Cơ hội cho chuyển đổi dân chủ không chút lạc quan

Ngày 9/9, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của Doãn An Nhiên, với tựa đề “Dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm: chuyển đổi dân chủ – hy vọng mong manh”.

Tác giả cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng, đang được quan tâm rộng rãi là, liệu tân Tổng Bí thư có cơ hội, hay liệu ông có muốn đặt nền móng cho chuyển đổi dân chủ hay không?

Xuất phát từ bản chất toàn trị của chế độ, và cá nhân người đang nắm giữ quyền lực tuyệt đối, câu trả lời sẽ là “hy vọng mong manh!”

Theo tác giả, có nhiều cơ sở lý luận và thực tế cho câu trả lời như trên. Chẳng hạn, giới quân sự có ưu thế quyền lực trong Chính phủ Miến Điện, đã xoá bỏ chế độ dân chủ đã được dẫn dắt bởi bà Aung San Suu Kyi – Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ NLD, người được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991. Hiện bà vẫn đang bị cầm tù!

Tác giả nhấn mạnh, độc tài và dân chủ, như nước với lửa, không thể tồn tại song song trong một chế độ.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chế độ độc đảng toàn trị dựa trên hệ tư tưởng Cộng sản của Chủ nghĩa Marx – Lenin, và việc, một Đại tướng Công an lên nắm quyền Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, là chưa có tiền lệ. Điều này tạo ra nhiều suy đoán trái chiều trong dư luận.

Tác giả cho biết, các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền, cho rằng, người đứng đầu ngành an ninh phải chịu trách nhiệm, trong việc một số sự kiện về tự do tôn giáo tín ngưỡng, dân tộc, xã hội dân sự, các nhà hoạt động bị đàn áp. Bởi vậy họ “bi quan” rằng, tình hình sẽ xấu đi.

Một số ý kiến mong rằng, tình hình sẽ được cải thiện, khi có sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo, trong bối cảnh hệ thống chính trị đang khủng hoảng bởi tham nhũng nghiêm trọng, và tha hoá đạo đức, lối sống, của các cấp lãnh đạo từ thấp nhất đến cao nhất.

Tác giả lưu ý, những nghiên cứu và thực tế tồn tại của chủ nghĩa toàn trị, đã cho biết, bản chất của mô thức đảng – nhà nước toàn trị, là một sự tương phản với chế độ dân chủ.

Ý thức hệ “Cộng sản giáo” điều khiển con người xa rời thế giới của trải nghiệm sống, làm cạn kiệt trí tưởng tượng, từ chối sự đa dạng, và xóa bỏ khoảng cách giữa con người, vốn cho phép họ liên hệ với nhau một cách có ý nghĩa.

Vẫn theo tác giả, một câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào mà chế độ toàn trị có nhiều hành động đàn áp dân chủ, nhân quyền, lại vẫn “truyền cảm hứng” cho dân chúng như vậy.

Ở Việt Nam, trong những thời khắc thay đổi quyền lực lãnh đạo, có một số sự kiện nóng trong xã hội, khiến công luận chú ý, và chia rẽ về thái độ phản ứng.

Đó là: Một số ca sĩ Việt Nam đã phải “xin lỗi”, trước áp lực của cộng đồng, sau khi biểu diễn ở Mỹ, trên sân khấu có cờ Việt Nam Cộng hoà; sự cáo buộc “cách mạng màu” đối với Đại học Fulbright Việt Nam, do Mỹ giúp đỡ thành lập, khiến cho Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng; sự bày tỏ suy nghĩ riêng về Đảng cầm quyền, của một thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia, bị “ném đᔓvô ơn”, và phải làm việc với công an tỉnh Yên Bái; cựu Thứ trưởng Ngoại giao viết tâm thư cho tân Tổng Bí thư Tô Lâm, kêu gọi cải cách thể chế chính trị “toàn diện và triệt để”.

Tác giả đánh giá, dù những sự kiện như vậy là có “chỉ đạo” hay tự phát, thì ý thức hệ giáo điều vẫn và sẽ là lực cản lớn nhưng “vô hình”, cho quá trình dân chủ hoá, và sự phát triển bền vững nói chung của đất nước.

Dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, liệu có thể mong chờ ông đặt sự khởi đầu mới cho chuyển đổi dân chủ?

Nỗi ám ảnh về “ý thức hệ và khủng bố” đã và đang đeo đuổi sự cải cách thể chế nói riêng, và sự phát triển đất nước nói chung, khiến cho hy vọng trở nên mong manh.

 

Quang Minh – thoibao.de