Báo BBC Tiếng Việt ngày 19/12 cho hay “Người tố giác lỗi trong xe điện VinFast bị trả đũa”. Bài báo cho biết, một kỹ sư cơ khí người Anh tên Hazar Denli, bị VinFast trả thù, vì ông đăng tải trên trang Reddit các lo ngại về việc các thiết kế của xe điện VinFast có thể đe dọa tính mạng.
Vị kỹ sư này cho biết, trong quá trình lái thử nghiệm các nguyên mẫu, do Tata Technologies thiết kế cho Vinfast, ông phát hiện, các bộ phận trong khung gầm của xe, kể cả hệ thống treo, không được thiết kế đúng cách.
Đáng chú ý, trước đó, vụ tai nạn xe VinFast tại Mỹ, đã cướp đi sinh mạng của cả gia đình 4 người, cũng được cho là liên quan đến lỗi kỹ thuật.
Làm ra các sản phẩm lỗi, bị nhắc nhở thì lại tìm cách trả thù, thay vì cải tiến – cách hành xử này rất quen, vì chính là cách mà chính quyền Cộng sản đối xử với người bất đồng chính kiến. Một bộ máy sâu mọt, hỏng hóc, ngày càng bào mòn sức dân, đưa đất nước đi lạc hướng với đà tiến bộ của nhân loại. Nhưng khi bị những nhà bất đồng chính kiến chỉ ra lỗi, thì lại dùng công an và tòa án để trả thù.
Việc VinFast dùng công an để trả thù người tố cáo lỗi của dòng xe này, đã không còn là chuyện xa lạ đối với người Việt Nam. VinGroup, VinFast và hệ sinh thái của họ đối xử độc tài với nhân viên, công an trị với khách hàng. Liệu, sẽ còn bao nhiêu khách hàng bỏ tiền ra mua một chiếc xe đầy lỗi kỹ thuật, để thể hiện “lòng yêu nước” nữa?
Nay, ông Phạm Nhật Vượng xuất khẩu khuôn mẫu doanh nghiệp độc tài và công an trị của VinFast ra thế giới. Ở Việt Nam, đây được xem là lợi thế cạnh tranh của họ, nhờ được cả hệ thống tuyên giáo PR, và Bộ Công an luôn sẵn sàng “nghiêm trị” bất kỳ một sự phàn nàn nào. Tuy nhiên, ra sân chơi toàn cầu, VinFast cần phải theo luật chơi chung, chứ không thể mang “bàn tay sắt” từ Việt Nam ra theo.
Tại Việt Nam, VinFast có thể làm được những chuyện “kỳ lạ”, như: 1 xe VinFast bỗng hóa than trên đường, nhưng lại xuất hiện “thư tuyệt mệnh” của chủ xe còn nguyên vẹn.
Nếu ở nước ngoài, thì không thể có chuyện “phi thường” như thế xảy ra, mọi vấn đề đều phải được làm sáng tỏ bằng những bằng chứng thuyết phục. Hơn nữa, ở nước ngoài, hiệp hội bảo vệ khách hàng rất có trách nhiệm với người tiêu dùng, chứ không đi phò những doanh nghiệp bất chính, để đè bẹp người tiêu dùng thấp cổ bé họng, như những hiệp hội do Đảng tạo ra ở Việt Nam.
Ở các nước dân chủ, chuyện khách hàng thấp cổ bé họng thắng một tập đoàn kinh tế lớn, là không hiếm. Chỉ cần có bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi, thì chẳng ai có thể dùng tiền để bẻ cong công lý.
Việc chèn ép, trả thù một cựu kỹ sư của chính công ty, vì bị chỉ ra lỗi kỹ thuật, không những coi thường đội ngũ trí thức làm việc cho họ, mà VinFast còn coi thường cả khách hàng, coi thường sinh mạng của những người bỏ tiền tỷ ra để mua sản phẩm của họ. Hành động này chẳng khác nào tự phá hủy thương hiệu.
Việc xảy ra lỗi kỹ thuật ở một loại xe nào đấy, không phải là chuyện hiếm. Thậm chí, có những hãng xe hàng đầu thế giới, có tuổi đời 100 năm, vẫn phải triệu hồi hàng vạn xe về để sửa lỗi kỹ thuật. Các thương hiệu lớn luôn cố gắng để làm ra loại xe hoàn thiện nhất có thể. Tuy nhiên, nếu rủi không hoàn thiện, thì họ thể hiện trách nhiệm với khách hàng một cách thiện chí. Việc này giúp họ không những không mất điểm, mà còn được điểm trước khách hàng. Sự tử tế của nhà sản xuất, trách nhiệm, và trên hết là việc coi trọng sự an toàn của khách hàng, là con đường bền vững xây đắp nên những thương hiệu lớn.
Sân chơi thế giới không có chỗ cho doanh nghiệp độc tài nhỏ nhen, nếu không thể hòa nhịp cùng thế giới văn minh, cả nền chính trị cũng sẽ bị đào thải, chứ nói gì đến một doanh nghiệp?
Trần Chương – Thoibao.de