Việt kiều Đức đã từng bị bắt giữ khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội

Cảnh chị Trần Thị Hường, Việt kiều Đức – là người lao động hợp tác ở Đông Đức trước đây, bị giật biểu ngữ và bị bắt đưa lên xe buýt …

„Cả đêm hôm đó tôi không chợp mắt, bởi những câu hỏi này luôn hiện ra trong đầu tôi: Lạ thật, mình phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam mà sao công an Việt Nam lại bao vây mình? Những người công an này là ai? Ta hay địch?“.

Hiện nay dư luận xã hội trong và ngoài nước đang phẩn nộ về vụ một Việt kiều Mỹ Will Nguyễn bị bắt giữ khi tham gia biểu tình hôm 10/6/2018 ở Sài Gòn phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm và Dự Án An Ninh Mạng. Anh Will Nguyễn bị giam giữ từ đó cho đến nay chưa đươc thả ra.

Ít ai biết trước đây đã xảy ra trường hợp một gia đình Việt kiều Đức về thăm nhà và tham gia biểu tình chống Trung Quốc đã bị công an bắt giữ:

Cảnh con gái lớn (26 tuổi) của chị Hường hốt hoảng khi bị bắt …
Cảnh đứa con gái nhỏ (14 tuổi) của chị Hường hoảng sợ khi bị bắt …

Video-Clip gia đình Việt kiều Đức bị bắt giữ khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội

Anh Will Nguyễn 32 tuổi là người Mỹ gốc Việt sống ở Houston, Texas; gia đình anh sang Hoa Kỳ tỵ nạn sau chiến tranh Việt Nam, cho nên nhà cầm quyền Việt Nam rất dễ dàng chụp cho anh cái mũ „phản động“, „con cái của ngụy quân, ngụy quyền“ về Việt Nam „khích động, phá rối“.

Ngược lại, nhà cầm quyền Việt Nam không thể nào „gán tội“ cho gia đình Việt kiều Đức Trần Thị Hường được, vì bản thân chị Hường là người sống và được giáo dục đào tạo dưới chế độ XHCN.  Trong thư gửi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, chị Hường cho biết: “… thời trẻ, tôi đã đi theo nghị quyết của Đảng, vào Nam công tác, …”.

Và trong thư ngỏ gửi Chủ nước Trương Tấn Sang (xem toàn văn đính kèm ở cuối bài), chị Hường viết: „… tôi nhớ lại những ngày thiếu niên, đeo khăn quàng đỏ, rộn ràng trong biển người với một rừng cờ đỏ, biểu ngữ, đã xuống đường biểu tình, phản đối đế quốc Mỹ leo thang, bắn phá miền Bắc, Việt Nam. Chúng tôi đi quanh hồ Gươm, rồi toả ra xung quanh các dãy phố, đi đến đâu cũng được đồng bào hoan hô, ủng hộ, tặng hoa, rất khí thế“.

Hồi cuối thập niên 80 chị Hường được cử đi lao động hợp tác ở Đông Đức cũ (CHDC Đức). Chị hiện đang sinh sống ở Immendingen, một làng nhỏ ở cực Tây-Nam của nước Đức, giáp với Thuỵ Sỹ. Sau khi nước Đức thống nhất, chị đã có điều kiện kinh doanh thành công với nhà hàng và khách sạn, nhưng nơi đất khách quê người chị không quên quê hương dân tộc. Ngày 14 tháng 8 năm 2011 vợ chồng chị Hường và và ba cô con gái là cô Tuyết Trinh 26 tuối, cô Hà Thanh 14 tuổi và Minh Tâm 10 tuổi về Việt Nam.

Tuyết Trinh (26 tuổi) von gái lớn của chị Hường cũng tham gia biểu tình cùng mẹ

Chị là người Quảng Bình cùng quê với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị Hường viết tiếp: „… tôi lại nghe thêm tin tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc 5 ngư dân Quảng Bình, đây cũng chính là quê tôi. Căm thù lũ giặc tham tàn kia, tôi đã làm hai biểu ngữ “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam là sứ mệnh của toàn dân!” và “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”. Bên trên hai biểu ngữ này có in 2 lá cờ của 2 quốc gia mà tôi yêu quý: Việt – Đức“.

