Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Cảnh sát Đức đang có mặt tại Slovakia thẩm vấn 14 nhân chứng

Ảnh chụp bản tin của Hãng Thông tấn TARS đăng trên tờ Plus JEDEN DEŇ, ra ngày 12/02/2019

Mặc dù Slovakia đã quyết đình chỉ điều tra các quan chức Slovakia và chỉ tập trung vào việc điều tra các nghi can người Việt Nam, nhưng phía Đức vẫn muốn làm sáng tỏ việc cựu Bộ trưởng Nội Vụ Robert Kalinak liên quan như thế nào đến vụ bắt cóc.

Ngoại trưởng Miroslav Lajčák đang chờ kết luận điều tra của phía Đức, trước khi có những biện pháp ngoại giao đối với Việt Nam.

Chỉ vọn vẹn vài ngày sau khi bà Thủ tướng Đức Merkel đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Slovakia hồi 07/02/2019, các nhà điều tra Đức đã đến Bratislava thủ đô Slovakia vào tối thứ hai 11/02/2019 để chuẩn bị thẩm vấn trực tiếp 14 nhân chứng người Slovakia.

Các cuộc thẩm vấn bắt đầu từ thứ Ba 12.02.2019 và kéo dài đến cuối tuần này. Theo đơn xin trợ giúp pháp lý của phía Đức, tổng cộng 14 nhân chứng sẽ được phía Đức thẩm vấn trực tiếp“, ông Matej Izakovich -Phát ngôn viên của Viện công tố Bratislava- nói với Hãng Thông tấn TARS.

Ông Izakovich cho biết thêm rằng công tố viên của Bratislava cũng tham dự các cuộc thẩm vấn của hai nhà điều tra đến từ CHLB Đức vào những ngày này. Cơ quan mà phía Đức nhờ trợ giúp pháp lý là Sở cảnh sát hình sự quốc gia Slovakia (viết tắt là NAKA).

Hiện chưa rõ danh tính của các nhân chứng, chỉ biết họ là nhân viên của Bộ Nội vụ và nhân viên an ninh bảo vệ yếu nhân cũng như nhân viên an ninh hộ tống phái đoàn ngoại giao. Vụ bắt Trịnh Xuân Thanh từ Berlin qua Slovakia đưa về Việt Nam vẫn còn có những câu hỏi chưa được làm sáng tỏ. Đó là lý do tại sao các nhà điều tra Đức sang Bratislava trực tiếp thẩm vấn 14 nhân chứng.

Cảnh sát không cung cấp thêm thông tin về việc tiến hành điều tra và các cuộc thẩm vấn này. “Vì các cuộc điều tra là do phía CHLB Đức tiến hành, cho nên chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin về những biện pháp trong kế hoạch, nhưng người ta có thể liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của Đức để hỏi“, bà Denisa Baloghová -Phát ngôn viên cảnh sát- nói.

Đức đã bắt đầu điều tra vụ bắt cóc này ngay lập tức khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra hồi cuối tháng 7 năm 2017, và vào tháng 8 năm 2017 họ cũng đã nhờ Slovakia trợ giúp pháp lý. Nhưng cảnh sát Slovakia đã không mở cuộc điều tra và suốt 1 năm trời ông Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák luôn luôn nói rằng không có gì đáng nghi ngờ về chuyến thăm của phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công an Tô Lâm dẫn đầu.

Slovakia đã mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ ngày 3/8/2018 sau khi nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine và nhật báo Dennik N của Slovakia đồng loạt đăng bài báo với những cáo buộc nặng nề là Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia, đặc biệt nêu rõ là điều đó đã được các nhà điều tra Đức khẳng định gần như chắc chắn – không còn hoài nghi nào.

