Nguồn cơn nào khiến Hà Nội trở mặt với Đồng Tâm?

Một cán bộ hưu trí hơn 50 tuổi đảng ở Sài Gòn thở ra với tôi: “Nếu Công an Hà Nội đè dân Đồng Tâm ra mà khởi tố, thằng Chung sẽ cạn ráo uy tín, sẽ mất mặt hết. Đảng cũng mất mặt luôn. Lúc đó thì bọn tao còn biết tin vào ai nữa?”.

‘Phản bội’!

“Thằng Chung” mà người cán bộ hưu trí nói đến là Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Chỉ cách đây chưa đầy hai tháng, chính ông hưu trí này còn hồ hởi khi nhìn thấy bản cam kết viết tay và ký tươi không truy tố nhân dân Đồng Tâm của ông Chung: “Phải thế chứ! Ít gì trong đảng còn có những tay như Nguyễn Đức Chung. Dân mình vẫn còn tin đảng lắm!”.

Từ lâu nay, tiếng nói của người cán bộ hưu trí trên vẫn được những người cùng giới coi là “trung kiên”, chỉ biết, chỉ nghĩ đến một đảng, tuyệt đối không có đảng thứ hai. Tất cả những tồn tại đều phải “còn nước còn tát”…

Nhưng còn bây giờ, câu hỏi thống thiết bật ra đối với số phận cuối cùng của đảng là nếu những người lý tưởng và trung thành nhất còn phải bật ngửa trước hành động trở mặt một trăm tám mươi độ của chính quyền Hà Nội với người dân Đồng Tâm, các giới khác – vốn ít hoặc chẳng hề tự nguyện “trung với đảng” – sẽ cảm thán đến thế nào!

Một đảng viên đã có đến 56 tuổi đảng như cụ Lê Đình Kình – nạn nhân của một nhóm nhân viên công an vật gãy xương đùi cụ và sau đó bắt cóc cụ – đã phải thốt lên rằng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã “phản bội ý kiến và danh dự của chính ông ấy” và khiến “người dân phẫn nộ, Đồng Tâm lại trở thành điểm nóng”.

Sau cú bội phản trên của chính quyền Hà Nội, không ít đảng viên dày tuổi đảng đã phải ngửa mặt lên trời “Bác Trọng làm sao chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực được nếu cứ khư khư chế độ một đảng như thế này! Một đảng cho nên muốn làm gì thì làm, muốn trở mặt lúc nào cũng được!”.

“Rửa nhục”

Kinh nghiệm xương máu của những cuộc “khởi nghĩa” trong dĩ vãng té ra vẫn còn quá giá trị nơi hiện tại.

Thọ Ngọc, Thanh Hóa năm 1989 và Quỳnh Phụ, Thái Bình năm 1997 – người nông dân cũng bước đầu giành thắng lợi như cái cách của người dân Đồng Tâm năm 2017. Nhưng sau đó không lâu, Thọ Ngọc và Quỳnh Phụ đã bị những đòn chơi bẩn của chính quyền và công an nhấn chìm trong lao tù.

Một kinh nghiệm đắt giá đã được nông dân các vùng đúc kết: thông thường, công an sẽ chờ vài ba tháng sau vụ việc để xoa dịu sự phẫn nộ dân chúng và khiến bầu không khí lắng lại, rồi tổ chức khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kể cả “bắt nguội”. Kinh nghiệm cay đắng đã là quá nhiều ở Dương Nội, Văn Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận… và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Có nhiều lý do cho thấy vào năm 2017, công an nhất quyết muốn ăn thua đủ với dân. Trong những vụ Thọ Ngọc và Thái Bình trước đây và Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh những năm gần đây, số cán bộ chính quyền và công an bị dân bắt chỉ 4-5 người là cao. Nhưng ở Đồng Tâm, người dân đã dám bắt đến cả một trung đội cảnh sát cơ động trong cả thảy 38 cán bộ và nhân viên công lực được dân đưa vào quy chế “trao đổi tù binh”. Đó chính là một sự sỉ nhục chưa từng có đối với ngành công an vốn chỉ biết lấy số đông đánh người mà chẳng mấy khi bị người đánh lại.