 

Chị Trần Thị Hường mặc áo mưa, hai tay gương cao biểu ngữ (có 2 lá cờ Việt và Đức ở góc trên) tham gia cuộc biểu tình vào sáng ngày 21/8/2011 bên Hồ Hoàm Kiếm – Hà Nội

Một ngày sau khi bị bắt, chị Hường và gia đình bị trục xuất về Đức, không kịp thăm gia đình Cha Mẹ chồng cũng như viếng mộ Cha Mẹ chị ở Quảng Bình: „Cuối cùng họ buộc tôi phải rời Việt Nam, quay trở về Đức. Tôi đã yêu cầu họ cho tôi về quê để thắp nén nhang cho ba má tôi (ba má tôi đã mất), về quê thăm bố mẹ chồng tôi, và nếu cần, họ có thể thu hộ chiếu, hoặc đi kèm, nhưng họ đã nhẫn tâm từ chối“.

Để kết thúc bài viết này, xin trích thắc mắc của chị Hường tự hỏi sau khi bị bắt: „Cả đêm hôm đó tôi không chợp mắt, bởi những câu hỏi này luôn hiện ra trong đầu tôi: Lạ thật, mình phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam mà sao công an Việt Nam lại bao vây mình? Những người công an này là ai? Ta hay địch?“.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)


Tài liệu đính kèm:

Thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Ảnh chụp thư của chị Hường gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Kính gửi: Ngài Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trước tiên, tôi xin trân trọng và thành kính gửi đến ngài và gia quyến, cùng toàn thể đồng bào Việt nam thân yêu lời chúc sức khoẻ và bình an.

Kế đến, tôi xin trình bày với ngài một sự việc như sau. Gia đình chúng tôi sinh sống ở Đức và mong muốn cả gia đình sẽ về thăm quê hương Việt Nam yêu thương vào mùa hè năm 2011. Chúng tôi đã đặt vé máy bay từ tháng 3 với kế hoạch sẽ bay vào ngày 12/08/2011, quay lại Đức vào ngày 5/9/2011, đây cũng là thời gian các con tôi được nghỉ hè. Trong thời gian chờ đợi đó, báo, đài thay nhau đưa tin, tàu Trung Quốc đánh đập bắt bớ trái phép ngư dân ta ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Táo tợn hơn, chúng còn tiến sâu vào lãnh hải nước ta, cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của ta. Thế là hàng ngàn người Việt yêu nước ở trong và ngoài nước đã đoàn kết, một lòng xuống đường biểu tình, phản đối bọn bành trướng xâm lược Trung Quốc trên toàn thế giới.

Không khí hào hùng làm tôi nhớ lại những ngày thiếu niên, đeo khăn quàng đỏ, rộn ràng trong biển người với một rừng cờ đỏ, biểu ngữ, đã xuống đường biểu tình, phản đối đế quốc Mỹ leo thang, bắn phá miền Bắc, Việt Nam. Chúng tôi đi quanh hồ Gươm, rồi toả ra xung quanh các dãy phố, đi đến đâu cũng được đồng bào hoan hô, ủng hộ, tặng hoa, rất khí thế.

Dân tộc ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, khi thấy chủ quyền bị xâm phạm, nhiều người dân đã tự phát xuống đường, biểu tình chống Trung Quốc mà tôi đã được xem qua từ báo, đài. Tôi mong từng ngày để được về thăm quê hương, để được hoà mình vào dòng người yêu nước đó, góp tiếng nói nhỏ bé của mình, lên tiếng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, phản đối Trung Quốc xâm lược.

Thế nhưng, một Chủ Nhật đen tối đã đến, đó là Chủ Nhật 17 tháng 7 năm 2011, những người công an đã khiêng một người biểu tình vứt lên xe bus và một công an mặc thường phục khác đã liên tục đạp vào mặt người thanh niên yêu nước này! Tôi không thể tin nổi và tôi đã bật khóc khi nhìn thấy hình ảnh này trên mạng, thưa ngài. Cú đạp này đã đạp vào mặt tất cả chúng ta, những người yêu nước thực sự, trong đó có tôi và ngài! Không hiểu ngài có biết chuyện đó không? Nếu chưa biết thì bây giờ ngài đã biết, mong ngài hãy giúp bảo vệ những công dân yêu nước đó, bởi họ giúp ngài bảo vệ đất nước Việt Nam, đất nước mà ngài hiện đang lãnh đạo.

