Có phải Nguyễn Hòa Bình “khéo léo” đẩy Tô Lâm vào tâm bão căm thù?

Ngày 21/12, tại Hội nghị Tổng kết ngành nội vụ, ông Nguyễn Hòa Bình – Phó Thủ tướng, đã rất khéo léo khi công bố con số, khoảng 100.000 người sẽ bị loại ra khỏi bộ máy, do chính sách tinh giản biên chế của ông Tô Lâm.

Điều này cho thấy, ông Bình nghiên cứu rất kỹ chính sách của Tô Lâm, đến mức, thống kê được con số sẽ bị tinh giảm, khi kế hoạch này vẫn còn trên giấy. Với giới quan chức – công chức ăn lương nhà nước, số liệu mà ông Bình đưa ra, sẽ giúp họ chuẩn bị tinh thần trước khi biến cố ập đến.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình – người từng nhẫn tâm chấp nhận những vật chứng mua ngoài chợ, để kết tội chết một tử tù, chỉ vì lợi ích chính trị của bản thân, thì không thể ngây thơ khi công bố những số liệu kia. Những điều ông Bình nói ra, đặc biệt là chính sách có liên quan đến các nhân vật quyền thế nhất hiện nay, thì cần phải đánh giá về động cơ chính trị của ông nói riêng và giới chóp bu nói chung.

Với người đang nắm giữ cả Bộ Công an đông đảo và quyền lực như Tô Lâm, có lẽ, không ai đủ can đảm dám công khai chống chính sách “tàn sát đồng chí” của ông. Tuy nhiên, họ có thể “tương kế tựu kế”, khéo léo phản công lại, bằng cách này hay cách khác. Cụ thể, Chủ tịch nước Lương Cường và Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc từng kéo nhau sang Bộ Công an, để thúc ép Bộ này thực hiện “tốt” chính sách của Tô Lâm, với ý đồ: anh đánh tôi, thì tôi cũng buộc anh phải đánh anh.

Mới đây, bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lại tuyên bố “không để ai bị bỏ lại phía sau”, và số ban ngành của cơ quan mới sáp nhập, có thể nhiều hơn cơ quan cũ. Đây không phải là cách chống lại chính sách của Tô Lam sao?

Giờ đây, ông Nguyễn Hòa Bình lại công khai con số khủng – 100 ngàn “đồng chí” sẽ bị đạp đổ chén cơm. Điều này có lẽ sẽ khiến những “đồng chí” có nguy cơ bị loại, sẽ rất căm thù người muốn đạp đổ chén cơm họ. Liệu rằng, đây có phải là âm mưu của ông Phó Thủ tướng người Quảng Ngãi này, trước một Tô Lâm đầy quyền lực hay không?

Được biết, ông Bình là thành viên Ban Bí thư dưới thời ông Trọng. Sau khi ông Tô Lâm tiếp quản ghế Tổng Bí thư, thì ông Bình là một trong 3 người “đào thoát” khỏi Ban Bí thư. Hai người còn lại là ông Lương Cường và bà Bùi Thị Minh Hoài. Những người “đào thoát” sớm, rất có khả năng là những người không dung nạp nổi luật chơi của ông Tô Lâm, tại nơi họ từng công tác.

Con số 100 ngàn chén cơm sẽ bị đạp đổ này, sẽ gây hoang mang cho những người có khả năng bị loại. Sau khi chính sách được thực hiện, những người bị loại có thể sẽ chuyển từ hoang mang sang căm thù. Không chỉ có họ, thành phần được bám trụ cũng không dễ chấp nhận chính sách này. Bởi khi phải cạnh tranh, chắc chắn họ phải bỏ ra rất nhiều tiền để giữ chỗ. Nếu tổng hợp cả số người ấm ức vì bị mất tiền, và số người bị loại bỏ, hẳn là cực lớn.

Những người chịu thiệt hại trực tiếp, sẽ rất căm Tô Lâm. Nếu trong Đảng nổi lên một thế lực mới nào đó, đủ khả năng chống lại Tô Lâm, thì những người chịu uất ức vì Tô Lâm, sẽ không do dự mà quy tụ về dưới trướng.

Trên bàn cờ chính trị, rất cần những đòn đánh trá hình như thế. Từ chính sách của Tô Lâm, những thế lực chính trị chống đối cần “tương kế tựu kế”, để chống lại kẻ đang “lộng hành” trong Đảng. Nếu không, họ sẽ bị hạ.

Tô Lâm đang thể hiện là người mạnh mẽ hơn cả ông Nguyễn Phú Trọng. Ắt hẳn, ông Tô Lâm sẽ không dừng lại ở chính sách thanh trừng này, nếu chính sách này mang lại thành công. Và tất nhiên, một khi chính sách của Tô Lâm thành công, thì hầu hết mọi thế lực đều bị tổn thương nguyên khí, trừ nhóm Hưng Yên của ông Tổng Bí thư.

 

Trần Chương – Thoibao.de