Philipp Röstler: „Người ta không thể ngăn cản được sự toàn cầu hóa“

Trong thời gian sang Đà Nẵng tham dự Hội nghị APEC, ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức đã trả lời phỏng vấn báo Đức 8MRD, trong đó nói về Việt Nam, nơi ông được sinh ra và tương lai của thương mại thế giới, sau đây là lược dịch trả lời phỏng vấn của ông:

Ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức tới dự APEC 2017 tại Đà Nẵng với cương vị Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Ông Rösler, phải chăng các chuyến đi Việt Nam là một điều đặc biệt đối với ông?

Các chuyến đi trước đây luôn đặc biệt về mặt trí tuệ, nhưng không quá xúc cảm. Nhưng sau nhiều chuyến đi, người ta cũng thấy xúc động, khi người ta được đón tiếp nồng nhiệt như vậy và khi người Việt Nam coi đó là một người trong số họ. Mọi người rất tự hào. Giờ đây, tôi cũng thực tình rất xúc động.

Nhưng ông luôn nhấn mạnh rằng ông là người Đức.

Nếu ông có hình dáng bên ngoài giống tôi và lại ở Việt Nam, nơi tất cả người ngoài đều trông tương tự và ông lại nói tiếng Đức thì mọi người sẽ đặt câu hỏi và người ta phải giải thích vì lịch sự.

Cách đây một năm, Việt Nam còn được coi là một trong những bên được hưởng lợi chính của Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau đó, Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định. Giờ đây, ông khuyên điều gì đối với người Việt Nam?

Họ phải chấp nhận thực tế và hành động theo điều đó. Giờ đây chỉ còn 11 nước tham gia TPP. Điều đó là đáng tiếc, cũng đối với Việt Nam. Nhưng mặc dù vậy, người ta phải làm được điều tốt nhất từ đó. Tôi cảm nhận được là người ta có ý chí để làm việc đó.

Donald Trump thì tìm cách ký kết được các hiệp định thương mại song phương ở châu Á.

Ý tưởng cơ bản luôn cho rằng thỏa thuận đa phương là giải pháp tốt nhất, thỏa thuận song phương chỉ là tốt thứ nhì. Đối với một doanh nghiệp vừa ở Đức thì có sự khác biệt là khi xuất khẩu, ông ta phải xem kỹ năm Hiệp định hay chỉ một Hiệp định. Nhưng hiệp định song phương cũng còn tốt hơn là không.

Như vậy, Mỹ vẫn tiếp tục tham gia toàn cầu hóa?

Dù trong trường hợp nào, toàn cầu hóa sẽ vẫn tiếp tục, người ta không thể ngăn cản nó. Chuyến thăm châu Á của Trump, một trong những chuyến thăm phong phú nhất của một tổng thống Mỹ cho tới nay, cho thấy là Mỹ cũng không chống lại toàn cầu hóa.

Châu Âu vẫn còn e dè ở châu Á.

EU đàm phán Hiệp định thương mại tự do với từng nước ở châu Á. Nhưng việc ký một Hiệp định đa phương với Cộng đồng các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng sẽ có ý nghĩa. Tôi cũng đã kêu gọi các nước Đông Nam Á về vấn đề này.

Tại các nước như Thái Lan, nơi một chính quyền quân sự cai trị và ở Philippin, nơi chính phủ đang tiến hành một cuộc chiến chống ma túy tàn bạo thì các cuộc đàm phán về thương mại tự do của EU đã bị đình chỉ vì vấn đề nhân quyền.

EU đi theo khung giá trị của mình. Điều đó là logic và kiên định.

Năm 2012, khi ông sang Việt Nam với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế, trong một bài phát biểu ở Hà Nội, ông đã nói: „Không có tự do kinh tế nếu không có tự do xã hội“. Giờ đây ông còn nhìn nhận như vậy không?

Đó là trích lời ông Otto Graf Lambsdorff, một trong những Bộ trưởng Kinh tế lớn nhất mà Đức từng có. Đó là tư tưởng chủ đạo của tôi và điều đó luôn là một phần hành động của tôi trong suốt thời gian tôi là Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ liên bang.

Ông đánh giá thế nào về việc thay vì điều đó, mô hình xã hội Trung Quốc càng ngày lại có nhiều người ở châu Á ủng hộ.

Chúng tôi là một tổ chức quốc tế, không bày tỏ quan điểm của mình về những mô hình xã hội khác nhau.

Như vậy, giờ đây ông không còn coi nhiệm vụ của mình là đề cao tự do xã hội?

Nhiệm vụ của tôi là đưa ra một diễn đàn vô tư và đưa mọi người lại đối thoại với nhau. Tôi không còn là chính khách nữa, nhưng đưa các chính khách có quan điểm khác nhau lại với nhau.

Tại Đức, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ngày càng bị hoài nghi.

Nếu ông là người ủng hộ thị trường mở, tạo điều kiện cho thi đua công bằng thì ông cũng phải cho phép tất cả những người tham gia thị trường tuân thủ những quy định. Tôi tin rằng chúng ta ở Đức có thể bình thản nhìn nhận sự việc. Một khi mà chính trị đề ra những quy định tốt thì họ không nên can thiệp vào cuộc chơi. Đó là một quan điểm nguyên thủy về tự do.

Giờ đây, với Hiệp định tự do thương mại RCEP (giữa các nước ASEAN và 6 nước là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Ấn Độ), Trung Quốc muốn thúc đẩy chính sách thương mại của mình. Nước này có thể quyết định những quy tắc trong thương mại ở châu Á. Liệu đó có thành vấn đề không?

Họ đưa ra một đề xuất, sau đó sẽ có cung và cầu. Đề nghị đó có thể được chấp nhận hoặc không. Ai có ý kiến khác thì nên đưa ra đề nghị lựa chọn khác.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ: “ Tuyệt vời khi gặp gỡ Ông Philipp Rösler ở thành phố Đà Nẵng trong APECVN2017 & Business Summit 2017´´ (twitter.com/philipproesler)

Văn Long – Thoibao.de (Lược dịch theo báo Đức)

—-

Kasse animation 7.8.2023