Theo lịch bay, đến ngày 14 tháng 8, tôi và các con tôi đã về đến Việt Nam và chúng tôi đã đăng ký tạm trú ngay trong ngày. Ngay sau đó, tôi lại nghe thêm tin tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc 5 ngư dân Quảng Bình, đây cũng chính là quê tôi. Căm thù lũ giặc tham tàn kia, tôi đã làm hai biểu ngữ “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam là sứ mệnh của toàn dân!” và “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”. Những dòng chữ ghi trên hai biểu ngữ này cũng chính là nội dung mà ngài đã từng tuyên bố. Bên trên hai biểu ngữ này có in 2 lá cờ của 2 quốc gia mà tôi yêu quý: Việt – Đức.

Thưa ngài, tôi tin rằng ngài cũng đồng ý với tôi và nhiều người Việt Nam khác, rằng hai biểu ngữ nói trên là yêu nước, chứ không phải phản động, ngoại trừ những người Trung Quốc có ý đồ xâm chiếm nước ta, họ sẽ cho rằng những dòng chữ đó là phản động.

Sáng sớm ngày 21 tháng 8, ba mẹ con tôi (dự định đi 4 người, nhưng một cháu nhỏ 10 tuổi bị viêm phế quản, nên phải ở nhà) đã háo hức ra Bờ Hồ. Chúng tôi nhận thấy, có nhiều xe cảnh sát đủ loại, cùng lực lượng cảnh sát chìm, nổi, đông nghịt, đã làm mất đi vẻ đẹp thanh bình của Thủ đô Hà Nội. Ba mẹ con tôi đến lạy tạ vua Lý Thái Tổ xong đã thẳng tiến hướng về hồ Gươm. Chúng tôi đi nghiêm trang, đường hoàng, giương cao biểu ngữ, khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam.

Và chúng tôi không đơn độc. Rất đông đồng bào yêu nước đã xuất hiện và sát cánh cùng với ba mẹ con tôi. Chúng tôi đã được kết nối với nhau bằng tình yêu Tổ quốc Việt Nam. Xin cám ơn những đồng bào hôm đó, mặc dù không quen biết nhau, nhưng tình cảm dành cho Tổ quốc đã làm cho chúng ta gần nhau!

Chúng tôi tuần hành trong trật tự, bỗng đâu có hàng chục thanh niên, tay đeo băng đỏ, mặt đằng đằng sát khí xuất hiện, xông vào làm loạn cả lên. Chúng giật biểu ngữ có in cờ hai nước Việt – Đức của chúng tôi rồi quăng xuống đất. Tôi vội nhặt lên, ôm chặt vào lòng, thì bị khoảng 3-4 thanh niên lôi lên xe bus mà không một lời giải thích nào! Sau đó, họ đưa chúng tôi vào đồn Công an Mỹ Đình, rồi nhiều người liên tục thay phiên nhau tra hỏi, chụp ảnh mà không hề hỏi ý kiến chúng tôi xem họ có được phép làm như vậy hay không.

Đến 14 giờ thì tôi được thả. Vâng, tôi phải dùng từ “được thả” vì tôi bị họ giám sát nhưng những tên tội phạm, đi đâu họ cũng không cho đi, đấu tranh lắm thì họ cho đi nhưng luôn có người đi kèm bên cạnh. Họ đã đối xử với chúng tôi như những kẻ phạm tội!

Chưa hết, khi về đến nơi cư trú, tôi liên tục bị nhiều công an xuất nhập cảnh tới làm việc và đòi tôi đưa hộ chiếu. Mãi đến 23 giờ 40 vẫn còn có một nhóm người đến để làm việc tiếp. Tôi xin lỗi họ vì quá khuya tôi cần nghỉ ngơi, nên không thể tiếp họ được.

Sau đó, ngài có tưởng tượng được không, công an đã huy động xe các loại kéo đến, cùng một số công an và bảo vệ ngồi canh trước cửa nhà, nơi tôi tạm trú. Thật là khủng khiếp khi họ sử dụng một lực lượng công an hùng hậu để đối phó với một bà già như tôi, chỉ vì tôi đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược! Cả đêm hôm đó tôi không chợp mắt, bởi những câu hỏi này luôn hiện ra trong đầu tôi: Lạ thật, mình phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam mà sao công an Việt Nam lại bao vây mình? Những người công an này là ai? Ta hay địch?

