Công cuộc chống tham nhũng sẽ không giảm, mà còn quyết liệt hơn

Ngày 6/5, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận ‘“Đòn hồi mã thương” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, của Blogger Trần Hiếu Chân.

Tác giả dẫn lời người phát ngôn Bộ Công an – Trung tướng Tô Ân Xô, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 4/5, rằng:

“Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng Bí thư về một số vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng Bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”

Theo Tướng Xô, Tổng Bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…

Theo tác giả, thông điệp của Tổng Bí thư tuy không mới, nhưng khá nổi bật. lần đầu tiên, người dân được nghe Đảng trưởng nhắc đến “tinh thần thượng tôn pháp luật”. Và dường như, đấu tranh chống tham nhũng tới đây sẽ không thuyên giảm, mà sẽ “quyết liệt hơn”.

Tác giả đánh giá, đây có thể là “đòn hồi mã thương” bí truyền của ông Tổng. Bởi suốt thời gian gần đây, ông Trọng hầu như im lặng, trước những lãnh đạo vừa “bị trảm”, mà dư luận coi đó là những “thái tử” được ông chọn để trao lại “vương quyền”. Ông Trọng phải lên tiếng, dù gián tiếp, để dẹp những “lời ong tiếng ve”, rằng cuộc chống them nhũng đã thất bại, rằng ông bị kẻ khác tiếm quyền, thao túng chính trường…

Nhưng, vẫn theo tác giả, lời nguyền “thượng tôn pháp luật” của ông Trọng có thể bị phản đòn! Không có vùng cấm, nhưng lại có “nhiều vùng né”! Vụ AVG mà ông Tô Lâm, với hàm Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng đã ký 3 công văn, đóng dấu “Tuyệt Mật” để lấp liếm sự việc, liệu có bị hồi tố? Rồi vụ ông Tô Lâm bay sang Đức, bắt nghi can Trịnh Xuân Thanh trên đất bạn, làm hỏng quan hệ Đức – Việt, ai chịu trách nhiệm? Chưa kể đến những vụ công an “bắn nhầm dê” của dân; vụ công an bắt cóc trẻ con đòi tiền chuộc; và những vụ phạm pháp khác của cán bộ công an.

Tác giả đề cập đến một đại án khác đang ló dạng, đó là vụ án xảy ra tại Dự án Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng; khiến C03 đã phải khởi tố, bắt giam ông Mai Tiến Dũng – nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ngày trong ngày lễ 30/4.

Tác giả nhận định, “siêu dự án” Đại Ninh đã khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vướng vòng lao lý. Như một “vết dầu loang”, nó lại “chảy” ngược lên thượng tầng Ba Đình. Theo những nguồn tin không thể tiết lộ danh tính, vụ đại án mang tên Đại Ninh, đang và sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy trong việc chọn cả Chủ tịch nước lẫn Chủ tịch Quốc hội.

Tác giả phân tích về “những điều lạ lùng” đang diễn ra, khi mà cả 2 vị trí Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đều đang để trống, và việc ngay cả báo chí nhà nước cũng không thể “tiếp cận hiện trường” các kỳ họp của Đảng và Quốc hội vừa qua.

Theo đó, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, tuy chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng vẫn được cử vào ghế Quyền Chủ tịch nước. Trong khi, ông Mẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, cương vị trong Đảng cao hơn, nhưng chỉ “được phân công điều hành” các hoạt động của Quốc hội, cho đến khi bầu lại Chủ tịch Quốc hội. Và bà Trương Thị Mai chưa thể nhận chức vụ cao hơn, theo lời đồn, bởi ông Tổng chưa tìm được người đủ tin cậy để thay thế các chức vụ hiện nay của bà.

Cuộc thương lượng giữa các phe phái, do đó, vẫn còn đang tiếp tục.

Tác giả dẫn đánh giá của VOA rằng:

“Sự ra đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người thứ 3 trong “Tứ trụ” Việt Nam… đang cho thấy sự khủng hoảng về người kế nhiệm lãnh đạo Đảng và phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu, cũng như đấu đá nội bộ, theo nhận định của giới quan sát và truyền thông quốc tế.”

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023