Chủ tịch nước dẫn ‘anh em bốn bể là nhà’ tại tiệc chiêu đãi APEC

Phát biểu chào mừng tại Tiệc chiêu đãi các thành viên tham dự APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn câu "Anh em bốn bể là nhà" để nói về sự hợp tác giữa các thành viên.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tiệc chiêu đãi 

Tối 10-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đã chủ trì lễ đón chính thức lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cùng phu nhân, tiệc chiêu đãi và biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

Đây là sự kiện nổi bật của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 nhằm giới thiệu đến các nền kinh tế thành viên APEC những nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

Theo truyền thống của diễn đàn, trước tiệc chiêu đãi, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong trang phục Việt Nam cùng phu nhân đã chụp ảnh kỷ niệm.

Sau nghi thức đón tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu khai mạc buổi tiệc chiêu đãi.

Anh em bốn bể là nhà

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng tươi đẹp, giàu lòng mến khách và tin rằng mọi người sẽ cảm nhận được tinh thần lạc quan, luôn hướng về phía trước của người dân Việt Nam.

Chủ tịch nước nói: Quý vị vừa được xem bức tranh khái quát về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Cách nhìn có thể khác nhau nhưng tôi tin rằng mỗi người trong các bạn đều cảm nhận được ước vọng hòa bình, ý chí vươn lên không ngừng và đặc biệt là tinh thần lạc quan luôn hướng về phía trước của mỗi người dân đất Việt.

Ca dao Việt Nam có câu “Anh em bốn bể là nhà”. Nhưng còn hơn thế nữa, cùng sống bên hai bờ Thái Bình Dương, suốt hàng chục năm qua, chúng ta may mắn được chia sẻ trái ngọt của hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. 

Từ một nơi từng là chiến trường, sau mấy chục năm qua, châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành cái nôi của những câu chuyện thần kỳ về phát triển kinh tế.

Nền tảng của thành công đó là bởi chúng ta cùng tin tưởng vào sức mạnh của hợp tác và đối thoại. 

Tổng thống Donald Trump trò chuyện với Thủ tướng Thái Lan trong buổi tiệc chiêu đãi – Ảnh: GIA TẦN

Sự hiện diện của đông đảo quý vị tại đây là minh chứng sinh động nhất cho niềm tin ấy. Thái Bình Dương rất rộng lớn nhưng khoảng cách địa lý đó không ngăn được ý chí và quyết tâm hợp tác của chúng ta vì một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn khu vực. 

Sau gần 30 năm thành lập, APEC đã trở thành diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, là vườn ươm của rất nhiều ý tưởng, sáng kiến về phát triển, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư và là cơ chế điều phối hợp tác kinh tế toàn khu vực.

Cùng nhau nỗ lực nâng cao vai trò của APEC trong quản trị kinh tế khu vực và toàn cầu, chúng ta sẽ biến dự báo thế kỷ 21 là “Thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương” trở thành hiện thực.

Như cây tre Việt Nam

“Hôm nay, chúng ta gặp mặt tại đây trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới và khu vực xuất hiện thêm nhiều điểm sáng. 

Đúng 10 năm kể từ khủng hoảng toàn cầu 2008 – 2009, kinh tế và thương mại thế giới đang phục hồi tích cực. Châu Á – Thái Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi mức trung bình của thế giới. 

Trong đó, điều đáng mừng là các nền kinh tế APEC, nhất là các nền kinh tế lớn, đang phục hồi và tăng trưởng tương đối vững chắc. 

Sức sống mãnh liệt và sự tự cường của nền kinh tế khu vực giống như cây tre Việt Nam luôn dẻo dai, vững vàng trước mọi phong ba bão táp. 

Thực tế đó càng thôi thúc chúng ta cùng nhau hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm hoàn thành các Mục tiêu Bô-go và xác định hướng đi chiến lược cho APEC trong thời gian tới” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng phu nhân tươi cười tại tiệc chiêu đãi tối 10-11 – Ảnh: GIA TẦN

Chủ tịch nước cho rằng về mặt địa lý, Việt Nam được coi như mặt tiền của Đông Nam Á lục địa nhìn ra Thái Bình Dương. 

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và chiến lược phát triển của Việt Nam. 

Từ khi bắt đầu tiến hành đổi mới, việc hai lần vinh dự là chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017 cho thấy tương lai Việt Nam không thể tách rời tương lai chung của toàn khu vực, đúng như chủ đề mà chúng ta đã cùng xác định cho Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Chủ tịch nước nhắc lại đúng 11 năm trước, khi Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao APEC, Việt Nam mới bắt đầu chặng đường hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới. 

Trong quãng thời gian đó, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ 730 USD năm 2006 lên gần 2.400 USD hiện nay. 

Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu và là một mắt xích quan trọng của nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực.

Những thành tựu đạt được sau 20 năm tham gia APEC càng khẳng định quyết tâm của Việt Nam đổi mới đồng bộ, hội nhập sâu rộng và phát huy vai trò chủ động, tích cực hơn nữa trong việc góp phần định hình các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu. 

Đồng thời, đó cũng là thành quả của tiến trình hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC. 

“Để có một Việt Nam đang không ngừng vươn lên và là điểm đến ưa thích của bạn bè quốc tế, chúng tôi đã cùng các bạn tiến những bước dài trên chặng đường hợp tác và phát triển” – Chủ tịch nước khẳng định.

Nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam về trao đổi thương mại và đầu tư. 

Chiếm 85% lượng du khách quốc tế đến Việt Nam và 80% lượng sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài, các bạn thực sự đã góp phần đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam. 

“Tận đáy lòng mình, chúng tôi mong các bạn sẽ cùng Việt Nam viết tiếp câu chuyện thành công của APEC nói chung và của Việt Nam nói riêng” – Chủ tịch nước gửi gắm trong phần kết bài phát biểu.

Sau bài phát biểu, Chủ tịch nước và phu nhân đã cụng ly với từng lãnh đạo của 21 nền kinh tế để bắt đầu bữa tiệc.

Được biết, thực đơn phục vụ bữa tiệc gồm những món đậm hương vị Việt Nam: Đó là: khai vị có gỏi cuốn tôm hùm Nha Trang, chạo tôm lụi mía, nem cuốn hải sản/trứng cua, sò điệp nướng sả hương vị miền Nam; súp thịt cua và bào ngư; món chính tôm hùm Nha Trang sốt me và sườn cừu nướng sốt tiêu đen; tráng miệng là chè hạt sen và long nhãn.

Lãnh đạo các nền kinh tế và quan khách thưởng thức bữa tiệc trong tiếng nhạc của rất nhiều tiết mục văn nghệ và hình ảnh các danh lam thắng cảnh Việt Nam được chiếu trên màn hình lớn.

Tuoitre.vn

—-

Kasse animation 7.8.2023