Nỗ lực chống tham nhũng của Tổng Trọng chỉ là múa võ sơn đông

Ngày 5/4, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Nguyễn Nhơn với tựa đề “Sự nghiệp cuối đời hay cụ Tổng đang múa võ sơn đông?”

Theo tác giả, có lẽ nhiều người dân kính phục và tôn sùng ông Trọng như vị anh hùng chống tham nhũng quyết liệt nhất từ trước đến nay.

Thế nhưng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại không phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, khi để hàng loạt cấp dưới trực tiếp sai phạm.

Như vậy, tác giả mỉa mai, ông Trọng là anh hùng. Nhưng là anh hùng không phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.

Đấy là mâu thuẫn lồ lộ, một nghịch lý mồn một, nhưng được mặc nhiên chấp nhận.

Nhưng có lẽ, cái tính chất lập lờ hai mặt, nửa nạc nửa mỡ ấy, mới chính là đặc điểm của nền chính trị Việt Nam.

Tác giả cho hay, phương pháp chống tham nhũng của ông Trọng là trừng trị quan chức dính chàm, đồng thời kêu gọi, hô hào các quan chức của Đảng và Chính phủ phải làm gương, nêu cao đạo đức, danh dự, thanh liêm, trong sạch… Nhưng chính phương pháp này lại là một sự vô lý khác.

Ở mặt phải, nó chứng tỏ quyết tâm trừng trị tham quan và cảnh cáo mối quan hệ đen truyền thống quan chức – thương gia. Nhưng ở mặt trái, nó phản ánh sự bất lực của chính chủ trương chống tham nhũng, đồng thời, bộc lộ nguyên nhân bản chất của nạn tham nhũng.

Tác giả cho rằng, nguyên nhân của tham nhũng ở Việt Nam thì ai cũng thấy: Nó là mâu thuẫn giữa quy định về trách nhiệm/nghĩa vụ của cán bộ đảng viên, với phúc lợi chính thức họ nhận được. Một bí thư, chủ tịch cấp tỉnh muốn phát triển kinh tế địa phương, nhiều khi phải mạo hiểm với những chính sách, với ý kiến chỉ đạo của nhiều nhân vật không liên quan và không chịu trách nhiệm. Thế nhưng, một cán bộ lãnh đạo bằng quyết định (mạo hiểm) và trí tuệ của mình, có thể đem lại lợi ích chung cho địa phương hàng ngàn tỷ đồng, còn bản thân họ chỉ được phép nhận đồng lương tối đa khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Tác giả nhận xét, điều đó, dĩ nhiên là không công bằng. Trong thâm tâm tuyệt đại đa số cán bộ đều nghĩ như thế. Còn những doanh nghiệp được hưởng lợi thì không cần nghĩ nữa, họ bù đắp sự bất công ngay bằng phong bì, hoặc bỏ vào thùng xốp…

Còn người dân (nói chung) thì thiết thực và sòng phẳng. Dân sẵn sàng chi tiền cho cán bộ, để được giải quyết công việc ổn thỏa trong quy định của pháp luật. Vẫn theo tác giả, thực tế xã hội Việt Nam đã vận hành như thế suốt mấy chục năm nay, bất kể các cuộc hô hào, các cao điểm chống tham nhũng hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác.

Thế nhưng, Đảng dứt khoát không chấp nhận thực tế ấy.

Thế cho nên, nó là điểm chết của toàn bộ các chủ trương chính sách chống tham nhũng từ xưa đến nay, và từ nay đến mãi mãi về sau nữa.

Tác giả bình luận, bản chất của tham nhũng là lợi ích vật chất, nhưng Tổng Trọng chỉ nêu cao ý thức đạo đức, danh dự, trách nhiệm với Đảng, với tổ quốc, với nhân dân… Lương công chức viên chức cũng tăng, nhưng chẳng bù với giá tăng.

Mà đói thì đầu gối phải bò. Vô số cán bộ đảng viên phải bò bằng các cách bán đủ thứ, từ bán hàng online, bán sức lao động, đến bán chất xám… Và những người khôn nhất thì đương nhiên bán chữ ký lấy tiền.

Tác giả đánh giá, đấy là cái động cơ khổng lồ, chi phối toàn bộ hành động của bộ máy nhà nước. Đem danh dự đảng viên hay sự gương mẫu để buộc nó quay ngược lại, thì khác nào thổi hoa giấy ngược gió, mà đòi phải trúng hồng tâm của tấm bia di động.

Tránh né điểm mấu chốt này, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng không thể đạt hiệu quả thực sự, như bộ máy truyền thông nhà nước tung hô. Nó chỉ có thể khiến cỗ máy tham nhũng quay chậm lại một chút, rồi sau đó sẽ phục hồi, thậm chí còn quay nhanh hơn để bù lại những gì đã mất.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023