Ngày 15/9/1945, Thiếu tá quân đội Mỹ Allison Thomas đã có một bữa cơm chia tay với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Mình vừa lên nắm quyền được vài tuần lễ và Thomas chuẩn bị rời Hà Nội, sau khi sứ mạng của ông kết thúc.
Thomas và một nhóm binh sĩ Mỹ đã tới Đông Dương thuộc Pháp trước đó hai tháng, gặp gỡ, làm việc với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, thực hiện một sứ mạng của Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (OSS), một tổ chức tình báo Mỹ hoạt động từ năm 1942 tới 1945, tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đó là huấn luyện cho du kích Việt Minh và thu thập tin tức tình báo để sử dụng chống Nhật trong những ngày cuối cùng của Thế chiến 2. Giờ đây, sau khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập và Nhật đầu hàng, cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương đã kết thúc, sứ mạng của OSS ở Đông Dương cũng đã hết. Trong bữa cơm chia tay, Thomas đã hỏi thẳng ông Hồ Chí Minh: “Ông có phải là cộng sản không?”. Hồ Chí Minh trả lời: „Phải, nhưng chúng ta vẫn có thể là bạn chứ?“
Trước đó hai tháng, Thomas và sáu binh sĩ thuộc Đội đặc nhiệm số 13, mật danh là „Deer Team“ đã nhảy dù xuống một lán trại trong rừng ở Tân Trào, sau đó được đưa tới Lán chỉ huy của ông Hồ Chí Minh. Sứ mạng của họ là giúp thành lập một đội quân du kích từ 50 tới 100 người để tấn công và làm gián đoạn tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Lạng Sơn, ngăn chặn người Nhật đi sang Trung Quốc. Họ cũng cần phải tìm ra các mục tiêu của Nhật như các căn cứ quân sự và kho quân nhu, gửi những tin tức tình báo đó cho các điệp viên OSS ở Trung Quốc. Họ cũng phải cung cấp tin tức thời tiết để lực lượng không quân hoạt động ở những căn cứ cần thiết và thả dù tiếp tế.
Thomas nhảy dù xuống Tân Trào vào ngày 16/7/1945 trong một đội tiền trạm gồm 3 người, có Trung sĩ William Zielski, người điều khiển vô tuyến điện và Binh nhì Henry Prunier, phiên dịch. Mặc dù không biết trước là ai hay điều gì sẽ chờ đợi họ, khi nhảy dù xuống địa điểm quy định, họ thấy khoảng 200 du kích vây quanh, nồng nhiệt chào đón họ và chỉ cho họ căn nhà gỗ dành cho họ. Sau đó, họ được đưa đến gặp Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nói chuyện chính trị với Thomas, không chỉ nhấn mạnh những điều xấu xa của Pháp, mà cũng nói lên nguyện vọng của mình muốn hợp tác với Pháp để tìm ra một giải pháp.
Ngày 30/7, những thành viên còn lại của Đội đặc nhiệm „Deer Team“ đã nhảy dù xuống Tân Trào, bao gồm Trung úy Rene Defourneaux, trợ lý trưởng đoàn, Thượng sĩ Lawrence R. Vogt, một chuyên gia vũ khí, Trung sĩ Aaron Squires, một nhiếp ảnh gia và Binh nhì Paul Hoagland, một y tá.
Trong một báo cáo gửi về ngày 27/7, Thomas nói rằng tổ chức Việt Minh của Hồ Chí Minh là một tập hợp các chính đảng đấu tranh vì tự do, chứ không có ý tưởng chính trị gì sau đó. Ông dẫn lời Hồ Chí Minh bác bỏ ý nghĩ cho rằng đảng của ông là cộng sản, bởi vì „người nông dân không hiểu từ CNCS hay CNXH có nghĩa là gì – nhưng họ hiểu tự do và độc lập“. Hồ Chí Minh lưu ý rằng người Pháp không thể ở lại đây, vì người Việt căm thù người Pháp hơn người Nhật.
Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ tìm kiếm và hỗ trợ các đồng mình ở Trung Quốc và các nước ở khu vực Đông Nam Á để đe dọa quân đội Nhật. Sau khi giải phóng Pháp năm 1944. Chính phủ Mỹ quay sang sử dụng OSS, được Tổng thống Franklin D, Roosevelt thành lập năm 1942 để điều phối các hoạt động tình báo trong chiến tranh.
