Ông Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Phòng chống Tham nhũng TW chỉ đạo: “…phải tập trung, khẩn trương đưa ra xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, phạm tội “Tham ô tài sản”, ”cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Như thế, mặc dù chưa lập tòa để xử, các nghi phạm đã bị kết 3 tội lớn: ”Tham ô tài sản” (thế là bên cạnh tội tham ô tài sản, còn có thể có tội tham ô chức quyền… cũng có thể có cả tội tham ô tình dục…); ”Cố ý làm trái quy định của Nhà nước…”, ”lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…”. Nếu có ý thức luật pháp, người ta sẽ nêu các nghi phạm bị nghi đã phạm 03 tội lớn. Nhưng thôi, vì tiếng Việt còn lộn xộn, nên chi cái ông PGS nọ đã phải mất 24 năm để nghiên cứu một đề án cách cái chữ Việt đi!
Nghi phạm tội to đùng thì phải điều tra, khẩn trương lập tòa án xét xử đúng người, đúng tội, là đương nhiên. Việc phải có Ban chỉ đạo chỉ thị yêu cầu khẩn trương tập trung để đưa ra xét xử, chứng tỏ ba công cụ để phòng chống tham nhũng ở nước ta có vấn đề. Chúng không đủ năng lực, phẩm chất, cả quyền hạn để thực hiện chức năng mặc nhiên của mình. Ba công cụ ấy là: (1) Tư pháp (gồm hệ thống luật và Tòa án); (2) Cảnh sát (để điều tra); và (3) là báo chí tự do. Đó là ba công cụ lớn để nhân dân và xã hội phòng và chống tham nhũng. Thực tế đã khẳng định rằng, trong lịch sử xã hội pháp quyền thì ba hệ thống đó chính là ba công cụ cơ bản, sắc bén nhất để một nhà nước văn minh hiện đại sử dụng để chống tham nhũng. Cách đây mấy chục năm, khi tôi cho đăng trên tờ Thông tin và Lý luận của cái gọi là Viện Mác Lê nin và tư tưởng Hồ chí Minh bài “Ba Công Cụ Lớn Để Chống Tham nhũng”, có một người lãnh đạo bảo với tôi ”Mình đã đọc bài của ông, nhưng sao ông không đưa phong trào quần chúng vào”. Tôi thưa anh nhầm, tôi coi đây là công cụ, còn quần chúng phải được sử dụng những công cụ tốt mới có thể chống tham nhũng. Ông ấy bảo ờ, ờ anh nói đúng. Nhân vụ này tôi nghĩ rằng cái Ban Phòng Chống ấy đã không biết làm việc. Họ đã làm thay chức năng của Nhà nước. Mà vì họ không có tư cách là Nhà nước, nên đã làm rối loạn sân chơi. Với một đảng cầm quyền, khi thấy bộ máy Nhà nước không làm tròn chức năng để tham nhũng tràn lan thì phải tìm cách thay đổi cái bộ máy chính quyền ấy, thay người, nếu thấy chưa đủ thì phải thay thể chế. Nếu thấy tư pháp không đủ năng lực và thẩm quyền thì phải cải cách tư pháp. Nếu báo chí không đủ sức mạnh và đạo đức của tự do báo chí thì phải tìm cách tạo ra một nền báo chí đủ dũng lược làm tai mắt, làm sức mạnh tinh thần cho nhân dân. (Đạo đức của tự do báo chí, tai mắt và sức mạnh tinh thần, đều là chữ của ông tổ sư Các Mác, tôi mượn để dùng). Nếu lại thấy cảnh sát không đủ trí, dũng, đức thì phải tổ chức lại nó, chứ không phải nhập vào nó kiếm một chân thường vụ! Không để cho nó tha hóa, sử dụng quyền uy hùa theo, bảo kê chia chác với quan chức tham nhũng. Phải làm cho Cảnh sát trở thành một quyền uy của văn minh chứ không thể là bạo lực của hoang dã, là chàng ”Hiệp sĩ bảo vệ dân chủ, pháp quyền của Dân, bảo vệ thị trường hiện đại” (Trích phát biểu với Quân ủy Công an đầu những năm 90). Hiểu đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối theo kiểu đảng làm thay chính quyền thì không còn là toàn diện và tuyệt đối nữa, mà là phân vai không rõ, vẫn giữ thói làm việc như khi chưa có chính quyền. Sân khấu mà phân vai và thủ vai lộn xộn thì xem chẳng còn hứng thú gì.