Đó cũng là nguồn cơn thiết thân mà đã khiến Công an Hà Tĩnh tung ra liên tiếp ba lệnh khởi tố vụ án về “gây rối, bắt người trái phép tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh” vào tháng 4/2017. Chi tiết rất đáng phiếm đàm trong những lệnh khởi tố này là có đến vài ngàn người dân có thể rơi vào dạng “bị can”, nhiều đến mức không chỉ Công an Hà Tĩnh mà có huy động hết các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an cũng không “làm” xuể.

Tuy nhiên, cho đến nay cả ba lệnh khởi tố trên của Công an Hà Tĩnh đều hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Thậm chí một người dân “bị can” khi bị triệu đến làm việc với Cơ quan điều tra còn kéo thêm hàng trăm người dân khác đi cùng, tất cả cùng đòi được vào phòng hỏi cung và đều đòi được hỏi cung. Cứ vui như trảy hội…

Còn bây giờ sau khi “nuốt nhục”, Công an Hà Nội có dám và có đủ sức để khởi tố đến hàng ngàn người dân Đồng Tâm, trong khi cơ quan này đã quên phắt những thủ phạm đã hành hung đến thương tật cụ Lê Đình Kình?

Đến đây, một lần nữa lại xảy ra trò chơi xảo chữ.

Không bắt toàn thể mà “cá thể hóa”!

Một số dư luận viên của đảng và công an một lần nữa, sau khi đe dọa trong vài tháng qua, đã tung ra lập luận cùng lúc với quyết định khởi tố ngày 13/6/2017 của Công an Hà Nội:

“Ông Chung có hứa “sẽ không truy cứu trách nhiệm đối với toàn thể dân Đồng Tâm”. Và xem chừng 2 tội danh (“Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 BLHS) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo điều 143 BLHS) được cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội thực hiện sẽ không bao hàm tất cả người dân Đồng Tâm mà nó đã được cá thể hóa. Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tính toán khởi tố bị can, tập trung điều tra làm rõ đối với một số cá nhân đóng vai trò cầm đầu, tổ chức và có hành vi quá khích…. Vì thế, xét dưới khía cạnh logic hình thức thì lời hứa của ông Chung hoàn toàn không dẫm đạp lên động thái mới này!”.

Lập luận quá xảo ngôn và đầy sắc máu trên cho thấy quyết định khởi tố ngày 13/6 vừa qua có thể là một động tác “ném đá dò đường”, để nếu người dân Đồng Tâm không phản ứng, hoặc phản ứng không đủ mạnh, công an sẽ “tỉa từng em” – theo lối nói cợt nhả quen thuộc của lực lượng “vì dân” này, và cuối cùng sẽ dập tắt hoàn toàn “phong trào khởi nghĩa Đồng Tâm”, đồng thời rửa mặt cho nỗi nhục bị dân bắt giữ.

Để thực hiện được ý đồ trên, cựu tướng công an Nguyễn Đức Chung lần thứ hai phải chấp nhận tình trạng “khổ nhục kế”. Nếu như vào tháng 4/2017, ông Chung phải chịu cắm mặt trước dân Đồng Tâm mà ký cam kết, thì nay một lần nữa cắm mặt trước một sức ép, một thế lực chính trị trong đảng đang trùm lên đầu ông. Bởi nếu không, Nguyễn Đức Chung có thể mất chức chủ tịch Hà Nội.

Thực ra, tình trạng an nguy chính trị của Nguyễn Đức Chung đã râm ran từ khi nổ ra vụ Đồng Tâm. Khi đó có dư luận cho biết nếu ông Chung không giải quyết “êm” vụ này thì ông ta tất phải chịu trách nhiệm về điều hành yếu kém và phải bị thay thế tại Hội nghị trung ương 5 của đảng – diễn ra vào tháng 5/2017.

