hiểm. Máy quay phim của tôi, đôi giầy bốt chắc chắn và một gói băng cứu thương. Và cả đôi giày cao gót nhỏ nhắn, cao 10 cm của Xuân. Khi ngủ thiếp đi, tôi thấy những vẻ mặt không tán thành của các đồng chí của tôi ở Tây Đức“.

Ngày 29/4/1975 cả thành phố Sài Gòn thức dậy trong căng thẳng và sợ hãi, những ngày cuối cùng của cuộc chiến ba mươi năm, những ngày đầu tiên của một cuộc cách mạng.  „Ngày 30/04/1975 tôi chạy xuống đường kịp lúc Việt Cộng, những anh Việt Cộng yêu dấu của tôi đang chiếm tòa nhà Hạ nghị viện và hạ lá cờ vàng sọc đỏ của Thiệu. Các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng Hòa đã đầu hàng. Tôi mới ở đây ba ngày rưỡi và cuộc chiến tranh Việt Nam 30 năm đã chấm dứt.

Khi đó tôi cũng quay phim Xuân thật ngắn chỉ 4 giây. Nàng là con gái của gia đình tư sản giầu có và bảo thủ phải đối mặt với chính quyền mới như thế nào? Nàng quay sang tôi. Gương mặt cực kỳ hốt hoảng“, Stephan Köster kể.

Quay bộ phim „Giải phóng Sài Gòn“

Từ cửa sổ khách sạn Caravelle, nơi trú ngụ đầu tiên khi đến Sài Gòn, Stephan Köster đã quay cảnh đầu tiên cho bộ phim tài liệu về giải phóng Sài Gòn.

Trong hai tháng ở Sài Gòn, anh ta đã phải cưỡng lại sự thất vọng về cuộc cách mạng và mối hoài nghi mới nẩy sinh, để quay bộ phim tuyên truyền „Giải phóng Sài Gòn“ cho đài truyền hình Bắc Việt. Một phim tường thuật ngây ngô về thắng lợi mà không đúng với tình hình lịch sử và cũng không đúng với trải nghiệm riêng tư mà anh nhận thấy: „Giờ đây Việt Nam bị chia cắt, không phải về địa lý, mà tâm hồn“.

Xuân đã phụ giúp anh ta quay bộ phim này. Trong một bữa ăn sáng, Xuân nói với Stephan Köster:

Em nghĩ rằng anh là một người cộng sản – cộng sản chính cống.

Anh ta trả lời:

Đúng vậy, nhưng chỉ khi nào cách mạng Việt Nam hoàn toàn thành công.

Các đồng chí nôn nóng của Stephan Köster ở Tây Đức cũng trông chờ bài „tường thuật về thắng lợi“ của anh ta. Họ đánh điện tín nói anh ta phải về ngay, họ đang cần tư liệu.

Sau khi từ Sài Gòn trở về Tây Đức vào đầu tháng 7 năm 1975, bộ phim tuyên truyền của Stephan Köster đã được hoàn thành đúng hạn. Một bản gửi về Hà Nội, một bản giữ ở Đức. Ngày nay xem lại phim này, anh ta có cảm giác như đang bị bịt mắt. Stephan Köstler cho biết một trong những nguyên do tại sao hồi đó sau ngày 30/4/1975 anh ta thất vọng não nề:

Không chỉ bởi vì chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương đã không giữ đúng những gì mà chúng ta mong đợi, nên ngày nay tôi cảm thấy nhạt nhẽo vô vị khi nghĩ về công việc tuyên truyền của mình. Có phải đó là sự ảo tưởng chính trị của chúng ta? Người đàn ông với máy quay phim là ai? Điều gì đã xảy ra trong đầu anh ấy và trong tâm trí của những đồng chí của anh ấy? Về những câu hỏi này sẽ không bao giờ có một câu trả lời nhanh chóng. Chỉ nói cho tôi thôi: Tôi quan tâm đến sự ngây ngô của tôi, sự cống hiến của tôi, sự ngạo mạn của tôi và tính cơ hội của tôi. Tôi cảm thấy bất an khi tôi phải làm công việc tuyên truyền.

Những ông cán bộ này bỗng từ đâu kéo vào nhỉ? Đó không phải là những anh Việt Cộng mà tôi vẫn yêu. Sự ngạo mạn của họ sẽ làm hỏng cuộc cách mạng. Trong khi các bậc tiền bối không đeo quân hàm, thì con cháu của họ phải lớn lên trong các bộ đồng phục với khăn quàng đỏ và đứng nghiêm khi hát. Vậy mà tôi vẫn quay cảnh đó và quyết dùng nó làm cảnh kết thúc hùng tráng cho cuốn phim „Giải phóng Sài Gòn“ tường thuật về thắng lợi của cuộc cách mạng. Một nước Việt Nam mới, trẻ trung. HẾT PHIM“.

