Bầu cử Quốc hội CHLB Đức như thế nào?

Quốc hội Đức (der Deutsche Bundestag) là cơ quan đại diện cho nhân dân ở CHLB Đức và là cơ quan quan trọng nhất với vai trò lập pháp. Quốc hội Đức hiện nay (khóa 18) có 630 nghị sĩ, được bầu lên trong cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín với nhiệm kỳ 4 năm.

Hiến pháp Đức quy định cuộc bầu cử Quốc hội Đức khóa mới phải được tiến hành sớm nhất là 46 tháng và muộn nhất là 48 tháng sau cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khóa trước, trong trường hợp bầu cử trước thời hạn thì cuộc bầu cử phải được tiến hành trong vòng 60 ngày sau khi Quốc hội bị giải tán.

Ngày bầu cử Quốc hội Đức phải là một ngày chủ nhật hoặc là một ngày lễ và tránh rơi vào dịp nghỉ chính (như nghỉ hè). Ngày bầu cử Quốc hội Đức khóa 19 đã được ấn định vào ngày 24/9/2017.

Theo Luật bầu cử được sửa đổi tháng 3/2017, lần đầu tiên việc chụp ảnh hay quay phim trong phòng viết phiếu bầu bị cấm.

Những cử tri không thể trực tiếp đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử có thể bỏ phiếu bằng thư cho tới ngày 22/9/2017.

Theo ước tính của Cơ quan thống kê liên bang, hiện nay có khoảng 61,5 triệu người Đức có quyền bầu cử và ứng cử, trong đó có khoảng 3 triệu cử tri lần đầu tiên có quyền bầu cử.

Các đảng có thể tham gia bầu cử với một danh sách ứng cử viên của đảng trong bang và ứng cử viên trực tiếp. Các cá nhân cũng có thể ra ứng cử với tư cách là ứng cử viên trực tiếp, nếu thu thập được ít nhất 200 chữ ký ủng hộ của cử tri.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 19 năm nay có 42 đảng tham gia tranh cử, trong đó có 34 đảng được gửi danh sách ứng cử viên ở các bang tham gia tranh cử. Đảng CDU tham gia tranh cử ở 15 bang, không có bang Bayern và đảng CSU chỉ tham gia tranh cử ở bang Bayern.

Các đảng chọn ra ứng cử viên hàng đầu của đảng mình để dẫn đầu việc vận động tranh cử. Hai đảng lớn nhất trên bình diện liên bang (CDU/CSU và SPD) chọn ra ứng cử viên thủ tướng mới mục tiêu trở thành thủ tướng Đức, việc đề cử này có ý nghĩa lớn về mặt chính trị trong việc vận động cử tri. Hiện nay hai ứng cử viên thủ tướng là đương kim Thủ tướng Angela Merkel của CDU/CSU và ông Martin Schulz của SPD.

CHLB Đức hiện nay được chia thành 299 khu vực bầu cử. Mỗi cử tri có hai lá phiếu, một phiếu để bầu trực tiếp cho một ứng cử viên hàng đầu của một đảng trong khu vực bỏ phiếu đó và một phiếu để bầu cho một đảng trong khu vực bầu cử này. Có hai cách để được bầu vào Quốc hội Đức: Ứng cử viên trực tiếp nào trong 299 khu vực bầu cử giành được nhiều phiếu nhất trong lá phiếu đầu tiên đương nhiên sẽ trở thành nghị sĩ Quốc hội, cách thứ hai là trong danh sách ứng cử viên của đảng. Đảng nào không giành đủ 5% phiếu bầu hoặc không có ít nhất 3 nghị sĩ được bầu trực tiếp thì không có đại diện trong Quốc hội với tư cách một đảng. Số nghị sĩ của mỗi đảng trong Quốc hội phụ thuộc vào tỉ lệ phiếu mà đảng đó giành được. Với 299 khu vực bầu cử, thông thường thì Quốc hội Đức sẽ có 598 nghị sĩ, trong đó có 299 nghị sĩ được bầu trực tiếp và 299 nghị sĩ được bầu qua danh sách đảng. Tuy nhiên, trên thực tế, số nghị sĩ Quốc hội có thể nhiều hơn con số 598, ví dụ như Quốc hội khóa 18 hiện nay có 630 nghị sĩ. Có sự chênh lệch đó là do hệ thống bầu cử của Đức: Nếu một đảng có số nghị sĩ được bầu lên trực tiếp nhiều hơn số nghị sĩ mà đảng đó có được theo tỉ lệ phiếu, thì họ vẫn được giữ số lượng nghị sĩ đó. Số lượng nghị sĩ đó được gọi là Überhangmandat, tạm dịch là số nghị sĩ dôi ra.

Sau khi có kết quả bầu cử, đảng nào giành được nhiều phiếu nhất có quyền đứng ra thành lập nội các và đề cử người làm thủ tướng. Nếu không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối, đảng đó phải thành lập chính phủ thiểu số hoặc tìm đối tác để thành lập liên minh cầm quyền. Trong phiên họp đầu tiên, Quốc hội mới sẽ bỏ phiếu kín để bầu ra thủ tướng mới. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân thủ tướng sẽ đề cử các bộ trưởng và thành viên nội các để tổng thống ký quyết định bổ nhiệm và các thành viên nội các mới cũng tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Văn Long – Thoibao.de (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Kasse animation 7.8.2023