Sáng hôm sau, khi tôi ra ngoài ăn sáng, họ đã có mặt trước nhà và đợi tôi để làm việc tiếp. Cuối cùng họ buộc tôi phải rời Việt Nam, quay trở về Đức. Tôi đã yêu cầu họ cho tôi về quê để thắp nén nhang cho ba má tôi (ba má tôi đã mất), về quê thăm bố mẹ chồng tôi, và nếu cần, họ có thể thu hộ chiếu, hoặc đi kèm, nhưng họ đã nhẫn tâm từ chối.

Thưa ngài chủ tịch, tôi tin rằng đa số người Việt Nam đều cho rằng những việc làm của tôi là thể hiện lòng yêu nước. Tôi hoàn toàn không hiểu vì sao tôi lại bị công an Việt Nam đối xử như vậy. Liệu những con người kia có còn là người Việt Nam không, thưa ngài? Đất nước Việt Nam có còn thuộc về người Việt Nam làm chủ nữa không? Xin ngài giúp tôi giải đáp những câu hỏi này.

Nhân tiện, tôi xin ngài giúp tôi làm rõ:

– Hộ chiếu của tôi được miễn thị thực 5 năm, nhưng không hiểu vì lý do gì phòng Quản lý Xuất Nhập cảnh đã đóng dấu “Đã hủy”. Họ hủy hộ chiếu tôi bởi lý do tôi yêu nước chăng? Nếu ai đó nói rằng, những người đi biểu tình, giúp bảo vệ chủ quyền Việt Nam là phản động, thì tôi xin khẳng định với ngài rằng, những người đó mới là phản động, bởi một lập luận rất đơn giản: họ không muốn chúng tôi bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam thì đương nhiên họ là phản động rồi! Tôi yêu Tổ Quốc Việt Nam nên đã cùng đồng bào tôi cất lên tiếng nói, thể hiện lòng yêu nước khi Tổ Quốc lâm nguy, thì sao lại hủy giấy miễn thị thực của tôi?

– Vì sao báo, đài Việt Nam lại gọi những người đi biểu tình, bảo vệ chủ quyền đất nước mà ngài đang lãnh đạo là phản động? Chúng tôi ủng hộ những tuyên bố của ngài, nhưng họ gọi chúng tôi là phản động, vậy theo họ, thì những tuyên bố của ngài sẽ bị đánh giá ra sao?

– Từ ngàn xưa ông bà ta đã nói: Thâm nho nhất là bọn Tàu phù. Có lẽ đúng thế, bởi không hiểu bằng cách nào mà bọn chúng đã làm cho công an Việt Nam đàn áp những người yêu nước Việt Nam, làm cho báo, đài Việt Nam gọi những người bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam là phản động! Họ đã chia rẽ nhà nước với nhân dân.

Thưa ngài, ông bà ta có câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ngài thật may mắn, có được những công dân luôn ủng hộ ngài. Vậy mà có những kẻ đã cản trở những người dân này ủng hộ ngài!

Tôi xin gửi kèm đoạn video này để ngài xem và so sánh:

– Video: gần 100 công nhân Trung Quốc tụ tập, mang vũ khí, gậy gộc, lùng đuổi đánh những người dân của ngài. Họ đã bị xử lý ra sao rồi ?

– Video: tôi và những người dân yêu nước của ngài đi biểu tình ôn hoà, ủng hộ những tuyên bố của ngài, đã bị những thanh niên tay đeo băng đỏ xông vào bắt bớ, làm náo loạn.

Thưa ngài, qua lá thư này cho tôi gửi lời chào kính phục đến tất cả đồng bào Việt Nam ở trong nước, các anh, các chị và các bạn thật là dũng cảm và tuyệt vời. Và tôi cũng xin lỗi đồng bào trong nước, bởi vì tôi mà công an Việt Nam đã phải chi quá nhiều những đồng tiền thuế của đồng bào. Xin cho tôi được ôm hôn tất cả đồng bào đã đồng hành cùng tôi hôm đó cũng như tất cả những đồng bào còn lo lắng cho vận mệnh Tổ quốc Việt Nam.

Cuối thư, tôi xin chân thành cảm ơn ngài đã bớt chút thời gian quý báu để đọc lá thư này. Xin thành kính chúc ngài và gia quyến cùng toàn thể đồng bào Việt Nam sức khoẻ dồi dào, một lòng đoàn kết, chung tay bảo vệ đất nước và xây dựng một nước Việt nam giàu mạnh.

Trân trọng,

Ngày 10-9-2011

Trần Thị Hường

Địa chỉ: Tran thi Huong

Hindenburgstr 9,78194

Immendingen

Germany


Kasse animation 7.8.2023