Trung Quốc đã trở thành quá khứ, giờ đây Việt Nam đang phát triển mạnh. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, kể từ khi nhà nước cộng sản này mở cửa cho thị trường thế giới. Đồng lương gia tăng cũng như sự tương phản giàu nghèo.
Có lẽ những người cộng sản đã hình dung tương lai các thành phố của mình như vậy: Ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đang hình thành một khu phố mà trên những tờ rơi quảng cáo trông giống như sự viễn tưởng của quá khứ: Các tòa tháp gần giống nhau xếp hàng ngạo nghễ dọc theo sông Sài Gòn, chậm nhất là tới năm 2018, tòa nhà cao nhất Việt Nam sẽ hoàn tất tại đây, Tháp 81 cao hơn 450 m sẽ vươn lên trời.
Nhưng không phải nhà nước xây dựng khu phố này mà là Phạm Nhật Vượng, doanh nhân giàu nhất nước với tài sản trị giá 2,2 tỉ USD, kiếm được từ thực phẩm ăn liền và bất động sản. Và không phải những người công nhân bình thường chuyển tới ở tại những tòa tháp này mà là giới tinh hoa kinh tế mới của đất nước, trong đó có 6 triệu phú tự làm giàu, nhưng cũng có cả nhiều cán bộ đảng đã giành được cho mình những chức vụ béo bở trong các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ căn hộ một phòng ở đây đã có giá tương đương gần 200.000 Euro, một con số khổng lồ đối với hầu hết người Việt Nam, bởi vì đồng lương tối thiểu ở Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ khoảng 150 Euro một tháng.
Mặc dù Việt Nam vẫn được gọi là Cộng hòa XHCN. Nhưng Đảng Cộng sản của nước này chẳng còn muốn liên quan gì tới nền kinh tế kế hoạch nữa. Thay vì điều đó, nước này ngày càng trở thành một nhà nước TBCN mẫu mực. Việc mở cửa với toàn cầu hóa đã mang lại cho nước này sự bùng nổ về kinh tế, với tất cả ưu điểm và nhược điểm mà CNTB mang theo.
Sự khốn khó đã thúc đẩy những cải cách kinh tế: Cách đây 35 năm, Việt Nam còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Trong Chiến tranh Việt Nam, mặc dù những người cộng sản đã đánh cho siêu cường Mỹ phải chạy trốn. Nhưng về mặt kinh tế, những người chiến thắng đã đẩy đất nước tới chỗ lụn bại. Thay vì sự sung túc, nền kinh tế tập trung đã mang lại nạn đói.
Giữa những năm 80, Chính phủ đã nhận ra rằng không thể tiếp tục như thế này. Với những cải cách được gọi là „Đổi mới“, họ đã tự do hóa nền kinh tế, trong đó áp dụng những biện pháp tương tự như nước láng giềng lớn Trung Quốc: Trước hết, họ dành cho nông dân có nhiều tự do hơn và cho phép các doanh nghiệp tư nhân được hoạt động, để sau đó mở cửa đối với toàn cầu hóa.
Về mặt chính thức, Đảng Cộng sản giờ đây gọi hệ thống của mình là „Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN“. Hệ thống này tiếp tục dành cho nhà nước một vai trò lớn, nhưng nó cũng muốn tận dụng sức sản xuất của CNTB: Ít nhất là về mặt chính thức, sự sung túc của toàn bộ dân chúng phải tăng lên và được phân chia càng đều càng tốt. Trong đó, giới lãnh đạo ngày càng đặt cược nhiều hơn vào bàn tay vô hình của thị trường, hy vọng vào những hiệp định tự do thương mại mới các nước như Nhật Bản, Úc và Chile và e sợ chủ nghĩa bảo hộ mới của Mỹ. Bởi vì Việt Nam muốn tăng cường lĩnh vực xuất khẩu đang tăng mạnh của mình và ngày càng thuần phục hơn những quy tắc của CNTB toàn cầu.
Quả thực, sự mở cửa kinh tế đã giúp cho nước này rất nhiều. Khi bắt đầu đổi mới, thu nhập bình quân của người Việt Nam mới là khoảng 90 Euro một năm, giờ đây là 1.900 Euro. Ngân hàng Thế giới gọi đất nước này là „câu chuyện thành công về chính sách phát triển“.
Không khí phấn khởi chưa phải đã hết. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielson, Việt Nam là một trong năm quốc gia mà người tiêu dùng tin tưởng nhất vào tương lai. Tầng lớp trung lưu đang phát triển tiêu tiền ở những nơi như Vincom Mega Mall ở Hà Nội, một trong những trung tâm mua sắm dưới mặt đất lớn nhất ở châu Á. Hầu như không còn ai mong muốn Chủ nghĩa Cộng sản trở lại: Theo Viện nghiên cứu thị trường Pew của Mỹ, có tới 95% tất cả người Việt ủng hộ nền kinh tế thị trường, tỉ lệ cao nhất trong tất cả các quốc gia.
