Khi người thi hành án của Tòa xuất hiện, ông ta thường không được đón tiếp niềm nở. Tuy nhiên, người mắc nợ nên tỏ ra hợp tác.
Nhiều người chi tiêu nhiều hơn là kiếm được, hậu quả là nợ nần cứ chồng chất và đến một lúc nào đó, chủ nợ không còn kiên nhẫn được nữa và muốn đòi lại tiền. Chủ nợ có thể đưa sự việc ra Tòa án và một người thi hành án có thể sẽ tới để xiết nợ.
Việc người thi hành án xuất hiện thường gây khó chịu, thậm chí hoảng sợ cho con nợ. Bởi vì người thi hành án đến là để tịch biên đồ đạc cá nhân của con nợ. Hoặc ông ta mang theo, bán lấy tiền hoặc đóng dấu tịch biên.
Ông Walter Gietmann, Chủ tịch Hiệp hội những người thi hành án liên bang Đức cho biết, trong một số trường hợp, người thi hành án chỉ muốn biết khả năng tài chính của con nợ, vì chủ nợ chỉ đề nghị cung cấp thông tin về tài sản.
Khi đó thì con nợ chỉ phải khai đầy đủ và đúng sự thực về thu nhập và tài sản của mình theo biểu mẫu. Điều đó làm nhiều người sợ hãi. Nhưng bà Silke Meeners ở Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng bang Nordrhein-Westfalen ở Düsseldorf cho rằng hoảng sợ hay phớt lờ cũng chẳng có ích gì.
Kinh nghiệm cho thấy, những người thi hành án là đại diện cơ quan nhà nước nên luôn luôn tuân thủ những quy định đề ra, nếu không đúng thì con nợ có thể khiếu nại lên Tòa án phụ trách việc thi hành án.
Sẽ là vô nghĩa, nếu từ chối không cho người thi hành án vào nhà. Bởi vì họ có thể xin lệnh khám nhà của Tòa án và thuê thợ khóa mở cửa, trong khi con nợ phải trả tiền.
Trước hết, con nợ nên yêu cầu người thi hành án xuất trình giấy tờ. Nếu không phải là người thi hành án của Tòa, mà chỉ là nhân viên của một công ty đòi nợ thuê thì không nên cho người đó vào nhà. Khác với một người thi hành án của Tòa, một nhân viên công ty đòi nợ thuê không có thẩm quyền gì và không thể gây chuyện với con nợ. Thông thường, người thi hành án gửi thông báo trước bằng văn bản là mình sẽ tới, nhưng cũng có thể đến bất ngờ, không báo trước.
Nếu con nợ bỏ lỡ thời điểm người thi hành án tới hoặc họ tới vào thời điểm không thuận lợi thì con nợ nên chủ động thỏa thuận một lịch hẹn mới.
Ông Gietmann giải thích, điều kiện cơ bản để người thi hành án tới nhà là họ phải có một phán quyết của Tòa yêu cầu con nợ phải trả nợ hoặc thông báo thi hành án của Tòa.
Nếu người thi hành án đã vào nhà, con nợ cũng không phải lo sợ là ông ta sẽ dọn sạch mọi thứ. Ông ta có thể xem xét quanh nhà, hoặc thậm chí có thể mở cửa tủ, trên cơ sở đồng thuận của con nợ hoặc lệnh khám nhà.
Nhưng có những đồ đạc không được phép tịch biên như đồ dùng cá nhân hoặc đồ dùng gia đình khiêm tốn, ví dụ như quần áo, bát đĩa hoặc tủ lạnh.
Thông thường khi thấy các đồ đạc trong nhà, người thi hành án về cơ bản coi đó là của con nợ. Nếu một đồ đạc quý giá không phải của con nợ mà bị tịch biên thì con nợ có thể khiếu nại. Ví dụ như nếu xác định được một bộ giàn nghe nhạc đắt tiền không phải của con nợ, mà của một thành viên khác trong gia đình thì không được tịch biên.
Trong trường hợp con nợ hoặc bạn đời cần ô tô hoặc máy tính để phục vụ công việc thì ô tô và máy tính cũng không được phép tịch biên. Quy định này không được tính, nếu ô tô và máy tính mua trả góp và chưa trả hết nợ thì người thi hành án có thể tịch biên mang đi.
Thông thường, đồ trang sức có thể bị tịch biên, nhưng nhẫn cưới thì không. Con nợ cũng không cần phải khai với người thi hành án về nơi làm việc của mình cũng như số liệu ngân hàng. Nhưng trong trường hợp phải cung cấp thông tin về tài sản thì con nợ phải khai ra chủ lao động và ngân hàng.
Bà Meeners khuyên không nên cất giấu đồ đạc có giá trị, ví dụ như giấu xuống hầm hoặc gửi hàng xóm, bạn bè trước khi người thi hành án tới, bởi vì điều này là phạm pháp và có thể bị phạt tới hai năm tù giam. Thêm vào đó, khó có thể xóa nợ thông qua thủ tục đăng ký phá sản. Con nợ cũng có thể bị phạt tù, nếu tự ý xóa dấu tịch biên hoặc làm cho dấu đó không đọc được nữa.
Cũng không nên để sự việc đi quá xa. Nếu con nợ càng tỏ ra hợp tác thì càng tốt. Bởi vì bây giờ, người thi hành án phải làm sao để cân bằng lợi ích của chủ nợ và con nợ, trong trường hợp có tranh cãi thì giải quyết sao cho tốt đẹp.
Bà Meeners cho rằng, dù sao khi đã có chuyện phải tịch biên thì trong hầu hết trường hợp đã có vấn đề tài chính nghiêm trọng, vì vậy người mắc nợ nên tìm tới cơ sở tư vấn càng sớm càng tốt.
Trung Khoa – Thoibao.de