Trong thời gian đó, OSS đang có một căn cứ ở Trùng Khánh. Khi tình hình quân sự ở Đông Dương phức tạp, Chuẩn tướng William Donovan, Giám đốc OSS đã chỉ thị cho các nhân viên là sử dụng tất cả những ai muốn hợp tác với Mỹ chống Nhật, nhưng không liên quan tới chính trường Đông Dương thuộc Pháp. Việt Minh, phong trào giải phóng đang nổi lên đầu những năm 1940 dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh là tổ chức không chỉ mong muốn Việt Nam được độc lập với Pháp, mà cũng mong muốn được tự do khỏi sự chiếm đóng của Nhật. Giữa năm 1944, OSS đặt vấn đề với Hồ Chí Minh giúp tổ chức một mạng lưới tình báo ở Đông Dương để góp phần chống Nhật và giúp đỡ việc cứu những phi công Mỹ bị bắn hạ. Trong báo cáo của mình, Đại úy Archimedes Patti, người đứng đầu căn cứ OSS ở Côn Minh, Trung Quốc và sau này ở Hà Nội viết: „Từ đó, Hồ Chí Minh hợp tác với người Mỹ trong các hoạt động tuyên truyền“.
Sau khi Nhật đảo chính, lật đổ Pháp tháng 3/1945 ở Đông Dương, Mỹ càng cần có sự hợp tác của Việt Minh. Trong thời gian đó, du kích Việt Minh đã cứu được một phi công Mỹ bị bắn hạ ở Việt Nam. Đích thân Hồ Chí Minh đã đưa người phi công này trả lại quân đội Mỹ ở Côn Minh, nơi có căn cứ của Không lực số 14 và gặp Thiếu tướng Claire Chennault, Tư lệnh của đơn vị này để nhờ giúp đỡ Việt Minh.
Ngày 27/4, Đại úy Patti đến gặp Hồ Chí Minh để đề nghị ông cho phép cử một đội OSS tới hợp tác để thu thập tin tức tình báo về quân Nhật. Hồ Chí Minh hoan nghênh sự hợp tác với OSS và đề nghị được cung cấp vũ khí hiện đại. Sau đó, Hồ Chí Minh thành lập một trại huấn luyện trong rừng ở Tân Trào, trụ sở mới của Việt Minh và chờ người Mỹ tới.
Đội đặc nhiệm „Deer Team“ được thành lập ngày 16/5 và đi từ Mỹ sang Côn Minh và chờ 2 tháng để được phép vào Đông Dương thuộc Pháp. Đầu tháng 8, khi máy bay thả dù tiếp tế, trong đó có vũ khí, Đội đặc nhiệm này bắt đầu huấn luyện cho du kích Việt Minh cách sử dụng súng trường M-1, súng Carbine M-1, súng cối, lựu đạn, bazooka và súng máy. Khi huấn luyện, họ sử dụng hướng dẫn cho quân đội Mỹ ở chiến trường, tập trung vào chiến tranh du kích.
Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) huấn luyện cho Việt Minh ở Tân Trào
Sau khi huấn luyện được ít hôm thì nghe tin Nhật đầu hàng ngày 15/8, sau khi bị ném bom nguyên tử ở Hiroshima ngày 6/8 và Nagasaki ngày 9/8. Ý thức được sứ mệnh huấn luyện của mình đã kết thúc, Đội đặc nhiệm bàn giao súng cho binh sĩ và chuẩn bị rút về. Theo điều khoản đầu hàng của Nhật, quân Anh sẽ chiếm miền Nam Việt Nam, quân Tàu sẽ vào giải giáp quân đội Nhật ở miền Bắc.
Trong khi đó, Việt Minh có kế hoạch triệu tập Hội nghị Quốc dân ngày 16/8 ở Tân Trào. Khoảng 30 đoàn đại biểu từ Việt Nam, Thái Lan và Lào đã tham dự hội nghị và ngày 27/8, Hồ Chí Minh đã được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Hội nghị cũng chọn cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ và bài Tiến quân ca làm quốc ca.
Một tuần sau, ngày 2/9, cùng ngày khi Tướng Douglas MacArthur nhận đầu hàng chính thức của Nhật Bản trên tàu chiến Missouri thì tại Hà Nội, Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập. Biểu ngữ „Hoan nghênh đồng minh“ (đặc biệt là Mỹ) tung bay trên Quảng trường Ba Đình. Nhân viên OSS đã chụp ảnh sự kiện này và trong phát biểu của mình Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thừa nhận sự giúp đỡ của Mỹ. Theo bộ phim tài liệu „Việt Nam – một thiên lịch sử truyền hình“ của Pháp, máy bay Mỹ cũng đã bay trên bầu trời Hà Nội trong dịp này để bảo vệ cho buổi lễ Tuyên ngôn độc lập.
Trong những năm tiếp theo, Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, đề nghị Mỹ giúp đỡ, nhưng không được hồi đáp. Ông không cắt đứt liên lạc với Mỹ cho tới những năm 1950, khi Mỹ nhảy vào can thiệp sâu, giúp Pháp chống Việt Nam.
Đây là cơ hội đáng tiếc bị bỏ lỡ, nếu không đã không xảy ra cuộc chiến tranh tàn khốc giữa Mỹ và Việt Nam kéo dài tới năm 1975, làm hàng triệu người Việt Nam và 58.000 lính Mỹ thiệt mạng.
Trung Khoa – Thoibao.de (Theo Historynet.com)