Các doanh nghiệp trước hết đánh giá cao lương giá rẻ ở Việt Nam, hiện nay thấp hơn 2/3 so với ở miền duyên hải Trung Quốc.
Trong khi ở Trung Quốc, các hàng hóa phức tạp hơn, kể cả tự phát triển được sản xuất, thì từ các nhà máy Việt Nam chỉ có hàng hóa sản xuất hàng loạt đơn giản. Vì vậy, mới đây hãng Microsoft đã đóng cửa hai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc, để sản xuất ở Việt Nam. Hãng dệt may Lever Style, sản xuất cho các thương hiệu như Hugo Boss cũng ngày càng tăng cường cho gia công may ở Việt Nam.
Điều này cũng có lý do là nhà nước mời chào các tập đoàn với việc trợ giá và ưu đãi thuế. Các doanh nghiệp sau đó hầu hết chuyển tới các khu công nghiệp khổng lồ quanh Hà Nội hoặc Thành phồ Hồ Chí Minh. Nhiều mặt hàng còn được sản xuất thủ công: Ở các công xưởng lớn, hàng ngàn công nhân ngồi san sát bên nhau để may, dán và lắp các sản phẩm lại với nhau.
Đặc biệt là tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đã phát hiện ra Việt Nam. Hầu hết các điện thoại thông minh của hãng này giờ đây được sản xuất tại Việt Nam với hơn 100.000 người lắp ráp các máy này. Mục tiêu đối với năm 2016 là 200 triệu máy điện thoại thông minh. Như vậy, phần lớn hàng điện tử xuất khẩu, hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam là từ các nhà máy của Samsung. Nhiều hàng dệt may và thực phẩm cũng được Việt Nam xuất khẩu. Việt Nam cũng nổi tiếng về cà phê từ Tây Nguyên, nhưng việc bán hải sản, ví dụ như tôm từ những cơ sở nuôi thả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lại có vai trò quan trọng hơn về mặt kinh tế.
Đồng thời, ngành du lịch cũng ngày càng quan trọng hơn. Trong đó, Việt Nam được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của các nước láng giềng: Hầu hết du khách đến từ Trung Quốc, tiếp theo đó là từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở những điểm nóng du lịch như Vịnh Hạ Long, người ta có thể gặp hàng đoàn người châu Á vui chơi trong các quán Karaoke hoặc ăn lẩu trong các nhà hàng.
Mặc dù làm ăn kinh doanh trên toàn cầu, ở Việt Nam vẫn còn những tàn dư XHCN: Các doanh nghiệp nhà nước lớn vẫn chi phối nền kinh tế. Thậm chí vẫn còn kế hoạch 5 năm mà Quốc hội chỉ thông qua 5 năm một lần. Vào những dịp Quốc hội họp này thì thủ đô Hà Nội được trang hoàng với hàng ngàn biểu ngữ tuyên truyền và khẩu hiệu được xếp bằng hoa. Tuy nhiên, những Kế hoạch 5 năm này không còn xác định phải sản xuất những mặt hàng gì, mà trong đó, Ban lãnh đạo quyết định sẽ hỗ trợ đặc biệt cho những ngành và khu vực nào trong những năm tới.
Nhà nước vẫn có nhiều ảnh hưởng, nhưng không thể ngăn chặn khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng mạnh trong nước. Ngân hàng Thế giới cho rằng, chẳng bao lâu nữa, người dân sẽ ngày càng cất cao tiếng nói kêu gọi phân chia công bằng hơn những sự phồn thịnh gia tăng. Trong khi một số trẻ em còn không đủ ăn thì số lượng người siêu giàu lại phát triển nhanh chóng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lại khốn khổ vì nạn tham nhũng tràn lan và không phải lúc nào cũng tin tưởng được những luật pháp hiện hành. Nhưng không có một cuộc tranh luận công khai hoặc thậm chí biểu tình về vấn đề này, bởi vì giống như ở Trung Quốc, mặc dù Ban lãnh đạo cởi trói cho nền kinh tế. Nhưng Đảng Cộng sản hầu như không cho phép công dân có những tự do chính trị.
Trung Khoa – Thoibao.de
(Theo báo Zeit.de)
[1] http://www.zeit.de/entdecken/reisen/merian/vietnam-wirtschaftswachstum-weltmarkt-china