Những người nhận trợ cấp xã hội (Hartz IV) mà lỡ hẹn không tới, hoặc được giới thiệu công ăn việc làm mà không nhận thì sẽ bị trừng phạt bằng cách cắt giảm trợ cấp xã hội. Trong năm 2016, mức phạt trung bình là cắt giảm 108 Euro. Trong vòng 10 năm, số tiền mà người nhận Hartz IV bị phạt đã lên tới hàng tỉ Euro.
Trong 10 năm qua, các Trung tâm việc làm (Jobcenter) đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với những người nhận Hartz IV bằng cách cắt giảm tiền trợ cấp xã hội của họ tới gần 2 tỉ Euro. Trả lời câu hỏi của nghị sĩ Sabine Zimmermann thuộc đảng Cánh tả, Chính phủ CHLB Đức cho biết, tính từ năm 2007 tới 2016, những người nhận Hartz IV đã bị trừ tổng cộng 1,9 tỉ Euro tiền trợ cấp xã hội.
Những người nhận Hartz IV mà từ chối nhận công ăn việc làm được giới thiệu, không khai thu nhập thêm của mình hoặc từ chối theo học các khóa bồi dưỡng sẽ bị trừng phạt.
Trong năm 2016, số tiền phạt đã tăng thêm hơn 4 triệu Euro so với năm trước đó lên thành gần 175 triệu Euro. Trong những năm qua, số tiền phạt dao động từ 204 tới 170 triệu Euro. Trong năm 2016 tính bình quân có khoảng 134.000 người nhận trợ cấp Hartz IV nhưng còn khả năng lao động bị phạt ít nhất một lần. Để so sánh: Trong năm 2007 có 123.000 người bị phạt và năm cao nhất là năm 2012 có tới 150.000 người bị phạt.
Hơn 939.000 lệnh trừng phạt mới được ban hành năm 2016. Trong 10 năm qua, con số này dao động từ 783.000 tới 1,02 triệu người. Trong năm qua, mức phạt trung bình là 108 Euro. Trong năm 2016 có 3,1% người nhận Hartz IV còn khả năng lao động bị phạt ít nhất một lần. Tỉ lệ người bị phạt dao động trong 10 năm qua từ 2,4 tới 3,4%.
Bà Zimmermann, Phó Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội của đảng Cánh tả cho rằng lệnh trừng phạt này vi phạm quyền cơ bản của con người là phải có mức sống tối thiểu xứng đáng với nhân phẩm. Thay vì thường xuyên gây áp lực với những người thất nghiệp bằng các công cụ trừng phạt, Chính phủ Đức cần phải làm sao để tăng thêm công ăn việc làm có mức lương thỏa đáng. Bà Zimmermann kêu gọi bãi bỏ các biện pháp trừng phạt những người nhận trợ cấp xã hội Hartz IV.
Văn Long – Thoibao.de