Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn được dùng làm vũ khí loại bỏ các đối thủ!

Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, năm 2024 được đánh dấu là năm, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm bắt đầu lên nắm quyền cao nhất trong Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đáng chú ý, ông Tô Lâm tuyên bố vẫn tiếp tục duy trì công cuộc đốt lò của cố Tổng Bí thư Trọng, và tiếp tục xử lý các sai phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ”, với mục đích nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng.

Theo báo cáo của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, trong năm 2024, Đảng Cộng sản đã tiến hành kỷ luật “410 tổ chức đảng và 17.562 đảng viên”. Trong đó có 71 đảng viên cấp cao do Trung ương quản lý.

Đầu năm 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã thẳng tay xử lý kỷ luật một loạt lãnh đạo cấp cao trong hàng “Tứ trụ”, bị cáo buộc dính líu tới các vi phạm liên quan đến vấn đề tham nhũng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 94 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo giới quan sát, việc kỷ luật hàng loạt các cựu lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam trong năm 2024, đã phản ánh những thay đổi quan trọng trong cấu trúc quyền lực, và chính sách nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi cố Tổng Bí thư Trọng qua đời, công luận trong nước cũng như quốc tế đã bày tỏ sự hoài nghi về công cuộc “đốt lò”. Một số ý kiến cho rằng, việc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể tiếp tục trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài có thể giảm dần do thiếu sự lãnh đạo quyết liệt.

Hơn nữa, trong quá khứ, người đứng đầu của Bộ Công an Việt Nam cũng không phải là một lãnh đạo trong sạch.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam, được xem là hành vi tổ chức vi phạm luật pháp quốc tế của chính quyền, đã làm tổn hại quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức. Sự kiện này đã khiến truyền thông quốc tế đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, và đạo đức lãnh đạo của ông Tô Lâm.

Ngày 19/12, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa yêu cầu tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức đảng và đảng viên “có dấu hiệu vi phạm”, đặc biệt là, phải “giải quyết dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại, nhất là các đơn thư có liên quan đến nhân sự cấp ủy khóa tới trước đại hội”.

Đây là những dấu hiệu cho thấy sự quyết liệt trong cuộc đấu đá tranh giành trước Đại hội Đảng 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam, liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự “chủ chốt” cho ban lãnh đạo cấp cao.

Bộ máy tuyên truyền của nhà nước trong thời gian qua, đã đánh giá và cho rằng những kết quả trên phản ánh nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc đấu tranh chống tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng quốc tế.

Nhưng truyền thông quốc tế coi đó là biểu hiện của cuộc đấu đá, tranh chấp quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục đích dọn đường cho ông Tô Lâm lên nắm quyền người đứng đầu của Đảng – một vị trí quyền lực cao nhất trong Đảng.

Công luận trong nước cũng lo ngại về tính minh bạch và động cơ chính trị đằng sau các quyết định vừa kể. Theo đó, việc kỷ luật các cựu lãnh đạo cấp cao này đã phản ánh nỗ lực của ông Tô Lâm trong việc thâu tóm và củng cố quyền lực, bằng cách mượn danh chiến dịch chống tham nhũng.

Đại hội Đảng 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 1/2026. Như vậy, năm 2025 sẽ là năm “bản lề” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng công tác chuẩn bị nhân sự “chủ chốt”.

Chắc chắn vũ khí chống tham nhũng sẽ được Tổng Bí thư Tô Lâm tận dụng triệt để nhằm loại bỏ các đối thủ. Chúng ta hãy cùng chờ xem!

 

Trà My – Thoibao.de