Trở về lại Tây Đức – Chia ly

Stephan Köster và Xuân đã cố gắng làm thủ tục giấy tờ kết hôn tại Sài Gòn, nhưng không được. Xuân thất vọng nói:

Họ sẽ không cho em theo anh về Đức, đó đúng là kiểu cộng sản mà.

Anh ta đáp lại:

Họ còn bận nhiều việc khác hơn việc cưới xin cho người khác. Ngay sau cách mạng làm gì có người bình thường nào lại đòi cưới.

Stephan Köster còn nhớ lại không khí nặng nề trong thời gian cuối khi sắp rời khỏi Việt Nam:

Việc tôi phải trở về Đức làm cho mọi thứ trở nên vô nghĩa, partir c’est mourir, ra đi là chết trong lòng. Sự bất lực của mọi cử chỉ của tôi, của mọi cố gắng giải thích của tôi. Sự thù nghịch trong lòng tin của nàng. Đôi mắt nàng như cảm thấy tôi sẽ phụ bạc nàng.

Tôi rời Sài Gòn và Xuân sau hơn 2 tháng ở đó, vào ngày 01/07/1975. Sài Gòn – Vientiane – Bangkok – London“.

Các đồng chí cộng sản ở Tây Đức

Stephan Köster cảm thấy đầu óc trống rỗng khi nghĩ đến việc gặp lại các đồng chí của mình ở Tây Đức. Công việc chung mà đã gắn bó chúng tôi là cái gì nhỉ? Cái tổng thể bao trùm? Cái tổng thể bao trùm tất cả là sự lạnh lẽo của vũ trụ. Ngồi trên máy bay từ Sài Gòn về Đức, trên trời cao, anh ta nghĩ như vậy.

Tổ chức IK ở Colonge (Köln – Tây Đức), tức là „Ủy ban khởi xướng tăng cường nghành điện ảnh cách mạng Việt Nam“, được Đảng cộng sản Tây Đức KDP thành lập từ mùa hè năm 1972, đã tổ chức nhiều cuộc quyên góp nhằm trang bị cho cách mạng Việt Nam những thiết bị như máy quay phim truyền hình v.v. Khoảng Tết ta đầu năm 1975 tổ chức IK đã tặng cho đài truyền hình Hà Nội 3 chiếc xe truyền hình lưu động. Sau đó Stephan Köster được IK cử sang Sài Gòn quay phim „Tường thuật về thắng lợi“ như đã nêu trên.

Khi trở lại Tây Đức,tôi bỗng thất đảm: Một kẻ nào đó đã mạo danh tôi viết các bài tường thuật. Trong thời gian tôi đang ở nơi xa xôi tại Sài Gòn, các đồng chí thiếu kiên nhẫn của tôi ở Cologne Tây Đức đã nghĩ ra các bài tường thuật nhân chứng giàu trí tượng tưởng. Họ đem ra đọc như những lá thư của tôi trong các buổi tổ chức lớn mà có cả bố mẹ tôi tham dự và sau đó họ còn đem đăng báo dưới tên của tôi.

Để không trừng phạt họ vì sự dối trá này và không làm hại cho tổ chức, tôi không dám kể câu chuyện rối rắm của mình ở Việt Nam nữa, cũng như những mâu thuẩn do sứ mạng của tôi mang tới cho tôi“, Stephan Köster cho biết nguyên do tại sao anh ta „lui về ở ẩn“ không còn tích cực hoạt động cho cộng sản nữa.

Các đồng chí của anh ta ở Ủy ban đoàn kết Việt Nam đăng trên báo chí một bức ảnh hồi thời anh còn hoạt động chung với nhau. Nhưng họ xóa hình anh đứng ở ngoài cùng phía bên trái.

Rồi các đồng chí của anh cũng cho đăng trên báo bức ảnh về một cuộc hành quyết dã man của Khmer đỏ, kèm theo lời bình: Ảnh giả đểu cáng. Mặc dù cả thế giới đều biết tội ác diệt chủng của Polpot là có thật.

Với tâm trạng chán chường và thất vọng về lý tưởng mà đã theo đuổi bao năm nay, Stephan Köster băn khoăn tự vấn:

Tôi đã làm việc gì đó vì những lý do chính đáng, nhưng như thế nào đó rốt cuộc kết quả lại sai, tuy nhiên vẫn tốt hơn là chẳng làm gì cả. Nghiền ngẫm vấn đề này sẽ nẩy sinh ra hàng nghìn câu hỏi mới. Bởi vì chúng ta đã hình dung mọi việc quá đơn giản: Cái thiện sẽ chiến thắng cái ác“.

Phụ bạc – Phản bội

Sau khi trở về Tây Đức từ Sài Gòn, Stephan Köster vẫn giữ chặt lấy Xuân, anh ta muốn đón nàng sang châu Âu, đến tháp Eiffel. Anh ta muốn giữ lời hứa. Anh ta đã đến Đại sứ quán Việt Nam ở Đông Berlin xin kết hôn với nàng. „Đồng chí phải kiên nhẫn chờ 1 năm“, Bí thư Đại sứ quán nói và ghi chép tất cả.

