Liên hoan mừng Tết Mậu Tuất ở trường Đại học tổng hợp Passau

Cứ mỗi dịp xuân về thì người Việt Nam dù ở đâu trong lòng cũng háo hức, vì Tết là dịp để gia đình đoàn viên, sum vầy sau một năm dài làm việc. Nhưng Tết lại có thêm một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với thầy trò viện Đông Nam Á và Phát triển trường Đại học Passau, bang Bayern, CHLB Đức. Đó là dịp để giữ gìn và giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Việt đến những người bạn quốc tế.

Như thường lệ, năm nay vào ngày 2 tháng 2 năm 2018, cô Ngô Thị Bích Thu, giảng viên tiếng Việt, thuộc Trung tâm Ngoại ngữ của trường và giáo sư tiến sỹ Sử học Martin Grossheim, chuyên gia về Việt Nam, lại tổ chức ăn Tết Nguyên Đán cho các bạn sinh viên tiếng Việt, sinh viên ngành Việt Nam học và những sinh viên quan tâm đến văn hóa Việt ở trường Đại học tổng hợp Passau.

Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng và được quan tâm nhất trong học kỳ mùa Đông. Vào dịp Lễ thánh Nikolaus hàng năm, cô giáo Bích Thu cũng làm Lễ tặng tên Việt Nam cho các sinh viên Đức học tiếng Việt. Đây cũng là một sáng kiến mà cô đã thực hiện từ nhiều năm nay. Qua sự kiện này, các bạn sinh viên ai cũng có tên Việt phù hợp và đầy ý nghĩa, qua đó thắt chặt hơn sự gắn bó giữa hai nền văn hóa.

Đêm liên hoan rất vui mừng khi được chào đón hơn 70 sinh viên và một số khách mời không chỉ đến từ Đức, Việt Nam mà còn từ rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như Ý, Anh, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan và An- giê -ri… đến tham dự. Đây là một dịp rất tốt để quảng bá hình ảnh Việt cũng như văn hóa nghìn năm của chúng ta đến các bạn bè quốc tế.

Để có một sự chuẩn bị hoàn hảo nhất có thể, ngoài cô giáo Bích Thu và Giáo sư Martin Grossheim thì các bạn sinh viên Đức và sinh viên Việt đã và đang làm BA, MA của viện Đông Nam Á và Phát triển ai cũng tích cực giúp một tay để làm nên một đêm mừng Xuân Mậu Tuất đầy ấm áp, sum vầy và đặc biệt là một bầu không khí rất Việt Nam. Đặc biệt là các bạn sinh viên trong Ban Tổ chức như: Bích Ngọc, Thanh Trúc, Thương Thương, Hương Mai, Quốc Anh, Hoài Ngân, Thu Hà, Henrik, Tabea, Julia …

Với một tinh thần vô cùng hăng hái, các bạn cũng học được rất nhiều điều từ khâu chuẩn bị mâm cỗ như bóc và cắt từng chiếc bánh chưng xanh thơm phức rồi cách xếp xôi gấc, giò vào đĩa… đúng cách truyền thống. Trong khi đó đội trang trí cũng vui vẻ hoàn tất những khâu cuối cùng với cành đào đỏ thắm và khẩu hiệu chúc mừng.

Sau khi cô Bích Thu và thầy Martin Grossheim gửi lời chào đến mọi người và giới thiệu về Tết Nguyên Đán thì buổi tiệc được bắt đầu. Ai ai cũng hồ hởi để được thưởng thức các món ăn truyền thống Việt. Bạn Putri Utami cho hay „Các món ăn Việt thật tuyệt vời, mình rất lấy làm vinh dự khi được có mặt ở đây ngày hôm nay để trải nghiệm và hiểu thêm về nét văn hóa Việt Nam đặc biệt, sự tích về Bánh chưng rất thú vị!“. Người ta thường nói con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua dạ dày. Bằng những món ăn truyền thống này, cô Bích Thu cùng các bạn sinh viên viện Đông Nam Á và các bạn lưu học sinh Việt Nam không những đã chạm được trái tim của mọi người mà còn để lại những dấu ấn khó phai về nét văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam và truyền thống hiếu khách của người Việt

