Ai đang phát động Chủ nghĩa Dân tộc Cực đoan?

Ngày 12/9, Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên trang Facebook cá nhân bài “Chiến dịch phát động Chủ nghĩa Dân tộc Cực đoan”.

Theo tác giả, một loạt sự việc vừa qua cho thấy, hiện tượng Dân tộc Cực đoan đang phát sinh trong lòng xã hội Việt Nam, không chỉ đơn lẻ, mà là cả một chiến dịch có tổ chức, mục đích hẳn hoi.

Về bản chất, Chủ nghĩa Dân tộc Cực đoan như chính tên gọi, đã phản ánh tính chất tiêu cực của chúng. Vì chúng bao hàm tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thiển cận, gây chia rẽ, kích động thù hằn dân tộc trong nội bộ quốc gia, và cũng là tiền đề cho khả năng gây bất ổn, tạo nguy cơ xung đột, nội chiến, hoặc chiến tranh trên bình diện khu vực hoặc quốc tế.

Tác giả chỉ ra, trên thế giới, từng có Đức Quốc Xã chủ trương cổ súy cho Chủ nghĩa Dân tộc Cực đoan, mà cái giá phải trả sau đó cho nền hòa bình thế giới cực đắt, cả cho nước Đức và thế giới khi ấy.

Ở xã hội Việt Nam, tác giả xâu chuỗi ít nhất 5 sự kiện liên hoàn:

  • Sơn phủ cờ đỏ trên mái nhà;
  • Tấn công vào giới nghệ sĩ có liên quan đến cờ vàng;
  • Tấn công vào trường Đại học Fulbright Việt Nam;
  • Tấn công vào nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh;
  • Quân đội lên tiếng bảo vệ tư tưởng của Đảng;

Cho thấy sự biểu hiện của Chủ nghĩa Dân tộc Cực đoan, theo một chiến dịch đang được phát động, có mục đích hẳn hoi, có tổ chức điều phối nhịp nhàng.

Tác giả đặt vấn đề: Vậy mục đích của chúng là gì? Và chúng là ai?

Mục đích:

Cả 5 sự kiện đều đề cao giá trị của cờ đỏ và tư tưởng Cộng sản, tấn công vào những giá trị liên quan đến cờ vàng và phương Tây. Mục đích là: Yêu cầu giữ cho được sự chuyên chính Cộng sản, và tiếp tục chủ trương chống phương Tây.

Chúng là ai:

Tất nhiên, chính là những kẻ hưởng lợi.

Tác giả phân tích, thế lực mới cầm quyền của ông Tô Lâm không hưởng lợi gì, nếu không muốn nói rằng, họ đang bối rối. Vì cuộc tấn công này diễn ra ngay trước thềm chuyến công du của ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ, lần đầu tiên với tư cách nguyên thủ quốc gia.

Điều này giải thích cho việc, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao phải nhanh chóng lên tiếng bênh vực trường Đại học Fulbright, ngay sau khi trường này bị tấn công, và buộc kênh Truyền hình Quốc phòng phải gỡ video đã phát.

Tác giả nhận xét, giả thiết rằng, ông Tô Lâm là người cải cách nghiêng về phương Tây, thì chính ông cũng là người bị tấn công. Thế lực phát động chiến dịch tấn công lưu ý ông về những giá trị Cộng sản sắt máu, mà ông phải có bổn phận bảo vệ.

Vẫn theo tác giả, có ít nhất 3 đối tượng hưởng lợi:

  1. Các đối thủ chính trị bị thất sủng trong Đảng của ông Tô Lâm.
  2. Nhóm quân đội: Thể hiện qua sự tấn công vào trường Đại học Fulbright Việt Nam của kênh Truyền hình Quốc phòng; qua nhóm dư luận viên nằm dưới quyền điều hành của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa; và vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội về chống “Diễn biến hòa bình”.
  3. Trung Cộng: Tuy 5 cuộc tấn công kể trên không đả động gì đến Trung Cộng, nhưng việc tấn công vào các giá trị phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ, là có lợi cho Trung Cộng và phe nhóm thân Trung Cộng trong Đảng.

Tác giả cho rằng, những điều này cho thấy, quân đội đang nỗ lực tìm kiếm một vị thế đáng kể hơn, trong hệ thống chính trị. Một mặt, họ lên tiếng bảo vệ tư tưởng của Đảng, như cách giữ tính chính danh cho mình; mặt khác, họ sử dụng các nguồn lực trong tay để tấn công vào mọi biểu hiện “Diễn biến hòa bình”…

Tác giả đặt câu hỏi, phái quân đội chủ động làm điều này, hay ẩn sau đó là sự thúc đẩy bởi bạn vàng phương Bắc?

Bất luận thế nào, thì sự xuất hiện của Chủ nghĩa Dân tộc Cực đoan chưa bao giờ mang lại điều tốt lành, trái lại, chúng chỉ mang lại tai ương, cho cả những kẻ chủ mưu cổ súy hoặc phát động điều đó.

Quân đội, họ đang đùa với lửa!

 

Quang Minh – thoibao.de