Nhưng cho dù đã phải cúi đầu cam kết với dân, hoạn lộ của Nguyễn Đức Chung vẫn chưa kết thúc. Hình như vẫn âm thầm đâu đó một thế lực chính trị muốn “bế” ông Chung khỏi cái ghế chủ tịch Hà Nội ngồn ngộn quyền và lợi. Đây có thể là nguyên nhân – nguồn cơn thứ hai mà đã khiến người dân Đồng Tâm một lần nữa phải mất ngủ vì sôi sục, trong khi lẽ ra chính quyền có thể tạm yên tâm trong không khí hoàn toàn ôn hòa và “tạm tin đảng” của nông dân thôn Hoành.

Song trên tất cả, nguồn cơn sống còn nhất – nguồn cơn thứ ba – là lợi ích kinh tế. Không chiếm được lợi ích này, kẻ mất ngủ không phải là dân mà sẽ là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cùng những quan chức theo đóm ăn tàn. Không đoạt được ít nhất vài chục ha đất của nông dân, toàn bộ chiến dịch “đánh Đồng Tâm” sẽ không còn ý nghĩa gì.

Hãy thử hình dung một kịch bản từ giới quan chức: dân Đồng Tâm muốn thanh tra đất đai, ừ thì thanh tra. Đã qua 45 ngày thanh tra và chỉ còn chưa đầy 30 ngày nữa để công bố kết quả. Thế là song song với quá trình thanh tra là lệnh khởi tố của Công an Hà Nội như một cách gây sức ép để kết quả thanh tra được “thuận thảo” hơn cho nhóm lợi ích. Khi đó, dân Đồng Tâm có muốn phản ứng cũng khó vì công an đã “nắm đầu” những người chủ chốt của phong trào…

Làm sao vượt được cái kết Ô Khảm?

“Chiếm đất”, “rửa nhục” và “tranh ghế” nhiều khả năng là “ba trong một” – ba nguồn cơn khiến lại bùng cháy ngọn lửa phẫn nộ và quyết đấu của một tinh thần Đồng Tâm.

Kịch bản đã, đang xảy ra ở Đồng Tâm, quay quắt thay, lại giống hệt với những gì ở Ô Khảm 6 năm về trước.

Năm 2011, làng Ô Khảm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cũng từ cuộc đấu tranh chống tham nhũng và trưng thu đất đai vô lối mà 13 ngàn người dân làng này đã giành thắng lợi trong một cuộc đấu tranh “rào làng kháng chiến”, bắt buộc chính quyền Bắc Kinh thời Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải đàm phán và để cho Ô Khảm trở thành làng đầu tiên trong cả Trung Quốc được bầu cử tự do, với kết quả trưởng làng là một người được dân làng bầu lên chứ không phải là quan chức được chính quyền ấn xuống.

Nhưng chỉ sau vài năm, chính người trưởng làng đó đã bị chính quyền trả thù bằng việc vu tội và bắt giam ông. Quy chế tự do bầu cử của Ô Khảm đã bị chính quyền vùi dập ngay sau đó.

Giờ đây, bi kịch thực tại ở Việt Nam là cuộc đấu sống mái giữa các nhóm quyền lực và lợi ích trong đảng, xen kẽ bởi những mũi giáo nhọn hoắt của các nhóm này đâm thẳng vào trái tim dân chúng.

Sự tráo trở của chính quyền đang khiến những đại biểu quốc hội muốn ru ngủ dân theo cách “pháp luật luôn công bằng đại lượng”, hay “bà con Đồng Tâm cần bình tĩnh hợp tác với cơ quan điều tra”, trở thành một trò cười lố bịch và ti tiện.

Chỉ người dân mới tự quyết định được số phận của mình. Nếu không, họ sẽ phải đứng trước một vành móng ngựa đã mục nát và bị xô lệch từ lâu.

Tinh thần Đồng Tâm sẽ giúp cho người dân nơi đây tránh được cái kết bế tắc của Ô Khảm.

 

Phạm Chí Dũng 

 

Kasse animation 7.8.2023