Ban Chỉ đạo nên thay đổi cách và nội dung làm việc cho đúng chức năng lãnh đạo. Hãy tập trung năng lực nghiên cứu đến nơi đến chốn. Vì sao một Đảng cầm quyền “toàn diện và tuyệt đối mà nửa thế kỹ lại không có cách chi để xoay chuyển tình thế, mà vẫn để cho tham nhũng ngày một phát triển, “Cả một bầy sâu” “ăn không chừa một thứ gì”? Các quốc gia văn minh, nhân dân họ có phước vì có một thể chế hiện đại phù hợp tiến trình lịch sử, hễ thấy có dấu hiệu bất an thì lập tức thay đổi. Hoặc Chính phủ phải thay đổi, hoặc Quốc hội phải thay đổi, hoặc pháp luật phải thay đổi, nhằm điều tiết kịp thời những tiêu cực chớm nở trong xã hội và trong Nhà nước. Nước ta duy trì quá lâu cả hai trạng thái. Một là mô hình quản lý xã hội kiểu “xô viết” lỗi thời và đã phá sản. Hai là duy trì một cung cách làm việc quá “âm lịch”, không khác gì thời phong kiến. Thời ấy vua thấy cần làm gì thì ra chỉ dụ, cai trị sau đó thì lập ban bệ y như ta bây giờ! Hãy chỉ cho rõ đâu là bất cập của tư pháp, đâu là yếu kém của cảnh sát, đâu là thiếu vắng của báo chí tự do. Người ta bảo biết việc cần làm mới là anh hùng vừa có trí lại có dũng. Chứ như cứ để “lú lẫn toàn tập” chi phối, ảnh hưởng thì cứ như có “ắc ê” mà không có phát triển. Có vẽ như có hành động mà không có hiệu quả. Rõ ràng, sự trì trệ của phòng và chống tham nhũng là có những nguyên nhân gốc gác của nó, cần mổ xẻ. Cách đây mấy chục năm khi tôi về Tuy Hòa, nhân đến làm việc với một xã vừa bị bão tàn phá. Chúng tôi ngồi trong hội trường ủy ban, ngói đã bay sạch, chưa có kinh phí để lợp lại. Vị Bí thư đảng ủy nói mà tôi còn nhớ mãi “các ông trung ương nói chống tham nhũng chẳng khác gì bà con chúng tôi chống bão vậy. Chống nghĩa là dựng nó lên chứ chống cái nỗi gì!”. Mấy chục năm tôi vẫn còn nhớ cái chất u-mua (hài hước) và thâm thúy trong tâm thức của một cán bộ cơ sở.
Trừng phạt những kẻ “tham ô tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản”… thì xử phạt cho nghiêm minh là đúng rồi. Theo đề xuất của GS Hoàng Xuân Phú thì mở một phiên tòa công khai minh bạch, đúng thông lệ quốc tế và đúng luật, có sự chứng kiến của quốc tế cũng là giải pháp khả dĩ làm hạ hỏa cơn giận “pháp quyền văn minh” của Đức.
Nhưng tôi nói vụ án kép là có cơ sở sau đây vì hai lẽ. Có thể phiên tòa này không đưa ra xử mấy tội danh tày đình này. Tuy thế có mấy tội danh lớn dính líu đến vụ án này, cũng cần đưa ra mổ xẻ, phân tích làm cơ sở cho môt bản án văn minh và công bằng.
Trước hết nói tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước… gây hậu quả nghiêm trọng…”. Thế thì những chủ trương và hành vi tuy là đúng quy định nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng đến mức dẫn tới khủng hoảng chính trị, kinh tế, và xã hội như từng xảy ra trước đây và cả hiện nay thì thế nào? Biết bao chứng cớ về tình hình và tội danh này, nào hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương, nào Formosa, nào Bauxite, nào xi măng lò đứng… ôi chao nhiều lắm, đều gây hậu quả nghiêm trọng cả. Nếu không có câu ‘làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng’, theo chỉ đạo của ông Trọng thì chắc tôi cũng không thể liên hệ, mà không nghĩ đến cái phản đề này.
Tội danh thứ hai liên quan đến vụ Trịnh xuân Thanh là hành động phạm đến lợi ích quốc gia (Đức đình chỉ quan hệ chiến lược với Việt Nam, một sự cố ngoại giao gây thiệt đơn thiệt kép), mặt khác là nỗi nhục quốc thể khi hành xử cấp quốc gia mà bất chấp luật lệ văn minh, cứ như là thời trung cổ! Khi nghĩ đến tội làm thất thoát 3.200 tỷ của bọn Thanh đã thấy điên đầu tức lộn ruột, cứ những muốn “thề phanh thây xé xác quân thù”, thì với tội danh làm mất lợi ích kinh tế văn hóa xã hội trong bang giao với Đức với EU đâu chỉ tính ngàn mà là hàng vạn hàng ức tỷ. Lại còn nổi nhục quốc thể thì không thể đo đếm bằng giá trị vật chất được. Bởi “Quốc thể” là vô giá. Một Đất Nước nếu có cái gọi là “não trạng công lý” (esprit des lois) không thể không tính đến mấy tội danh liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.
Vì thế tôi gọi đây là vụ án kép!
Ông Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư 73 tuổi của ĐCS Việt Nam
Nguyễn Khắc Mai – nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng CSVN, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt.
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam và trục xuất tiếp cán bộ ngoại giao Việt Nam trong vòng 4 tuần.
Bộ Ngoại giao Đức xác nhận: Chính phủ Đức đã đình chỉ Hiệp định Việt – Đức miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao
—–