Nhưng sau gần 3 tháng điều tra, hồi cuối tháng 11 năm 2018 Slovakia đã quyết đình chỉ điều tra các nghi can người Slovakia (nhân viên cảnh sát và quan chức chính phủ) vì không có bằng chứng để khởi tố hình sự hoặc các truy tố khác. Slovakia sẽ chỉ tập trung vào việc điều tra các nghi can người Việt Nam, vì các nhà điều tra Slovakia nghi ngờ rằng phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu đã thực sự lạm dụng chuyên cơ của chính phủ Slovakia để đưa nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.

Tuy nhiên, có lẽ phía Đức không đồng tình với quyết định của Slovakia về việc đình chỉ điều tra các quan chức Slovakia, mà đặc biệt đáng nghi ngờ nhất là cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Robert Kalinak, cho nên trong cuộc hội đàm với ông Peter Pellegrini, Thủ tướng Slovakia, vào ngày 07/02/2019 bà Thủ tướng Đức Merkel đã thẳng thắn nêu ra vấn đề này và nhấn mạnh „chúng tôi quan tâm đến việc làm sáng tỏ vụ việc“.

Bốn ngày sau cuộc hội đàm của 2 nguyên thủ quốc gia, Slovakia đã đồng ý cho những nhà điều tra Đức sang Slovakia thẩm vấn trực tiếp 14 nhân viên Bộ Nội vụ Slovakia và nhân viên an ninh hộ tống phái đoàn Việt Nam.

Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Slovakia Pellegrini trả lời về vụ Trịnh Xuân Thanh hôm 7.2.2019

Đức có thẩm vấn được Vụ trưởng Vụ Lễ tân Slovakia?

Trước đây, phía Đức cũng muốn thẩm vấn ông Radovan Čulák, người đứng đầu Vụ Lễ tân của Bộ Nội vụ, nhưng chưa thực hiện được.

Ông Radovan Čulák không có thông tin về chương trình làm việc của các nhà điều tra Đức ở Slovakia và cũng chưa có ai từng nghe mong muốn này. Nếu đúng là phía Đức mong muốn thẩm vấn ông ta, thì ông ta sẽ cung cấp cho chính quyền Đức một sự hợp tác tối đa“, Bộ Nội vụ Slovakia cho biết cách đây vài ngày.

Theo lời khai của một vài nhân viên an ninh hộ tống phái đoàn Việt Nam do Tô Lâm dẫn đầu, khi thấy một người Việt Nam (được cho là Trịnh Xuân Thanh) có vẻ say rượu được 2 người Việt Nam khác xốc nách dìu đi, thì họ được nghe ông Radovan Čulák -Vụ trưởng Vụ lễ tân- giải thích rằng “Kali biết chuyện này, đó là thuộc về lợi ích nhà nước“. Kali là tên gọi của Bộ trưởng Nội vụ Kalinak.

Nhưng trong cuộc điều tra của Slovakia, ông Kaliňák và ông Čulák đã phủ nhận cáo buộc này. Thậm chí ông Kaliňák còn đòi hỏi báo chí và các phương tiện truyền thông phải xin lỗi vì các nhân chứng nhớ nhầm hoặc các cáo buộc là sai sự thật.

Theo thông tin của tờ SME, ông Čulák sẽ sớm trở thành giám đốc của Viện phục hồi chức năng ở Slovakia.

Hàng bên phải: Lê Hồng Quang, cố vấn của Thủ tướng Robert Fico (ngồi cạnh Lê Hồng Quang), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Robert Kaliňák. Hàng bên trái: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ngồi giữa) – Ảnh chụp chuyến thăm Slovakia hồi tháng 3 năm 2016

Đức có thẩm vấn được Lê Hồng Quang?

Sở cảnh sát không cho biết rõ về những nhân chứng một cách cụ thể. Vì vậy, không rõ liệu ông Lê Hồng Quang, cựu cố vấn thủ tướng Robert Fico, và trước đây là Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội, sẽ được phía Đức thẩm vấn hay không?

