Việt Nam đẩy nhanh việc tư hữu hóa

Chính phủ Hà Nội đã bước vào năm mới với những ý định và quyết tâm tốt đẹp. Các nhà đầu tư tư nhân, kể cả nhà đầu tư nước ngoài có thể được tham gia mạnh hơn và nhiều hơn vào các doanh nghiệp nhà nước. Việc tư hữu hóa năm 2017 đã mang lại khoảng 6 tỉ USD. Trong năm nay dự kiến sẽ có nhiều tiền hơn nữa để củng cố nền tài chính quốc gia.

Nguồn báo NZZ, Thụy Sĩ : https://www.nzz.ch/wirtschaft/vietnam-beschleunigt-privatisierungen-ld.1349770 

Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ chương trình tư hữu hóa trong năm nay. Theo phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với hãng tin Bloomberg, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 có thể tăng lên tới 6-7 lần. Theo kế hoạch, giá trị các xí nghiệp quốc doanh được cổ phần hóa (SOE) có thể cao hơn gấp 10 lần năm 2017. Như vậy, năm 2018 có thể trở thành một năm then chốt đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Hà Nội hy vọng một mặt có được động lực để hiện đại hóa đất nước mới công nghiệp hóa và cải thiện được hiệu quả của các xí nghiệp quốc doanh. Trong số 200 xí nghiệp quốc doanh này, có nhiều xí nghiệp là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia. Mặt khác, Chính phủ có ý định cải thiện tài chính nhà nước. Ở Việt Nam đang có những dự án hạ tầng cơ sở cấp thiết đã bị trì hoãn trong những năm qua do khó khăn về tài chính. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng cải thiện cũng cải thiện sự minh bạch của những doanh nghiệp này.

Việc bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước trong năm qua đã mang lại cho Hà Nội khoảng 6 tỉ USD. Trong đó, riêng IPO của tập đoàn Bia Sài Gòn (Sabeco) đã mang lại con số kỷ lục 4,8 tỉ USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp bia lớn nhất nước này lại do Thai Beverage, người khổng lồ về thực phẩm của Thái Lan, kiểm soát. Đối với Tổng Công ty bia Hà Nội (Habeco), doanh nghiệp sản xuất bia nhỏ hơn một chút được đưa ra bán lần này thì có Carlsberg nằm trong số những nhà đầu tư quan tâm.

Trong số những doanh nghiệp lớn dự kiến được cổ phần hóa trong năm nay có những doanh nghiệp công nghiệp như Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Binh Son Refining and Petrochemical), Tổng công ty Dầu Việt Nam (Petro Vietnam Oil) cũng như Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam Power). Cho tới nay, Chính phủ đã nâng giới hạn cổ phần (FOL) đối với người nước ngoài ở hầu hết các lĩnh vực. Việc mở cửa những doanh nghiệp được bảo vệ trong quá khứ có thể góp phần làm cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đất nước ở Đông Nam Á này tiếp tục tăng lên. Tổng số FDI năm 2017 đạt khoảng 17,5 tỉ USD và năm 2016 đạt 15,8 tỉ USD.

Mối quan tâm tới Việt Nam của nước ngoài được thức tỉnh thể hiện một phần qua việc thị trường chứng khoán bùng nổ. Chỉ số chứng khoán VN-Index tăng gần 10 lần trong 5 năm và riêng năm ngoái đã tăng 48%. Theo tập đoàn quản lý tài sản Dragon Capital, hai thị trường chứng khoán ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong năm 2017 đã ghi nhận dòng vốn ròng cao kỷ lục từ nước ngoài vào là 1,15 tỉ USD.

Sự bùng nổ được nhấn mạnh thông qua thành tích kinh tế tăng liên tục từ nhiều năm qua. Sau khi đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2016, Tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam lại tăng lên mạnh hơn với 6,8% trong năm 2017. Qua đó, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á. Việc đình chỉ các cuộc đám phán TPP mà Việt Nam hy vọng qua đó thâm nhập được tốt hơn vào thị trường Mỹ, mặc dù làm người ta thất vọng. Tuy nhiên, những dự báo cho năm 2018 vẫn cho rằng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ tương tự như năm 2017.

Văn Long – Thoibao.de (Lược dịch bài của Manfred Rist từ Singapore đăng trên báo NZZ, Thụy Sĩ)

——

Kasse animation 7.8.2023