Lì xì cũng là một trong những điểm sáng của chương trình. Theo ý tưởng của cô giáo Bích Thu, thay vì tặng tiền như ở Việt Nam, mọi người đã tặng nhau những lời chúc tốt đẹp trong những bao lì xì đỏ tươi. Tiếp theo chương trình, Giáo sư Sử học Martin Grossheim có một bài thuyết trình về Hà Nội ba mươi năm về trước. Hồi đó thầy là một trong những sinh viên Tây Đức đầu tiên có mặt ở Việt Nam sau khi có chính sách Đổi mới. Những tấm hình do chính Giáo sư chụp chân thật làm sao, làm người ta hoài niệm về một Hà Nội nên thơ mỗi khi hoa đào nở. Thầy Martin Grossheim còn kể về chuyến đi thực tế xuyên Việt cùng với sinh viên tiếng Việt vào mùa Thu vừa rồi. Giáo sư có dịp đưa đoàn về thăm khoa Việt Nam Học và Tiếng Việt, nơi ba mươi năm về trước thầy từng học tập.

Cao trào của buổi tiệc là hoạt động nhảy sạp của sinh viên với những tà Áo dài thướt tha. Sau khi đội nhảy hoàn thành tiết mục thì các bạn bè quốc tế cũng có dịp thử văn hóa nhảy sạp đặc sắc của quê ta. Và đồng thời Giáo sư cũng giải thích cho các bạn về ý nghĩa và sự quan trọng của cây tre trong lịch sử, văn hóa và đời sống của người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay.

Buổi tiệc đón Tết Mậu Tuất kết thúc nhưng ai cũng vẫn ở trong tâm thế rất phấn khởi vì những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Ai cũng ra về mới nụ cười tấm tắc trên môi và bao lì xì đỏ chói trên tay. Chắc hẳn đây là một đêm khó quên không chỉ đối với thầy Martin Grossheim và cô Ngô Thị Bích Thu, giảng viên tiếng Việt, mà còn sẽ được tất cả sinh viên và mọi tham dự người nhắc đến mãi.

Ngoài sự kiện này thì thầy và cô cũng tổ chức các cuộc gặp mặt thường kỳ hai lần mỗi học kỳ như: Đêm nấu cơm Việt Nam với những bài thuyết trình của các bạn sinh viên Đức về kinh nghiệm ở Việt Nam, hay đêm phim Việt Nam…

Nhờ những hoạt động thiết thực như vậy mà hình ảnh về văn hóa và con người Việt Nam ở trường Đại học Passau nói riêng, ở CHLB  Đức và Châu Âu nói chung ngày được biết đến nhiều hơn. Những niềm vui và ý nghĩa của sự kiện này làm mọi người gắn kết lại với nhau hơn, đặc biệt thắt chặt tình hữu nghị Việt – Đức.

Mọi người quây quần bên nhau và vui vẻ học cách chuẩn bị các món ngon truyền thống Việt như Bánh chưng, Xôi gấc tạo nên một không khi rất ấm áp và thân tình

 

Giảng viên tiếng Việt cô Ngô Thị Bích Thu và Giáo sư Tiến sĩ Martin Grossheim, chuyên gia Sử học Việt Nam phát biểu khai mạc và giới thiệu đôi lời về Tết Cổ truyền Việt Nam

Nhảy Sạp là cao trào của buổi liên hoan khi mọi người ai cũng rất thích thú không chỉ vì những tà Áo dài, điệu nhảy mà còn vì mọi người được trải nghiệm trực tiếp nét văn hóa truyền thống Việt Nam ngay trên nước Đức

Trương Hoài Ngân – CTV Thoibao.de

>>> Mời các bạn bấm vào đây để xem thêm ảnh

Kasse animation 7.8.2023