Theo điều tra, Lê Hồng Quang đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức cuộc họp giữa 2 phái đoàn Việt Nam và Slovakia tại khách sạn Bôrik để ngụy trang cho việc đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Cảnh sát Slovakia chưa thẩm vấn ông Quang, vì ông ta đã về Việt Nam, không biết hiện nay đã quay lại Slovakia hay chưa?

Ông Lê Hồng Quang đã nói với báo chí về quan điểm của mình: “Tôi không tham gia vào việc chuẩn bị, tổ chức và thực hiện việc vận chuyển Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam và tôi không biết gì ngoài những thông tin đọc được trên báo chí truyền thông.”

Ngoại trưởng Miroslav Lajčák gặp Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 26/9/2018 và yêu cầu Việt Nam giải thích về vụ Trịnh Xuân Thanh

Ngoại trưởng Miroslav Lajčák đang chờ kết luận điều tra của phía Đức

Tờ Pravda cho biết, Slovakia đang chờ đợi kết luận điều tra của nhà chức trách Đức. “Cho các biện pháp tiếp theo của Bộ Ngoại giao đối với Việt Nam, chúng tôi cần một động lực. Đó là một sự xác nhận chính thức từ phía Đức. Sự nghi ngờ rằng phái đoàn Việt Nam đã lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi sẽ được xác nhận hoặc phủ nhận“, ông Miroslav Lajcak -Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia- nói.

Ông nhắc lại rằng Slovakia đã hạ thấp mức độ đại diện ngoại giao và đóng băng quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Điều này có nghĩa là đại diện của chúng tôi tại Hà Nội đã chuyển từ cấp Đại sứ xuống Đại biện và chúng tôi hiện không có hoạt động song phương với Việt Nam.

Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng quan hệ song phương với Việt Nam sẽ bị đóng băng nếu chúng tôi không nhận được một sự giải thích đáng tin cậy từ Hà Nội, Trịnh Xuân Thanh đã về Việt Nam bằng cách nào, bằng con đường nào“, ông Vladimir Gandel, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Slovakia nói thêm. Nếu được xác nhận rằng chuyên cơ của Chính phủ Slovakia và lòng hiếu khách của chúng tôi đã bị lạm dụng để bắt cóc, thì Slovakia sẽ có những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)



>> Cảnh sát Đức phát hiện trung tâm buôn lậu lươn quốc tế tại nhà hàng ăn châu Á

>> Vụ án chấn động nước Đức: Phải chăng hung thủ sinh viên Việt Nam đã ăn gan nạn nhân người Trung Quốc?

>> Nhà báo Trương Duy Nhất bị mật vụ VN bắt cóc tại Thái Lan?

>> 26 người Việt bị lèn chặt trong khoang xe có diện tích 3,8 m2 để đưa lậu vào Đức

>> Chuyên gia LHQ khẳng định nhà báo Khashoggi đã bị cố ý sát hại và kẻ chủ mưu là ở Riad

>> Đại sứ Nguyễn Minh Vũ trình quốc thư lên Tổng thống Đức hôm 08.02.2019 tại Berlin

>> Thủ tướng Đức đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Slovakia

>> Hội nghị Thượng đỉnh Kim-Trump, vì sao lại ở Việt Nam?

>> Gần nửa triệu người Hà Lan xem phóng sự về tình trạng bốc lột tại các tiệm Nails

>> Thủ tướng Đức khích lệ thế hệ trẻ tiếp tục chiến đấu cho nền dân chủ

>> Hỏi và trả lời – Chuyển khâu nhận hồ sơ làm Visa sang Đức ra bên ngoài – Những gì thay đổi?

>> Tổng thống Trump xác nhận có thể sẽ gặp Chủ tịch Kim Jong Un tại Việt Nam hoặc Thái Lan

>> Châu Âu đặt Huawei vào trong tầm ngắm vì nghi ngờ hoạt động gián điệp

>> Vì sao tại Davos TT Nguyễn Xuân Phúc không vận động bà TT Đức Merkel ủng hộ EVFTA? 

>> Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua nghị quyết công nhận Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela

Kasse animation 7.8.2023