Tôi chẳng tin chút nào, mọi việc trở nên vô nghĩa.  Nhưng tôi không buông tay. Những bức điện tín của tôi gửi đi Sài Gòn đầu tiên là thề thốt yêu đương, tôi khuyên nàng kiên nhẫn. Nàng không tin tôi, nhưng nàng không bỏ cuộc. Nhưng những bức điện tín sau này, lúc đầu là khuyên can và kết thúc bằng sự phản bội. Tôi yêu một người khác“, Stephan Köster thú nhận.

Stephan Köster nghĩ rằng Xuân sẽ không bao giờ được cho rời khỏi Việt Nam, và như thế sẽ tốt hơn cho cô ấy. Khi còn ở Sài Gòn, Xuân kể, lúc còn nhỏ nàng đã từng sang Paris và nàng là hậu duệ của vị vua cuối cùng Bảo Đại và muốn tìm hiểu thế giới, thì anh ta bảo nàng là một người mơ mộng và tốt hơn là nàng nên theo cách mạng và tham gia xây dựng Xã hội chủ nghĩa.

Với một bức điện tín có dụng ý xấu xa cắt đứt liên lạc với Xuân, Stephan Köster viết: „Từ trong tim, anh tôn trọng quyết định của em ở lại phụng sự tổ quốc. Anh ôm em“.

Ngày 28/4/1976 Xuân được cấp visa xuất cảnh sang Pháp

Trái với lời tiên tri trên của Stephan Köster, sau một năm Xuân bất ngờ được phép xuất cảnh. Khoảng tháng 5 năm 1976, tình cờ anh ta biết tin Xuân đã sang Paris. Điều đáng ngạc nhiên, Xuân ra phi trường Tân Sơn Nhất lên máy bay rời khỏi Việt Nam vào ngày 28/4/1976, đúng 1 năm sau ngày Xuân và Stephan Köster lần đầu tiên gặp nhau ở Sài gòn (28/4/1975).

Nhưng việc Xuân được phép xuất cảnh không phải là do Đại sứ quán Việt Nam ở Đức giữ lời hứa, vì Xuân được xuất cảnh sang Pháp chứ không phải sang Đức. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức không có phần hành hoặc thẩm quyền gì liên quan đến việc Xuân được phép rời Việt Nam để định cư ở nước Pháp.

Ngày 28/4/1981 tái ngộ sau 7 năm xa cách

Mặc dù biết tin Xuân xuất cảnh sang Paris hồi tháng 5 năm 1976 nhưng mãi đến 6 năm sau hai người mới gặp lại nhau. Stephan Köstler tự bạch:

Ngày 28/4/1982 Việt Nam xa vợi bên kia thế giới, tôi sang Paris thăm Xuân. Nàng kể với tôi qua điện thoại rằng nàng đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Tôi chẳng tin chút nào. Hồi đó nàng chẳng phải là đã luôn sống trong một thế giới mộng mơ?

Đến Paris. Quả thật, Xuân có một cửa hàng quần áo mode. Trước ống kính, tôi và nàng đã có cuộc trò chuyện nghiêm túc đầu tiên từ bảy năm qua. Chúng tôi rất vui mừng gặp lại nhau. Và Xuân muốn được xem cuốn phim hai chúng tôi làm hồi đó. Trên màn hình chiếu phim tuyên truyền „Giải phóng Sài Gòn“, Xuân trông thật xinh đẹp trong cơn giận dữ của nàng. Xuân thấy bộ phim đó cũng chẳng hay.

Xuân đọc cho tôi nghe một đoạn bằng tiếng Việt về cảm tưởng của nàng khi được xuất cảnh rời khỏi Việt Nam. Tôi nói:

–  Anh chẳng hiểu một từ nào hết!

Nàng đáp:

– Hồi đó ở Sài Gòn anh cũng quay phim mà có hiểu chút gì đâu!

Đây là lần đầu tiên nàng chỉ trích tôi.

 Tôi hỏi:

– Hồi đó ở Sài Gòn em có thực sự yêu tôi, hay em chỉ muốn kết hôn với tôi để được giấy phép xuất cảnh?

Nàng trả lời một cách nghiêm túc:

– Đó sẽ luôn là bí mật của em.

Trường hợp Stephan Köster không phải là trường hợp đơn lẽ, mà là một trường hợp điển hình cho cả của phong trào phản chiến tại CHLB Đức, đươc gọi là „phong trào 68“. Sau ngày 30/4/75 tương tự như Stephan Köster, hầu hết đã vỡ mộng, chán chường, thất vọng về cuộc cách mạng Việt Nam sau khi nhận chân ra sự thật. Kể từ đó họ giữ một khoảng cách đối với Việt Nam như Stephan Köster: „Sự cúi mình của tôi trước người Việt Nam đã không phải là một sự xích lại gần …Tôi hy vọng có thể nhìn lại Việt Nam, từ trên máy bay, tít trên cao, từ một khoảng cách xa“.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)

Nguồn:



Kasse animation 7.8.2023