Ngày 10/10, Facebook luật sư Đặng Đình Mạnh, hiện đang tỵ nạn ở Hoa Kỳ, có status: “Tù nhân chính trị, có nên nhận tội”.
Theo đó, luật sư Mạnh cho biết, tra tấn không chỉ xảy ra trong trại giam, mà còn xảy ra ngay tại trụ sở công an phường, xã, ấp… với hàng vài trăm trường hợp “Chết ở đồn công an” đã từng được ghi nhận… Tuy Chính quyền hoặc công an chối tội, nhưng những dấu tích tra tấn, dùng nhục hình vẫn hiển hiện rõ ràng trên thi thể người chết, gồm cả vỡ xương sọ, gãy xương sườn, tứ chi tím bầm, lục phủ ngũ tạng bị dập nát.
Một thống kê chính thức vào năm 2015 đã gây sửng sốt dư luận. Chỉ trong 3 năm trước đó, ghi nhận có đến 226 người đã chết trong quá trình giam giữ. Sau đó, những con số thống kê tương tự không còn được công bố công khai nữa.
Cho dù năm 2013, chế độ Cộng sản ký kết Công ước chống tra tấn Liên Hiệp quốc. Thế nhưng, như hầu hết các Công ước quốc tế văn minh, nhân đạo mà Việt Nam từng ký kết để “làm màu”, giả nhân, giả nghĩa với cộng đồng quốc tế, thì việc buộc họ thực hiện những Công ước ấy cũng khó như hái sao trên trời.
Theo luật sư Mạnh, hầu hết, các bạn dấn thân tranh đấu đều hiểu sự hà khắc của tù đày Cộng sản. Cho nên, không ít người dấn thân tranh đấu đã phải băn khoăn về lựa chọn cách hành xử như thế nào khi phải sa vào vòng lao lý của Cộng sản?
Luật sư nhận xét, lựa chọn hành xử như thế nào cũng có tính cách 2 mặt:
- Giữ trọn khí tiết thì đòn tra tấn sẽ tàn độc, thâm hiểm hơn. Giai đoạn tạm giam là khoảng thời gian địa ngục trần gian sẽ bị kéo dài hơn. Thân nhân không được thăm gặp cho đến khi xét xử xong. Án tù dài hơn. Nhưng đổi lại, công chúng “hài lòng”.
- Nhanh chóng nhận tội sẽ không bị tra tấn. Giai đoạn tạm giam ngắn hơn và được hưởng một số biệt đãi như: Sớm được thân nhân thăm gặp, lãnh quà thăm nuôi dễ dãi hơn. Án tù sẽ ngắn hơn. Nhưng công chúng “phiền lòng”.
Lựa chọn thứ 2 còn có một ích lợi khác là sớm được trả tự do trước thời hạn thụ án, để tiếp tục trở lại hoạt động.
Tác giả cho hay, trong khá nhiều trường hợp, tác giả thường khuyên thân chủ chọn giải pháp trung dung là sẵn sàng thừa nhận hành vi, nhưng không nhận tội.
– Thừa nhận hành vi: Tức là thừa nhận công việc mình làm, như tài khoản trang mạng xã hội, hoặc tác giả bài viết… Vì thực tế, có từ chối hành vi, hoặc thậm chí Cơ quan An ninh Điều tra không có chứng cứ rõ ràng thì họ vẫn buộc tội và tuyên án. Nhưng ít nhất, bằng việc thừa nhận hành vi, thì tù nhân còn có khả năng được cân nhắc giảm nhẹ hình phạt rất đáng kể.
– Không nhận tội: Một mặt thừa nhận hành vi, nhưng mặt khác tù nhân có thể không nhận tội (tức không vi phạm pháp luật), nại ra rằng mình chỉ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, hoặc quyền tự do biểu tình do Hiến pháp quy định mà thôi.
Luật sư Mạnh cho biết thêm, trong bối cảnh đàn áp khốc liệt của chế độ Cộng sản, việc một người chấp nhận dấn thân hoạt động, đấu tranh hoặc lên tiếng cho những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền là sự can đảm và hy sinh rất lớn.
Họ sẽ phải bị đánh đổi nhiều thứ, từ sự an toàn pháp lý lẫn an toàn thân thể của bản thân, người thân; Công việc làm ăn bị đình đốn; Nơi ở bị xâm phạm, sách nhiễu, theo dõi hoặc bị trục xuất (nếu ở thuê); Bạn bè, người thân xa lánh như tội phạm…
Cho nên, lời khuyên của luật sư Mạnh đối với nhiều trường hợp nếu phải sa vào vòng lao lý, thì quyết định hành xử như thế nào là quyền của tù nhân khi phải cân nhắc giữa nhiều lựa chọn, mà không có lựa chọn nào hoàn hảo cả. Hoặc trong nhiều trường hợp, là không có sự lựa chọn nào cả với những trò thú tính tàn độc của đám điều tra viên.
Nếu muốn hành xử cho vừa ý, thì hãy tự mình dấn thân, hãy tự mình nhập cuộc để làm tấm gương mẫu mực cho công chúng ca ngợi, trầm trồ…
Minh Vũ – thoibao.de